Thursday, March 28, 2024

Mỹ hay Việt, còn hay mất?



K.Nguyên


 


1.


Tôi có người bạn học cùng khoa, nhưng cách nhau một khóa. Bạn bè xa lắc xa lơ, từ khi ra trường gần 20 năm thì được tin gia đình anh định cư ở Mỹ.










Devan Phan và mẹ trước căn nhà ở Mobile, Alabama. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)


Bảo là được tin, nhưng anh đến đây gần 3 năm sau mới liên lạc được, mà chỉ qua điện thoại chứ cũng chưa gặp mặt.


Mỗi lần ‘alo’, anh thường kể chuyện gia đình mình, gồm vợ và 2 con đang tuổi mới lớn, với bao nỗi lo lắng, suy tư từ đời sống vật chất đến tinh thần, giống như hầu hết các gia đình người Việt khác trong buổi đầu mới đến định cư.


Anh bảo, “mình buồn quá, lo quá, cơm áo thì không quá thiếu, nhưng cái lo nhất là về tinh thần”.


Khi thấy các con mỗi ngày đến trường, hòa nhập vào xã hội Mỹ quá nhanh, mà anh thì đầu óc ‘Việt Nam chay,’ học để đuổi theo con thì không đủ sức. Văn hóa xứ sở này với anh vô cùng xa lạ, mà dạy con theo cách của anh thì không hợp thời.


Thế là anh lo. Lo một ngày lũ trẻ sẽ xa rời tầm tay, lo chúng không còn là người Việt Nam mà là người Mỹ. Mà nếu như thế thì sự ‘dứt áo ra đi’ đến đất này là ‘vì tương lai chúng nó,’ phỏng có ích gì?


2.


Tôi cũng có một người bạn khác. Anh rời Việt Nam theo làn sóng thuyền nhân vào những năm 1980, khi ấy chừng 10 tuổi. Hơn 30 năm, anh gần như một thân một mình lớn lên ở Mỹ, ăn đồ ăn Mỹ, học với Mỹ, chơi với Mỹ, đánh lộn, chửi nhau cũng với Mỹ và tất nhiên là sau khi tốt nghiệp đại học thì làm với Mỹ. Hiểu một cách nôm na, anh không có tí Việt Nam nào sất cả.


Nhưng rồi anh lấy vợ, một người Việt Nam, theo các mối quan hệ của vợ, anh gặp người Việt và nói tiếng Việt, ăn đồ ăn Việt và đọc tiếng Việt.


Mỗi khi gặp nhau, anh luôn là người đưa ra nhiều câu hỏi. Anh quan tâm tới việc tôi đã lớn lên ở Việt Nam trong những năm mười tám đôi mươi như thế nào? Tôi học cái gì, chơi ra sao, nghĩ gì về xã hội, con người khi ấy. Thậm chí tôi đọc sách gì? Tác giả nào mà tôi thích…


Tuyệt nhiên, anh không bao giờ nói vì sao hỏi tôi nhiều như thế. Nhưng tôi cảm nhận được anh hỏi không chỉ vì tò mò, mà muốn thông qua tôi để được thấy hình ảnh của chính mình sẽ tiếp diễn thế nào ở Việt Nam, nếu như anh không vượt biên đến Mỹ…


3.


Bi là tên Việt Nam của một cậu em họ tôi, 25 tuổi. Ba của cậu du học ở Mỹ từ năm 1968, mẹ di tản 1975. Sinh ra ở Mỹ, nhưng ngay từ nhỏ cậu chỉ thích đồ ăn Việt. Ðây cũng là một trong những lý do vì sao Bi thích gần gũi với người Việt.


Một cách âm thầm, suốt những năm đại học, Bi học tiếng Việt và sau khi ra trường đi làm hơn một năm thì khoác ba lô về Sài Gòn thăm quê nội lần đầu tiên. Ði, gặp, hiểu… và sau chuyến về Việt Nam ấy, Bi có nhiều bạn bè và nay nghe đâu đã có một cô bạn gái người Hà Nội.


Dù bà con họ hàng dọa ‘coi chừng con gái Việt Nam nó lừa’, nhưng Giáng Sinh vừa rồi Bi lại về Việt Nam. Nay thì nghe cậu khoe là đã chạy được xe gắn máy thông thạo trên phố Sài Gòn.


4.


Một trong những nhân vật mà tôi thích nhất trong thời gian làm báo ở Texas là một người ‘con lai Mỹ’. Anh là chủ vựa thu mua tôm, bán xăng dầu cho ngư dân ở thành phố Mobile, Alabama.


Cao lớn, mắt nâu, đầu cạo trọc, Devan Phan như một ông Mỹ chính gốc, mà theo lời anh tự trào là ‘bọn Mỹ ở cả cái vịnh này không thằng nào tin em là gốc Việt!’


Qua Mỹ ngay trong những năm đầu của làn sóng con lai, vượt qua những tháng năm vất vả, học hành, làm nghề vận chuyển cá rồi quay sang làm chủ vựa mà giờ đây vốn liếng đến cả triệu đô la. Anh kể, ‘em làm ăn thành công một phần là nhìn bên ngoài em giống hệt Mỹ, nhưng chưa bao giờ em nghĩ mình là người Mỹ cả’.


Bất ngờ nhất là cách Devan Phan cư xử với mẹ, một phụ nữ người Bắc di cư, bà là người nhận nuôi anh từ khi vài tháng tuổi khi bị mẹ ruột bỏ rơi. Khó có thể tưởng tượng được một ‘ông Mỹ’ cao lớn kềnh càng, một dạ, hai thưa với bà mẹ Việt, dù sống ở Mỹ gần 30 năm vẫn còn giữ thói quen ăn trầu.


***


Ai đó nói rằng, con cái gốc Việt lớn lên ở Mỹ giống như quả chuối, vỏ thì vàng nhưng ruột thì trắng. Một cách chủ quan, tôi không tin điều đó.


Vàng hay trắng, đỏ hay đen, cũng chỉ là cái vỏ bên ngoài. Dòng máu nào chảy trong huyết quản mới là điều quan trọng. Nó là cái la bàn chỉ hướng để người ta đi về phía cội nguồn của mình, dẫu nhiều khi chỉ có trong tiềm thức.


Vậy thì ‘Mỹ hay Việt’, ‘còn hay mất’, liệu có đáng để lo không, hỡi người bạn đồng khoa của tôi?

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT