Friday, March 29, 2024

Ba cháu ‘xin phép’ cho du lịch một chuyến

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St. Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Chào cô Nguyệt Nga, cháu đang quá bực mình mà không dám thố lộ với ai, vì chính bản thân cháu cũng thấy việc bực mình là không đúng.

Cháu còn ba ở Việt Nam. Ba cháu năm nay gần 80 tuổi, hiện đang sống với người con út. Nhờ ơn trời ông còn khỏe mạnh và rất sáng suốt. Mẹ cháu mất sớm, ông chỉ còn một mình. Cháu thấy Ba buồn vì suốt ngày cứ vô ra trong căn nhà nhỏ, với mấy chậu bông hoa lèo tèo trước sân, con cháu thì đi học đi làm suốt ngày, nên cháu mới mua cho ông một cái computer. Ông học rất nhanh và sử dụng rất thành thạo. Từ đó ông vui hẳn lên vì có thể lên internet đọc bài và vui nhất là thư từ qua lại với bạn bè con cháu khắp nơi trên thế giới. Có một người cha mạnh khỏe ở tuổi thất thập cổ lai hy thật không có gì đáng mừng hơn, vậy mà cháu lại viết thư than với cô thật không phải.

Nhưng cháu phải than vì cháu bực mình quá thể. Ôi cháu có 3 con nhỏ, bù đầu vào công việc sở cũng như công việc nhà. Vậy mà ngày nào cháu cũng nhận ít nhất là một lá thư của ba cháu. Thư ông thường kể chuyện vui buồn, tin tức của các bác bạn ba… Thư thật ra không có gì là quan trọng cả, nhưng bao giờ lá thư cũng kèm theo những câu cay đắng, dày xéo xa gần:

-Tôi biết cô rất bận nên tôi phải chờ lâu, nhưng cũng vừa phân hai phải, lâu lâu cô cũng nên gia ân cho tôi vài chữ để tôi bớt ra vào trông ngóng.

-Thư này tôi chỉ xin cô viết cho hai chữ: “đọc rồi” để tôi biết rằng cô có đọc, chứ không phải cô đã delete hay cho vào junk mail.

-Tôi mà biết thế thì tôi chả nhận cái computer cô mua cho, để bây giờ tôi cứ ngồi trước máy mà trông chờ. Giờ là 12 giờ đêm, tôi phải đi ngủ, trước khi đi ngủ tôi không tắt máy vì có thể cô trả lời cho tôi, biết đâu chừng. Giờ tôi đi ngủ là ban ngày ban mặt bên cô.

Cháu có 1 tỉ những lá thư như vậy, của một ông già Bắc Kỳ khó tính. Cháu quá hãi mỗi khi thấy tên ba cháu trong emai. Thú thật có hôm cháu delete ngay mà không đọc. Nhưng rồi lại sợ nội dung quan trọng nên cháu lại lục thùng rác để đọc. Và như thường lệ vẫn là những lời trách móc, than vãn. Cháu sợ quá, cô ơi!.

Thư mới nhất của ba cháu là “xin phép” cháu cho ba cháu sang du lịch một chuyến. Cháu nhận thư mà bạc đầu cô ơi! Cháu không biết ăn ở sao cho vừa lòng Ba cháu. Cháu nghĩ đến ngày ba cháu ở 24/24 giờ trong nhà cháu mà cháu hãi hùng. Cháu biết nói như vậy là mang tội với trời đất, nhưng cháu nói thật lòng cô ơi.

Cháu sẽ lo cho ba cháu qua du lịch, nhất định cháu sẽ làm điều đó, dù gì thì ba cháu cũng đã gần 80. Nhưng cháu muốn xin cô và độc giả chỉ cho cháu cách nào để cháu bình an, trong thời gian ba cháu qua ở chung với cháu. Cháu còn có chồng, thì không biết chồng cháu sẽ thế nào khi đối diện với người ba quá khó tính của cháu.

Thiên Kim

*Góp ý của độc giả:

-Bà Phú

Cám ơn cô về lá thư, nếu tôi không đọc lá thư này thì tôi cũng chẳng biết mình đã từng làm con mình khổ thế nào. Ban đầu đọc thư, tôi có chạnh lòng, nói đúng hơn là đau lòng. Nhưng về sau suy nghĩ lại thấy mình đau lòng là sai, mình trách con cái ích kỷ là sai, thật ra người ích kỷ là mình, mình chỉ biết thỏa mãn cho bản thân mà không nghĩ gì đến hoàn cảnh của con cái.

Tôi cũng cùng hoàn cảnh với ba của cô, nhà tôi cũng mất sớm, tôi rảnh rỗi quá nên vẫn hay ngồi computer viết thư cho bạn bè, con cái. Mỗi lần thư đi là tôi trông chờ thư con, và nếu nó chậm trả lời là tôi chì chiết nó, tôi thì không quá đáng như ba cô, nhưng tôi cũng nói nặng nói nhẹ con. Tôi thật không phải, chẳng quan tâm đến sự bận rộn của con, mà cứ nghĩ là nó phải có bổn phận trả hiếu cho cha mẹ. Nghĩ lại thật thấm. Một lần nữa tôi cám ơn lá thư thức tỉnh của cô nhiều lắm..

-Mai Nguyễn

Đáng lẽ ra là cô đã phải nói rõ với ba cô ngay từ đầu những gì cô đã viết trong mục tâm sự này. Tuy nhiên nay thì tôi xin góp ý kiến như sau:

– Email giải thích sẽ không thể trả lời cho mỗi email cụ gửi, nhưng sẽ email mỗi…/tuần hay tháng và cố gắng làm như lời hứa

– Khi sang đây cụ nhìn tận mắt sinh hoạt hằng ngày sẽ hy vọng thông cảm hơn chấp nhận rằng người lớn tuổi sẽ khó tính hơn

– Sơn Nguyễn

Giúp ý cho cô có ông bố 80. Đây chỉ là ý kiến để giải quyết vấn đề đặc biệt trong trường hợp riêng nầy mà thôi.

– Phải mở riêng một email cho người trong gia đình, bố sẽ chỉ gởi email cho cô con gái vào hộp thư “gia đình”. Không bao giờ delete bất cứ email nào trong email gia đình. Vì nếu có information nào quan trọng thì vẫn còn trong đó. Thí dụ bố hỏi đã gởi cho email ngày đó và nói chuyện đó v.v. Nếu ổng hỏi thì cứ trả lời có đọc rồi. Nếu ổng hỏi có đọc sao không biết thì trả lời “dạ con quên”. Nhớ hỏi bố gởi ngày nào và tìm để đọc lại, nói dối không hại ai mà làm bố vui thì cũng ok.

– Ông muốn cô trả lời “có nhận được” thì cứ set email automatic trả lời “có nhận” mỗi khi có email tới. Bố sẽ vui và quan trọng hơn nữa là thư của bố đã vào hộp thư của con bố. Bố sẽ an tâm, không còn bị lùng bùng vì sợ gởi lộn chỗ.

– Ông bố không khó đâu, nhưng ông bố nầy chắc là rất thông minh, nên cẩn trọng, ổng mà “lật tẩy” thì sẽ bị chửi “bỏ bu luôn”. Lâu lâu nên tìm những bài hay gửi cho ổng. Hướng dẩn ổng cách lên web của các báo để đọc tin tức và chuyện hay. Hướng dẩn ổng dùng Google search tiếng Việt để học hỏi thêm mọi vấn đề. Ông bố sẽ vô cùng sung sướng khi bị chìm trong biển bao la về kiến thức, tin tức, bình luận, chuyện hay v.v… Tìm những web của tôn giáo mà ông đang theo, hoặc là tất cả tôn giáo nếu như ông chỉ thờ ông bà. Bảo đảm ổng sẽ không còn biết giờ giấc mà ôm luôn computer khi ăn và khi ngủ, cô sẽ không bị nhức đầu vì bị quấy rầy.

– Internet là niềm vui vô bờ bến, đặc biệt là người già cô đơn (vì người chung quanh không hiểu mình) + thông minh + ham học hỏi + thích tìm tòi + ham đọc sách + cầu tiến ..v .v. Đừng bao giờ mở miệng nói hối hận khi cho bố computer, bố sẽ buồn lắm mỗi khi thấy cái computer cô có biết không vậy. Cô đã làm step đầu đúng, hãy nghĩ các steps kế. Bố cô sẽ rất vui vẻ khi nghĩ rằng cô là người hiểu ý ổng, cho vàng cũng chưa chắc bằng có người con hiểu mình.

– Còn chuyện ổng muốn qua Mỹ chơi thì cô cũng phải có plans A, B,C… nếu không thì sẽ có chuyện tùm lum không vui và mất lòng. Suy nghĩ kỹ, nếu cần thì cho biết tui sẽ giúp ý, được gì hay đó.

-Hải:

Ba chị cũng đã gần đất xa trời, người già thường cô đơn và trở lại tâm tính của đứa con nít, chị cũng không nên trách người sinh ra mình. Ông muốn đi Mỹ một chuyến thì chị chìu đi không mang tội với trời đất. Đôi khi mình cũng không công bằng với cha mẹ. Nếu đó là đòi hỏi của con cái thì ngay tức khắc mình đáp ứng. Có khi nó chưa hỏi mình cũng đã tự nguyện “hầu” nó. Và nếu nghĩ được như vậy thì nhớ lại ngày xưa cha mẹ mình cũng “hầu” mình như mình hầu con mình bây giờ.

Nước mắt chảy xuôi, ai cũng biết như vậy, nhưng nếu nước mắt biến thành những lời mắng mỏ trách móc thì cũng ráng chịu đi chị ơi! Mình mà không thương cha mẹ thì làm sao con mình sau này thương mình. Nói thì thật dễ, nhưng làm mới khó, em hiểu điều đó nên chỉ biết mong thật mong chị an vui mà giải quyết mọi việc.

*Vấn đề mới:

Cháu chào cô Nguyệt Nga, để khỏi mất thì giờ của cô, cháu xin vào thẳng vấn đề. Cháu có người bạn rất thân, thân như chị em, chắc còn hơn cả chị em. Hai đứa ngày xưa đi học chung trường và gần như tụi cháu không rời nhau, nghĩa là cứ tuần này cháu về nhà nó ở, thì tuần sau nó về nhà cháu ở. Hai đứa luôn bên nhau cho đến khi lập gia đình thì hai đứa mới tách ra và ít gặp nhau như trước.

Nhưng tình thân của hai đứa vẫn như xưa, không gặp thì thôi, mà gặp thì bám lấy nhau đủ thứ chuyện trên đời. Tụi cháu tưởng chừng như không có điều gì có thể chia lìa hai đứa. Vậy mà tụi cháu đã rã tan vì đồng tiền.

Chồng cháu bị bệnh nặng, mà cô biết, đi vào nhà thương nào ở Việt Nam mà không có tiền lót tay thì coi như chờ đợi dài dài. Cháu phải đến bạn mượn tiền. Nó cũng rất tội, nó nói: “Tao chỉ có một cây vàng đưa cho mày mượn. Cây vàng này sắm từ xưa lắm, để dành phòng khi hoạn nạn.” Cháu cầm cây vàng mà cảm động ứa nước mắt vì tấm lòng bạn đối với mình.

Vì cả đời cháu chưa thấy cây vàng bao giờ, cho nên khi về đến nhà, cháu mở ra coi cho biết. Coi xong cháu cất lại ngay và không dám đụng tới nữa. Tại số tiền cháu cần chỉ là vài chỉ, cháu đâu muốn mang cây vàng của bạn đi bán. Cháu sợ mình không mua lại được cho bạn.

Khi chồng cháu lành bệnh, cháu mang vàng trả cho bạn (vẫn còn y nguyên tờ giấy bọc cũ). Vừa về đến nhà thì bạn cháu gọi, giọng hớt hơ hớt hãi: “Mày ơi! Tao đã đem cây vàng đến tiệm quen thử, thì họ nói đúng là cây vàng của tao, nhưng khi cân thì thiếu nửa chỉ”.

Thưa cô cháu nghe mà lòng thắt lại, cháu trả lời với bạn: “Không sao, tao sẽ trả cho mày” và cháu cúp máy. Cháu đem trả ngay cho bạn nửa chỉ vàng mình có.

Cháu buồn đứt ruột luôn cô ơi! Cháu nghe bạn nói: Tao đi thử thì họ nói đúng là vàng của tao…” Cháu nghĩ đến cái cảnh, cháu vừa về thì bạn cháu vội vã đi thử và gọi liền cho cháu. Cháu đau quá! Cháu không đau chuyện bạn cháu nói thiếu nửa chỉ, mà cháu đau chuyện bạn cháu cầm cây vàng vẫn còn nguyên giấy bọc cũ vội vàng ra tiệm thử. Ôi tình bạn bao năm! Cháu còn nhớ rất rõ tờ giấy bọc ngoài cùng là cái bao của tiệm rửa hình. Cháu ngán ngẫm cô ơi!

Bạn cháu không chậm một giây trong chuyện mang đi thử và đi cân. Bạn cháu không chậm một giây để check coi lòng trong sạch của cháu. Bạn cháu không chờ đến hôm sau, mà đi ngay ra tiệm và gọi ngay cho cháu để báo.

Nửa chỉ vàng bạn cháu mất, cháu đã trả. Nhưng tình bạn gắn bó bao lâu không ai trả cho cháu và cả bạn được cả.

Cháu đã trả nửa chỉ vàng cho bạn, nhưng cháu thú thực, lòng cháu ngán ngẫm. Có khi nào trong lúc mở ra coi cháu đã làm rớt nửa chỉ vàng? Có khi nào người trong nhà cháu đã lấy nửa chỉ vàng của bạn?

Cháu hỏi thì những người hiểu biết cho cháu biết, cây vàng có hai miếng rưỡi, hai miếng lớn, mỗi miếng là 4 chỉ, miếng nhỏ là 2 chỉ, còn cái miếng có thể rớt thường là vài phân. Cháu không rành vì từ khi đó đến nay cháu vẫn không có cây vàng nào.

Cháu Phiên

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi: [email protected]

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Canh cà, trứng, và tàu hủ non”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT