Friday, April 19, 2024

Viên dầu cá

 

Diễm Vy

Gần đây tôi đi bác sĩ vì mắt bị khô quá. Triệu chứng của tuổi già đến rồi, phải chịu vậy thôi. Ngoài việc khuyên tôi nên dùng nước mắt nhân tạo để nhỏ mắt mỗi ngày, bác sĩ còn bảo tôi phải uống thêm dầu cá. Đã nhiều năm rồi, dầu cá là một trong những món mà tôi sợ nhất. Cầm lọ thuốc dầu cá trên tay, tôi bùi ngùi nhớ đến một kỷ niệm với bà nội tôi hơn bốn mươi năm về trước.

Bà nội tôi có bốn người con, hai trai hai gái. Hai người con trai lưu lạc vào miền Nam sau năm 54 khi tuổi đời còn rất trẻ. Người con trai lớn chính là bố tôi. Dòng sông Bến Hải đã chia đôi đất nước và cũng chia cắt luôn gia đình bên nội. Ông bà nội và hai người cô, em của bố, bị kẹt lại vùng quê Thái Bình. Sau đó, ông nội tôi bị đem ra đấu tố vì hồi xưa ông cũng thuộc hàng khoa cử, nhà có của ăn của để. Ông nội mất khi nào và vì sao, mãi sau năm 75 bố tôi liên lạc lại được với bà nội thì bố mới biết.

Năm 78, bà tôi lặn lội từ Bắc vào Nam để gặp gỡ con cháu. Ngày rời quê, bố tôi mới chỉ là một cậu thanh niên trẻ mà giờ đây đã là một người đàn ông trung niên với vợ và sáu đứa con thơ dại. Chú tôi thì đã đi tu nghiệp ở Pháp năm 73 và ở lại luôn bên Pháp. Thành ra bà nội chỉ còn gặp được một người con trai duy nhất là bố tôi.

Những năm từ 76-80 là giai đoạn rất cực khổ, cơm gạo không có đủ để ăn. Bữa cơm hàng ngày của gia đình tôi chỉ là cơm độn khoai lang, khoai mì, bo bo cùng với nhúm rau luộc và chén nước mắm ớt… Gia đình tôi dù rất muốn bù đắp cho bà, nhưng hoàn cảnh nhà lúc đó cũng rất cơ cực nên không thể thết đãi bà những bữa cơm ngon. Ba mẹ tôi rất buồn khi nhìn cảnh bà cũng phải chia với cả nhà những bữa cơm độn nghèo nàn, nhưng không làm sao hơn được. Bà tôi năm đó khoảng trên dưới 70 tuổi, nhưng vì khổ cực sớm nên trông bà già lắm, da dẻ nhăn nheo và miệng móm mém cả. Người bà gầy, nhỏ bé và ốm yếu. Mỗi ngày, ngoài việc chơi với các cháu, niềm vui của bà là ngồi trên chiếc ghế đẩu trước hiên nhà chờ ông phát thư đến, mong rằng sẽ nhận được lá thư của chú tôi từ nơi phương xa. Những lá thư ít ỏi của chú, người con trai út trong gia đình luôn mang lại một niềm hạnh phúc vô biên cho bà.

Có một lần, chú gửi về cho bà một gói quà nhỏ qua đường bưu điện. Trong gói quà có một lọ thuốc dầu cá. Bà hỏi bố tôi đây là thuốc chữa bệnh gì? Bố tôi nói đây là thuốc bổ mắt, mỗi ngày bà nên uống một viên. Bà thích lắm và quý lọ thuốc như vàng. Mỗi ngày bà rón rén mở lọ thuốc ra một cách cẩn thận, lấy một viên bỏ vào miệng, chép chép miệng và ngậm thật lâu rồi mới nuốt. Nhìn bà uống viên dầu cá, tôi có cảm tưởng như bà đang nhâm nhi một loại kẹo ngon, thơm, ngọt và tuyệt vời nhất trên đời. Tôi thèm lắm, năn nỉ xin bà một viên. Bố tôi mắng tôi hư, thuốc này là thuốc quý của bà nội, tôi không được đòi.

Nhưng càng bị cấm, bị mắng thì cái ham muốn trong tôi, một đứa trẻ mới mười hai, mười ba tuổi đầu lại trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Nhất là khi tôi còn biết thêm được đây là thuốc bổ mắt. Tôi nghĩ là uống thuốc này vào mắt tôi sẽ sáng như sao và may ra thuốc còn có thể làm cho đôi mắt một mí của tôi to hơn được một tí thì càng tốt. Mỗi ngày tôi thèm thuồng nhìn bà dốc viên thuốc màu vàng óng ánh vào tay rồi bỏ vào miệng mà ước ao có được một viên, chỉ một viên thôi của lọ thuốc tiên ấy để được ngậm trong miệng như bà.

Suy nghĩ mãi, tôi nẩy ra ý định là đợi bà ngủ rồi lục túi áo bà để lấy trộm một viên thuốc trong lọ.

Một buổi trưa, khi bà đang gà gà ngủ trên giường, tôi len lén ngồi thụp xuống đất cạnh bà rồi lần tay vào túi bà. Giời ạ! Lọ thuốc được bỏ tận túi áo bên trong (bà luôn mặc hai cái áo, một cái tay ngắn bên trong, một cái tay dài bên ngoài). Bà lại còn cẩn thận ghim một lượt hai, ba cái kim băng thật chặt. Loay hoay một hồi mà không tài nào mở được mấy cái kim băng, tôi đành bó tay!

Âm mưu trộm thuốc không thành. Tôi lại suy nghĩ một kế hoạch khác.

Thường thì cứ vài ba ngày một lần, bà bảo tôi viết thư hộ bà để bà gửi cho chú tôi. Bà không biết đọc và viết, nên bà đọc cho tôi viết. Tôi viết theo lời bà đọc, lại còn biết thêm mắm, thêm muối cho văn hoa, đại loại như “Mẹ thương con đứng ngồi không yên! Mỗi ngày mẹ nhớ con lệ chảy hai hàng như suối, v.v…” rồi đọc lại cho bà nghe. Bà thích lắm và luôn miệng khen đứa cháu ngoan của bà văn hay chữ tốt!

Chiều hôm ấy, khi bà sai tôi viết thư cho bà. Tôi “đình công” và than thở:

-Bà ạ, dạo này mắt cháu mờ hẳn đi!

-Thế à? Sao mà mờ? Bà nội tôi lo lắng hỏi.

-Chắc tại vì gần đây viết thư hộ bà nhiều quá! Mắt cháu vừa mờ đi mà vừa đau nữa.

-Khổ chưa? Thật thế á? Để bà nói với bố mẹ dẫn cháu đi bác sĩ nhá!

-Thôi, bà đừng nói với bố mẹ! Đi bác sĩ tốn tiền lắm, rồi bố mẹ lại không cho cháu viết thư hộ bà nữa đâu!

-Thế thì bà phải làm sao?

-Bà có thuốc dầu cá bổ mắt ấy! Mỗi ngày cho cháu một viên là mắt cháu sẽ lại sáng như sao ấy bà ạ! (Tôi lại còn tham lam dụ dỗ bà cho tôi mỗi ngày một viên!)

-Ừ nhỉ, thế mà bà không nghĩ ra. Cháu bà thông minh thật!

Thế là bà vội vã mở túi áo, lấy ra lọ thuốc và đưa ra một viên dầu cá bảo tôi uống ngay.

Cũng cần nói thêm, đối với một người phụ nữ miền quê hiền lành chất phác như bà tôi, bất cứ thuốc nào cũng là tốt, dù là thuốc chữa bệnh hay thuốc bổ, và theo bà, người lớn con nít gì cũng có thể uống cùng một loại thuốc, chẳng cần liều lượng gì cả. Chẳng thế mà có một lần bà vào thăm em gái tôi khi đó đang bị nhiễm trùng tai phải nằm trong bệnh viện, gặp lúc cô y tá đến phát cho em tôi một bụm thuốc. Em tôi, năm ấy mới lên chín tuổi, nhõng nhẽo kêu thuốc đắng không chịu uống. Thế là bà bỏ miệng uống hết nắm thuốc vì sợ vất đi “phí của giời.” Bố tôi khi biết chuyện thì rất hốt hoảng, lo lắng sợ bà có chuyện gì. Nhưng có lẽ, thuốc của bệnh viện phát cho thời đó toàn là xuyên tâm liên hay bột mì, nên bà uống cả nắm thuốc mà vẫn bình chân như vại, không có gì xảy ra cả!

Trở lại với câu chuyện viên dầu cá hôm ấy, sau khi nắm được viên dầu cá trong tay, tôi bỏ ngay vào miệng vì sợ bà tôi đổi ý đòi lại. Tôi cũng bắt chước bà nội chép chép miệng mấy cái và ngậm viên thuốc thật lâu. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy viên thuốc sao mà lạt thếch, chẳng có chút mùi vị gì. Tôi bèn ráng sức cắn một cái bụp. Ôi trời! Viên dầu cá vỡ ra, và một thứ chất lỏng lềnh lềnh, tanh tanh chảy ra thấm vào lưỡi tôi rồi chạy xuống cổ họng tôi. Từ bé đến giờ, chưa bao giờ tôi ăn hoặc uống một thứ gì gớm ghiếc hơn là cái nước dầu cá này. Tôi vội ọe ngay vào thùng rác rồi chạy đi súc miệng, nhưng cái cảm giác tanh tưởi vẫn còn vương mãi trong miệng cũng như trong tâm trí tôi suốt nhiều năm liền. Thật đáng đời cho tôi cái tội nói dối, lừa gạt bà nội.

Hôm sau, khi bà đưa thêm dầu cá cho tôi uống. Tôi vội bụm miệng quay đi và nói với bà:

-Thuốc của Pháp hay thật! Cháu uống mỗi một viên mà hết đau mắt rồi, mắt sáng lại hơn xưa nữa chứ. Không cần uống nữa đâu bà ạ!

Khỏi nói, người vui nhất là bà nội. Đứa cháu bà đã hết đau mắt, rồi sẽ có thể viết thư giúp bà trở lại. Vui hơn nữa là bà tin tưởng dầu cá đúng là loại thần dược có thể chữa bệnh trong nháy mắt! Tội cho bà tôi thật!

Mấy năm sau, gia đình tôi được đi Mỹ theo diện bên ngoại bảo lãnh. Bà nội lại trở về sống với cô tôi ngoài Bắc. Qua đến Mỹ, tôi xin đi làm ngay rồi vừa đi làm vừa đi học lại. Việc làm đầu tiên tôi kiếm được là rửa chén trong nhà bếp của một tiệm ăn vào hai ngày cuối tuần, lãnh tiền mặt $3.50/giờ. Khi được lãnh số tiền lương $70 đầu tiên của hai ngày làm việc 10 tiếng một ngày, tôi vui mừng khôn xiết, đi ngay về nhà đưa hết cho bố tôi để nhờ bố mua gửi về cho bà mấy lọ thuốc bổ, đặc biệt là phải có thật nhiều dầu cá. Sau bao nhiêu năm, nỗi ân hận là đã nói dối bà tôi vẫn canh cánh trong lòng. Tôi đã tự hứa với lòng mình là khi kiếm được tiền, việc đầu tiên của tôi là sẽ chuộc lỗi với bà bằng cách đền bù lại cho bà thật nhiều thuốc bổ để bà uống.

Đã nhiều năm trôi qua, bà tôi giờ đã ra người thiên cổ. Cầm viên thuốc dầu cá trong tay mà nước mắt tôi tự nhiên chảy dài trên má! Hình ảnh người đàn bà già yếu, nhỏ thó mỗi chiều ngồi trên chiếc ghế trước hiên nhà ngóng chờ thư của người con trai xa xứ như lại hiện về. Tôi hình dung được rằng sau khi gia đình tôi đi Mỹ rồi, bà tôi cũng lại tiếp tục những tháng ngày mong ngóng như thế để chờ tin tức của gia đình tôi.

Trước khi bà mất, chỉ có bố mẹ tôi là kịp về quê thăm bà! Còn tôi lúc đó vừa mới sanh con nhỏ nên không về được. Tôi đã mãi mãi không còn dịp nào để gặp bà nói lời xin lỗi!

Ngày nay, nơi quê hương tôi, vẫn còn có biết bao người bà, người mẹ đã tiếp tục gạt nước mắt mà chia tay với con cháu, chỉ vì mong cho con cháu mình có được cuộc sống tốt đẹp hơn nơi xứ lạ quê người. Chiến tranh tuy đã chấm dứt nhiều năm qua, nhưng trên đất nước tôi, những cuộc chia ly dường như luôn diễn ra và kéo dài bất tận!

Diễm Vy

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Cách làm món gà kho gừng”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT