Thursday, March 28, 2024

Tâm tư ngày Tết

 


Hà Giang/Người Việt


Chập choạng tối Chủ Nhật, Thanh, cô em dâu thứ hai gọi phôn:


-Chị có đang ở nhà không? Em muốn ghé thăm chị một chút!










Ba thế hệ cùng đi chùa. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


-Chị đang lái xe, nhưng chắc 10 phút nữa sẽ về đến nhà, có gì lạ không Thanh?


-À không, em chỉ muốn ghé thăm chị một tí, khoảng 20 phút nữa em tới chị được không?


Ðược chứ! Tôi hẹn gặp Thanh rồi bâng khuâng. Mới hơn 5 giờ chiều mà trời đã gần sẩm tối.


Gió lạnh, cái lạnh của những ngày Ðông.


Nhà ở tận Garden Grove, lại bận bịu với hai đứa con nhỏ, sao tự nhiên tối rồi mà Thanh lại nổi hứng đòi đến thăm mình nhỉ?


Ô đúng rồi, chắc là để mang quà Tết. Tôi ngẫm nghĩ rồi liếc mắt nhìn tờ lịch, và giật mình.


Ðã 15 rồi. Tết Nguyên Ðán năm nay rơi vào ngày 23 Tháng Giêng dương lịch, sớm hơn mọi năm nhiều. Vậy là chỉ còn đúng một tuần nữa thôi.


Tôi bật cười với sự đãng trí của mình. Làm việc ngay ở trung tâm Little Sài Gòn, thấy mọi người xung quanh rộn rịp với báo Xuân, với chợ hoa, với gói bánh chưng, làm giò thủ, dưa chua, dưa món, tôi vẫn mơ hồ biết là Tết sắp đến, nhưng sao nhanh quá!


Và cái Tết ở khu Little Sài Gòn, nơi tập trung đông đảo người Việt nhất tại hải ngoại linh đình có lẽ không kém gì ở quê nhà.


Cứ đi một vòng quanh các siêu thị Việt Nam thì sẽ thấy bánh chưng, giò chả, bánh mứt, hạt dưa, chất đầy ngất ngưởng, phong bì đỏ bầy kín mặt quầy. Nhiều cửa hàng còn quây một phần của bãi đậu xe lại dựng lều, lắp kệ bầy bán đủ loại hoa, đào, mai, lan, cúc, đặc biệt những chậu lan Hồ Ðiệp được bán khắp nơi. Người đi chợ hối hả, chen chúc, may mắn tìm được chỗ đậu xe mà không phải chờ quá lâu, thì mừng như trút đi được bao gánh nặng.


Còn nữa, diễn hành Tết sẽ lôi kéo hàng chục ngàn người đứng xem chật hai bên đường, rồi hội chợ Tết sinh viên với hàng trăm ngàn người tham dự, hàng trăm phụ nữ đua nhau khoe tà áo phất phới đủ mầu, những em bé xúng xính trong áo dài khăn đống, văn nghệ Tết với tiếng pháo đì đùng, bàn thờ Tết hương trầm nghi ngút.


Vâng, Tết ở đây cũng rộn rịp, tưng bừng và rực rỡ, đầy ắp những hình ảnh thân yêu gần gũi đến có thể chạm tay vào, ôm chầm lấy, nhưng vẫn thấp thoáng chút gì trống vắng, vẫn không sao đầm ấm như cái Tết ở quê nhà.


Tết với tôi, ở đây, không hiểu tại sao, không là một thời gian vui mừng, mà là một khoảng khắc chìm trong mênh mông hoài niệm.


Và nhớ, nhớ da diết những cái Tết khi còn được quây quần bên cha mẹ, đêm giao thừa ngồi tí tách hạt dưa, buồn ngủ đến díp mắt, gật lên gật xuống, nhưng vừa nghe được tiếng đì đạch đầu tiên là tỉnh như sáo sậu, nhỏm ngay dậy, ngồi thẳng người chờ bố mẹ xoa đầu mừng tuổi giữa tiếng pháo đón Xuân rộn ràng.


Lần cuối gia đình tôi có một cái Tết sum vầy như vậy là Tết Ất Mão năm 1975, ở Sài Gòn. Ðó cũng là cái Tết cuối cùng của tôi ở Việt Nam.


Biến cố 75 bất ngờ bắn vút tôi và đứa em trai kế ra khỏi gia đình. Ðùng một cái, chúng tôi mất tất cả. Cha mẹ, anh em, vòng tay thương yêu của gia đình, học đường, bạn bè, thầy cô, tất cả những gì quen thuộc từ tấm bé.


Cái Tết xa quê hương đầu tiên mới thật kinh hoàng. Lúc đó cư ngụ tại nhà một người bác bà con ở Virginia, chúng tôi thức đón giao thừa bằng tâm trạng hoang mang và những con mắt đỏ hoe. Chẳng bánh mứt, chẳng hạt dưa, chẳng nhang đèn, chẳng bao đỏ lì xì, cũng không tiếng súng đì đùng. Tìm được ở đâu một băng cassette cũ, chúng tôi nghe nhạc Việt Nam để tìm hơi hướng những ngày Tết ở quê nhà. Nghe nói ở Việt Nam bây giờ khổ sở khó khăn lắm. Những người thân chúng tôi bây giờ ở đâu đang làm gì, có bao giờ được gặp lại?


Ðang ôn lại quá khứ thì có tiếng gõ cửa.


Quả như tôi đoán, Thanh tươi cười bước vào tay sách một túi nặng.


-Tụi em mang đến cho chị một chút hương vị Tết, bánh chưng với giò thủ.


-Cám ơn em, chị cảm động quá, ông xã em đâu?


-Anh ấy cũng phải chạy đi mấy chỗ chị ạ. Tụi em chia nhau đi!


-Trời ơi, bận rộn quá thì thôi, tụi em rình rang quá! Cuối tuần mình cũng gặp nhau mà.


-Ðâu được, phải mang đến tận nhà chứ chị. Thôi em đi nhé, gặp chị sau nhé!


Thanh đến rồi biến ngay đi, như một ngọn gió.


Ðời sống ở Mỹ là như thế! Lúc nào cũng tất bật, cũng bận rộn.


Càng bận hơn, vì giữa lúc chúng tôi ríu rít chuẩn bị ăn Tết thì xã hội chung quanh vẫn im lìm, công sở vẫn làm việc, nhân viên vẫn đi làm.


Nhưng dù bận thế nào người Việt ở đây cũng bỏ thì giờ chuẩn bị cho được một cái Tết Nguyên Ðán cho ra hồn, để giữ lại truyền thống cho con cháu, để còn thấy mình là người Việt, để cảm thấy mình gần gũi với quê hương, dù biết là lẫn trong niềm vui có chút xót xa.


Cảm ơn Thanh và cảm ơn tất cả những ai thể hiện câu “chúng ta đi mang theo quê hương.”


 


––––––––


 


Liên lạc tác giả: HaGiang@ngươi-viet.com


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT