Friday, April 19, 2024

Có phải bạn trai đã xúi giục con tôi?


LTS:
Mục “Biết Tỏ Cùng Ai,” nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai.


Mục “Biết Tỏ Cùng Ai” sẽ do cô Nguyệt Nga và anh Vân Tiên phụ trách.


Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected]


 


 


 


Tôi lập gia đình bên VN và có hai con gái, chúng tôi qua định cư ở Mỹ cuối năm 1992 theo diện đoàn tụ khi hai đứa bé còn dưới 10 tuổi. Chồng tôi là một người rất mực thương yêu vợ con, tôi cảm thấy rất tự hào và ấm áp nơi đất khách quê người.


Qua nhiều thăng trầm trong đời, chúng tôi cố gắng nuôi các con, dạy dỗ chúng theo khuôn phép Á Châu, cộng thêm những duy trì ngôn ngữ Việt.


Thời gian trôi nhanh, cha chúng rất cưng chiều thương yêu, chính tay ông nấu nướng giặt giũ cho chúng, dù cho chúng đã vào đại học. Ông muốn lấy tình cảm gia đình níu giữ để hạn chế tư tưởng tự do mà một ngày nào đó chúng sẽ bị tiêm nhiễm.


Nhưng chúng tôi hoàn toàn thất vọng, đứa con út tự dọn ra riêng sau khi tốt nghiệp cử nhân, đây chỉ là một sự việc rất đỗi bình thường nếu như nó cho cha mẹ biết nơi ăn chốn ở, nhưng ngược lại, nó chỉ về khi cần lấy thư (nó vẫn giữ địa chỉ nhà tôi) mặc cho cha mẹ nhớ nhung chờ đợi, nó vẫn giữ thái độ lạnh lùng bí mật, dù cho chúng tôi đã cố gắng hết mình thể hiện tình yêu thương cũng như sự cư xử thân thiện như bạn bè.


Còn lại cô gái lớn, nhiều năm trước tôi đã từng tự hào. Nó học ở Washington DC hơn 6 năm và đã tốt nghiệp thạc sĩ ở đó, mặc dù xa, nó vẫn gọi về liên lạc thăm hỏi và gởi tôi những tấm postcard khi nó đi du lịch hay thực tập, giúp đỡ cha mẹ rất tận tình, rất dễ thương, rất thân thiện…


Sau khi ra trường, nó trở lại MN sống với chúng tôi một thời gian, nơi đây nó đã quen một bạn trai qua sự giới thiệu của bạn bè, nó có dẫn về nhà đôi lần (hắn là một du học sinh chưa có quốc tịch) mặc dù đã đi làm. Chúng tôi không có ác cảm gì với hắn, nhưng thú thật bậc làm cha mẹ, tôi cũng phải khuyên con mình nên tìm hiểu và đề phòng khi chưa biết rõ gia đình, lý lịch, nhất là cha mẹ hắn còn ở Hà Nội. Nhưng con tôi như một con thiêu thân, bất chấp những sự ân cần khuyên nhủ.


Một lần, nó bất mãn về món ăn, ba nó nấu không vừa ý, ông nổi nóng la mắng, thế là nó viện vào lý do này bỏ ra đi. Sau đó không lâu, nó mua nhà chỉ cách nhà tôi vài quãng có thể đi bộ được, nhưng nó không hề cho tôi biết, mặc dù vẫn về nhà tôi ăn uống và liên lạc thường xuyên.


Tôi phải gọi City Hall và tìm ra địa chỉ của nó. Tôi cảm thấy rất tủi thân và xúc phạm mỗi khi lén đi qua mà thấy nó chứa chấp bạn trai trong nhà cũng như tất cả bạn bè, họ hàng đều được nó mời tới, trừ ra cha mẹ.


Có một lần, tôi gọi hỏi nó, ngỏ ý muốn tới thăm, nó trả lời: “Mẹ đừng tới, nếu không con gọi cảnh sát.” Tôi nghe mà đau khổ vô cùng. Ba nó vẫn tiếp tục nấu những món ngon và tự tay đem qua treo trước cửa nhà, ông chỉ dám qua khi nó vắng nhà. Ông muốn lấy sự tận tình thương yêu, hy vọng nó sẽ hồi tâm mà suy nghĩ lại.


Một lần, ông nấu đồ ăn và nhờ tôi mang qua, tôi gọi cửa thì thấy mẹ của bạn trai nó từ VN qua thăm, khi thấy tôi nó xua đuổi không một chút ngại ngùng; vì phép lịch sự tôi phải vội vã quay về mà thấy tổn thương nặng nề (sau đó nó còn đưa cha mẹ bạn trai và bạn trai qua nhà chú thím nó ở gần nhà tôi để giới thiệu).


Tôi tự hỏi không hiểu sao một đứa con có học lại được cha mẹ hết dạ yêu thương lại có những hành vi thất lễ tàn nhẫn như vậy!! Tối đó tôi gọi nhưng nó không nói chuyện, hoàn toàn cắt đứt liên lạc cho đến bây giờ đã 6 tháng. Không hiểu nó sợ, giận hay bất mãn điều gì?


Tục ngữ VN có câu, “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nhà nghèo.” Dù sao cha mẹ cũng là người sanh dưỡng ra mình. Chính bản thân tôi cũng cố thực hiện điều này, báo ân nghĩa thường xuyên tới cha mẹ già tôi còn ở lại bên kia trái đất.


Tôi đã viết 2 lá thư, gửi email khuyên nhủ, tha thứ. Tôi cũng gọi cho bạn trai nó, nói nhỏ nhẹ như một người bạn, tôi nhờ hắn khuyên nhủ nó thay đổi thái độ nhưng hắn cũng chẳng bao giờ gọi lại.


Tôi ngạc nhiên sao những con người học cao như chúng lại có thể đổi xử với cha mẹ không bằng loài vật như vậy!! Tôi giận vì có thể bạn trai của nó đã lợi dụng và xúi giục con tôi làm những việc bất nghĩa khi hắn nghi tôi không ưa gì lắm về tư cách con người này (vì con tôi đã thay đổi từ khi quen hắn).


Chồng tôi năm nay đã cao tuổi, ông muốn làm di chúc cho con cái, nhưng tôi thấy chúng không xứng đáng, tôi muốn dành cho quỹ từ thiện. Ðiều này có quá đáng không? Xin quý báo cho tôi những lời khuyên, tôi có nên nhờ họ hàng, bạn bè khuyên nó không? (Nó không liên lạc với tôi nhưng vẫn qua lại nhà các chú và họ cũng chưa biết gì). Rất mong sự giúp đỡ tư vấn về tâm lý giúp tôi sớm giải tỏa sự đau khổ này. Xin chân thành cám ơn.


Thiệp Nguyễn


 


Nguyệt Nga trả lời:


Theo nội dung thư bà gửi thì hai cháu có quá đáng thật, nhất là việc đòi gọi cảnh sát khi mẹ đến thăm nhà.


Nhưng mà thưa bà, hai cháu vẫn lui tới gia đình cô dì chú bác, thì đâu thể cho rằng hai cháu mất gốc rễ. Còn nếu nói cháu thứ nhất quay mặt với cha mẹ vì nghe lời xúi giục của bạn trai, thì cô út đâu có bạn trai mà cũng bỏ nhà ra đi. Tóm lại chắc có một điều gì đó, hai cháu không tiện nói ra với cha mẹ.


Phần đông cha mẹ VN lo cho con cái ngay khi chúng đã lớn khôn. Có lẽ đó là điều không nên. Nguyệt Nga có một người bạn, bạn ấy hy sinh tất cả vì con, không bao giờ dám mua một cái áo mới cho mình. Một hôm bạn ấy mua về một chiếc áo mới, cô con gái 5 tuổi hỏi: Áo này của ai? – Của Mẹ – Tại sao là của Mẹ? Mẹ đâu được mặc áo mới. Vô tình, vì thương con mà chúng ta đã biến con trở thành người ích kỷ.


Hai cháu lớn rồi mà ông bà còn chăm lo, nấu ăn giặt áo quần như con còn thơ dại, điều này vô tình đẩy hai cháu trở thành con người chỉ biết nhận mà không biết cho.


Hiện nay hai cháu vẫn liên lạc với cô dì chú bác, mà đó là những người cật ruột của ông bà. Vậy cách hay nhất để khỏi suy đoán quanh co thì ông bà nên hỏi những người này, để biết các cháu suy nghĩ và mong muốn gì ở cha mẹ. Nước mắt chảy xuống, nên nếu có những phiền hà từ hai cháu dành cho ông bà, thì ông bà cũng nên thay đổi để có lại hai cháu. Vì chưa chắc những điều mình dành cho người khác, mình nghĩ rằng họ thích, thì họ sẽ thích. Ông bà cho hai cháu những điều hai cháu cần, đừng cho những điều mình nghĩ rằng hai cháu cần. Cũng có thể cháu chỉ muốn tự tay nấu nướng cho người yêu và bố mẹ ăn để người yêu thấy rằng cháu đảm đang việc nhà. Cũng có thể cháu chỉ muốn đem áo quần dry clean mà bố lại bỏ vào trong máy giặt… Ðôi khi nó chỉ là những chuyện rất nhỏ.


Về chuyện di chúc, Nguyệt Nga nghĩ nếu con cái mình đầy đủ, tự lo được thì nên giúp cho người nghèo khó.


Cầu mong ông bà có lại hai con gái và luôn cả con rể


 


Trả lời của Vân Tiên:


Bà Thiệp thân mến:


Trong câu chuyện thương tâm mà bà kể, tôi thấy có cái gì đó lạ lạ. Nói chung là “không khớp.” Tất cả những cái “không khớp” đó nó quay quanh những câu hỏi “tại sao” mà chính bà đặt ra trong bức thư.


Có những yếu tố lạ lạ, không khớp, như vầy: Theo như bà kể, ông bà đối xử với con rất tử tế, chăm chút, không có gì đáng trách. Nhưng rồi, không chỉ cô con gái có bồ rồi dọn ra, mà cô con út cũng vậy. Tại sao thế? Có người có thể đổ cho số mệnh, cho kiếp trước, nhưng Vân Tiên thì không vậy. Vân Tiên cho là phải có lý do.


Mấu chốt, theo Vân Tiên, nằm trong chi tiết này trong câu chuyện bà kể:


Cô con gái, mà theo lời bà đã bỏ nhà đi, tách rời hẳn cha mẹ, đã không tách rời toàn thể họ hàng. Ngược lại, cô con gái bà vẫn còn liên lạc với chú thím. Gia đình của người yêu qua thăm, cô con gái đưa qua giới thiệu với chú thím cơ mà.


Chắc hẳn người ta cũng lấy làm lạ tại sao chỉ gặp chú thím mà không gặp cha mẹ. Nhưng người ta là người ngoài, nếu có thắc mắc chỉ dám giữ trong lòng, hỏi nhỏ con trai mình, chứ người ta cũng không có quyền đòi hỏi cô gái phải đưa về gặp cha mẹ.


Vậy Vân Tiên đề nghị bà cũng làm như vậy. Bà cần hỏi nhỏ, qua trung gian, xem tại sao con gái bà lại làm thế. Một người trung gian có thể làm được, theo Vân Tiên, là chú thím của cô ấy. Nhưng, để thực sự thành công và không khiến cho cô con gái bà cắt liên lạc với chú thím luôn, Vân Tiên đề nghị một số nguyên tắc căn bản:


* Ðã nhờ người trung gian rồi thì đừng qua mặt người ta tới thẳng nhà cô con gái. Nên xem đây như một cuộc thương thuyết, một cuộc “hòa đàm Ba Lê” vậy.


* Nói ngắn gọn thôi. Không nói nhiều. Không kể lể ngày xưa mẹ nuôi con cực khổ thế nào.


* Không trách con bội bạc, bất hiếu v.v. Tất cả những lời trách móc sẽ đều phản tác dụng.


* Ðể cho cô con gái nắm quyền điều khiển cuộc nói chuyện. Nếu cô chỉ muốn nói ít, thì chỉ hỏi ít. Cô muốn nói nhiều, hẵng hỏi nhiều.


Vậy thì hỏi cái gì bây giờ? Ðây là một số câu hỏi gợi ý:


* Có phải lỗi của cha mẹ không, mà con không liên lạc nữa?


Nếu có lỗi của cha mẹ:


* Lỗi đó lớn hay nhỏ? Lỗi đó còn sửa được không, hay trễ rồi?


* Thay vì bế môn tỏa cảng cắt liên lạc, có cách gì khác để vượt qua lỗi này không?


Nếu không phải lỗi cha mẹ:


* Vậy nếu không phải lỗi của cha mẹ, thì là có lý do gì khác. Cái lý do gì khác đó, có còn thay đổi được không?


* Thay vì cắt liên lạc với cha mẹ, có cách gì khác để chỉnh sửa cái lý do đó không?


* Nếu có lý do gì đó mà một mình con không vượt qua được, cả nhà cùng giúp con vượt qua, có được không?


Chúc ông bà may mắn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT