Tuesday, April 16, 2024

Mùa Thanksgiving đầu tiên vắng má


LGT:
Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách.


Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected]


 


(Ðể nhớ về má Nguyễn Ngọc Trơn)


 


Hung Le


 


Tại sao bà nội gọi ba bằng “mầy”?


Na và Cil, hai đứa cháu gái cưng của bà nội, sao con lại hỏi ba như vậy? Ba cũng không ngờ là hai con lại để ý chi chuyện như vậy.Chắc tại ở nhà mình, mẹ hay gọi hai con bằng tên, nên con thấy làm lạ, sao bà nội lại không gọi ba bằng tên được. Ừ, thì bà nội thường gọi ba như vậy mà, có gì quan trọng đâu.


Nói thì như vậy để cho hai con dễ hiểu và cho qua câu chuyện. Thật ra làm sao ba có thể cắt nghĩa tường tận cho hai con hiểu rõ được, nhưng ba sẽ cố gắng, với khả năng của ba để giải thích và giảng giải cho hai con hiểu được phần nào.


Hai con được sinh ra và lớn lên tại đây, thành ra hai con có thể tạm so sánh như thế nầy. Trong tiếp xúc hằng ngày với thầy, cô và bạn học của con ở trường, con thường dùng hai chữ “ you and me.” Trong tiếng Việt Nam của mình, thì “you and me” có nhiều nghĩa hơn, tùy theo trường hợp, nhưng một cách dễ hiểu nhất và thông dụng nhất thì có thể hiểu là “mầy và tao,” nhưng như vậy thì không có lễ phép trong cách xưng hô hay gọi như thế trong phong tục của người Việt Nam được, vì người Việt Nam có sự tôn kính lẫn nhau, biết kính trọng người lớn tuổi và phân biệt thứ bậc trong gia đình. Do đó, khi hai con về nhà của ba hay của mẹ để thăm viếng ông bà, hai con phải gọi bằng ông bà nội, ông bà ngoại, chú, dì, bác, cậu hay cô. Bây giờ thì hai con có thể hiểu được chút nào chưa và lý do tại sao phải gọi, xưng hô khác nhau như thế.


Tại sao bà nội gọi ba bằng “mầy”?


Na và Cil, có nhiều lúc bà nội cũng gọi ba bằng tên hay kêu ba bằng con, những lúc như vậy thì không có mặt hai con ở bên cạnh nên hai con không nghe và cảm nhận được tấm lòng thương yêu của bà nội, ba sẽ kể vài chi tiết để cho hai con hiểu thêm.


Nếu ba không báo trước cho bà nội hay ngày nghỉ của ba hay của mẹ, thì bà nội lo lắng không yên. Thường thường vào mỗi buổi chiều, lúc hai con sắp sửa tới giờ ra trường, trong khi ba đang làm việc thì ba luôn được bà nội gọi phone tới hỏi hay để lại lời nhắn trong máy. “Hùng ơi, ai rước Na Cil đây, con có đi được không, hay nhờ thằng T. (tức chú của con) đi rước giùm cho.” hoặc “Hùng ơi, chút nữa khi đi làm về con nhớ ghé lấy đồ ăn cho Na Cil nha.”


Bao nhiêu năm con đi học, từ tiểu học cho đến khi con lên trung học, bây giờ con đang học lớp 10, là bấy nhiêu ngày bà nội phải lo lắng cho hai con và cho ba.


Những khi ba mẹ có chuyện xào xáo trong gia đình, mẹ của con về méc lại với bà nội, hoặc khi ba nóng nảy la rầy hai con trước mặt bà nội, thì bà nội lại kêu ba về nhà mà rầy la, “Con à, con không được làm như vậy, Na Cil nó lớn rồi, phải nói nhẹ nhàng ,cắt nghĩa cho chúng nó hiểu,” hay là “Vợ con nói con thua hết tiền chơi stock rồi, thôi con đừng có chơi nữa, tiền nhà con đã trả được nhiều ít, gần hết chưa?”


Hoặc mỗi chiều Thứ Bảy thì bà nội lại gọi phone cho hai con, hỏi hay con có muốn ăn gì không để bà nội nấu cho. Và sáng Chủ Nhật, khi đi lễ xong, gia đình mình lại về nhà bà nội ăn sáng. Nhìn ba má và hai con ăn uống ngon lành , là lúc bà nội hạnh phúc nhất, lòng bà nội được bình yên không phải lo lắng cho ba thì đó là lúc hai con thường được nghe bà nội gọi ba bằng mầy nhiều nhất.


Như vậy hai con có thấy không? Khi bà nội phải buồn phiền, lo lắng cho ba, thì bà nội thường kêu ba bằng tên hay là con để mà dạy, khuyên bảo, sửa sai những việc làm sai trái của ba. Chứ đâu phải bà nội không biết kêu ba bằng tên hay là con đâu.


Bây giờ thì hai con sẽ không bao giờ còn nghe được bà nội gọi ba bằng “mầy” nữa, và ba thì cũng không còn bao giờ nhận được những cú phone với những lời nhắn, “Hùng ơi, con ơi” nữa.


Mùa Thanksgiving đầu tiên không còn có má ở bên cạnh chúng con nữa, con vẫn đi mua một một gói thịt ham ở tiệm Honeybaker về như mọi năm nào con cũng làm vì má thích, và lần nầy thì con sẽ không còn được nghe má nói, “Con mua chi gói thịt ham lớn vậy, có tốn nhiều tiền không? Lấy phân nữa đem về để dành ăn đi.”


Ngày Thanksgiving đến, khi chúng con về lại nhà thăm ba và các em, cùng nhau ăn một bữa tiệc nhỏ để cảm tạ tất cả những ơn phước mà gia đình mình đã được, thì lòng con chùng xuống, miếng thịt ham đã không còn vị ngon ngọt như năm nào và con phải kềm mình để cho ba và các em, hai đứa con của con không thấy những dòng nước mắt của con vì nhớ má. Con cám ơn má vì đã ở với chúng con hơn 50 năm. Ðã luôn hy sinh, chăm sóc cho đàn con đến ngày khôn lớn hôm nay. Nếu có kiếp sau, xin má hãy làm má của con 1 lần nữa và hãy gọi con bằng mầy như má vẫn thường gọi con.


Chúng con nhớ má nhiều lắm, má ơi.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT