Friday, March 29, 2024

Nỗi nhớ Hà Nội

 


Thiên Ân


 


Khó nói rõ được vì sao mình yêu và nhớ Hà Nội. Chỉ biết đó là một tình yêu có thực.



Sông Hồng (Hình: Vũ Hoàng Linh)


Và hôm nay, ở nơi xa, bỗng nhớ người bạn, người yêu, người anh, anh đang ở đâu, hỡi anh, một người Hà Nội đến tận xương tủy của em!


Người ta nói, “biển cả nằm trong một giọt nước – một giọt nước cũng quy tụ biển cả.” Nếu điều đó đúng, thì có lẽ thân phận của một giọt nước như cha mình cũng là thân phận của mênh mông dân tộc Việt Nam hay sao? Có thể có người chưa đồng ý với nhận xét đó, còn riêng mình thì vẫn cứ cho rằng trường hợp người bạn trai của mình ngoài nớ đúng là chốn chắt lọc của một biển cả Hà Nội.


Mỗi lần nhớ về Hà Nội là mỗi lần nhớ về anh. Nhớ về những buổi chiều của anh. Ðó là những buổi chiều sách vở – và mình nghĩ, có lẽ tính chất sách vở là phẩm tính của người Hà Nội chăng. “Anh hò hẹn với mặt trời mọc và mặt trời lặn của Hà Nội. Những sớm mai bên sông Hồng và những chiều muộn cũng ở bên sông Hồng.”


Anh có cuộc sống dư dả. Nhưng anh thích đến với cảnh lam lũ của người lao động nghèo ở thủ đô. Anh thích sáng rất sớm đứng bên những xe tải chở nặng khoai và rau củ quả và những người đàn ông cởi trần khuân hàng xuống để những người đàn bà gánh tỏa đi các hướng.


Anh ơi, Hà Nội hôm rét lắm không? Ở trong này không thấy chút hơi hướm gì là mùa Ðông hết. Và mình lắng nghe tiếng anh, Hà Nội mấy hôm nay rét đậm em ạ. Trẻ em nghỉ học và người lớn co ro. Những cây lộc vừng bên Hồ Gươm cũng co ro. Tháp Rùa như đang cúi đầu gục xuống ngủ gà gật. Bên hồ đang có hội hoa.


Anh ơi, em từng nghe cha em kể về hội hoa xuân Hà Nội, cha em từng được hưởng một lần hội hoa xuân khi cha em ra Hà Nội học đại học, nhưng cha em chỉ được hưởng một mùa hội hoa dở dang, và một bông hoa ấy bị vặt đem lên trồng ở “Cổng Giời.”


Mình như nghe thấy anh đang thủ thỉ. Hoa là cái Ðẹp, và Hội là niềm Vui. Khi vui là vui gượng thì đẹp cũng chẳng còn mấy ý nghĩa. Nhưng anh ơi, trong cái sân trại giam cha em xưa, em vẫn thấy có hoa. Vẫn còn sót lại luống hoa. Không có lẽ ở nơi “Cổng Giời” con người có niềm vui? Ờ, toàn bộ bí ẩn của cuộc sống là ở đó. Cuộc sống của những người Hà Nội bây giờ không còn mấy ý nghĩa. Vì thế mà người ta phá những luống hoa. Thực ra mấy luống hoa ấy cũng nên phá nốt đi. Ðó là những luống hoa nói dối.


Hà Nội bây giờ hoa thật chen hoa giấy, hoa người trồng chen hoa đùn từ máy thổi ni lông. Ngay cả hoa thật cũng bứng từng cụm thay cho hoa thực sự do bàn tay con người trồng tỉa. Không có cái tình gửi vào giọt mồ hôi thì sẽ chỉ còn cái lòng tham của kẻ ăn cắp hoa, kẻ vặt hoa trộm, và của kẻ không được ăn thì đạp đổ.


Hà Nội có còn thanh lịch không anh?


Thanh lịch là gì? Thanh lịch phải là một nếp sống. Không có cách gì tạo ra một nếp sống trong vài ba năm nhiệm kỳ của một ông “trùm văn hóa” có tật nói dối. Một nếp sống phải tạo được cái yên ả nền nã thanh thản như củi bóng râm của một khu rừng già. Một nếp sống là thành tựu của trăm năm ngàn năm.


Thế nhưng giờ đây đâu đâu ở khắp thủ đô Hà Nội cũng treo những tấm biển “khu phố văn hóa.” Biển thì cứ cố mà treo, nhưng cái cốt cách văn hóa thì đã đội nón mà ra đi từ lâu rồi! Cả thủ đô đồn chuyện ông “trùm văn hóa” tòm tem một “em” ở quê, em đòi cho em làm vợ lẽ, nếu không ông trùm văn hóa đó phải bồi thường cho em một tỷ đồng để em một thân một mình mang cái bụng vượt mặt về với mẹ cha.


Ôi, thật vậy sao?


Người Hà Nội biết câu ca này, câu ca đuổi theo một quan chức bậc cao từ Hà Tĩnh vượt ra thủ đô. “Ông Thờ ngủ với cô Nga, đẻ ra một đứa ui cha cha giống hệt cha thằng Ðờ”…


Người Hà Nội cũng làm vè như vậy ư?


Người Hà Nội bây giờ bỗng dưng cũng biết làm vè.


Vậy đó, mà sao ta vẫn nhớ Hà Nội của ta? Tình yêu và nỗi nhớ là những điều muôn thuở bí ẩn.


Anh kể chuyện gì nữa đi. Anh nói nữa đi. Hà Nội đang có gì, Hà Nội còn gì của miền thanh lịch nữa hả anh?


Còn chứ! Hà Nội còn sách!


Cái nếp sống hội tụ của sách về chốn kinh kỳ này vẫn còn. Ngày xưa là những nhà in mộc bản ở Hàng Gai, Hàng Bồ, Hàng Bông… Bây giờ, la liệt sách. Murakami in ở Hà Nội nhiều như ở bất cứ thủ đô nào. Bộ tiểu thuyết bốn tập mới ra lò của Murakami 1984 đã thấp thoáng bản tiếng Anh và tiếng Pháp ở Hà Nội, và chắc chắn sẽ ra mắt những con mọt sách Hà Nội trong nay mai.


Người Hà Nội thứ thiệt vẫn là người Hà Nội của sách. Một nhà nghiên cứu trẻ, cô Nhã Thuyên, mới hoàn thành tiểu luận “Những tiếng nói ẩn ngầm trong nền thi ca hậu hiện đại Việt Nam.” Lẽ ra, Nhã Thuyên đã trình bày tiểu luận này tối 5 tháng 1 năm 2012 ở Trung Tâm Văn Hóa Pháp. Nhưng cuộc “trình diễn” bị chặn lại vào phút cuối cùng.


Ai chặn?


Em đoán coi: Ai chặn? Những thế lực phản văn hóa, phản sách đã chặn lại.


Ðó không phải là Hà Nội, anh đừng buồn.


Chính xác! Ðó không phải là cái Hà Nội của nền văn hóa muôn đời, anh chẳng thèm buồn mà làm chi.


Em càng nghe tiếng anh, em càng nhớ Hà Nội.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT