Friday, April 19, 2024

Chuyện của Bột



Hà Thị Hòa (Ohio)




Nghe đến tên Bột ai cũng thắc mắc “ồ, cái tên sao lạ quá!” Đó cũng là do khi Bột được sanh ra đã có làn da trắng bóc như bột, tóc đen, mắt nâu xinh xắn, thêm mặt mũi khôi ngô, ngộ nghĩnh, dễ thương trông đáng yêu lắm.


Hơn nữa lúc đó nhà nước bán gạo cho dân không đủ nên kèm thêm bột và bo bo. Dân chúng kêu rên đủ cả, bột và bo bo được đem chế biến, hoặc đem bán rẻ hoặc kèm thêm tiền để mua thêm gạo. Riêng nhà Bột, bà nội rất thích bột vì bột làm thành bánh bao, bánh tiêu hay ra lò bánh mì đổi thành bánh mì nóng ăn rất thú vị. Vì thế nên bà nội chỉ tay vào Bột, lúc đó mới sanh ra: “Thằng bé này tên là cu Bột.” Thế là cả nhà ai cũng gọi là cu Bột hay bé Bột.









Hình minh họa. (Nguyễn Thanh Vân/người Việt)



Ở Việt Nam, Bột sáng giá lắm. Bột đậu thủ khoa ở trường LVT, quận Bình Thạnh. Bột có nhiều bạn, anh em vây quanh nên Bột thích cuộc sống ở học đường, được thầy thương bạn mến.


Trước khi đi Mỹ, bố dắt Bột đến từ giã thầy hiệu trưởng. Thầy buồn buồn nói: “Học sinh giỏi của thầy lại đi Mỹ. Riết rồi Việt Nam hết nhân tài.” Bột bắt tay từ giã thầy mà nước mắt rưng rưng.


Cuộc đời không thể ngờ. Sau vài năm, Bột lại gặp được gia đình thầy hiệu trưởng tại Calif một cách tình cờ. Con trai của thầy là bạn học cùng lớp của Bột, con gái của thầy là bạn học cùng lớp với Tý – em trai Bột. Sau này, Tý cùng con gái của thầy nên duyên vợ chồng. Thế là hai gia đình gắn bó trong tình sui gia.


Cuộc sống ở Việt Nam quá khó khăn, dù có yêu nước, muốn ở lại xây dựng đất nước cũng không chịu nổi vì những bất công ức hiếp đến lạ đời. Ở tuổi 16, Bột cùng bố mẹ và hai em qua lập nghiệp tại xứ sở Hoa Kỳ. Một cảm giác khó tả, vui buồn lẫn lộn. Bột cảm thấy nhỏ bé trước khung trời văn minh, hiện đại của đất nước mới mẻ bậc nhất trên thế giới và cố tâm học hỏi những điều mới lạ.


Là anh hai trong gia đình, Bột phải giúp bố mẹ trông chừng hai em, giúp bố mẹ những gì cần thiết, nhất là vấn đề giấy tờ hoặc nói chuyện, thông dịch, giao thiệp với người Mỹ.


Bột hiểu bố mẹ, các em, một nhà năm người phải chiến đấu từ lớn đến bé không từ một ai để hòa nhập và thành công trong xã hội mới này.


Khi ở Việt Nam, bố mẹ luôn hùng dũng đi đầu, bọn Bột lót tót theo sau. Nhưng giờ đây thì ngược lại. Bột luôn là người đi đầu tiên, kế đó là hai em rồi mới đến bố mẹ. Có những lúc vui, mẹ giảng giải cho tụi Bột “Bên Việt Nam ngược ngạo với bên Mỹ. Thí dụ buổi bên Việt Nam to thì bưởi bên Mỹ nhỏ. Mía bên Việt Nam mềm còn bên này cứng. Gà bên Việt Nam mắc còn bên Mỹ rẻ…” Nghe cũng có lý. Thôi thì cứ tin vào lý luận của mẹ để sống thoải mái hơn.


Những ngày đầu tiên đến trường là những ngày bơ vơ, không bạn quen, không thầy trìu mến. Bột lạc lõng trên xe bus, trong sân trường. Tuyết rơi đầy, đóng băng trơn trợt, Bột đi học với đôi giày mẹ mua ở chợ Tạ Thu Thâu. Mẹ nói “Đôi giày này đẹp và mắc tiền” nên Bột mới mang đi học nhưng nó lại không hợp với thời tiết bên này, cả quần áo lẫn áo lạnh nữa. Những đứa bạn cùng lớp nhìn Bột như “kẻ kỳ lạ ở đâu chui ra, ăn mặc không giống ai.”


Bột cảm thấy quê, nhột nhạt nhưng cố trấn tỉnh bằng cách nói lầm bầm “Ta là dân Sài Gòn mà” hoặc “Rồi tụi bây sẽ biết tay ông” hay “Hãy đợi đấy!” Những ý nghĩa mạnh mẽ giúp Bột trấn tỉnh, can đảm vượt qua những lúc như thế.


Có lần vì trơn trợt, Bột té nhào. Bột lồm cồm cố gắng bò dậy nhưng lại té thêm lần nữa. Không bạn nào đỡ Bột dậy. Bột vừa đau vừa xấu hổ. Ráng đứng lên, phủi tuyết bám dính trên quần ùi láng cóong ban sáng. Vào lớp học mà Bột vẫn còn hoảng sợ, chưa bao giờ Bột chụp ếch như thế này.


Về nhà Bột không dám kể cho một ai, kể cả cu Tí là đứa em luôn cận kề. Bột im lặng với niềm riêng, hứa với mình là sẽ cẩn thận hơn với tuyết băng, không dám nói với bố mẹ vì sợ bố mẹ phải tốn tiền mua đôi giày mới.


Nhưng bố mẹ thông minh lắm, hiểu được điều đó ngay vì có gì đâu, bố mẹ cũng giống như Bột, té lên té xuống. Thế là cả nhà đèo nhau lên chiếc xe Ford cũ kỹ đến tiệm K-Mart để mua chi mỗi người một đôi giày đi tuyết! Thật hú hồn. Những đôi giày trông không đẹp, rẻ tiền nhưng chúng bảo đảm không trơn trợt như những đôi giày mua tại Việt Nam, giúp cho cả gia đình Bột an toàn trên tuyết, đá.


Vì gia đình mới sang Mỹ, còn thiếu thốn nhiều thứ lắm. Bột và hai em không dám đòi mua một thứ gì. Nhiều khi đi shopping với gia đình, Bột giả vờ không thích nhưng thực sự đứng trước cám dỗ cũa những món hàng sang trọng, rực rỡ trong tủ kính hay những gian hàng lộng lẫy, Bột chỉ đưa mắt nhìn chúng và tự nhủ thầm “Hãy đợi đấy, sẽ có ngày thôi, những cái món đồ kia, ta sẽ bưng mày về nhà để trên bàn đấy.”


Rồi một ngày nọ, gia đình Bột đem về một cái computer mới tinh do tiền thưởng của bố. Cả nhà như bừng sáng, ba anh em tíu tít mừng rỡ, cười banh cả miệng, tối ngày quây quần bên computer, chia thời khóa biểu cho mỗi người sử sụng. Bọn Bột học bài, tập đánh máy và điều lý thú là hai anh em nhà Bột được chơi game sau giờ học hoặc những ngày rảnh rỗi, cuối tuần. Thế là bí tỉ bên máy, không thèm đi shopping, bố mẹ có năn nỉ cũng không đi vì biết rằng chỉ đi “window shopping”, đi coi thôi.


Khi lên đại học, Bột phải ra sức học nhiều hơn vì chỉ có học đỗ điểm cao Bột mới có thể có tất cả những gì mong muốn xưa kia.


Thời gian trôi qua, Bột đã thành công. Bố mẹ và hai em rất hài lòng và hãnh diện về Bột.


Bột tự hào là con trai lớn của bố mẹ, là anh hai của hai đứa em. Đi làm Bột đã giúp bố mẹ mua nhà lớn hơn và dúi tiền cho mẹ và các em đi shopping thỏa thích. Bột đã làm những gì mong muốn xưa kia.


Đó cũng là do quyết tâm nuôi dưỡng dạy dỗ nghiêm ngặt nhưng ấp ủ tình thương bao la của bố mẹ. Bột luôn ghi nhớ và luôn thực hành những điều tốt để xứng đáng là “cu Bột” ngoan chứ không phải là “bột mì chua”, phải không các bạn?

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT