Thursday, March 28, 2024

Chẩn bệnh và trị bệnh cao huyết áp

LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com.

Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh

Chẩn bệnh cao huyết áp

Bệnh cao huyết áp thường thường không có triệu chứng gì rõ rệt cho tới khi quá trễ. Nếu có triệu chứng, gồm có chóng mặt, khó thở, nhức đầu, chảy máu mũi đi kèm với áp suất máu tăng cao. Trong trường hợp áp suất máu tăng cao quá độ một cách khẩn cấp, triệu chứng gồm có mắt mờ, nôn mửa, đau ngực hay hồi hộp.

Theo định nghĩa, cao huyết áp khi áp suất máu tăng trên 130/ 80 mmHg. Áp suất máu có thể đo được bằng các dụng cụ đo áp suất máu thông dụng. Áp suất máu có thể thay đổi thường xuyên trong ngày tùy thuộc vào hoạt động, tình trạng nước trong cơ thể, mức độ thoải mái hay sợ hãi, và nhiều lý do khác nhau. Áp suất máu đo tại phòng mạch bác sĩ thường là không chính xác lắm do hồi hộp vì sợ… bác sĩ! Áp suất máu trung bình trong ngày sẽ chính xác hơn. Để gọi là cao huyết áp, áp suất máu trung bình phải được đo tối thiểu 3 lần trên mức 130/80 và đo trong vòng một tuần lễ.

Bệnh cao huyết áp có thể phân loại thành hai thời kỳ

-Cấp 1: chỉ số trên trong khoảng 130 đến 139 mmHg, và chỉ số dưới trong khoảng 80-89 mmHg.

-Cấp 2: chỉ số trên cao hơn 139 mmHg, và chỉ số dưới cao hơn 89mmHg.

Trong trường  hợp khẩn cấp, áp suất máu có thể lên đến 180/120 mmHg.

Bác sĩ có khi phải cho thử nghiệm để tìm hiểu thêm nguyên nhân bị bệnh cao huyết áp. Một số thử máu căn bản gồm có: thử lượng electrolytes, thử đường, hormone tuyến giáp trạng, và các thử máu liên hệ đên sự hoạt động của trái thận. Một đôi khi bác sĩ cho đo điện tâm đồ (Echocardiogram), siêu âm tim và thận, cũng như CAT Scan hoặc MRI.

Một số nguyên nhân gây ra bệnh cao huyết áp do từ các bệnh khác cũng cần phải được loại trừ để chữa tận gốc, gồm có: phản ứng phụ của thuốc bao gồm các loại thuốc dược thảo, thuốc giảm đau, thuốc an thần, hoặc ma túy; bệnh suy thận cũng làm cho cao huyết áp, và bệnh cường tuyến giáp. Có khi bị bướu tuyến thượng thận gọi là pheochromocytoma cũng làm tăng huyết áp.

Chữa trị bệnh cao huyết áp

Bệnh cao huyết áp về cơ bản có thể chữa trị bằng cách thay đổi lề lối sống trước khi phải sử dụng thuốc men. Hầu hết bệnh nhân bị cao huyết áp có thể kiểm soát được với các loại thuốc như thuốc lợi tiểu (diuretics), thuốc điều chỉnh áp suất máu ở trái thận gọi là ACE inhibitors, thuốc điều chỉnh nhịp đập của tim và độ co thắt của mạch máu gọi là beta-blockers, hay calcium channel blockers.

Thay đổi nếp sống bao gồm: bỏ thuốc lá, ăn uống điều độ, bớt ăn muối, xuống cân, và tăng cường vận động, tập thể dục thể thao đều đặn mà đơn giản nhất vẫn là đi bộ mỗi ngày 30 phút. Dĩ nhiên, stress, thiếu bình an, và những sợ hãi thường xuyên trong cuộc sống cũng làm tăng huyết áp.

Khi phải sử dụng thuốc men, mục đích tối hậu vẫn là giữ cho được áp suất máu dưới mức 130/80. Đa phần, một khi phải dùng thuốc, bệnh nhân phải uống thuốc đều đặn mỗi ngày, trọn đời. Không nên, và không bao giờ ngưng uống thuốc nếu không có sự đồng ý của bác sĩ. Tai biến não xảy ra khi ngưng thuốc trị cao huyết áp.

1. Thuốc lợi tiểu (diuretics), làm cho trái thận thải nhiều nước tiểu ra ngoài để giảm bớt thể tích máu. Thuốc cũng dùng cho trường hợp bệnh nhân ăn mặn quá độ. Loại thuốc thông dụng nhất hiện nay là hydrochlorothiazide. Ngoài ra còn có các thương hiệu khác như: Diamox (acetazolamide), Thalidone, Tenoretic, and Clorpres (chlorthalidone), HydroDiuril, Microzide, and Esidrix (hydrochlorothiazide), Lozol (indapamide), Zaroxolyn, Mykrox (metolazone).

2. Thuốc Angiotensin-converting enzyme (ACE) inhibitors, giảm áp suất máu bằng cách làm cho mạch máu giãn nở to ra. Các loại thuốc trong nhóm này gồm có: Lotensin (benazepril), Capoten (captopril), Vasotec, Vaseretic (enalapril), Monopril (fosinopril), Prinivil, Zestril (lisinopril), Univasc (moexipril), Accupril (quinapril), Altace (Ramipril), Mavik (trandolapril).

3. Thuốc Calcium channel blockers giảm áp suất máu bằng cách làm giãn nở mạch máu và giảm bớt sức co bóp của trái tim. Thuốc trong nhóm này gồm có Norvasc, Caduet, and Lotrel (amlodipine), Cardizem, Dilacor, and Tiazac (diltiazem), Plendil (felodipine), DynaCirc (isradipine), Cardene (nicardipine), Procardia XL, Adalat (nifedipine), Sular (nisoldipine), Isoptin, Calan, Verelan, and Covera (verapamil hydrochloride).

4.Thuốc Beta blockers giảm áp suất máu bằng cách giảm bớt nhịp đập trái tim. Các thuốc trong nhóm này gồm có Tenormin (atenolol), Normodyne, Trandate (labetalol), Lopressor, Toprol (metoprolol), Corgard (nadolol), Inderal, Inderal LA (propranolol), Blocadren (timolol).

5. Thuốc Angiotensin II receptor blockers (ARBs) giảm áp suất máu bằng cách làm giãn nở mạch máu. Các loại thuốc trong nhóm này gồm có Atacand (candesartan), Avapro (irbesartan), Cozaar (losartan), Micardis (telmisartan), Diovan (valsartan).

Ngoài ra, nên tránh uống các loại thuốc giảm đau như Ibuprofen, thuốc trị nghẹt mũi có chứa pseudoephedrine, hay bớt uống cà phê, hoặc các loại thuốc “tăng cường sinh lực.”

Có khi bác sĩ chỉ sử dụng một loại thuốc, nhưng cũng có những trường hợp phải kết hợp hai loại thuốc lại với nhau.

Hầu hết các loại thuốc trên đây đều có các phản ứng phụ như hồi hộp, chóng mặt, nhức đầu, sưng phù tay chân, và gây ra chứng liệt dương.

Nói chung, để tránh uống thuốc thì nên bắt đầu bằng những thay đổi nhỏ trong đời sống. Nên để ý đến những yếu tố làm kích động áp suất, thí dụ như stress, ăn nhiều muối, uống thuốc dược thảo và tìm cách thay đổi, điều chỉnh. (Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh)

MỚI CẬP NHẬT