Thursday, March 28, 2024

Cháu không thích câu ‘Nghĩa tử là nghĩa tận’

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Thưa cô, cháu cũng muốn nghe thêm các lời góp ý của độc giả.

Gia đình cháu hiện đang có tang, người chết là vợ kế của ba cháu. Chúng cháu đang bị áp lực từ ba, chung quanh nội dung cái cáo phó của gia đình.

Ngày xưa, khi mẹ cháu mất khoảng 2 tháng, ba cháu dắt một người đàn bà lạ về. Ba cháu bắt bầy con nhỏ nheo nhóc đứng sắp hàng thưa người đàn bà kia bằng “mẹ.” Cháu là chị cả, lúc ấy mới mười mấy tuổi đầu, đứa em út thì vừa tuổi tôi. Lúc đó cháu “thưa” vì sợ ba, nhưng lòng căm giận khôn nguôi. Cháu thù bà ta tận xương tủy, đã khiến mẹ cháu buồn khổ mà đi đến bệnh hoạn rồi cuối cùng là cái chết tức tưởi để lại bầy con 7 đứa. Thế mà mộ mẹ cháu chưa kịp xanh cỏ, thì ba cháu dắt ngay cái người đàn bà kia về nhà chung sống.

Tuy ngoài miệng cháu gọi bằng mẹ vì không thể làm khác hơn được, nhưng trong thâm tâm cũng như câu chuyện giữa chị em lúc không có bà ta, tụi cháu đã gọi bà ta bằng đủ mọi danh từ tận cùng của sự căm giận.

Cũng may trước khi mất, mẹ cháu để lại một cửa hàng bán nhu yếu phẩm. Chúng cháu và người dì em mẹ, thay nhau quản lý cửa hàng, cháu theo dì chạy vòng ngoài kiếm hàng, đứa vừa thì ngồi buôn bán, đứa nhỏ thì lo chạy việc vặt. Tụi cháu sống qua ngày, lê lết ngoài chợ không muốn về nhà. Hằng ngày bà ta cũng ra phụ giúp nhưng vì không có ba bên cạnh nên tụi cháu cứ lầm lì lầm lì với bà ấy.

Rồi thời thế xui ra chuyện này chuyện kia. Bà ta được gia đình bảo lãnh đi nước ngoài, dĩ nhiên là ba cháu và lũ con mồ côi cũng được ăn theo. Lúc qua đây tụi cháu cũng đã trưởng thành, cháu và hai đứa em kế có công ăn việc làm và ra riêng, còn lại mấy em nhỏ vẫn phải ở chung với bà ta. Không khí gia đình có dịu đi do thay đổi môi trường sống, không còn ở trong căn nhà đầy ắp hình ảnh của mẹ.

Mấy năm nay ba cháu bị stroke đi đứng khó khăn, bà ta còn trẻ nên là người chăm lo chính cho ba. Người tưởng ra đi trước là ba cháu, thì nay bà ta đột ngột từ trần. Ba cháu đã bệnh, cái chết của bà ta làm suy sụp ba cháu nhiều hơn. Ba cháu buồn thương bỏ ăn bỏ uống quyết tâm chết theo người đàn bà này.

Phần chị em cháu, cái chết có làm cho lòng chị em cháu dịu lại mối thâm thù xưa. Cháu cũng thấy tội, và thương ba cháu đã hai lần góa vợ. Điều mà chị em cháu đắn đo là ba cháu van nài các con, khi làm cáo phó, xin các con để tên tụi con vào phần con cái của bà. Vì ba cháu nói là ngày xưa khi lấy nhau, bà ta còn trẻ, còn sinh nở được nhưng vì thấy ba cháu có quá nhiều con, nên bà ta hy sinh quyết định không sinh thêm đứa nào mà hứa là sẽ coi con chồng như con mình.

Vấn đề bây giờ là các em trao quyền quyết định sau cùng cho cháu, vì các em đứa quyết định thế này đứa quyết định thế kia. Cái cáo phó của bà ta sẽ là: Bà X. mất ngày giờ… Chồng: Y… Các con: Tên mấy chị em cháu. Hoặc là để trống phần các con?

Phần cháu dù có 100 năm hay 1,000 năm nữa thì lòng cháu vẫn căm thù người đã gián tiếp gây ra cái chết của mẹ cháu. Cháu không muốn tên chị em nằm phần con của bà ta, như thế tội cho mẹ cháu lắm. Cháu không chủ trương “Nghĩa tử là nghĩa tận.”

Ngọc Điểm

*Góp ý của độc giả

-Bốn Chuyện

Cô Điểm, tôi không góp ý việc chị em cô sẽ để cái gì trong tờ cáo phó về cái chết của bà mẹ ghẻ. Tôi lại ngứa tay gõ keyboard chỉ vì cô là một kẻ vô ơn.

Dĩ nhiên tôi rất hiểu nỗi “căm thù tận xương tủy” của cô khi vừa mất mẹ mới hai tháng thì đã có ngay mẹ ghẻ, lại còn phải “thưa mẹ.” Nếu tôi khi còn thơ dại, bị như thế, tôi cũng không phản ứng khác cô đâu.

Tuy nhiên, ngày nay cô đã trưởng thành, có chồng con… Khi cô nhìn lại, tôi vẫn không tìm thấy một thí dụ nào trong thư cô để chứng minh “mấy đời bánh đúc có xương” cả. Cái bà đó có đánh đập, nhiếc móc chị em cô thường xuyên? Có chằm chằm giữ tiền giữ bạc trong nhà để chị em cô thèm thuồng đói khát? Có ton hót xúi bẫy cha cô hất hủi hành hạ chị em cô? Hàng ngày bà ấy ra chợ phụ giúp cô và dì cô ở cái gian hàng mẹ cô để lại… Thế có khi nào xảy ra chuyện lôi thôi tiền bạc? Còn dì của cô kia, nếu dì cô không ghét bỏ tới nỗi xua đuổi bà ấy đi, thì có lẽ trong mắt một người đã trưởng thành, bà mẹ ghẻ của cô không hẳn là thứ “quỷ phá nhà trời” cô ạ.

Rồi cha con cô nhờ bà mẹ ghẻ đáng ghét kia mà được thoát khỏi cái “địa ngục trần gian” trong khi người ta tốn bao nhiêu của, chết sông chết biển để đến “bến bờ tự do.” Trên xứ Mỹ, cô “và hai đứa em kế có công ăn việc làm và ra riêng, còn lại mấy em nhỏ phải ở chung với bà ta.” Cô ngon sao không đem hết em cô theo để bảo bọc? Cô dùng chữ “phải ở chung” như một điều tệ hại phải chịu đựng, trong khi đọc mỏi mắt cũng không thấy một thí dụ nào về sự ác độc của mẹ ghẻ cô.

Tôi nghĩ cha cô là “đầu dây mối nhợ,” không những làm mẹ cô đau khổ, bệnh hoạn rồi chết sớm, mà còn làm lụy tới nguyên cả cuộc đời của bà mẹ ghẻ cô. Nếu có trách bà ấy chăng là trách cái sự mềm yếu, vướng vào cha cô là kẻ đã có vợ và 1 đống con nheo nhóc… Trời ơi, bảy đứa chứ ít gì! Nếu tình yêu dành cho cha cô không đủ lớn thì chắc bả phải “co giò mà dzọt” rồi cô à. Nào phải về với ổng được “ngồi mát ăn bát vàng” đâu… Lăn lộn với cô ngoài chợ, chịu đựng cái mặt lầm lì của chị em cô… Trời, tôi phục cái bà này lắm đó!

Rồi cha cô bị stroke, cũng chính bà ta chăm sóc. Cô nói một cách dửng dưng như thể cô chẳng hề biết bổn phận con cái. Thí dụ bà mẹ ghẻ “nhường” cha cô lại cho lũ con săn sóc? Tôi thấy nhiều chứ chẳng phải thí dụ vô căn cớ đâu cô… Nè cô Điểm, không phải chỉ “đi lại khó khăn” đâu cô nhé! Cô phải thay tã cho ổng, tắm táp, lo việc tiêu tiểu, đút ăn, nhớ giờ cho uống thuốc… và thêm hàng trăm việc không tên quay quanh một ông già bị stroke. Bà mẹ ghẻ của cô đúng là nợ cha con cô từ kiếp trước!

Cha cô nói “ngày xưa khi lấy nhau, bà ta còn trẻ, còn sinh nở được, nhưng vì ba cháu có quá nhiều con nên hy sinh quyết định không sinh thêm đứa nào mà hứa là sẽ coi con chồng như con mình.” Cô viết câu đó, không hề có chữ “nhưng” kèm theo, không thấy kể tội bà mẹ ghẻ không làm đúng lời hứa… Có nghĩa là cô đã viết lên sự thật. Cha con cô đúng là thứ… gì đâu ấy! Tôi nghĩ bà mẹ ghẻ của cô không cần tên lũ con chồng trong cáo phó đâu. Bả hết nợ cha con cô rồi nên mới ra đi đó cô. Cha cô muốn cáo phó thì để tên “mình ên” đi, người đàn bà đã hy sinh hết đời cho ổng thì chắc cũng chỉ cần ổng khóc thôi. Còn chị em cô, hãy vui mừng vì cái gai đã tiêu rụi, cho dù cái gai ấy không đâm vào chân chị em cô mà đã là một cái tool giúp chị em cô trong cuộc đời này…

Rồi đây, khi vắng bóng người đàn bà đáng ghét ấy, có khi nào cô sẽ tự hỏi, “Ủa, chuyện này xưa nay cái bà mắc dịch kia lo, tui hổng biết tới”?

-Tammy

Tôi hiểu em hết sức luôn, hiểu thấu đáo cái cảm giác của em khi ba em đem về nhà một người đàn bà khác, nhất là lúc mẹ em vừa mới qua đời. Thường khi mình chia sẻ lòng tức tối của mình với ai, thì bao giờ cũng thế, số người khuyên nên hỉ xả, nên tha thứ, nên vô thường… lên đến 99.99%. Họ khuyên mình nên bỏ qua, vì căn bản họ không phải là người trực tiếp chảy máu.

Cũng giống như có những người thấy dị ứng với sự căm thù VC quá lâu, mấy chục năm vẫn đằng đằng sát khí, theo tôi chỉ vì họ và gia đình không trải qua những đau thương trực tiếp.

Phải ở trong cuộc mới thấu hiểu lòng hận thù, tôi hoàn toàn thông cảm với em, bởi ngày xưa ba tôi cũng bắt tôi khoanh tay chào người vợ kế của ổng, bắt gọi bằng “mẹ” và giới thiệu với tôi mấy đứa em cùng cha khác mẹ. Tôi không gọi, và cũng không nhìn những đứa em kia là em của mình, cho đến ngày nay, trải qua mấy chục năm. Không là không!

Bởi tôi chứng kiến cảnh đau buồn của mẹ ruột, héo hắt đến bệnh mà qua đời như mẹ của em vậy.

Theo tôi, em chẳng việc gì phải làm theo ý của ba em, bà ta không có con thì hà cớ gì phải quan tâm đến mục con cái? Đây là lúc em nên nói rõ lòng uất ức của mình trong quá khứ, sự chịu đựng của em khi ba em ngang nhiên đưa một người đàn bà khác về. Ba em kỳ quá!

-NB

“Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng.” Câu thành ngữ này đã ăn sâu vào tim óc của nhiều thế hệ, gây khó khăn rất nhiều trong mối quan hệ giữa con riêng của chồng với mẹ kế. Chiến tranh xảy ra là điều khó tránh khỏi cho dù người trong cuộc có tỏ ra có thiện chí gần gũi thế nào đi nữa.

Trường hợp gia đình cháu cũng không là ngoại lệ. Nó còn đặc biệt ở chỗ mẹ kế bước chân vào đời sống của bảy chị em cháu trong bối cảnh mẹ ruột vừa mất và trong tâm khảm chị em cháu coi bà ấy là kẻ thù, là nguyên nhân làm tụi cháu mất mẹ. Chị em cháu căm thù mẹ kế đến nỗi dù phải gọi bà ấy là mẹ (chỉ vì sợ ba) nhưng trong lòng chị em cháu hoàn toàn không có chút tình thương hay tôn trọng mẹ kế. Tụi cháu mạt sát không thương tiếc khi bà ấy vắng mặt, tụi cháu cũng tỏ thái độ lầm lì xa cách, dù bà ấy muốn gần gũi phụ giúp. Tôi nghĩ chắc mẹ kế tụi cháu khổ tâm lắm khi thấy mình yêu chồng nhưng không thể nào gần gũi và có được tình thương của những đứa con riêng của chồng.

Chuyện xảy ra trong mối quan hệ giữa ba mẹ cháu như thế nào không rõ, nhưng tôi nghĩ đó là quá khứ, tốt nhất hãy để yên đừng khơi gợi lại làm gì. Duyên phận không còn thì níu giữ nhau làm gì. Mẹ cháu đã yên phận trên trời, chỉ còn ba và mẹ kế sống đời với con cái.

Tôi nghĩ mẹ kế của chị em cháu không xấu xa. Bà yêu ba cháu thật lòng mới chấp nhận hy sinh không sinh con để toàn tâm toàn ý lo cho bảy đứa con riêng của chồng. Bà đã nhẫn nhịn cố gắng quán xuyến gia đình mong có một ngày các con riêng của chồng mở lòng ra với mình. Khi có điều kiện xuất cảnh bà vẫn vui lòng mang chồng và các con riêng của chồng theo cùng. Trách nhiệm gánh vác gia đình bà ấy vẫn mang, săn sóc chồng bịnh hoạn, săn sóc những đứa con riêng còn bé chưa thể ra riêng tự lập. Lòng tốt này hình như chị em cháu vẫn chưa nhận biết, có lẽ chỉ có ba cháu cảm nhận được nên thật shock khi bà không còn ở bên ông nữa. Đau lòng ông muốn chết theo cùng, điều duy nhất ông có thể làm là nài nỉ các con chịu tự nhận phận con dù chỉ là trên bảng cáo phó của bà. Ông muốn cám ơn sự hy sinh thầm lặng mà bà đã dành tặng cho cha con ông.

Thật ra khi bảng cáo phó được đăng lên với tên chồng con là tên ba cháu và tên tất cả chị em cháu, người hạnh phúc nhất vẫn chỉ là ba cháu. Ông nghĩ mình đã phần nào làm cho bà được ngậm cười nơi chín suối.

Câu “Nghĩa tử là nghĩa tận” luôn luôn đúng. Chị em cháu nên mở lòng ra chấp nhận lời yêu cầu của ba mình để có thể phần nào trả được những gì mẹ kế đã làm cho cha con cháu, ba cháu cũng sẽ đỡ đau khổ hơn, và ngay cả mẹ cháu nếu linh thiêng cũng sẽ hài lòng với việc làm của các con mình.

Chúc gia đình cháu sức khỏe, hàn gắn được tình cảm gia đình để lo hậu sự của mẹ kế được trọn vẹn.

-TH

“Cháu không muốn tên chị em nằm phần con của bà ta, như thế tội cho mẹ cháu lắm.”

Xin góp ý với cháu NĐ, khi đăng cáo phó trong phần để tên thì cháu ghi là:

Chồng: Y…

Các con chồng: (danh sách thứ tự của 7 chị em cháu).

Như vậy cháu và các em vẫn đượ tỏ lòng tôn kính người mẹ ruột đã mất.

-Hảo

Chào cô Ngọc,

Tôi chỉ muốn nói ngắn gọn là: nếu cô còn chút tình yêu thương cho ba cô và các em của cô, hãy làm theo ý nguyện của ba cô. Tôi có nghe ai nói: “Hận thù như con thú dữ. Nhốt nó trong lòng thì nó sẽ cấu xé mình.” Hãy bỏ qua nếu còn có cơ hội. Tôi e cô sẽ hối hận sau này nếu không làm theo lương tâm của cô. Vì khi cô băn khoăn không biết có nên làm việc ấy hay không có nghĩa là lương tâm cô đã mách cô điều phải lẽ rồi đấy.

Chúc cô may mắn nhé!

*Vấn đề mới:

Thưa cô Nguyệt Nga, hiện em đang rơi càng ngày càng sâu vào một mối tình không cân xứng tuổi tác. Anh ấy thua em đến 6 tuổi.

Trong lần gặp gỡ đầu tiên, em là người đến giao hàng, đường quá xa, nên khi đến nơi em quá khát nước, em hỏi xin ly nước, vẫn không hết khát, em xin ly thứ hai rồi ly thứ ba. Anh ta cười và nói đùa: “Trông cô hồn nhiên như đứa con nít,” em trả lời: “Tôi 51 tuổi rồi.” Tức là ảnh không vô duyên khi hỏi tuổi đàn bà, mà em tự động tòng tọc khai ra. Thế đó, câu chuyện cứ kéo dài trong không khí rất trong sáng và hồn nhiên. Lúc về em để số điện thoại lại cho ảnh như một quảng cáo với khách hàng, vậy thôi.

Không ngờ, vừa về đến nhà thì em nhận tin nhắn của anh ta. Tin nhắn là một lời hẹn khi nào rảnh, đi uống nước cùng với anh ta. Em delete tin nhắn, vì em thấy lời mời vu vơ, mất thì giờ. Không ngờ mấy ngày liên tiếp, ngày nào em cũng nhận tin nhắn từ anh ta, không sỗ sàng, không quá thân mật, nội dung bao giờ cũng là quan tâm, nhẹ nhàng…

Cứ khoảng 5 tin nhắn thì em trả lời 1 tin. Em không mặn nồng vì em bận quá, không có thì giờ thở nữa là trả lời tin nhắn tào lao.

Anh chàng rất “chai mặt” cứ tối 9 giờ thì thế nào phone em cũng “tít” lên một tiếng, chỉ là câu nhắn ngắn: “Ngủ ngon.” Sáng 8 giờ thì phone “tit” lên một tiếng: “Nhớ uống sữa trước khi đi làm.” Rồi thì: “Nhớ mặc áo ấm, nhớ tập thể dục, đừng quên uống nước nhiều, hôm nay trời mưa nhớ mang dù theo…” Ui chao, sao chen vô đời sống của người ta một cách tỉnh như ruồi vậy.

Những lời nhắn, năm thì mười họa em mới trả lời, nhưng lòng thì xao xuyến theo từng tiếng “tít” của cái phone. Càng ngày tâm trí em càng bận tâm nhiều đến những lời nhắn vu vơ kia. Rồi một hôm, em ừ đi uống nước cho xong, không ngờ đó là một buổi hẹn vui đáo để, toàn tiếng cười đùa, xả bao nhiêu stress của công việc. Tụi em biết về nhau nhiều hơn, em biết anh chàng ly dị vợ đã lâu, từ ngày ly dị chưa từng có bạn gái, và không biết sao ngày gặp em đầu tiên bị cuốn hút bởi sự hồn nhiên của em. Phần em, cũng cho anh chàng biết về thân phận mình, là lo cho các em và lo làm ăn quá mà quên đi hôn nhân, chỉ yêu công việc và không yêu người chi cho mất thì giờ.

Qua lời chàng kể về tình trạng hôn nhân, em đoán ra được tuổi chàng là 45, thua em đúng 6 tuổi. Em cũng mừng là mới quen nên sẽ dễ cắt đứt. Nhưng nghĩ là một chuyện, làm là một chuyện khác. Em không dứt ra được! Trời ơi, em không dứt được mà càng ngày càng lún sâu. Rồi không biết từ đâu em còn có cái màn giận hờn khi không thấy tin nhắn, mà mới đây thôi, những tin nhắn đó đã làm em khó chịu.

Đến giờ này mà em chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình, phần lớn cũng là do lo cho đám em út yên bề gia thất, giờ chính cái đám em kia, trai cũng như gái, nó phản ứng dữ dội khi em “thưa chuyện” với tụi nó. Có đứa còn dám hát ví “vợ già chồng trẻ như tình chị em.” Em hoang mang quá, vào Google thì thấy có quá nhiều câu chuyện hạnh phúc giữa vợ già chồng trẻ, mới đây còn rộ lên chuyện cô dâu 61 tuổi cưới anh hai mấy.

Cô Nguyệt Nga ơi, em có nên tiến lên không?

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi về: Biết tỏ cùng ai 14771 Moran Street. Westminster, CA 92683, hoặc [email protected]

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT