Friday, March 29, 2024

Những Cánh Diều Tuổi Thơ

 
LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách.

Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected]




Tóc Huyền




*Cho N.L.,T., Th., H.L., để “cuốn theo chiều gió…” và nhớ về Phan Thiết với những cánh diều.




Chiều nay gió nhẹ. Gió thổi nghiêng ngả những cây olive người ta trồng dọc theo lối đi trong khuôn viên trường đại học, làm trái olive chín rụng lăn đầy trên nền xi-măng. Và trước thư viện, mấy cây lựu run rẩy, làm từng chùm, từng cánh hoa đỏ rơi rơi, bay bay theo gió…


Gió không nhiều, chỉ như gió của ngày nào xa xưa thôi, gió của tuổi thơ nơi quê tôi đã nâng những cánh diều…


Tự bao giờ chẳng rõ, trẻ con nơi miền cát trắng quê tôi đứa nào lớn lên cũng mê thả diều đến mất ăn mất ngủ. Cái xứ chi mà lạ, nhìn về hướng nào cũng thấy toàn cát không là cát. Những đồi cát cao thấp chập chùng nối tiếp nhau, nhấp nhô trải dài như những con sóng bạc đầu đang vỗ về bờ cát trắng. Nhìn từ xa, bóng người đi đổ dài theo hướng nắng, xiêu xiêu, và bé như những con kiến gió đang lê bước về tổ sau một ngày làm việc mệt nhọc. Ðến gần mới thấy mờ mờ mặt người đang cố bước thấp bước cao như đang đi trong sa mạc cát, cứ bị lún mãi mà phải cố rút chân lên để bước tiếp…


Nhà tôi nằm kề bên động cát đó. Và không chỉ có mùa hè mới là những ngày tháng thần tiên cho cánh diều bay, mà quanh năm suốt tháng, ngày cuối tuần nào cũng có những con diều giấy đủ màu, đủ cỡ bay lượn. Làm một con diều đâu khó chi, chỉ cần một khúc tre, vài tờ giấy học trò xé từ quyển vở cũ, một mớ cơm nguội thay hồ để dán diều là có thể “sáng chế” ra con diều mà nếu khéo tay một chút cũng đủ làm cả lũ trẻ con hàng xóm trầm trồ, ghen tỵ. Này nhé, thanh tre chẻ thành cọng nhỏ như chiếc đũa ăn cơm, có làm siêng thì lấy mảnh chai chuốt cho tròn, bóng để khi cầm khỏi bị xước tay, rồi bẻ thành sáu khúc dài ngắn tùy theo con diều to hay nhỏ, xếp lại thành hình thoi với chữ thập ở giữa, lấy chỉ may hay dây cước cột lại cho chắc là thành cái “sườn” con diều, chỉ còn phất giấy lên thân là xong con diều. Thường thường thì dán hai, ba lớp giấy cho chắc ăn, vì sợ lên cao gió quá mà giấy mỏng thì dễ rách. Không có hồ dán nên cơm ngưội được đem ra dán diều, đôi khi không dính chắc cho lắm nên hay có cái cảnh dở khóc dở mếu vì con diều yêu quý tự nhiên đang bay ngon lành bỗng mất “đuôi” nên mất thăng bằng, đảo lia lịa rồi nhào đầu xuống đất. Ôi, chỉ tội cho mấy cuốn vở cũ, ngày trước đã từng được nâng niu bao nhiêu thì nay bị lôi ra dán diều không thương tiếc bấy nhiêu, chỉ vì cái mãnh lực của dáng con diều chấp chới trên nền trời xanh đã đánh bạt đi chút luyến tiếc cho công sức ngồi nắn nót những dòng chữ non nớt, thơ dại. Thấy mấy anh em nhà hàng xóm vác diều ra thả, lũ trẻ nhà tôi đâu có dễ chịu thua kém; bốn đứa cũng có bốn con diều là ít! Ngày ấy tôi còn bé lắm, học lớp một, lớp hai gì đó, thấy anh chị làm gì cũng bắt chước, nên cũng chế tạo cho mình con diều như ai. Thôi thì thí nghiệm làm đủ thứ diều, từ con diều ó bề ngang to hơn bề dài, có hai cái “mang cá” hai bên, và chẳng có đuôi, đến con diều thực thụ màu sắc sặc sỡ (nhờ bồi thêm mấy miếng giấy màu làm thủ công trong lớp học), có hai hàng tua hai bên, và cái đuôi dài thậm thượt như cái đuôi con rồng trong đám rước đầu năm ngoài phố chợ năm nào tôi đi xem. Rồi cũng tập căng dây “lèo” nữa chứ! Phải nói căng cái sợi dây nhỏ này, đơn giản chỉ cột vô thanh hình dấu thập kia, rồi nối với cuộn dây thôi mà cũng phải thử nghiệm nhiều lần lắm mới khá được, vì không khéo căng là con diều cứ đảo, quay vòng vòng mà chúi xuống thôi, không lên nổi, đừng nói chi bay cao.









(Hình minh họa: Getty Images)


Xong con diều, nhưng còn phải kiếm cuộn dây cho dài thì thả con diều bay cao mới đã mắt. Không có tiền mua dây cước cuộn người ta bán ngoài chợ, nên tụi nhỏ đi kiếm lưới đánh cá cũ người ta bỏ đi, đem về ngồi hì hục, tẩn mẩn tháo từng cái mối nút thắt, rồi cuốn sợi dây vô cái lon sữa bò, càng dài càng tốt. Lúc đầu tụi tôi xài cuộn chỉ may làm dây thả diều mà nó mỏng manh dễ đứt quá, cứ bị đứt bay mất cả dây lẫn diều, nên chẳng thà tốn công ngồi gỡ dây cước còn hơn để con diều công trình chăm chút của mình bay mất cho thiên hạ lấy chơi.


Ðộng cát bao giờ cũng có gió. Chỉ trừ những ngày bão, gió nhiều thổi bụi cát mịt mù vô mặt mũi, tóc tai, nên đành ở trong nhà – còn thì ngoài những ngày đi học, động cát là sân chơi của tụi nhỏ xóm tôi. Không có nhiều dây điện giăng ngang dọc, nên khoảng trời được dành riêng cho những cánh diều vẫy vùng. Chạy tới, chạy lui theo hướng gió, ráng đưa con diều nương theo gió mà lên, một khi nó đã “ăn gió” rồi thì chỉ cần thả nới dây, cho con diều bay cao, bay xa tít… Cái lon buộc cuộn dây khi đã thả gần hết dây rồi thì nhẹ bâng, mà cầm hoài cũng mỏi tay, nên tụi nhỏ nhà tôi cứ đem vùi xuống cát. Và lúc đó, cát trở thành tấm thảm êm để mà nằm lăn ra, ngắm trời, ngắm mây, và ngắm những cánh diều đang duyên dáng bay. Thỉnh thoảng, có đứa nào không biết, kiếm đâu ra cái ống sáo nhỏ xíu mà gắn vô diều; càng lên cao, tiếng sáo càng réo rắt trong gió, nghe như tiếng đàn nhạc của thiên tiên từ thượng giới vọng về. Nhiều hôm trời không nắng gắt lắm, nên thay vì nằm dưới gốc chùm ruột mà đọc sách, tôi xách diều ra thả; chôn cái lon xuống rồi là rảnh tay, ôm cuốn truyện, thơ nào đó mà tôi mới lục lọi được từ tủ sách của mẹ tôi, lăn ra thảm cát âm ấm mà đọc.


Cái thói quen “dễ thương” làm “mọt sách” chắc cũng bắt đầu từ những ngày xa xưa ấy. Trí tưởng tượng non nớt của tuổi thơ có dịp lãng đãng bay theo cánh diều; tôi từng mơ mình theo diều bay từ xứ này qua xứ khác, như trong truyện cổ tích xưa hoàng tử bé ngồi trên tấm thảm bay. Có hôm vì mơ mộng quá nên không để ý rằng gió chiều mạnh lên mà cuốn dây để kéo diều về, nên dây đứt, diều bay mất hút theo chiều gió, báo hại con nhỏ nhìn theo mà ngẩn ngơ, khóc quá trời… Mẹ về chiều nào cũng thấy lũ nhỏ quần áo tóc tai đầy đất cát, dây nhợ quấn tùm lum như dân đánh cá đem lưới ra phơi, vá. Có hôm, mẹ tôi về, nhìn hoài không biết có phải là con nhỏ không nữa, nhìn ra là nhờ cặp mắt. Con nhỏ tóc tai bù xù, mặt mũi dính đầy lá me dại và bụi bặm; chỉ vì muốn thu hồi được con diều bay lạc qua ngọn đồi bên kia nên con nhỏ phải chui hàng rào nhà hàng xóm. Có hôm mẹ về chỉ thấy cái mặt nó buồn xo, vì đứa nào đã lanh tay cuỗm mất diều rồi. Cái công trình bao nhiêu ngày chuốt tre, bị dằm xóc tay, ve chai cứa đứt, khom lưng tẩn mẩn dán diều coi như tan theo mây khói.


Chiều qua, ngồi ngắm lũ trẻ con chạy tới chạy lui trên bãi cát bờ biển Dana Point, cố đưa con diều bay lên mà nó cứ đảo qua đảo lại, tôi lại nhớ da diết con diều năm cũ dán từ cuốn vở học lớp hai vẽ hình nguệch ngoạc của tôi. Ðàng xa kia, ngoài bờ đê chắn sóng là mấy chiếc thuyền buồm no gió đang lướt trên sóng biển, màu trắng nổi rõ trên nền trời, nghiêng theo chiều gió y hệt như con diều của ngày xưa. Dẫu còn, dẫu bay mất về tay người khác, nhưng trong giấc mơ của tuổi thơ tôi, bóng dáng con diều trắng vẫn chao liệng, cái đuôi dài vẫy vẫy như gọi mời, và thân diều trắng mảnh mai vẫn vươn tới, dũng cảm đón ngọn gió trời…


Pomona, CA

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT