Thursday, March 28, 2024

Trẻ con không phải là người lớn



Ngọc Lan/Người Việt


 


 


Tối qua mẹ đi làm về, vừa bước vô nhà, Bi chạy ra nói:


– Mẹ ơi, tối nay Santa Claus đến.


– Vậy hả? Ủa mà sao con lấy sữa lại không uống hết mà để trên bàn vậy?


– Không phải của con, của Santa Claus đó!


– ???


Lát sau, Bi lại chạy đến thỏ thẻ:


– Mẹ ơi, mẹ ăn cơm xong mẹ làm cookies nghe mẹ!


– à há…


Bánh nướng chín, mẹ kêu Bi ăn. Bi nói:


– Không, con muốn cái này dành cho Santa Claus.


Rồi nó đi lấy cái đĩa đặt bánh lên. Xong, nó mang đĩa bánh và ly sữa đến đặt trên mặt bếp, nơi từ cửa bước vào sẽ nhìn thấy liền.


– Ủa, mà hôm nay mới ngày đầu của tháng 12 thì làm sao mà ông già Noel đến hả Bi?


– Con biết hôm nay Santa Claus đến và sẽ mang quà đến.


Bi nói bằng vẻ mặt và giọng nói đầy phấn khích.


Bi năm nay 7 tuổi, cái tuổi của những giấc mơ thần tiên, tuổi vẫn luôn tin có thật một Ông Già Noel và túi quà, cưỡi xe tuần lộc trong gió tuyết đến từng nhà rồi chui vào ống khói, để tìm đến nơi chiếc giày vải mà đặt quà vào cho những đứa trẻ ngoan vào mỗi dịp Giáng Sinh.


Thấy Bi có vẻ quá tin vào điều này, chị Ti – hơn Bi 6 tuổi – kêu Bi ra nói:


– Bi ơi, Bi có để sữa và bánh đó cũng vô ích thôi vì đến ngày 25 tháng 12 Santa Claus mới đến, khi đó thì sữa và bánh đều hư hết rồi!


– Không, Santa Claus đến không phải chỉ một ngày! Bi nhớ năm ngoái Bi được rất nhiều quà. Santa Claus không thể mang quà đến nhiều cùng một lúc mà từng ngày từng ngày một. Hôm nay Santa Claus sẽ đến!


Cứ thế hai chị em nói qua nói lại, sau đó Bi bỏ chạy vào phòng khóc ấm ức:


– Chị hai không bao giờ tin con. Chị hai luôn nói những điều không tốt với con. She hurts my feelings… Con biết là hôm nay Santa Claus sẽ đến mà!


Mẹ phải cố giải thích để nó hiểu là chị hai là “good sister,” chị hai không muốn ngày mai nó sẽ buồn khi thấy ông già Noel không ghé qua…


Hai đứa đi ngủ. Mẹ phải nghĩ cách: nếu tìm món quà để cho Bi thì nó sẽ tin chắc là ông già Noel sẽ còn đến trong nhiều ngày tới; mà nếu không có gì hết thì nó sẽ buồn biết bao nhiêu. Không thể để cho niềm tin của nó bị thất vọng.


Thế là…


Sáng Bi thức dậy.


– Ồ, a letter! Mẹ, nhìn kìa: hết sữa rồi, bánh cũng hết rồi!


Gương mặt nó phấn chấn. Nó lẩm bẩm đọc:


“Dear Bi,


Thank you for your cookies and milk. They are very delicious. You are so nice to…”


– Mẹ đọc tiếp giùm con, con không biết những chữ kia…


Mẹ cầm lấy lá thư từ tay Bi, đọc tiếp:


– “You are so nice to make them for me. I will come back and give you a special present on December 24. See you soon, my good boy. Santa Claus.” Ok, vậy là ông già Noel có đến rồi và sẽ quay lại vào ngày 24 tháng 12 con há!


Bi cảm thấy thích thú, và cũng chạy dáo dác nhìn xem coi ông già Noel có để lại món quà nào không. Bi lẩm bẩm đọc lại cho thuộc lá thư và nói sẽ mang vào lớp khoe với cô giáo và các bạn là Ông Già Noel đã viết cho nó một lá thư.


Tối nay đi làm về, mẹ thấy nó lấy tờ giấy hí hoáy viết viết, chốc chốc lại hỏi mẹ đánh vần cho một vài chữ. Ðến nhìn thì ra nó viết thư cho Santa Claus!


“Thank you Santa Claus. I love you, Santa Claus. I am waiting for you, on December 24. Bi”


Và Bi dán lá thư đó vào chỗ tối qua đã đặt ly sữa và đĩa bánh!


…..


Khuya nay, cũng như mọi năm, tôi sẽ lại đặt một món quà mà Bi mơ ước vào đầu giường nó khi nó đã ngủ say. Tôi hình dung ra gương mặt rạng rỡ, sung sướng của Bi khi nó thức dậy vào sớm hôm sau và trông thấy món quà mà “Santa Claus” đã mang đến cho những đứa trẻ ngoan.


Niềm tin trẻ thơ như một câu chuyện cổ tích, đến một lúc nào đó tự khắc nó sẽ biết đó chỉ là những huyền thoại, những cổ tích để nuôi dưỡng những điều thánh thiện và tốt đẹp trong mỗi đứa trẻ. Nhưng đấy là chuyện mỗi đứa bé sẽ học cách để trưởng thành và lớn lên. Ngay bây giờ người lớn không có quyền tước đi niềm tin đã có trong nó một cách phũ phàng. Hãy cứ để hình ảnh ông già Noel cùng các thiên thần lung linh hiện về trong giấc ngủ của bé đêm nay.


(Santa Ana, December 23, 2008)









Trẻ con cần phải có niềm vui của trẻ con, trẻ con phải có “happy childhood.” (Hình minh họa: Ngọc Lan/Người Việt)


***


Ðã 3 năm sau ngày Bi đặt cookies và sữa để đợi ông Già Noel ghé qua. Bi giờ đã 10 tuổi.


Ông già Santa Claus không còn là điều có thật với Bi, từ lúc nào, tôi cũng không nhớ. Thế giới của thần thoại và cổ tích trôi qua trong Bi một cách nhẹ nhàng, êm ả, như tôi đã đi qua cái tuổi dậy thì một cách bình yên, không nổi loạn.


Nhưng Bi vẫn là một đứa con nít, nó hiểu điều đó, và nó mong rằng ba mẹ nó cũng phải hiểu điều đó.


Bi có được một món tiền kha khá, hơn con số “100.” Bi luôn có ước muốn là được dùng số tiền nó có một cách “tự do” trong việc mua bất kỳ cái gì nó thích, từ game, toys, lego, đến mua game card cho chị Hai, hay thậm chí mua yogurt cho ba mẹ.


Thế nhưng ước muốn đó của Bi luôn bị ngăn cản bởi ba mẹ với lý do rất “đời thường”: phải biết để dành tiền, không được phung phí quá nhiều vào đồ chơi!


Chiều Thứ Tư rồi đón Bi đi học về, Bi lại nói nó muốn mua một món đồ chơi bằng tiền lì xì của nó. Như lẽ thường tình, mẹ lên tiếng can ngăn.


Bi im lặng một chốc rồi nói: “Mẹ ơi, khi mẹ lãnh lương ra, mẹ thường làm gì?”


Mẹ kể ra một lô một lốc những thứ cần chi tiêu. Sẵn đà, mẹ làm luôn một bài về chuyện cần tiết kiệm, nếu không sẽ không biết xoay sở thế nào khi khốn khó…


Bi lặng lẽ nghe. Qua kính chiếu hậu, mẹ nhìn thấy Bi đăm chiêu ngó ra ngoài cửa sổ. Lòng mẹ khấp khởi, “Chắc nó hiểu rồi!”


Lát sau, Bi lên tiếng, bằng cái giọng nghèn nghẹn, chầm chậm, nhẹ nhàng, “Mẹ ơi! Tiền con có được cũng phải rất khó. Con phải học giỏi, khi con có award ba mẹ mới thưởng cho con đó mẹ… Con phải chờ khi đến sinh nhật, khi đến Christmas con mới có được tiền của mọi người cho á. Con luôn phải chờ đợi như vậy á. Mà bây giờ, con cũng chỉ là một đứa con nít, đến 8 năm nữa con mới trở thành người lớn đó mẹ. Mà con nít thì cần phải có niềm vui của con nít, con nít phải có happy childhood đó mẹ!”


Mắt Bi lóng lánh nước sau khi đã nói ra được tất cả những ẩn ức của nó.


Ðến mẹ lặng thinh…


Con nít cần có niềm vui của con nít. Con nít không phải là người lớn. Thế nên đừng ép nó phải nghĩ như người lớn, làm như người lớn, ôm những mối lo của người lớn.


Ðã bao lần tôi đứng ngắm những con búp bê Barbie. Giờ đây tôi có thể mua bất cứ con búp bê nào tôi thích, mua bao nhiêu con tôi thích. Thế nhưng, tuổi chơi búp bê của tôi đã qua rồi. Tôi nhìn những con búp bê, chỉ để mỉm cười, nhớ lại những ngày xưa, tôi cùng chị em mình chơi búp bê bằng giấy…


Tôi muốn mua cho con gái mình những con búp bê đẹp như những nàng công chúa đó. Nhưng bé Ti cũng đã qua rồi cái tuổi mân mê thay quần áo cho búp bê. Những con Barbie ngày nào của nó, giờ tất cả đã nằm yên trong chiếc hộp, đặt trên nóc tủ.


Tôi không muốn đến một lúc nào đó, tôi đến trường đón Bi và hào hứng hỏi, “Hôm nay mình đi ToyRus hay Gamestop hả con?” thì nó lại lắc đầu, “Con hết thích rồi!”


Những toan tính trong cuộc sống chật vật hằng ngày khiến người lớn thường quên điều mình cũng từng khát khao ngày thơ ấu.


***


“Ừ, để hôm nào ba mẹ rảnh sẽ chở con đi mua đồ chơi nha!” Tôi lên tiếng.


“Dạ, mẹ” Tôi nhìn thấy miệng Bi cười, trong lúc đưa tay lên quẹt những giọt nước mắt.


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT