Thursday, March 28, 2024

Thế giới bên kia những cánh cổng trắng lớn


Kim
Phạm

Lời
giới thiệu:
“Thế giới bên kia những cánh cổng trắng
lớn” do Alan Phạm chuyển ngữ từ bài viết “Beyond the
Oversized White Gates”của tác giả Kim Phạm, trích trong
sách “Miso For Life”.

Kim
Phạm, 23 tuổi, cư dân Westminster, chính là cô gái đã qua đời một cách
tức tưởi trong vụ đánh hội đồng xảy ra trước cửa quán bar
The Crosby, Santa Ana, hôm tối Thứ Sáu rạng sáng Thứ Bảy,
18 Tháng Giêng, 2014, lôi cuốn sự quan tâm không chỉ của
người dân ở Quận Cam, California mà còn khiến dư luận
cả nước lên tiếng. Việc điều tra để đi đến kết
luận xem ai gây nên đến cái chết của Kim Phạm vẫn còn
đang tiến hành.


Bài
này được Kim viết vào năm 2012, sau một chuyến đi thăm
mộ phần người mẹ ruột của cô ở nghĩa trang Forrest
Lawn, Cypress, California.


Nhật
báo Người Việt đăng bài viết đã được chuyển ngữ với sự đồng ý
của thân phụ cô, ông Phạm Vũ Anh Dũng.

Mỗi
buổi sáng tôi thức giấc vào lúc bình minh, dụi mắt cho
tỉnh ngủ, và chuẩn bị bản thân để bắt tay vào một
cuộc hành trình. Nó là một cuộc hành trình với một
chuỗi dài kẹt xe bực bội, nhiều đèn đỏ, đổ xô vào
các lớp học, và vô số những kỳ thi sắp tới.
Nó là
một cuộc hành trình mà thường trở nên nhàm chán tẻ
nhạt – một hành trình đòi hỏi rất nhiều sức lực,
lái xe trên đường, và sự quyết tâm. Thế nhưng, cái mà
tôi được lại là những tai ương, đau khổ phiền muộn,
và hụt hẫng. Đến cuối cuộc hành trình đầy nguy nan
này, tôi liếm những vết thương mà các rủi ro trong ngày
đã không ngừng hành hạ tôi, xua đuổi mọi suy nghĩ đến
trong đầu, và lại tiếp tục lái xe – và cứ như thế,
đây là lúc mà cuộc hành trình mới thực sự bắt đầu.

 
 Kim Phạm, tác giả của “Thế giới bên kia những cánh cổng trắng
lớn” (Beyond the
Oversized White Gates) được in trong tuyển tập
“Miso For Life”. (Hình: Gia đình cung cấp)


Điểm
đến chào đón tôi là những cánh cổng trắng lớn cần
mật mã mới vào được. Khi vào bên trong, dọc theo một
con đường chạy xoắn ốc có những danh lam thắng cảnh
dẫn tôi đến những cánh đồng cỏ xanh có nhiều cây
liễu rũ và những vườn hồng. Không khí nơi đây ngập
tràn hương ngọt lịm từ những hoa hồng và hoa dã yên
thảo mầu tím sẫm, thơm như hơi thở của em bé. Xa xa,
là ánh mặt trời chiếu rọi những tia nắng lên một bức
tranh tường khổng lồ có hình Chúa Giê-su và Đức Mẹ
được khảm trên tường theo kiểu mosaic một cách tuyệt
vời và ngoạn mục. Cuối cùng thì lối vào đã xuất
hiện – cửa vào bằng đá cẩm thạch dẫn đến vô số
những mộ phần chìm trong tường và những bia tưởng
niệm. Đi sâu vào gian phòng phía sau, về góc bên phải
trước mặt, đếm từ dưới lên ba hàng, và bên trái qua
bốn hàng, là phần mộ của Mẹ tôi. Kìa những cánh
hồng trắng nằm cạnh nơi khắc tên của bà – còn đọng
những giọt sương mai trong suốt như pha lê – đang nằm
yên bình trên những cánh hoa hồng mềm mại thanh nhã.

Tôi
quì xuống. Tôi hít thở. Tôi nhắm mắt lại. Tôi thấy
mất mát.

Tôi
đang ở Forrest Lawn Memorial Park, một nghĩa trang Công Giáo
của tư nhân, nơi tưởng niệm những người quá cố, nơi
mà tôi, cùng với rất nhiều người không sao đếm hết,
đến để kính nhớ những người thân quá cố, bạn bè,
và thầy cô bằng cách quì cầu nguyện, thầm thì đọc
kinh, và xin được tha thứ.

Về
phần tôi, không nơi nào trầm lặng, không nơi nào yên
tĩnh thanh bình hơn nơi đây. Những tấm bia mạ chữ vàng
được khảm một cách hoàn hảo trên những tường đá
cẩm thạch trắng và phẳng lặng đã tạo nên một bầu
không khí tuyệt đối trong khi đầu tôi đầy ắp những
tư tưởng xô bồ náo nhiệt, lần đầu tiên từ khi tôi
thức dậy buổi sáng hôm đó, tôi cuối cùng cảm thấy
mình được yên tĩnh. Không còn tiếng xe chạy, không còn
thấy đèn đỏ, không còn những kỳ thi. Tôi cảm thấy
yên bình. Tôi gọi nơi này là nơi trú ẩn tôn nghiêm và
riêng tư của tôi.

 
 Cổng nghĩa trang Forrest
Lawn, Cypress, California. (Hình: Gia đình cung cấp)


Tôi
chẳng có gì vội vã, và trong sự hiện hữu của người
tối quan trọng nhất đối với cuộc đời tôi, sự mất
mát thương yêu to lớn nhất mà tôi từng gánh chịu – tôi
quì trước hình bóng yêu kiều nhân hậu, nhưng ẩn hiện
hào quang mạnh mẽ của Mẹ tôi.

Mẹ
tôi mất vì bị ung thư ngực khi tôi lên năm tuổi. Tôi
nhớ bà vô cùng, tôi nhớ nhung từng kỷ niệm đẹp hồi
còn ở với bà. Khi tôi thất vọng hay sợ hãi, cô đơn
hay bị tổn thương, buồn sầu hay rối rắm, tôi chạy
đến cùng bà. Tôi đến nơi đây để suy niệm, để nghỉ
ngơi, để tìm sự bình an trong tâm hồn. Đây là nơi tôi
tìm được những giải đáp cho tất cả mọi khó khăn
gây căng thẳng cho tôi; đây là nơi tôi tìm được sự
an tâm. Bất kể những gì cuộc sống vùi dập tôi, bất
kể công việc khó khăn sắp đến phải làm, khi tôi ở
nghĩa trang Forest Lawn trong sự hiện hữu thiêng liêng của
Mẹ tôi, luôn nhắc nhở tôi phải kiên trì.

Khi
tôi nhìn vào tên của Mẹ tôi – Têrêsa Huỳnh Thị Vinh –
trên tấm bia sáng loáng, tôi nhớ đến cuộc chiến mà bà
đã chiến đấu cho đến giờ phút sau cùng, cuộc chiến
mà cả gia đình tôi đã chống trả bằng hết sức của
mình – cuộc chiến chống lại căn bệnh hiểm nghèo ung
thư ngực. Trong mắt tâm trí của tôi, tôi thấy bà rất
đẹp, nụ cười rất đáng yêu, và tôi cảm nhận được
hơi ấm của bà truyền vào tôi. Đột nhiên, mọi thứ
đến trong tâm thức tôi, và tôi biết tôi phải tiếp tục
chống chọi với những khó khăn đang đến với tôi. Tôi
thấy tên tôi như ẩn như hiện trong tên của chính bà.
Tôi thấy sự mạnh mẽ của bà trong tôi, và những trở
ngại trong cuộc sống không còn là mối đe dọa đối với
tôi nữa. Những trở ngại đó có là gì đi nữa, bất kể
tác hại đe dọa gì, tôi biết tôi có thể vượt qua
chúng.

Tôi
biết sức mạnh của bà trong tôi sẽ thắng chúng.

Khi
tôi lái xe xa dần những bức tranh tường, xuôi theo con
đường nơi mà mùi hương thơm ngọt ngào của hoa đồng
cỏ nội đang tỏa lan khắp không gian và những cành liễu
rũ đang hôn lên mặt đất, tôi nhìn quanh tôi và thấy
một cánh đồng cỏ xanh bao la bát ngát, rất nhiều những
gia đình và có nhiều người đi một mình đang ở bên mộ
phần người thân yêu của họ. Có người đang than khóc,
có người đang cầu nguyện, có người đang đắm chìm
trong miên man suy nghĩ. Nhưng tôi biết một điều mà tất
cả mọi người đều có chung; đó là niềm vinh dự tưởng
nhớ đến những linh hồn vô cùng quí giá của những
người thân yêu của chúng ta.

Cho
đến bây giờ, tim tôi còn thổn thức khi thấy các gia
đình khác đã mất đi người thân yêu quan trọng trong
cuộc đời của họ. Tôi nhận thức rằng người ta chết
vì nhiều nguyên do khác nhau, và mỗi ngày trên khắp thế
giới đều có người được chôn cất – cho dù đó là
một người dân ở Iraq đã chết vì tranh đấu cho nhân
quyền trên chính quốc gia cai trị bởi độc tài khủng
bố của họ, hay là một em nhỏ ở Ê-thi-ô-pi đang chết
lần chết mòn vì dịch đói trên chính nơi chôn nhau cắt
rún của mình, hay là một bé gái Trung Hoa vô tội chỉ vì
đất nước của em đã xem trọng con trai hơn con gái – Lúc
còn sống họ đã chiến đấu không ngừng cho chính cá
nhân của họ cho đến hơi thở cuối cùng, tất cả họ
giờ đã được yên nghỉ. Khi tôi nhìn quanh mình, tôi có
niềm tin trong lòng là những người đang quì đây bên
những thân nhân đã khuất hiểu được sự tranh đấu
trong cuộc sống và sự chiến thắng của thân nhân của
họ. Và tôi vô cùng mong mỏi mọi người mang theo họ,
như tôi luôn luôn luôn làm, niềm vinh dự là họ đã từng
hiện diện trong cuộc đời của những linh hồn mạnh mẽ
như vậy.

Khi
lái xe ra về tôi lại liên tưởng đến Mẹ tôi, không
còn những lo âu và đau khổ buồn sầu, và tôi nhận ra
rằng chưa kể đến cái nợ công ơn sinh thành dưỡng
dục, tôi còn nợ bà nhiều lắm. Tôi cám ơn bà đã cho
tôi nơi chốn an toàn và đầy thánh thiện này mỗi khi
tôi tìm đến thăm viếng nơi an nghỉ của bà – phía bên
kia thế giới của những cánh cổng trắng to lớn kia, tôi
gọi đó là nơi nương náu trú thân nhỏ bé của riêng
tôi. Nghĩa trang Forrest Lawn, là nơi an nghỉ muôn đời của
các anh hùng và các anh thư, và trong số những biển tên
tráng lệ hào hùng dưới ánh sáng huy hoàng kia có một
người thuộc về tôi: Mẹ tôi, Têrêsa Huỳnh-Thị-Vinh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT