Thursday, April 18, 2024

Hoa rất nhiều mà trái chẳng bao nhiêu!


LTS –
“Cây Trái Vườn Sau” là mục nhằm giải đáp thắc mắc về các vấn đề liên quan đến cây trái. Người phụ trách là Nhà văn Nguyễn Dũng Tiến, chủ nhân vườn cây LA Mimosa Nursery, 6270 East Allston Street, Los Angeles, CA 90022-4546. Tel: (323) 722.4543.


Quý vị có thể gửi câu hỏi liên quan đến cây trái về: Tòa soạn Người Việt (Cây Trái Vườn Sau) 14771 Moran street, CA 92683. Ðiện thoại (714) 933.7935, hay email: [email protected]


Cây Trái Vườn Sau



 


Trong hai tuần qua, chúng tôi đã nhận hơn 70 email của độc giả do tòa soạn báo Người Việt chuyển đến, chúng tôi xin được chọn ra những email có những nội dung gần giống nhau để cùng một lần trả lời.


Xin tóm tắt những câu hỏi của: Duyen Bui, John, Khanh Vu, P. N/San Diego, Gina Nguyen, Van Phan, Kim Hoa, Holden, Nguyet Nguyen, Hung Nguyen, Hoa SanDiego, Hien…


– Hoa và trái nhỏ đầy trên những cây như nhãn, chanh giây, hồng dòn, đu đủ, mận… nhưng bị rụng.


– Ðu đủ bị thối trái.


– Bưởi biên hòa ngọt nhưng bị khô.


– Cây ăn trái một năm nhiều, một năm ít trái, có khi không có.


Trong những câu hỏi có cùng nội dung, cả tám câu hầu như chỉ hỏi cho phân bón gì, không một ai hỏi chúng tôi, TƯỚI LÀM SAO? Hầu như mọi người hiểu lầm về phân bón, có thể cách quảng cáo tại Hoa Kỳ quá hay hoặc các loại phân bón bầy bán nhan nhản trên thị trường vừa tầm tay với của mọi người, nên mọi người hiểu lầm và đi đến chỗ lạm dụng.


Ông bà chúng ta có để lại câu nói: Nhất thủy, nhì phân, tam cần, tứ giống. Tuy không có một giải thích nào cho câu nói trên theo tinh thần khoa học, nhưng nó đến từ kinh nghiệm của ông bà từ trăm năm cho đến ngàn năm. Cũng như ông bà nói lấy dao chặt vào những cây không chịu cho trái, năm sau quả nhiên cây cho trái, hỏi lời giải thích, ông bà đều nói nghe lại từ ông bà cố…


Nước và ánh sáng mặt trời là ân huệ trời ban cho vạn vật, cả hai làm việc với nhau, tạo nên đời sống muôn loài, riêng nước, khá gần gũi với chúng ta, chúng ta dùng đến mỗi ngày, cây cỏ cũng vậy, không có nước, cây cỏ không thể mọc được, vậy khi trồng cây, chúng ta phải tưới.


 


Tưới làm sao cho đúng và đủ?


 


Chúng ta bỏ những loại phân bón tốt nhất, đắt tiền nhất cho cây nhưng chúng ta không ý thức được việc tưới nước cho cây sao cho đúng và đủ, những loại phân bón đó sẽ bị dùng một cách lãng phí. Cây và con người có những điểm tương đồng, đói ăn, khát uống. Chúng ta đói, chúng ta ăn; khát, chúng ta uống. Ăn và uống cho đến khi không còn đói hoặc khát. Cây cũng vậy, cần nước khi đất khô, cần chất mầu khi tổng thể của cây không được xanh tươi, khỏe mạnh, lá lộ gân xanh…



Hoa mận. (Hình Dung Bùi)


Vậy khi cây cần nước, chúng ta tưới chậm rãi, lâu để chắc chắn nước được thấm kỹ xuống dưới, sau đó phải để đất khô mới tưới trở lại, có nghĩa chúng ta không thể tưới cây mỗi ngày. Vì lá thở, rễ cũng thở, dưỡng khí chỉ có thể xuống được cho rễ khi mặt đất khô, nước ẩm ướt trên mặt đất mỗi ngày sẽ làm rễ thiếu dưỡng khí, chu kỳ phát triển của cây bị lệch lạc, hoa và trái nhỏ bị rụng, tình trạng mặt đất tại ngay gốc bị sũng ướt mỗi ngày, cây sẽ bị rụng hết trái.


 


Làm sao để biết tưới cho đúng?


 


Căn bản, chúng tôi tạm chia ra làm ba loại đất: Ðất cát, đất mầu xốp, đất thịt (sét).


* Ðất cát là nơi cây không sợ bị úng nước, tưới bao nhiêu thoát bấy nhiêu, rễ cây phát triển nhanh nhưng chất mầu của phân bón cũng mất nhanh.


* Ðất mầu xốp, loại đất này tốt, giữ được độ ẩm lâu và chậm mất chất mầu.


* Ðất thịt (sét), loại này khá đáng sợ, chậm hút nước và cũng chậm thoát nước. Gần loại đất này, còn có loại đất đá non, loại này khá kinh hoàng, muốn đào được một lỗ để trồng cây, phải thuê máy bắn lỗ (jack hammer), đào xong được lỗ để trồng cây, thử bơm đầy nước vào chính lỗ đó cho đầy để xem bao lâu nước mới thoát hết, có khi mất hai ngày nước mới thoát hết. Nếu gặp loại đất này, chúng ta phải chịu khó đào thêm một lỗ bên cạnh nhỏ bằng nửa và phải sâu gấp đôi, phần sâu gấp đôi của lỗ nhỏ này đổ đá cuội lớn khỏang hai phân Anh, mục đích, khi tưới cây, nước sẽ dồn vào khu đá cuội, từ từ thoát, khối rễ không bị úng nước trong năm đầu tiên, cách này được gọi “Frech drain.” Loại đất nữa, thường thấy tại những khu nhà gần chân núi, đất cát lẫn lộn với đá cuội cỡ nắm tay người lớn, loại này cũng khó đào lỗ để trồng cây, khá vô tích sự.



Cây thanh long. (Nguồn www.apic.com.)


Qua những loại đất vừa kể trên, quý vị chắc đã có chút khái niệm về loại đất nào chúng ta phải tưới thường xuyên và loại nào thưa tưới.


(Còn tiếp)


 


Câu hỏi của Duyen Bui:


1. Tôi trồng 1 cây mãng cầu xiêm đã 6, 7 năm, cây rất tốt lá to xanh, thỉnh thoảng có ít hoa, nhưng không bao giờ đậu trái. Có lần tôi nghe nói vì nhiều lá quá nên ong bướm không thể hút nhị. Tôi đã hái gần trụi lá, nhưng cũng không khả quan hơn. Xin hỏi, có phải ở miền Bắc California (San Jose) không trồng được cây này?


2. Làm sao trồng cây thanh long có trái?


 


Nhà văn Nguyễn Dũng Tiến trả lời:


1. Tại miền Nam Cali. cây mãng cầu xiêm đã khó có thể tự sống qua mùa đông. Tôi nghĩ cây của ông hoặc bà là loại mãng cầu Nam Mỹ (cherimoya), loại mãng cầu này rất mạnh, thích nghi và chịu đựng cái lạnh, do đó mới sống nổi tại San Jose. Loại mãng cầu này mọc rất mạnh nhưng lại khó đậu trái. Tại Nam Mỹ phấn hoa được thụ phấn bởi một giống ong, giống ong này không có tại Cali., nên cây khó đậu trái.


Chúng tôi khuyến khích gia chủ nào đã trồng loại cây này nên tỉa cây thật mạnh vào đầu mùa Xuân, giữ độ cao còn khoảng tám đến mười thước Anh, sau đó những tháng kế tiếp khi cây có cành mới dài khoảng hơn thước Anh, lại tỉa bỏ thêm một nửa cành mới đó cho đến Tháng Sáu, chúng ta không tỉa nữa, mục đích, chúng ta tạo dáng được một cây thấp, cành lá xum xuê, đan lẫn nhau, hoa sẽ ra nhiều hơn và lúc đó chúng ta sẽ làm công việc của con ong Nam Mỹ. Chúng ta sẽ giúp cây thụ phấn nhân tạo. Cây thấp sẽ giúp quý vị dễ dàng hơn trong việc làm này.



Cây mãng cầu. (Nguồn vn.360plus.yahoo.com/hchi)


Có nhiều phương pháp các trại cây đã làm, chúng tôi chỉ chia sẻ cách giản dị nhất và hiệu quả cũng tốt. Hoa có ba cánh, tùy theo nóng nhiều hay ít, hoa có thể nở sớm, khoảng từ hai giờ trưa trở đi, nếu ba cánh hoa nở rộng, có thể nhìn thấy nhụy cái bên trong, quý vị có thể dùng một bút lông nhỏ se ở bên trong ba cánh hoa, đẩy phấn vào trong nhụy cái và tiếp tục làm qua hoa khác. Không ít thời nhiều, phấn hoa sẽ vướng lại trên cọ vẽ, như vậy hoa khác cũng có thể có thêm phấn của hoa trước. Chỉ cần làm năm, bẩy ngày trong khi mùa hoa nở, quý vị sẽ có kết quả tốt.


2. Cây thanh long cũng dùng phương pháp trên, nhưng làm về ban tối, nếu có thêm cây ruột đỏ, càng tốt, chúng ta chấm phấn của hai loại quả lẫn nhau, xác suất cao hơn, khi hoa đậu thành trái, khoảng tháng sáu, cắt bỏ bớt đầu cành, không cho cành phát triển thêm, tưới đẫm nhưng thưa, phải nhớ, thanh long là họ xương rồng, không được tưới thường xuyên. Tuy không được tưới thường nhưng thanh long rất cần hơi ẩm, xịt nước lên mặt đất tạo độ ẩm cũng là điều đáng làm.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT