Thursday, March 28, 2024

SAHM: Phong trào bà mẹ tại gia mới

 


Triệu Phong/Người Việt


 


Charlotte Latvala trước khi có con, chưa hề nghĩ đến một ngày nào đó chị sẽ làm bà mẹ tại gia. Thế rồi từ khi có bé Mathilda, tâm tư chị hoàn toàn thay đổi. Chị kể, lúc ánh mắt chị và em bé dán chặt vào nhau, là lúc mà mọi ưu tư của chị về tiền bạc và nghề nghiệp đều mờ nhạt hẳn đi. Không phải chúng biến mất mà chỉ trở thành thứ yếu.



(Hình: counselormom.com)


Bà mẹ tại gia tiếng Mỹ thường gọi “stay-at-home mom,” viết tắt là SAHM.


Chị Latvala có cả tấn bạn bè có cùng kinh nghiệm như chị. Họ trở thành chủ nhân của chính mình. Tất cả giống nhau ở một điểm, đó là nỗi ao ước được sống từng giây từng phút bên cạnh em bé, cùng chia sẻ với bé từng cái tốt, cái xấu và cái bừa bãi không thể tưởng tượng được do bé gây nên.


Nếu bạn đang còn phân vân để trở thành một SAHM, thì hãy nhớ rằng trước mắt bạn là cả những phần thưởng vừa ngọt ngào vừa thách thức cay đắng.


 


Làm SAHM ngày nay là làm kinh tế tại gia


 


Theo thăm dò của Center for Women’s Business Research, ở Mỹ hiện nay có đến 10.1 triệu phụ nữ làm chủ kinh doanh. Không có thống kê chắc chắn nào về con số có bao nhiêu SAHM đang điều hành những guồng máy này, nhưng hẳn nhiên con số này đang ngày một cao hơn trong thời đại Wifi như bây giờ.


Ellen Parlapiano, đồng sáng lập trang mạng monpreneursonline.com, phát biểu: “Trên 90% các bà mẹ chúng tôi phỏng vấn đều cho ước vọng đời sống linh hoạt tại gia là lý do hàng đầu khiến họ muốn làm việc ở nhà. Một thay đổi lớn khác chúng tôi nhận thấy trong 15 năm qua là sự chấp nhận. Trước đây, các bà mẹ thường miễn cưỡng công nhận mình làm việc tại nhà. Ngược lại ngày nay nó trở nên phổ quát, mà còn được nể vì nữa.”


Trong quá khứ việc làm tại gia thường về lãnh vực nghệ thuật và mỹ nghệ, nhưng nay thì đủ các ngành nghề chuyên môn như thiết kế trang mạng, luật gia, tiếp thị, vân vân.


 


SAHM viết blog về mình và tiếp xúc với người khác


 


Ðánh chữ “mom bloggers” vào ô tìm kiếm thông tin, bạn sẽ gặp hằng ngàn SAHM viết về sinh hoạt hằng ngày của họ trên mạng. Các bà mẹ chia sẻ đủ thứ những câu chuyện và bí quyết, về việc một gà mái đơn chiếc nuôi con, về chuyện xin con nuôi, việc dạy dỗ tại gia, và nhiều thứ nữa. Trang blog ăn khách nhất như Pioneer Woman and Dooce, biến các tác giả trở thành nổi tiếng đến nỗi họ được mời ra sách và làm phim. Jen Singer, bà mẹ hai con ở New Jersey và cũng là chủ trang mạng mommasaid.net, cho biết, trang blog của bà có trung bình 90,000 người vào xem mỗi tháng. Mặc dù không mang đến nhiều tiền lắm của nhưng kết quả dẫn đến việc được mời ra sách, đi diễn thuyết và được đề nghị bảo trợ, những điều chưa hề xảy ra vào thời tiền Internet.


Jennifer James, người sáng lập trang mạng mombloggersclub.com, một hội với 10,000 thành viên, tuyên bố: “Bà mẹ viết blog tạo được ảnh hưởng rất lớn vì họ tượng trưng cho tiếng nói đích thực của các bà mẹ.” Kiếm sống bằng viết blog là cả thử thách cam go nhưng cũng có những đền bù. Bà James tiếp: “Các bà mẹ viết blog hay, thường được các thương hiệu mời mọc đánh giá sản phẩm của họ. Một số nhận được các sản phẩm trị giá hằng ngàn dollar mỗi tháng.”


 


Khuynh hướng trở thành SAHM ngày mỗi mạnh hơn


 


Một thăm dò vào năm 2007 của tổ chức nghiên cứu Pew Research Center cho thấy, 48% các bà mẹ tại gia ngày nay cho việc ở nhà suốt ngày là tình trạng lý tưởng so với 39% của mười năm trước đây. Trái lại, chỉ 21% các bà mẹ đi làm cho đi làm cả ngày là điều lý tưởng, giảm đi từ 32% của năm 1997. Ðiều này không có nghĩa là SAHM đã đánh mất cảm hứng nghề nghiệp, hoặc chịu đánh đổi một cái BlackBerry lấy cái bàn ủi, mà rằng bà mẹ tại gia quan tâm hơn đến một cuộc sống cân bằng, hơn là muốn chứng tỏ mình là một siêu nữ nhân, Superwoman.


Khi chị Latvala bắt đầu làm việc tại gia 15 năm trước đây, chị chưa hề nghe nói đến chữ WAHM, tức work-at-home mom, có nghĩa là bà mẹ làm việc tại gia. Ngày nay cảnh sắc đã đổi khác, thay vì một bà mẹ tương lai tự hỏi “Nên ở nhà hay nên đi làm?” thì chỉ còn thắc mắc, “Ở nhà làm việc gì đây?” Brooke Hall, 27 tuổi, cư dân của Dublin, California, và cũng là người điều hành ngành kinh doanh thiết kế trang mạng có tên brookehalldesign.com. Cô làm việc tại gia, sống cạnh bé trai Owen, mới được 10 tháng, và cảm thấy sung sướng vừa được săn sóc con vừa làm việc chuyên nghiệp của mình.


Hầu hết các WAHM đều cho rằng làm nhiều việc một lúc cũng là điều đáng làm. Amy McAllister, 23 tuổi, ở Elk Grove, California, đang vừa dạy làm bánh trên trang mạng littleladycakes.com, vừa học để lấy bằng hành nghề châm cứu. Cô nói: “Ðiều lý tưởng khi vừa làm việc vừa nuôi con là tôi không bị đắm chìm trong đống tả hoặc bốn bức vách ngăn trong chỗ làm ở sở làm. Tôi cảm thấy mình có cá tính mạnh hơn khiến mình vừa trở thành một bà mẹ tốt vừa là một kiểu mẫu cho đứa con trai 2 tuổi của mình.”


 


Ðiều kiện ắt có và đủ để trở thành một WAHM thành công:


 


Có thái độ chín chắn: Làm việc tại nhà cũng là làm việc nhưng không bị ai bảo mình phải làm gì và khi nào phải làm việc gì. Bí quyết thành công là có lòng tự thôi thúc khiến mình phải bước ra khỏi giường khi trời sáng và bắt tay vào việc ngay trước khi em bé thức dậy, hoặc thức khuya hơn sau khi em bé đã ngủ.


Có kế hoạch: Melissa Leonard, 37 tuổi, làm nghề cố vấn về nghi thức xã giao ở New York, kể: “Trước khi có con tôi đã chọn một nghề nào mà mình vừa có thể ở nhà trông con vừa làm việc bên chúng. Tôi làm việc khi nào thấy thuận lợi, hầu hết là vào cuối tuần, khi chồng tôi có thể ở nhà để trông con hộ.”


Tạo một hệ thống yểm trợ: Vì chồng chị Latvala làm ca đêm nên chị có thể coi sóc em bé mỗi khi tôi có phỏng vấn qua điện thoại, hoặc có việc phải làm xong trước kỳ hạn. Ngoài ra chị cũng trao đổi với các bà mẹ khác, mướn người coi trẻ khi công việc cấp bách và để dành sẵn một đống đồ chơi mà trẻ con ưa thích để lôi ra khi cần thiết.


Có chương trình thực tiễn: Giờ con ngủ thường là giờ làm việc lý tưởng của các WAHM. Shelley Hunter, 44 tuổi, người điều hành một trang mạng về thẻ tặng quà tên giftcardgirlfriend.com, từ nhà riêng ở Danville, California. Bà nói: “Tôi phóng vội tới computer mỗi khi con tôi đi ngủ. Tôi biết thời giờ là vàng bạc nên tôi phải tận dụng tối đa.”


Tạo lấy một chỗ làm việc: Angela Halloran, 35 tuổi, một nhà thiết kế trang mạng lấy tên boutiquewebdesigns.com, sống ở Nobleville, Indiana, nói: “Tôi biến căn phòng trống trong nhà thành phòng làm việc, và sắp đặt nó thành một nơi không khác gì chỗ làm chuyên nghiệp. Cuối ngày tôi đóng cửa lại và đến sáng hôm sau mới mở ra.”


 


Nỗi thú vị được làm WAHM


 


Thời khắc linh động: Bà Hunter tâm sự: “là một bà mẹ làm việc tại gia, tôi có đủ năm rộng tháng dài để điều chỉnh chương trình làm việc. Khi con tôi bệnh, tôi không phải gọi vào sở để xin nghỉ hoặc tìm người coi sóc hộ.” Bạn có quyền chạy xe lòng vòng ngoài giờ cao điểm như đi chợ, đến ngân hàng, hoặc đi tập thể dục trong khoảng 10 giờ sáng đến 5 giờ 30 chiều, hay lấy hẹn đi bác sĩ hay cắt tóc, bất cứ khi nào bạn thấy thuận tiện nhất cho mình chứ không phải thuận tiện nhất đối với sếp.


Tận hưởng cuộc sống: Là một WAHM, chị Latvala có thể tận dụng những tiện ích mà thế giới người ta phải làm việc 8 giờ mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần không có. Ví dụ mỗi khi chị muốn đến gặp một bà mẹ gần nhà để cùng uống cà phê thì chị chỉ việc bỏ con lên xe đẩy và tà tà đi tới.


Con cần bú là có thể được bú ngay: Bà mẹ tại gia không lo đến chuyện ngồi trong văn phòng vừa làm việc vừa lo lấy máy hút sữa cho con, hoặc phải vào trong phòng vệ sinh.


Ngủ trưa: Sonya Braun, 37 tuổi, một bà mẹ ba con ở Winnipeg, Manitoba, tâm sự: “Ngủ trưa là một điều thiết thực nhất cho tôi, đặc biệt sau một đêm thức giấc bên con. Mất ngủ cả đêm xuống sức nhanh vô cùng.”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT