Friday, March 29, 2024

Hoa nở muộn (Kỳ 7)

 


Trong thơ, ông viết hoa chữ Thu.


Chẳng là vì vợ ông tên Thu mà. Ông đưa cho bạn bè đọc thử, mọi người lịch sự gật gù khen ông làm thơ hay. Vì ai nỡ làm đau thêm trái tim đang rướm máu của một anh thi sĩ gàn.


Ông hứng chí chạy tới gặp người quen, vốn là chủ nhân của tờ báo Việt-Phi News, một tờ báo biếu free chỉ phát hành trong phạm vi thành phố ông ở, Chủ nhân tờ báo đang sống khá giả nhờ được nhiều quảng cáo của đồng hương. Vì nể ông là người quen, tòa soạn cũng đăng bài thơ của ông.


Vì vậy, tuy chưa bao giờ có tập thơ nào xuất bản, mặc dù chỉ là để tặng biếu miễn phí cho người ta. Nhưng cộng đồng người Việt trong thành phố vẫn luôn luôn thấy ông xuất hiện trên sân khấu trong những dịp cá nhân, hay hội đoàn nào đó tổ chức những trương trình văn nghệ. Ông xuất hiện không phải với vai trò ca sĩ cây nhà lá vườn, lên xin góp vui vài bản nhạc. Ông cũng không phải là người được ban tổ chức mời làm MC, người điều kiển trương trình mà là ông xuất hiện với danh tánh nhà thơ, một nhà thơ thời đại. Sau nhiều lần người đời bị ông hành hạ bằng cách, nhăn nhăn nhó nhó như khỉ bị táo bón trên sân khấu để diễn tả nội dung trong lúc ngâm thơ, người ta cảm thấy rất hạnh phúc nếu như trong những đêm văn nghệ không có phần trình diễn ngâm thơ của ông. Thiên hạ muốn mặc kệ ông, cứ để cho ông tự nhiên sầu một mình là đủ. Sau hơn mười lần được ban tổ chức nhắc nhở là chương trình đã được sắp đặt kín hết, không có chỗ cho thời gian ngâm thơ. Ông âm thầm giã từ sân khấu và rủa người đời bây giờ chẳng có hồn thơ. Thi sĩ Mặc Nhiên Sầu quay sang ngưỡng mộ cổ nhân bên Tàu là đại thi hào Lý Bạch, người luôn luôn là đệ tư của Lưu Linh. Tục xưa truyền rằng, Lý Bạch ngoài chuyện thơ phú ra, ông có cái thú vui là luôn luôn uống rượu cả ngày lẫn đêm, lúc nào cũng say say xỉn xỉn. Lần cuối cùng Lý Bạch trong lúc say rượu, vì muốn cúi xuống múc trăng dưới nước mà ông bị té lộn cổ xuống sông để rồi… ở lại dưới đó với Hà Bá luôn. Vì muốn noi gương bắt chước cổ nhân, lúc nào Mặc Nhiên Sầu cũng say, hoặc giống như là đang say. Phải như vậy mới giống chứ. Mặt mày ông lúc nào ra vẻ cũng bần thần, hoặc sưng sưng ửng đỏ, ngơ ngơ ngáo ngáo đúng y chang như một nhà thơ thực thụ. Không phải là chính Xuân Diệu, một nhà thơ nổi tiếng của nước ta cũng đã từng nói: “Là thi sĩ là ru với gió, Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây….”*** hay sao! Bài thơ “Cảm Xúc” của Xuân Diệu còn dài nhưng với ông, thế là đủ. Từ cổ chí kim, có nhà thơ lớn nào mà không xuất thần ngơ ngơ ngáo ngáo như thằng ngớ ngẩn đâu? Thì bằng chứng là Lý Bạch bên Tàu và Xuân Diệu bên ta đó thôi. Có lần trong lúc nhậu với bạn bè, ông hứng chí xuất khẩu thành thơ, có bài này như sau:


Nhớ người yêu chiều chiều anh ngồi nhậu


Uống nỗi buồn uống cả những vần thơ


Lòng muốn quên mà sao tim vẫn nhớ


Người yêu ơi em giã biệt nơi nào?


Anh nhớ em như mùa đông nhớ nắng


Như trăng vàng ngơ ngẩn nhớ Hằng Nga.


Nhớ em quá anh cầm lòng chẳng đậu


Nên chiều chiều anh… nhậu với bạn anh.


Cứ thế, ông nghiễm nhiên trở thành nhà thơ bất đắc dĩ trong đám bạn ông. Người ta không biết ông thường làm thơ vào lúc nào, chứ hàng ngày gặp ông, mọi người chỉ thấy ông hai tay đút vào túi quần, nhiều người thắc mắc không biết ông cầm cái gì trong đó? Thiên hạ chưa bao giờ thấy ông cầm bút. Có chăng, chiều chiều ông cầm chai bia ngồi nhậu với bạn ông. Chuyện buồn của thi sĩ sắp đến hồi kết thúc vì hôm nay ông có tin vui, vì vui quá nên ông muốn chia sẻ với bạn bè. Chính vì vậy mà mới sáng sớm, ông đã gọi điện thoại rủ ông Thưởng đến nhà hàng của ông Cảnh uống cà phê tán phét đợi đến giờ đi đón niềm vui. Nghe bạn hỏi, ông Cảnh chưa kịp trả lời thì ông Thưởng lên tiếng.


– Về lâu rồi mà chưa hoàn hồn hả? Hôm nay ông có rảnh không?


Ông Cảnh không trả lời bạn liền mà nói:


– A, ngồi chơi, ăn gì không?


– Ăn uống gì giờ này, cho hai ly cà phê đi.


Ông Cảnh ngoắc tay kêu người làm pha cho bạn hai ly cà phê sữa đá rồi quay sang nói:


– Hai ông uống cà phê đi, lúc này tôi chuyển sang uống trà, uống trà buổi sáng thấy có lý hơn vì nếu uống cà phê thì phải dùng đường và sữa, mất công phải lo diet.


Ông Thưởng lên tiếng.


– Ông này hay thật, ăn uống giữ gì kỹ lưỡng đâu ra đấy. Như vậy cũng tốt. Như tôi thì không được, cái gì cũng chơi láng hết. Tôi mà diet thì trong người nó mệt mỏi lắm, chịu không nổi. Dạo này ông còn tập thể dục không?


– Thì cũng bình thường thôi, ông biết mà, mình không giữ gìn thì làm sao mà có sức về Việt Nam cho cái khoản kia.


Nói đoạn cả ba đồng lõa nhìn nhau cười khoái trá. Ông Thưởng tiếp:


– Nhưng mà hôm nay ông biết là ngày gì không, là ngày cuối cùng sống cảnh độc thân của ông Mạc.


Nhà thơ không muốn bạn bè gọi mình bằng tên Sầu, càng không thể mỗi lần nhắc tới ông, phải kêu đầy đủ họ tên là Mặc Nhiên Sầu. Vì vậy, hàng ngày, bạn bè ông vẫn gọi ông bằng cái tên cúng cơm gắn gọn là Mạc. Dù sao thì cái âm đó khi phát âm nghe giống giống tên Mark của Mỹ hơn. Chẳng phải cái gì của ngoại quốc mà đều không hay hơn của Việt Nam? Kể cả cái tên!


Ông Thưởng nói tiếp:


– Hôm nay là ngày quan trọng, là ngày hạnh phúc chấm dứt chuỗi ngày độc thân mồ côi vợ của nhà thơ Mặc Nhiên Sầu, tôi nghĩ sau ngày hôm nay, có thể ông ấy sẽ đổi tên thành Tự Nhiên Vui đấy!


Cậu chạy bàn bê ra hai ly cà phê sữa đá đã được pha sẵn trong ly. Vì là khách quen thường xuyên hay đến chơi với ông chủ nên mọi người làm ở đây đều biết ý họ. Trên khay còn có thêm bình trà và ba cái tách nhỏ, sau khi đặt tất cả các thứ lên bàn, cậu ta lễ phép hỏi:


– Dạ, thưa hai bác có cần gì nữa không ạ?


Ông Cảnh trả lời thay bạn:


– Không, được rồi Tuấn, hai bác chỉ uống cà phê thôi.


Ông Cảnh đẩy ly cà phê tới trước mặt nhà thơ rồi hỏi:


– Chuyện gì vậy? Có chuyện gì mà là quan trọng với hạnh phúc?


Nhà thơ không trả lời liền, ông ta thong thả quậy ly cà phê một cách chậm chạp, rồi múc một muỗng từ từ đưa lên miệng, vừa uống vừa tủm tỉm cười. Lúc này, ông Cảnh mới để ý thấy là từ nãy tới giờ, thi sĩ bạn ông lúc nào cũng tủm tỉm cười một cách dễ dãi với tất cả mọi việc. Với nhận xét của ông, ông có thể mô tả là hiện nay, thi sĩ bạn ông đang có điều gì sung sướng lắm. Một cái sự sướng âm ỉ. Cái sướng đó chưa phải là cái sướng của sự thỏa mãn hay toại nguyện. Ðó là cái sướng của sự trông đợi một hạnh phúc đang gần kề. Ông Cảnh nhìn nhà thơ chờ đợi.


– Ba giờ chiều hôm nay, hạnh phúc sẽ đến với ông ta.


Ông Thưởng nói có ý chọc ghẹo bạn.


– Có gì đâu ông, hôm nay là ngày đoàn tụ sum họp của tôi và em Bích Thủy. Ông chắc còn nhớ mà.


Ông Cảnh à một tiếng rồi nói:


– Nhớ chứ sao không, tôi còn nhớ thời gian đầu hai người mới quen nhau. Lúc ở bên đó mấy lần liền, tôi gọi ông ra nhậu mà ông biến mất tiêu, tôi đoán chắc là con nhỏ đó cao chiêu lắm hay sao mà bạn mình mê mẩn quyên cả bạn bè.


Nói đến đây, ông thấy mình lỡ lời vì đã kêu vợ của bạn mình bằng nó, ông tiếp:


– Ðến khi gặp mặt, tôi mới thấy là thi sĩ, ngoài tài làm thơ ra, ông ấy còn có khiếu thẩm mỹ rất cao. Ông Mạc thật là hên, cô ấy còn trẻ hơn Tuyết của tôi nữa, hơn nữa, ông ấy còn mang qua đây được. Sướng thật.Chồng già vợ trẻ là tiên, các cụ ngày xưa nói không sai. Hèn gì mà nãy giờ cứ ngồi đó mà sướng âm ỉ.


Ông Thưởng bùi ngùi phụ họa:


– Ừ, sướng thật, không biết đến chừng nào con vợ già của mình mới chịu chết mình để mình về bên đó rước một em thơm như múi mít qua đây cạnh tranh với nhà thơ.


(còn tiếp)

MỚI CẬP NHẬT