Friday, March 29, 2024

Cháu tôi bị trục xuất

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Thưa cô, tôi là bà nội nuôi cháu. Con dâu tôi bị tai nạn mất khi cháu 15 tuổi. Con trai sau đó đưa con về ở chung với vợ chồng tôi. Con trai tôi xuống tinh thần sau cái chết của vợ, nó đắm mình trong rượu và gái, tôi thương con cháu xót xa lòng. Hằng ngày chỉ biết lấy chai rượu đổ bớt đi để bớt lượng rượu vào người con. Thằng cháu nội vì cũng đã lớn nên hiểu từ đây nó không còn mẹ. Nó ít nói và bỏ ăn, ngoài giờ đến lớp nó suốt ngày ở miết trong phòng. Gia đình tôi như địa ngục trần gian.

Người ta nói thời gian là liều thuốc mầu nhiệm, nhưng tôi có thấy đâu sự mầu nhiệm đó. Càng ngày càng tệ, con trai tôi thì hết tha cô này về đến tha cô khác về, phòng nó có cửa riêng để ra vườn, thế là nó tự do đưa người cửa trước rước người cửa sau. Nó chẳng ngó ngàng gì đến con cái, cứ để thằng bé sống như cỏ cây.

Rồi thì chuyện đến phải đến, một hôm cảnh sát gọi đến nhà báo cho biết thằng cháu mồ côi, bị bắt vì liên quan đến ma túy. Nghe tin ấy cha nó đi suốt mấy đêm không về, vợ chồng tôi thì già rồi, chẳng biết đường mô mà mò. Một tháng thì police thả cháu nội tôi về. Về nhà, nó lầm lì không nói không rằng. Ngày xưa vốn ít nói, nay nó hầu như không mở miệng, nó cứ như một người câm. Tôi buồn quá không biết sao Trời lại giáng đòn nặng như vậy xuống gia đình tôi.

Chuyện này vừa xong, một hôm, thằng cháu dẫn về một cô bạn gái, nhìn cách ăn mặc tôi đoán chừng cũng là tay anh chị. Không biết hai đứa lời qua tiếng lại sao đó, khi tôi chạy ra thì cô gái nằm dưới đất, khóc bù lu bù loa, tay cầm điện thoại gọi police. Khi police đến, cô ấy chỉ chỏ, tôi hiểu mò rằng thằng cháu đã đánh cô và giựt dây chuyền của cô… Cháu tôi bị còng tay dẫn đi.

Sau đấy chúng tôi nhận được giấy thông báo, cháu tôi bị trục xuất về VN vì tội cướp của và có tiền án ma túy trước đó. Cháu tôi kể rằng, khi cảnh sát nói nếu nhận tội thì ký vào giấy trục xuất, còn không thì vô tù. Cháu tôi sợ bị tù nên ký tên vào giấy trục xuất.

Thằng con trai bỏ đi luôn cả tháng nay không về. Cháu tôi thì chờ ngày bị trục xuất.

Dạ thưa cô, tôi phải làm gì để cứu cháu tôi. Ở Việt Nam cháu còn ông bà ngoại, nhưng ông bà đều đã quá già và quá nghèo. Cháu tôi chưa có quốc tịch.

Thắm Lê

*Góp ý của độc giả

-NB

Thật đau lòng với những gì đã xảy ra cho gia đình chị. Anh chị đã lớn tuổi rồi đáng lẽ phải được thảnh thơi an nhàn vui hưởng tuổi già bên con cháu, nhưng giờ đây lại phải bế tắc không biết phải làm sao để cứu được con cháu mình.

Con trai của chị thật đáng trách. Cậu ta đã sống thật yếu đuối và vô trách nhiệm với cha mẹ già, với con trai nhỏ dại của mình và ngay cả với chính bản thân mình. Vợ mất đi, dù có đau buồn tột độ cậu ta cũng phải hiểu giờ đây mình chính là trụ cột trong gia đình này, mình phải mạnh mẽ sống như thế nào để cha mẹ yên tâm, để con trẻ vững vàng tiến bước. Nhưng cậu ta đã phá hỏng tất cả, bản thân sống bê tha trụy lạc, đã không quan tâm săn sóc dạy dỗ mà lại làm gương xấu cho con mình. Đứa con thơ dại shock đau buồn vì mất mẹ, trở nên trầm cảm mất phương hướng vì không có cha bên cạnh an ủi, săn sóc, truyền kinh nghiệm sống định hướng đường đi cho mình. Ông bà nội thì già rồi không thể thích nghi với nếp sống mới làm sao có thể gần gũi, thấu hiểu cháu mình. Đứa trẻ cô độc, lầm lũi tự tìm hướng đi cho mình, không có chút kinh nghiệm sống nào giúp sức, gặp bạn bè xấu, gặp hoàn cảnh bế tắc, cháu sa chân lỡ bước làm điều lầm lỗi là không thể tránh khỏi. Cháu đã phạm những tội hình sự khi bản thân chưa có quốc tịch, có lẽ việc sẽ bị trục xuất chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy nhiên cháu vẫn có thể bị cô lập ở một nơi nào đó chờ ngày trục xuất nếu cảnh sát đi trú thấy cháu không an toàn cho xã hội.

Nhưng chị ơi, dù đau lòng vì thấy mình bất lực không thể giúp cháu mình xóa sạch những lầm lỗi đã gây ra, nhưng cháu còn trẻ còn phải trải qua cả một quãng đường dài trong cuộc đời của mình, sao có thể cứ để cháu mình tiếp tục sống lặn hụp trong ao tù như thế. Chị hãy mạnh mẽ quyết đoán lên, hãy gần gũi tâm sự nhỏ to, dùng tình thương bà cháu, dùng sự nhớ thương đến người mẹ quá cố để đánh động đến lương tâm, trách nhiệm và chút ít phần hướng thiện còn sót lại trong trái tim của cháu. Hãy nói là chỉ có cháu mới có thể tự cứu được cuộc đời mình. Cháu hãy mạnh mẽ ý chí đứng lên làm lại cuộc đời, hãy xa rời những xấu xa thấp hèn, can đảm làm lại từ con số không để trở thành một con người sống tử tế, lương thiện. Có như thế thì sau này dù sống ở Mỹ hay trở về Việt Nam cháu vẫn có thể đường hoàng ngẩng cao đầu hãnh diện là mình đã có nghị lực thoát ra khỏi ao tù tăm tối. Đó chính là niềm hạnh phúc của ông bà nội và của người mẹ trên trời.

Trong một bài báo do ký giả Đằng Giao viết trên báo Người Việt năm ngoái có nói về anh Tùng Nguyễn, một người tù hình sự, đã thọ án và đã hoàn lương. Anh Tùng có cho thông tin về một số cơ quan mình có thể liên lạc nhờ giúp đỡ. Chị hoặc cháu liên lạc với họ xem sao.

1- Trung tâm Asian Law Caucus: (415) 896-1701

2- Asians American Advancing Justice: (888) 349-9695

Nói tiếng Việt: (888) 267-7395

Email của ký giả Đằng Giao: [email protected]

Chúc gia đình chị sức khỏe và may mắn

-Tính Ly

Chị ơi, thật thương chị, tuổi đã xế chiều còn vướng vào chuyện lo toan cho con cháu. Nhưng mỗi người mỗi số phận, mình phải chấp nhận những gì ông Trời đặt để thôi chị à. Tình thế cháu nó đã như vậy, chị thử đến một luật sư chuyên lo về di trú tham khảo ý kiến của họ xem sao. Chị nên tìm hiểu thật kỹ trước khi chọn luật sư, để đến luật sư di trú có thẩm quyền, đừng đến các văn phòng quảng cáo đủ thứ trên đời về di trú mà đôi khi tiền mất tật mang nha chị.

Nếu cùng đường không làm gì được hơn là cầm giấy trục xuất, thì chị nên giúp cháu hướng về phía trước, đừng quay lại nhìn quá khứ. Mình đã ngã thì đứng dậy ráng đi tiếp, đừng ôm vết thương than khóc mà nhụt chí cũng như mất thì giờ. Hàng triệu người cũng đang ở Việt Nam, đâu phải về Việt Nam là chết, cho nên chị nên chuẩn bị tinh thần cho cháu, để cháu vững vàng xây dựng cuộc sống mới, đứng dậy, ngẩng cao đầu bước tới, không than khóc. Bây giờ là lúc mình phải ở bên cháu, và nói những lời nhỏ nhẹ, thông cảm, đừng đem lỗi cũ mà dày xéo cháu, không ích gì mà còn hại đến cuộc sống đang rất khó khăn của cháu. Mong chị và cháu vững mạnh trong cuộc sống trước mặt.

*Vấn đề mới:

Thưa cô, cháu cũng muốn nghe thêm các lời góp ý của độc giả.

Gia đình cháu hiện đang có tang, người chết là vợ kế của ba cháu. Chúng cháu đang bị áp lực từ ba, chung quanh nội dung cái cáo phó của gia đình.

Ngày xưa, khi mẹ cháu mất khoảng 2 tháng, ba cháu dắt một người đàn bà lạ về. Ba cháu bắt bầy con nhỏ nheo nhóc đứng sắp hàng thưa người đàn bà kia bằng “mẹ.” Cháu là chị cả, lúc ấy mới mười mấy tuổi đầu, đứa em út thì vừa tuổi tôi. Lúc đó cháu “thưa” vì sợ ba, nhưng lòng căm giận khôn nguôi. Cháu thù bà ta tận xương tủy, đã khiến mẹ cháu buồn khổ mà đi đến bệnh hoạn rồi cuối cùng là cái chết tức tưởi để lại bầy con 7 đứa. Thế mà mộ mẹ cháu chưa kịp xanh cỏ, thì ba cháu dắt ngay cái người đàn bà kia về nhà chung sống.

Tuy ngoài miệng cháu gọi bằng mẹ vì không thể làm khác hơn được, nhưng trong thâm tâm cũng như câu chuyện giữa chị em lúc không có bà ta, tụi cháu đã gọi bà ta bằng đủ mọi danh từ tận cùng của sự căm giận.

Cũng may trước khi mất, mẹ cháu để lại một cửa hàng bán nhu yếu phẩm. Chúng cháu và người dì em mẹ, thay nhau quản lý cửa hàng, cháu theo dì chạy vòng ngoài kiếm hàng, đứa vừa thì ngồi buôn bán, đứa nhỏ thì lo chạy việc vặt. Tụi cháu sống qua ngày, lê lết ngoài chợ không muốn về nhà. Hằng ngày bà ta cũng ra phụ giúp nhưng vì không có ba bên cạnh nên tụi cháu cứ lầm lì lầm lì với bà ấy.

Rồi thời thế xui ra chuyện này chuyện kia. Bà ta được gia đình bảo lãnh đi nước ngoài, dĩ nhiên là ba cháu và lũ con mồ côi cũng được ăn theo. Lúc qua đây tụi cháu cũng đã trưởng thành, cháu và hai đứa em kế có công ăn việc làm và ra riêng, còn lại mấy em nhỏ vẫn phải ở chung với bà ta. Không khí gia đình có dịu đi do thay đổi môi trường sống, không còn ở trong căn nhà đầy ắp hình ảnh của mẹ.

Mấy năm nay ba cháu bị stroke đi đứng khó khăn, bà ta còn trẻ nên là người chăm lo chính cho ba. Người tưởng ra đi trước là ba cháu, thì nay bà ta đột ngột từ trần. Ba cháu đã bệnh, cái chết của bà ta làm suy sụp ba cháu nhiều hơn. Ba cháu buồn thương bỏ ăn bỏ uống quyết tâm chết theo người đàn bà này.

Phần chị em cháu, cái chết có làm cho lòng chị em cháu dịu lại mối thâm thù xưa. Cháu cũng thấy tội, và thương ba cháu đã hai lần góa vợ. Điều mà chị em cháu đắn đo là ba cháu van nài các con, khi làm cáo phó, xin các con để tên tụi con vào phần con cái của bà. Vì ba cháu nói là ngày xưa khi lấy nhau, bà ta còn trẻ, còn sinh nở được nhưng vì thấy ba cháu có quá nhiều con, nên bà ta hy sinh quyết định không sinh thêm đứa nào mà hứa là sẽ coi con chồng như con mình.

Vấn đề bây giờ là các em trao quyền quyết định sau cùng cho cháu, vì các em đứa quyết định thế này đứa quyết định thế kia. Cái cáo phó của bà ta sẽ là: Bà X. mất ngày giờ… Chồng: Y… Các con: Tên mấy chị em cháu. Hoặc là để trống phần các con?

Phần cháu dù có 100 năm hay 1,000 năm nữa thì lòng cháu vẫn căm thù người đã gián tiếp gây ra cái chết của mẹ cháu. Cháu không muốn tên chị em nằm phần con của bà ta, như thế tội cho mẹ cháu lắm. Cháu không chủ trương “Nghĩa tử là nghĩa tận.”

Ngọc Điểm

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi về: Biết tỏ cùng ai 14771 Moran Street. Westminster, CA 92683, hoặc [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT