Thursday, March 28, 2024

Các nguyên nhân làm cao huyết áp

LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com.

Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh

Bệnh cao huyết áp, còn gọi nôm na là “bệnh cao máu,” là tình trạng áp suất máu tăng cao thường xuyên và kinh niên, và còn là một bệnh xảy ra nhiều nhất. Bệnh cao huyết áp thường không có triệu chứng gì rõ ràng cả và ít khi được phát hiện sớm. Bệnh này là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến trụy tim, tai biến não, suy thận, và nhiều bệnh trầm kha khác.

Triệu chứng

Đa số bệnh nhân chỉ biểu hiện triệu chứng khi mà tình trạng bệnh đã khá nặng và đang dẫn đến những hư hại đáng ngại. Trong nhiều trường hợp, dấu hiệu đầu tiên của bệnh cao huyết áp là bị trụy tim hay tai biến não đột ngột, vì thế bệnh còn có tên là “kẻ giết người thầm lặng.”

Bệnh cao máu được phân loại thành hai thời kỳ tùy theo áp suất máu:

Thời kỳ 1: Chỉ số trên (systolic pressure) trong khoảng 130 đến 139 mm thủy ngân (mmHg). Chỉ số dưới (diastolic pressure) trong khoảng 80 đến 89 mmHg.

Thời kỳ 2: Chỉ số trên (systolic pressure) cao hơn 139 mm thủy ngân (mmHg). Chỉ số dưới (diastolic pressure) cao hơn 89 mmHg.

Còn một tình trạng cao máu nhẹ thời kỳ sớm (prehypertension) khi chỉ số trên (systolic pressure) trong khoảng 120 đến 129 mm thủy ngân (mmHg) và chỉ số dưới (diastolic pressure) thấp hơn 80 mmHg.

Triệu chứng của cả ba giai đoạn cao huyết áp thường ít khi xảy ra, nhưng có khi bao gồm: nhức đầu, chóng mặt, chảy máu mũi, nôn ói, khó thở, mắt mờ.

Ngoài ra còn một tình trạng cao huyết áp độc hại (malignant hypertension) còn gọi là cao huyết áp khẩn cấp khi mà huyết áp rất cao làm cho mạch máu bị vỡ và đi kèm với suy yếu của ngũ tạng, thí dụ như chảy máu mắt, truỵ tim, tai biến não, hay suy thận.

Triệu chứng khẩn cấp gồm có: chóng mặt, bất tỉnh, đau ngực, nghẹt thở, lòa mắt, yếu hay bị tê các bắp thịt mặt hoặc tứ chi.

Nguyên nhân

Có hai nguyên nhân: cao máu nguyên thủy còn gọi là cao máu cấp một (primary hypertension) và cao máu vì bệnh khác, gọi là cao máu cấp hai (secondary hypertension).

Cao huyết áp cấp một gồm những tình trạng cao tuổi, đàn ông, béo phì, cao mỡ, cao cholesterol. Phụ nữ thường bị cao huyết áp sau khi nghỉ kinh. Cao máu nguyên thủy thường xảy ra trong gia đình có bệnh sử cao huyết áp.

Cao huyết áp cấp hai có thể gây ra bởi bệnh thận, ngủ bị nghẹt thở (sleep apnea), nghẽn động mạch chủ (coarctation of the aorta), các bệnh về mạch máu thận, bệnh về hệ thống nội tiết, do sử dụng thuốc ngừa thai, hút thuốc lá, uống rượu, uống thuốc giảm đau kinh niên, và uống thuốc an thần chống trầm cảm.

Nói chung chung, cao huyết áp thường phát triển không có một lý do nào rõ rệt cả, và thường trở nặng hơn theo năm tháng.

Thuốc lá là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến cao huyết áp. (Hình: Getty Images)

Lý do thường gặp nhất:

1-Tuổi tác

Nguy cơ bị cao huyết áp tăng dần với tuổi tác, lên hệ đến sự mất tính đàn hồi co giãn của mạch máu, bị thay đổi hormone như khi nghỉ kinh, và bị nhạy cảm với muối có trong thức ăn.

Một người trong độ tuổi 30 có thể bị cao máu nhẹ, và áp suất máu tăng dần. Nếu bị cao huyết áp trước tuổi 50 thì nguy cơ bị đột quỵ tim hay tai biến não sẽ tăng cao. Nếu không được chữa trị, bệnh cao huyết áp sẽ làm giảm tuổi thọ độ 10 năm.

2-Phái tính

Bệnh cao huyết áp thường xảy ra cho đàn ông nhiều hơn là đàn bà cho đến độ tuổi 45. Từ 45 đến 64 tuổi phần trăm bị cao máu là ngang nhau cho cả hai phái, và phái nữ bị cao huyết áp tăng nhiều hơn sau tuổi 55.

3-Chủng tộc

Người gốc Phi Châu và người gốc Châu Mỹ La Tinh dễ bị cao máu hơn là người da trắng. Người da vàng gốc Châu Á tương đối ít bị cao huyết áp. Tuy nhiên ngoài lý do chủng tộc, nguy cơ bị cao huyết áp vẫn tùy thuộc vào cách ăn uống, và nếp sống.

4-Bệnh thận

Bệnh thận kinh niên có thể ảnh hưởng đến thể tích máu và làm tăng áp suất máu.

5-Bệnh tiểu đường

Bệnh nhân  bị bệnh tiểu đường thường hay bị suy thận. Tuy nhiên có nhiều người bị cao máu trước khi bị bệnh cao đường trong máu.

6-Các bệnh về tuyến nội tiết

Bệnh về tuyến giáp trạng, tuyến thượng thận, và tuyến yên (pituitary disease) làm cho hormone bị thay đổi dẫn đến cao huyết áp.

7-Thuốc men

Một số thuốc men có thể làm tăng huyết áp thí dụ như steroids, thuốc ngừa thai, thuốc trị nghẹt mũi, thuốc có chứa caffeine, thuốc an thần và nhiều loại thuốc khác.

Lý do di truyền

Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng gây ra bệnh cao huyết áp nhất là tình trạng cao huyết áp nguyên thủy, cấp một. Yếu tố di truyền nắm khoảng 30 đến 50% nguy cơ cao huyết áp. Người ta vẫn chưa tìm ra một gene nào cụ thể quy định bệnh cao huyết áp, nhưng có thể là một tập hợp nhiều gene khác nhau. Nếu trong gia đình có người bị cao huyết áp thì nguy cơ bị bệnh sẽ tăng cao.

Nề nếp sống

Hút thuốc lá là lý do thông thường nhất gây ra bệnh cao huyết áp. Thuốc lá làm cho mạch máu bị hẹp lại, mất tính đàn hồi và dễ bị lở loét động mạch.

Ăn đồ mặn, nhiều muối là lý do đứng hàng thứ hai. Một số  người có thể ăn mặn nhưng không bị cao máu, tuy nhiên thực phẩm của người Việt chúng ta có rất nhiều muối. Có khi ăn không thấy mặn lắm nhưng lại có rất nhiều muối, thí dụ như nước phở, bún, mì chẳng hạn.

Bị stress thường xuyên cũng làm tăng huyết áp do ảnh hưởng của các hormone stress thí dụ như epinephrine, norepinephrine, cortisol. Các hormone nầy làm co hẹp động mạch cũng như thay đổi phẩm chất của động mạch, dễ bị lở loét, bị nghẽn.

Tương tự như thuốc lá, rượu và ma túy, ví dụ như cocaine, heroin, và methamphetamine cũng làm tăng huyết áp. Tuy nhiên các loại ma túy thường đưa đến tình trạng cao máu khẩn cấp hơn là cao máu kinh niên.

Cuối cùng, thiếu vận động sẽ gây ra béo phì, thay đổi tình trạng hormone, làm tác động lên hệ thống máu.

Một cách tổng quan, bệnh cao huyết áp có thể giết người thầm lặng, nhưng cũng may là hầu hết các nguyên nhân đều có thể ngăn ngừa, tránh được để giảm ức độ nguy hiểm. Nên thường xuyên đo áp suất máu và lưu tâm đến cách phòng chống.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT