Friday, April 19, 2024

Kẻ tha hương

 


Cao Mỵ Nhân/Người Việt Utah


 


Có tới hai người đóng góp cho tôi viết nên bài này: kẻ tha hương hay trầm tư của một tín đồ. Ngày tôi rời quê mẹ, ra đi tìm quê hương mới, vị giáo sư dạy Pháp văn ở vài trường trung học Saigon, qua giới thiệu thơ văn trước đó, là bạn khá thân với thi sĩ lão thành Hà Thượng Nhân vừa quá cố năm ngoái, tới thăm tôi lần sau cùng, ông ta, giáo sư Pháp văn, gởi cho tôi tờ giấy viết tay: L’exilé của F. De Lamennais, chỉ một trang thôi, chữ viết thật nhỏ hơi nghiêng… nhưng tôi chỉ thích cái đồng hồ, phải nói là rất đẹp, mà vẫn đơn giản như bản tính ông, tặng tôi.


Bên cạnh kỷ niệm nêu trên, là 4, 5 tập bản thảo đã đánh máy, viết về văn chương, văn học Pháp, Anh. Những tác giả cận và hiện đại. Vị giáo sư Pháp văn cứ đinh ninh là tôi giỏi lắm, về cả hai mặt tinh thần và vật chất, ý ông muốn tôi nhờ ai đâu đó, xuất bản giùm ông, vì ông đang kẹt ở quê nhà.


Thú thật bấy giờ, cách đây đã hai chục năm, tôi chỉ mong ước được sớm tới Hoa Kỳ để thay đổi cuộc sống khá hơn, nên nhận thì nhận, mà nào tôi có để tâm vào việc gửi gấm đó đâu. Tôi phải dồn hết tâm trí vào các sinh hoạt trước mặt, như học hành, tìm việc làm chẳng hạn.


Một ngày kia, tôi đã có việc làm, tương đối hợp vơi ý thích của mình, là thư ký văn phòng cho trường thẩm mỹ Redondo Beach, lại cũng do ông bà bạn quen cũ ở Ðà Nẵng xưa, nguyên Trung tá Quân Cảnh Nguyễn Trọng Mạc có thời làm chỉ huy trưởng trại giam tù binh cộng sản ở Non Nước, nay phụ tá cho phu nhân ông, là bà Nancy Nghĩa. Tại văn phòng trường thẩm mỹ đó, một nữ học viên từ Paris qua học thêm nghề chăm sóc sắc đẹp, bà rất lịch sự và rất Tây, thỉnh thoảng tới bàn làm việc của tôi, rồi thân quen hơn một chút. Chuyện tới chuyện lui, tuần lễ kế tiếp, chị trao cho tôi bài thơ chị vừa chép lại “Một buổi dạo phố” của tác giả Lê Văn Phong, còn chừa thêm mấy chữ tưởng nhớ…


Ðọc thơ, tôi thực lòng xúc động, hỏi thăm sao chị quen biết giáo sư Pháp Văn mà tôi đề cập ở trên, chị nghiêm mặt trả lời, quen với người nhà ông giáo sư, nay ông ấy mất rồi.


Tôi chỉ thốt được tiếng, “Tại sao.”


Tôi bị dày vò không bởi bài thơ “Một buổi dạo phố,” ông ta đã một mình lang thang trên phố xá Sài Gòn, bi lụy vì tình cảm cho một kẻ tha hương, mà vì mớ bản thảo mấy cuốn dầy cộm của ông, tôi đã chẳng chú tâm giúp ông một mảy may. Từ ngày tới Mỹ, tôi chưa bị buồn bã vì chuyện tha hương, nên chưa chịu đọc L’exilé ông gởi tặng tôi lúc rời đất nước.


Buổi đó về nhà, tức tốc tìm lại bản thảo và tờ rời ông trao lúc chia tay, bằng tiếng Pháp, nên khó mà thấm thía, tôi vội gởi ngay nhà văn Ðặng Trần Huân, để nhà văn rất chuyên Pháp ngữ này, dịch “qua loa” cho tôi gấp.


Nhà văn Ðặng Trần Huân bảo là: “Phải dịch kỹ, để cô đừng rỡn chơi chuyện tình cảm, hơn nữa, nó, bài Kẻ Tha Hương còn là Paroles D’un Croyant tức Trầm Tư Của Một Tín Ðồ.”


Nhà văn Ðặng Trần Huân hỏi dò: “Người muốn chuyển cho cô bài văn L’exilé này ở đâu rồi?”


Tôi đáp gọn: “Ông ta đã chết.”


Lại một câu thốt tình cờ như tôi đã thốt: “Tại sao?”


“Người bạn nói lại với tôi thôi, tôi không liên lạc với ông ấy từ ngày tới Hoa Kỳ.”


Kẻ Tha Hương thoạt thì thâu tóm những khắc khoải, buồn phiền của những người rời xa tổ quốc, đất Mẹ, gia đình. Ở đâu, Kẻ Tha Hương cũng buồn bã, nhớ nhung, tha thiết, tiếc nuối và cô đơn.


Những hình ảnh rất bình thường, tầm thường, cũng gợi cho Kẻ Tha Hương nào đó trên trái đất nhớ về dĩ vãng, nhưng Kẻ Tha Hương lại không bất kịp được cảm giác vừa đến đã đi, cách biệt ngay.


Ðặng Trần Huân nói tôi nên đọc kỹ, đọc kỹ hơn, từng lời mà tác giả F. De Lamennais kê ra, mỗi câu, từ căn nhà ấm, khói chiều bay, từ những đứa trẻ đến các cụ già xa lạ, ở đâu Kẻ Tha Hương cũng cô đơn… Nhiều hình ảnh lắm, nhưng tất cả đều không phải của mình…


Bài viết mở đầu:


Người ấy lang thanh trên trái đất…


Rồi kết thúc:


Người ta cứ đi, đi mãi, lạc lõng trên quả địa cầu


Xin Thượng Ðế dìu dắt kẻ tha hương khốn khổ.


“Cô không thấy ý nghĩa của bài viết, chính là những lời lẽ, những suy tư của một tín đồ. Như vậy chúng ta phải hiểu sâu hơn, cao hơn, nghĩa là cho dù ta có ở đâu trên trái đất, trên hành tinh này, vẫn cô đơn.”


“Tức là chung quanh, gần, xa vẫn không phải của ta.”


Nhà văn Ðặng Trần Huân, người viết truyện cười, nhưng hiếm khi thấy ông cười, ngay trong lúc nói chuyện với bất cứ tha nhân, bằng hữu, ông vẫn giữ thái độ xa cách và trầm tư… Hoặc giả, nếu có cười, là cũng vừa qua một câu châm biếm.


Này nhé, F. De Lamennais vừa viết:


“Mình chỉ có thể có bạn bè, có cha mẹ, có anh chị em khi mình ở quê hương. Kẻ tha hương ở nơi nào cũng cô đơn…”


Tức là có tất cả điều mong ước, lập tức ông tín đồ trên đã khẳng định:


“Hỡi Kẻ Tha Hương khốn khổ, thôi đừng rên rỉ nữa.


Tất cả đều tha hương như người, tất cả đều lướt qua rồi tan biến, cha mẹ, anh em, bè bạn.


Quê hương không phải ở đây, người ta vô vọng đi tìm nó, người ta coi nó như nơi tạm trú qua đêm.”


Biết rằng lời lẽ thanh cao, ngôn ngữ thần học, đạo học, nhưng quả thật là buồn khi cứ ngồi phân tích, rồi tổng hợp, hoặc tổng hợp, rồi phân tích… ở khía cạnh nào, vẫn không giải tỏa được nỗi suy tư của một lữ khách, một Kẻ Tha Hương ngắn hạn hay lâu dài.

MỚI CẬP NHẬT