Thursday, March 28, 2024

Cành hồng đen

Tóc Huyền

Sáng nay trong nhà thờ, ngồi gần bên vợ chồng tôi là một chú nhóc Mỹ trắng tóc vàng loăn xoăn mềm như màu mật ong đang cặm cụi hí hoáy tô màu trong khi cha mẹ chú xem lễ. Chú nhóc tha theo cả túi “đồ nghề” to, có hộp viết chì sáp mấy chục cây được lôi ra ngoài để “làm việc” – nhưng chắc trong túi còn nhiều món hấp dẫn hơn nhiều. Cả hộp mới tinh mấy chục cây đủ màu sắc, nhưng chú chỉ chọn có mỗi cây màu đỏ huyết dụ để tô hết nguyên trang sách tô màu vẽ hình con gấu mẹ đang bồng con gấu con ngồi nơi bãi cỏ. Chú nhóc bặm môi, vòng tay xoay trang sách theo chiều ngang để tô, nhưng dù cố gắng lắm bàn tay non nớt của chú vẫn không giữ hết những nét tô màu đỏ tím nằm gọn trong hình được. Nhưng chắc chắn “tác phẩm” này và rất nhiều trang tô màu khác của chú ở nhà trẻ, ở trường đã – đang – và sẽ được ba mẹ, ông bà, cô dì chú bác của chú trầm trồ, nâng niu, trân trọng treo lên tường, hay cất kỹ làm kỷ niệm quý giá trong gia đình rất nhiều năm sau đó. Cây viết chì sáp một màu làm tôi chạnh lòng nhớ tới cành hồng đen tôi đã tô năm tôi đi mẫu giáo…

Hơn ba mươi năm về trước…

Những ngày đó, ở nhà chỉ có mấy mẹ con lây lất khoai sắn với nhau mà sống, vì Ba tôi còn mút mùa trong trại cải tạo. Vậy mà tôi vẫn lớn và tới tuổi đi mẫu giáo. Mạ tôi cặm cụi tháo một áo dài đi dạy màu hồng lợt ra và cắt may thành một bộ quần áo mới cho tôi “đi học”. Chật vật lắm để mẹ con sống qua ngày “chờ Ba về”, nhưng Mạ tôi cũng mua cho tôi cây viết chì, cục gôm, quyển vở hình tô màu, và đẹp nhất, mắc nhất là hộp chì sáp tô màu. Và tôi được theo anh chị tôi đi học.

Thành phố Phan Thiết của ngày xưa to lắm trong đầu óc non nớt của tôi, nên cái phường Phú Thủy thôi đã rộng mênh mông; Anh chị tôi đưa đón được vài hôm cho tôi quen đường, rồi thì chân ngắn đi lê la tôi cũng đi học về một mình được. Những ngày đầu mới khai giảng, lớp còn được chung một nơi với trường anh chị tôi học, nhưng sau đó họ dời lớp mẫu giáo đi xa hơn. Một lũ học trò mẫu giáo lê la lết đi hàng một theo hai cô giáo đi tới “trường mới” nơi đường đi xuống Phú Hài. Đi dọc đường lại có chú nào trẻ trẻ đi xe đạp rà theo tôi hỏi, “Cô giáo con tên gì…?” Đúng là “Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ,” tôi… thật thà khai báo tên cô. Và lúc tới trường mới, tôi lại cũng thật thà khai tiếp với cô rằng, “Khi nãy… có cái chú kia đi trên đường hỏi tên cô!” May chắc nhờ thấy mặt tôi khờ tội quá, cô không phạt mà chỉ dặn đi dặn lại… “Lần sau ai hỏi cô nữa con đừng nói nghen con!”

Ngày đầu tiên, lũ học trò “tân binh” phải đem nộp hết viết, sách, hộp viết chì sáp tô màu cho cô giữ, “Để khi cần thì cô đưa lại, chớ các con giữ mau hư, mất!” À…! Rồi thì như những cô nhóc, chú nhóc đi mẫu giáo khác, tôi được học ráp hình, được chơi, được dạy hát, dạy múa, dạy số, … và được dạy tô màu! Bao nhiêu ngày trước, từ lúc Mạ mua về cho hộp viết chì sáp mới tinh, tôi đã ước ao được đem ra “tô thử”, nhưng Mạ tôi nhắc chừng, “Để dành đi học nghe con!”… nên tôi luôn mong chờ được tô màu lên những trang hình trong sách Mạ mua cho. Tôi muốn tô màu tím đầu tiên, màu tím mờ mờ như màu mưa giăng trong chiều khi nhìn về núi Tà Dôn – nơi mà chị em tôi vẫn ngóng mỗi sáng chiều. Chúng tôi ngóng về hướng núi xa mờ trước nhà, vì vẫn nghe Mạ tôi biểu rằng, “họ đưa Ba đi “học tập” trên Núi Rễ, Sông Mao, xa lắm…”

Ước ao của tôi được làm “họa sĩ bút chì tô” luôn sống từng ngày đi mẫu giáo rồi cũng thành sự thật. Nhưng hôm đó, thay vì đưa lại cho mỗi nhóc học trò một hộp viết chì sáp, cô giáo tôi cầm một hộp, và phát cho mỗi đứa… một cây. Mười hai đứa, mười hai cây. Mười hai đứa, mười hai tờ giấy có in hình một cành bông thiệt to. Tôi thắc mắc hỏi, “Thưa cô, hộp sáp của con đâu?” thì được trả lời – “Con cứ tô cái này đi đã!” Nhìn quanh, đám bạn học nhỏ của tôi, đứa nào cũng hí hoáy, nguyệch ngoạc tập tành tài nghệ đầu tay, cố cầm cây viết sáp cho chắc và tô cho gọn cái hình. Có đứa mới tô một hai đường đã làm gãy đôi cây sáp màu của nó. Và mỗi đứa tô cành bông của mình… duy nhất một màu.

Chiều, tôi chờ Mạ tôi đi dạy về để khoe “tác phẩm đầu tay” ở trường mẫu giáo.

– Mạ, Mạ…! Con đi học, cô dạy con tô cây bông hường nè!”

– Ờ, con tô gọn đẹp. Răng con tô cây bông màu đen thui ri ?”

– Cô phát cho con cây màu đen; Cô không cho con cây màu tím! Con thích màu tím mà cô không cho! Con Ly được cô cho cây màu vàng, con Trâm được màu đỏ, thằng Việt tô màu xanh lá cây. Con đòi đổi mà nó không chịu!”

– Hộp chì sáp Mạ mua cho con, răng con không tô? Mà… quyển vở tô màu của con nhiều hình đẹp sao con không tập ?”

– Cô biểu đưa cho cô giữ hết rồi Mạ!”

……”

Tôi không quên tiếng thở dài nhẹ của Mạ tôi, lẫn trong tiếng gió luồn qua vách lá chằm của căn chòi lá luôn sợ gió tốc mái mỗi ngày mưa bão nơi động cát .


***

Nhiều năm, rất nhiều năm sau đó, khi đã lớn và hiểu nhiều hơn những lắc léo khúc mắc của cuộc sống, tôi lờ mờ đoán ra. Có lẽ những ngày đó, cô giáo dạy mẫu giáo của tôi cũng đói, cũng nghèo xơ nghèo xác như mẹ con nhà tôi… Và có thể – dù cô không cố tình muốn làm như vậy – những cuốn vở tô màu, những hộp viết chì sáp của đám con nít mẫu giáo chúng tôi đã được cô đưa ra chợ đổi lấy những “xịa” cá, mớ rau, hay vài lon gạo, mấy cái trứng vịt để dành ăn ngày biển động không có cá,… về cho gia đình. Và có thể, những món đồ vặt vãnh nhỏ nhoi của học trò mẫu giáo đó biết đâu lại đổi được vài viên thuốc sốt rét hiếm hoi – có lẽ đã giúp cứu sống chồng cô, anh cô, hay là ba cô, chú bác của cô… Và biết đâu chừng đã được san sẻ cho cả những người như Ba tôi hay Ba của bạn tôi trong trại cải tạo chốn rừng thiêng nước độc, để còn có được cái may mắn “sống mà về với vợ con.”

… Tôi nhớ, nhưng không oán cô đã làm như vậy. Tôi chỉ thương cô, và xót cho bao gia đình với những mái đầu xanh vô tội bị tước đoạt mất tuổi trẻ, tuổi thơ ngây… Để giờ đây, trong khoảnh khắc nhìn chú bé tóc vàng ngồi bên đang cặm cụi tô mẹ con nhà gấu một màu, tôi nhớ tới cành hồng tô sáp một màu đen thui của tôi.

Cành hồng đen… của những ngày đen tối của tuổi thơ tôi, của anh chị em tôi, của gia đình Ba Mạ tôi, và muôn triệu trẻ thơ ngày đó, tan nát theo vận nước.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT