Friday, March 29, 2024

Ðứng trước một chân trời cũ

 


Cao Mỵ Nhân/Người Việt Utah


 


Trước khi lên đèo Hải Vân, để ra Huế, xe quý vị phải chạy qua cánh đồng cát trắng xóa, thuộc địa phận Nam Ô, nơi có núi đá vôi long lanh ánh bạc dưới nắng mùa Hè, hay thăm thẳm buổi trời sắp sửa vào Thu.


Nếu quý vị đi xe lửa, thì tàu dừng lại ở ga Liên Chiểu, chân đèo Hải Vân bên này, hàng quán lơ thơ buồn lắm. Nam Ô tên đẹp như thế, mà có vị còn kêu Nam Ổ, hay Năm Ổ. Tôi thì cứ khắc khoải nhớ nhung cái vũng chài cô quạnh, mà nó, Nam Ô, thân thuộc với tôi suốt cuộc hành trình lập nghiệp, hay là trưởng thành ở Ðà Nẵng, mặc dầu tôi vốn gốc Bắc Kỳ di cư.


Có nhiều gia đình rời thành phố biển Hải Phòng đến thẳng Tourane, tức Ðà Nẵng, ba tôi lại đi xa hơn, vào Sài Gòn để tái định cư, như thủa nay, người ta bỏ Việt Nam nói chung, miền Nam nói riêng, tới Hoa Kỳ tạo dựng một quê hương thứ hai, sau 30 tháng 4, 1975, cũng nói tái định cư.


Tất nhiên ba tôi là đầu tàu của gia đình, cứ việc tìm kiếm nơi ăn, chốn ở cho cả nhà ở nơi gọi là Hòn Ngọc Viễn Ðông, chúng tôi con cái lớn nhỏ lại đứa nào việc nấy, tự lo phần mình, như thu góp giấy tờ chứng minh trước học ở trường nào, lớp mấy ngoài Bắc xa xôi, để các ban giám đốc trường mới phê chuẩn cho vào học đúng niên khóa đầu tiên ở miền Nam, tức thời gian 1954-1955.


Và tất nhiên, chúng tôi là những người gào thét vang sân trường bài Suy Tôn Ngô Thủ Tướng, sau 1956, thì tựa bài hát này đổi là Suy Tôn Ngô Tổng Thống.


Chúng tôi, lớp học sinh Bắc di cư, có nhiều ưu thế thời đại, tuổi “teen” kiểu bây giờ, năng nổ, hoan ca, luôn được đề cử đi phát động phong trào truất phế vị vua triều Nguyễn cuối cùng, để tôn vinh chí sĩ Ngô Ðình Diệm lên làm tổng thống.


Riêng với tôi, thì phong trào này có vẻ… tích cực lắm, chúng tôi đi bộ khắp các ngả đường, qua luôn quận 5-Chợ Lớn, cứ một câu “Mùng 4 tháng 3, chúng ta đi bầu,” rồi tiếp theo bản ngợi ca “Ai bao năm vì sông núi quên thân mình” đó.


Cho tới bây giờ, khí thế đấu tranh, hay là nhiệt huyết thanh thiếu niên vẫn còn đồng vọng mơ màng. Tôi vừa được xem một đoạn phim thời sự thủa tôi cùng chúng bạn đi hô hào dân chúng miền Nam truất phế vua Bảo Ðại, và suy tôn Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm 57 năm về trước, tôn vinh ngài lên Phủ Ðầu Rồng.


Ðoạn phim chiếu ủy ban sắp xếp việc sang trang lịch sử, xây nền cho chế độ Ðệ I Cộng Hòa, có quý vị tên tuổi trong lãnh vực chính trị: Nguyễn Bảo Toàn chủ tịch, Hồ Hán Sơn phó chủ tịch, Nhị Lang tổng thư ký, vân vân và vân vân.


Mặc dầu đoạn phim mô tả từ 57 năm qua, nhưng phương danh quý vị dẫn thượng, lại khiến tôi như đứng trước một chân trời cũ.


Ngày xưa nhà văn Hồ Dzếnh diễn tả chân trời cũ của riêng ông, là thủa bé thơ ông ở với người mẹ Việt Nam và người cha là khách trú, còn tôi đứng trước một chân trời cũ của chung thiên hạ, chân trời này kéo dài từ 1955 ấy tới 1975 sau này, với phần đất nhỏ hẹp thôi – làng chài Nam Ô nêu ở đầu bài, tôi đã tình cờ biết được mấy sự việc khá ly kỳ.


Trước nhất, nhân vật Nhị Lang tổng thư ký ủy ban đề nghị thay đổi minh chủ, nói theo đại sự là thay đổi lãnh tụ, là người gốc ở Nam Ô.


Năm ấy, tức mười mấy năm sau 1955, tôi đã thay chiếc áo học trò, để trở thành một nữ sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, giữ chức vụ trưởng phòng Xã Hội Bộ Tư Lệnh QÐI/QK1 đồn trú ở Ðà Nẵng, lãnh thổ có biển Nam Ô.



Một ngày trời nắng gắt, có vị trung niên khá phong độ, mang vẻ hảo hán, đến văn phòng Xã Hội Quân Ðoàn I của… tôi, nói rằng: Ông ta tên là Nhị Lang, con rể của nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.


Tôi ngỡ ngàng hỏi:


-Thế ông định đề cập tới việc gì?


Ông Nhị Lang đó nửa thản nhiên, nửa lại có vẻ… quyết liệt, rằng:


-Tôi đến đây nhờ cô xin cho tôi phương tiện lo một đám ma ở Nam Ô vào ngày mai.


Lo đám ma cho gia đình binh sĩ, tử sĩ, v.v… của quân đội là công tác chúng tôi làm, nhưng ông này “civil” tức dân sự, nhờ mà cứ như chỉ định, tôi ngạc nhiên hết sức, hỏi thêm:


-Chúng tôi chỉ lo cho gia đình quân nhân các cấp, tại sao ông dân sự lại đến đây?


Nhị Lang gật đầu:


-Dân sự đồng ý, nhưng tôi là rể của nhà văn Nhất Linh, bà con với nhà văn Duy Lam chánh văn phòng tư lệnh quân đoàn này, Duy Lam nói tôi xuống nhờ Xã Hội lo.


Tôi khẽ à, té ra ông Nhị Lang này đã đến văn phòng tư lệnh, đã gặp Trung Tá Nguyễn Kim Tuấn tức nhà văn Duy Lam, thì cũng chẳng sao, vì Nhị Lang cũng thuộc giới đảng phái, chắc là Việt Nam Quốc Dân Ðảng gì đây – Thôi được, lo thêm một việc xã hội như mọi công tác xã hội mà thôi.


Tôi vốn muốn làm vừa lòng dân chúng địa phương, cũng là công tác dân sự vụ, huống chi lại họ hàng nhà văn lớn Nhất Linh, trong Tự Lực Văn Ðoàn tôi hằng ngưỡng mộ, nên nhận lời giúp ông ta.


Sáng hôm sau, 2 xe GMC và 1 chiếc Jeep của phòng xã hội đã đậu trước nhà ông Nhị Lang ở Nam Ô, đám ma thân mẫu ông, Nhị Lang trong tang phục trưởng nam xô gai, mũ cói, gậy tre phục trước linh cữu, ông biến thành một nam tử phục hiếu mẹ già, nước mắt quanh mi như bao nhiêu quý vị làm con tiễn tử cha mẹ về trời, gởi đất, v.v…


Trở về phòng Xã Hội Quân Ðoàn I/QK1, tôi đã thấy Nguyễn Tường Tâm từ phòng Chính Huấn Quân Ðoàn đứng đợi, Tường Tâm tức bực:


-Ai bảo chị làm vậy, chị có biết cha Nhị Lang ấy hành chị Thư khổ sở sao không, nếu tử tế chị Thư đã ra thọ tang mẹ chồng rồi, hắn làm chị Thư điên dại lâu nay.


Chị Thư, tức ái nữ của nhà văn Nhất Linh, một thời… là phu nhân ông Nhị Lang nêu trên.


Nam Ô với mọi dọc dài kỷ niệm của tôi, chẳng phải vì chuyện Nhị Lang mà tôi nhắc nhở địa danh này, nếu nói về… lịch sử, nhất là quân sử, thì Nam Ô, điểm hẹn đầu tiên để lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đổ bộ, yểm trợ chiến trường trực tiếp ở Quân Khu 1 đầu xuân năm 1964, đồng thời vũng chài Nam Ô, trở nên một thắng cảnh tuyệt vời, đã được ví như Hồng Kông, Thượng Hải miền Trung Việt Nam khi đồng minh tham chiến, hỗ trợ Việt Nam Cộng Hòa sau này.


Trong dịp kỷ niệm Quốc Khánh, thời đệ I Cộng Hòa 26 tháng 10, và lễ giỗ cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm mà nhiều nơi sắp sửa tổ chức, thời gian hơn nửa thế kỷ, đất nước ta mang những nét kỷ bà rối rắm, một bức tranh với hầu hết gam mầu được tận dụng khiến người xem, nhân dân trăm họ thẫn thờ… Làm thế nào để ai cũng nhận ra điều chân chất lý thú, nhân bản Việt Nam.


Thì Nam Ô là một không gian thầm lặng nhất, bãi xưa, biển cũ, ghềnh đá chênh vênh cùng rừng lau trắng ngon bát ngát – ở đấy, người dân chỉ sống yên lành với núi đá vôi và bến chài vắng vẻ.

MỚI CẬP NHẬT