Friday, March 29, 2024

Mua áo


LTS:
Thi ca, âm nhạc thường ở lại trong tâm hồn chúng ta như một kỷ niệm. Có những bài thơ cứ ngỡ bị xóa nhòa trong ký ức. Vậy mà tình cờ đọc lại, hay nghe đâu đó vang lên vần thơ xưa, bỗng dậy lên trong ta cả một trời nhung nhớ, tựa như sự trở lại của một người bạn thân thiết, một chứng nhân thương yêu cho quãng đời mình đã qua. Trong tinh thần đó, trên trang Phụ Nữ hàng tuần, chúng tôi trân trọng gửi tới quý độc giả “Một Bài Thơ Cũ,” và cũng mong đón nhận từ độc giả những bài thơ của một thời. Thư về
[email protected]hoặc [email protected]


 


Ðông Hồ (10/3/1936 – 25/3/1969) tên thật là Lâm Kỳ Phác (Tấn Phác), hiệu Ðông Hồ (ông sinh trưởng ở ven Ðông Hồ ấn nguyệt, một thắng cảnh trong Hà Tiên thập cảnh), Thủy Cổ Nguyệt (chiết tự chữ Hồ).










Nhà thơ Ðông Hồ và vợ là nhà thơ Mộng Tuyết. (Hình: Internet)


Ông sinh trưởng ở nơi cùng tịch, nên chữ Pháp, chữ Hán đều được học rất ít. Chỉ chuyên tự học tiếng Việt mà thành văn, thi tài. Từ năm 1923 đến năm 1933, viết cho tạp chí Nam Phong xuất bản ở Hà Nội, trong đó, làm văn nhiều hơn làm thơ. Năm 1935, nghỉ viết báo Nam Phong, chủ trương tuần báo Sống, tự lực xuất bản ở Sài Gòn. Năm 1953, giám đốc Nhân Loại tập san, xuất bản ở Sài Gòn, để làm cơ quan cho nhà xuất bản Bốn Phương và nhà Sách Yiểm Yểm Thư Trang sáng lập từ năm 1950.


Từ năm 1926 đến năm 1934, ông mở nhà nghĩa học trên bờ Ðông Hồ lấy tên là “Trí Ðức Học Xá,” chủ trương chuyên dạy bằng tiếng Việt, cổ động khuyến khích cho học trò và bè bạn tin tưởng ở tương lai Việt ngữ.


Ðã xuất bản:


– Thơ Ðông Hồ (Nam Ký thư quán Hà Nội, 1932)


– Linh Phượng, tức Trác Chi Lệ Ký tập (Nam Ký thư quán Hà Nội, 1934)


– Cô Gái Xuân, thơ (Vị Giang văn khố Nam Ðịnh, 1935)


– Những lỗi thường lầm trong sự học Quốc Văn, biên soạn chung với Trúc Hà (Trí Ðức học xá, 1936)


– Hà Tiên thập cảnh (Bốn Phương Sài Gòn, 1960).


– Trinh Trắng thơ (Bốn Phương, 1961). (Nguồn ThiVien)


 


Mua áo


 


Ðông Hồ


 


Chiếc áo năm xưa đã cũ rồi,


Em đâu còn áo mặc đi chơi


Bán thơ, nhân dịp anh ra chợ,


Ðành gởi anh mua chiếc mới thôi!


 


Hàng bông mai biếc màu em thích,


Màu với hàng, em đã dặn rồi


Còn thước tấc, quên! Em chửa bảo:


Kích tùng bao rộng, vạt bao dài?


 


Ô hay! Nghe hỏi mà yêu nhỉ!


Thước tấc anh còn lựa hỏi ai.


Rộng hẹp, tay anh bồng ẵm đó,


Ngắn dài, người mới tựa bên vai!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT