Friday, March 29, 2024

9 tháng 10 ngày



LTS:
Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility.

Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com

BS. Hồ Ngọc Minh


Một thai kỳ của con người trung bình kéo dài khoảng 280 ngày kể từ ngày kinh lần cuối, vì thế tính theo lịch ta là 9 tháng 10 ngày, tức là vào khoảng 40 tuần. Tuy nhiên một thai kỳ từ 259 ngày đến 294 ngày (37 đến 42 tuần) vẫn kể là bình thường. Thai kỳ 40 tuần có thể chia làm 3 thời kỳ, mỗi thời kỳ kéo dài khoảng 3 tháng, từ 12 đến 13 tuần lễ. Kỳ 1 gồm 13 tuần đầu tiên, qua kỳ 2 kéo dài từ tuần thứ 14 đến tuần 28, và kỳ 3 từ tuần 29 đến 40.

Cơ thể người mẹ bắt đầu những thay đổi từ trong ra ngoài kể từ khi phôi thai bám vào tử cung. Người phụ nữ mang thai có thể không thấy những thay đổi này nhất là trong những tháng đầu tiên, nhưng hầu hết đều cảm nhận được những sự khác biệt trong cơ thể. Cho dù về cơ bản, tiến trình mang thai không khác biệt lắm cho đa số phụ nữ nhưng về chi tiết mỗi lần mang thai là một lần khác nhau cho dù đây là lần thứ hai hay thứ ba trong đời người mẹ.

Thời kỳ 1: 13 tuần đầu tiên

Tháng đầu, người mẹ biết mình trễ kinh hay kinh rất ít, sẽ thấy đôi vú căng hơn và đầu vú hơi đau nhức. Có người thấy bụng dưới hơi “rêm rêm” như sắp có kinh. Phụ nữ sẽ thấy cần đi tiểu nhiều hơn nhất là về ban đêm. Mệt mỏi dễ dàng khi mới cấn thai là triệu chứng thường có. Ngoài ra có người bị buồn nôn hay ói mửa, thấy lạt miệng hay thèm ăn một số món ăn nào đó. Khi ăn có thể bị ợ chua hay không tiêu. Có người sẽ bị táo bón. Một số phụ nữ còn thấy ngộp thở trong những tháng đầu tiên. Tất cả những triệu chứng này đều do tác động của hormone progesterone. Trong thời kỳ nầy có người sẽ tăng cân, trong khi người khác bị tụt cân.

Trong kỳ 1, nhau sẽ bám vào tử cung, tiếp nối với sự phát triển của các cơ phận chính và hệ thống thần kinh, não bộ. Khoảng đầu tuần thứ 6, tim thai sẽ bắt đầu hoạt động. Sau đó theo thứ tự là hai lá phổi và xương cốt. Gần cuối thời kỳ 1, đầu, mặt, mắt mũi, tay, chân, tóc và răng non sẽ thành hình. Cuối cùng là hệ thống sinh dục.

Thời kỳ 2: tuần 14-28

Vê phía người mẹ, bất đầu thèm ăn và thấy ăn ngon miệng. Tử cung bắt đầu nở to hơn, vào đầu thời kỳ, đỉnh tử cung cao lên khoảng bờ xương chậu. Khoảng tuần thứ 20, đỉnh tử cung sẽ ở vào khoảng cuống rốn và cuối thời kỳ 2 sẽ dâng lên tới bờ xương sườn của người mẹ. Trong khi tử cung lớn dần có thể gây ra triệu chứng đau dây chằng một bên hay hai bên. Khoảng tuần thứ 16 dến 20 trở đi, người mẹ có thể cảm thấy thai “máy” hay đạp. Khi bụng lớn dần, da bụng có thể bị những vết giãn (stretch mark) cùng với sự xuất hiện của một đường da màu đen chạy dài từ lỗ rốn xuống phía dưới. Có đôi khi người mẹ mang thai sẽ thấy bàn chân hay mắt cá của mình bị sưng phù lên.

Trong khi đó, thai nhi sẽ tiếp tục lớn mạnh từ đây cho đến khi sanh với sự tăng trưởng của các cơ quan nội tạng. Lông mày, lông mi và móng tay bắt đầu thành hình. Thai nhi bắt đầu cử động, co giãn, đá đạp, thức, ngủ. Lông măng mọc khắp cơ thể và rụng vào trong nước ối. Thai nhi còn… tiểu vào nước ối và lại… uống nước ối đó lại, rất cần cho sự phát triển của buồng phổi. Khoảng thời gian này bé đã biết nghe. Những nghiên cứu cho thấy sự phát triển của ngôn ngữ đã bắt đầu hình thành trong thời kỳ nầy. Nên nói chuyện với bé và cho bé nghe… nhạc để tăng phần phát triển của não bộ.

Thời kỳ 3: tuần 29 đến 40

Người mẹ sẽ “thấy” thai nhi đạp manh hơn và thường xuyên thấy khó thở khi em bé lớn dần lên phía buồng phổi. Về phía dưới,tử cung ép vào bọng đái làm cho sản phụ phải đi tiểu thường xuyên. Những tuần cuối, tử cung bắt đầu co thắt và cổ tử cung bắt đầu mỏng và nở to ra.

Trong thời kỳ nầy, bé tiếp tục “nhiệm vụ” hằng ngày của mình là co, giản, đá đạp vì chỗ ở bắt đầu chật chội. Lông măng hoàn toàn biến mất. Trong hai tháng cuối, ngoại trừ chỏm sọ, xương cốt sẽ cứng lại, bé tăng cân mau chóng. Cuối cùng đa số, đầu trở ngược xuống dưới để chuẩn bị lọt lòng mẹ, chào đời.

9 tháng 10 ngày là khoảng thời gian rất ngắn so với những năm tháng dài mà mẹ cha sẽ nuôi dưỡng em bé thành người. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian mà tình mẫu tử bắt đầu nẩy nở. Vì thế tuy đau đớn, tuy nhọc nhằn, hầu hết các người mẹ
sẽ quên đi mau chóng những đớn đau này ngay sau khi thấy bé chào đời: một mầm sống mới!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT