Thursday, March 28, 2024

Thuốc men khi đi du lịch


LTS:
Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility.
Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà:
www.bacsihongocminh.com

BS. Hồ Ngọc Minh

Bất kỳ đi đâu, đến đâu, khi sắp xếp hành lý, không nên quên đem theo những loại thuốc cần dùng nhất là khi không muốn những mệt nhọc, bệnh hoạn lặt vặt trở thành những khủng hoảng to lớn làm hỏng chuyến đi của bạn. Vì thế để giảm thiểu tối đa những phiền toái, bạn cần phải tiên liệu một số tình huống và thuốc men cần đem theo.

Những câu hỏi trước hết khi sắp đặt hành lý là: đi đâu, làm gì, ở đó bao lâu, và khí hậu ở đó sẽ ra sao?

Thuốc men:

Bất kể mục đích của chuyến hành trình, nên luôn luôn đem theo một số thuốc men cơ bản. Những thuốc này nên để trong xách tay của bạn, bao gồm:

1. Thuốc trị bệnh: tất cả những loại thuốc kê toa của bác sĩ để trị bệnh cao huyết áp, tiểu đường, trị hen suyễn v.v… Nên ghi rõ, liệt kê những loại thuốc cũng như tình trạng dị ứng thuốc, và tên, điện thoại của bác sĩ gia đình để phòng trường hợp khẩn cấp.

2. Thuốc chống acid, trị đau bao tử và ợ chua như Maalox, Mylanta, v.v.. để phòng chống việc ăn không tiêu khi ăn thức ăn lạ, hay ăn hơi… nhiều vì đồ ăn ngon và lạ miệng.

3. Thuốc trị tiêu chảy như Imodium A-D, Kaopectate, hay Pepto-Bismol. Nên mua loại thuốc viên để dễ mang theo.

4. Thuốc trị táo bón. Khi đi du lịch, táo bón thường là một vấn đề thường xuyên hơn là tiêu chảy. Một phần, thức ăn dọc đường thiếu rau cải và chất bã (fiber), phần khác, vì giờ giấc thay đổi làm cho những thói quen điều độ thường ngày không đi đúng theo sự tuần hoàn của cơ thể. Nên mang theo các loại như Metamucil, FiberCon hay Senokot phòng khi cần.

5. Thuốc trị dị ứng như Claritin, Zyrtec.

6. Thuốc trụ sinh: Nên xin toa bác sĩ để mua một hay vài loại thuốc trụ sinh phòng ngừa nhiễm độc, thí dụ khi bệnh tiêu chảy gây ra bởi vi trùng.

7. Thuốc chống chóng mặt khi đi tàu hay máy bay như Dramamine.

8. Các loại kem chống nắng (sunscreen) khi dự định đi chơi biển.

9. Các loại thuốc trừ muỗi (insect repellent).

10. Các loại thuốc trị đau nhức như aspirin, Tylenol, ibuprofen.

Chống Jet Lag:

Khi bạn đi xa, giờ giấc thay đổi sẽ làm sự tuần hoàn của cơ thể bị xáo trộn. Có khi bạn không để ý nhưng những xáo trộn nầy dù ít hay nhiều cũng làm cho cơ thể bị stress, kém vui.

1. Có thể dùng Melatonin 3 ngày trước khi lên đường. Uống 2 viên (6mg) vào giờ đi ngủ của thành phố mình sẽ tới. Thí dụ, khi đi Pháp, bạn sẽ uống thuốc vào khoảng từ 10 đến 12 giờ đêm, giờ Paris. Khi đến Paris, tiếp tục uống thêm 3, 4 ngày nữa cho đến khi quen giấc ngủ và cơ thể điều chỉnh theo giờ tại Paris.

2. Không nên uống rượu nhiều trên chuyến bay. Rượu làm cho bạn mệt thêm, tăng sự mất nước trong cơ thể, và làm thay đổi giấc ngủ của bạn.

3. Hạn chế uống cà phê. Giống như rượu, cà phê cũng làm cho cơ thể khô nước, gây hồi hộp, căng thẳng thần kinh và thay đổi giấc ngủ.

4. Nên “yêu nước”! Uống nhiều nước. Không khí trên máy bay rất khô dễ làm cho bạn thêm “héo hon” vì khô nước mà không biết. Ngoài ra khi đi du lịch, ăn uống thất thường, chắc chắn là cơ thể thường thiếu hụt nước.

5. Khi đi máy bay xuyên lục địa trên 6 giờ, phụ nữ đang uống thuốc ngừa thai nên uống thêm một viên “baby aspirin” 81 mg trước khi lên máy bay để phòng bị bệnh máu đông làm nghẽn mạch máu phổi (pulmonary embolism) có thể làm chết người trong giây phút. Như đã trình bày, trên máy bay, dễ bị khô nước, kém được đi lại thường xuyên, thuốc ngừa thai có thể làm cho máu đặc lại gây ra hiện tượng nghẽn mạch máu. Trên máy bay cứ độ 2 giờ, tìm cách đứng lên, ra khỏi ghế, đi lại chút ít, tránh nghẽn mạch máu chân (deep venous thrombosis).

Ăn uống cẩn thận:

“Thế giới du lịch” có thể được chia làm 3 vùng:

1. Vùng 1 bao gồm Âu Châu, Bắc Mỹ, và Úc Châu.

2. Vùng 2 gồm có Do Thái và vùng biển Caribbean.

3. Vùng 3 gồm có Trung Ðông, Phi Châu và Á Châu.

Khi đi du lịch tới vùng 2 và vùng 3, phải cẩn thận đề phòng chuyện ăn lẫn chuyện uống.

1. Chỉ ăn đồ nấu chín và tốt nhất là khi còn nóng. Các loại thịt bò hay thịt heo không nấu chín có thể còn giun sán. Tương tự, các loại thịt gà, vịt, đồ biển, hay rau cải phải được nấu chín hoàn toàn.

2. Không nên ăn các loại bánh ngọt, bánh mì nguội, trừ khi còn nóng hổi mới ra lò.

3. Chỉ uống nước trong trong chai hay nước ngọt đóng chai hay đóng lon. Không nên dùng nước đá cục. Không uống sữa tươi.

Ðể ý những bệnh dịch đang hoành hành hay có thể phát tát ở địa phương mình sẽ tới:

Nếu địa phương mình sẽ tới có những bệnh mà mình chưa được miễn nhiễm, nên chích ngừa trước khi đi hay.. đừng đi nếu bệnh lạ như cúm gà chẳng hạn. Nên mang theo những thuốc trụ sinh cần thiết để phòng ngừa.

Ða số mọi trường hợp khi đi xa sẽ không có vấn đề, nhưng khi có vấn đề liên hệ đến bệnh tật, thuốc men, cho dù nhỏ nhặt, có
khi sẽ gây ra phiền toái lớn. Vì thế, tốn 5, 10 phút chuẩn bị cho chuyến đi vẫn tốt hơn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT