Thursday, March 28, 2024

Chồng ơi! Sao ông “kẹo” thế!

 

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St. Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Thưa cô Nguyệt Nga, em chắc chắn một triệu phần trăm là em không hề ghen với người vợ mới của chồng… cũ của em. Bởi tại em cũng đang yên ổn với mái ấm gia đình mới.

Em không ghen mà tức quá! Chúng em li hôn được 4 năm, hôm tòa xử hai đứa thôi nhau, hai đứa em ôm nhau và em khóc nức nở trên vai chồng. Chẳng có chuyện gì ghê gớm giữa hai đứa. Hai đứa em đều có business riêng, và cả hai đứa đều thành công với business của mình. Vấn đề là hai đứa em không đồng thuận việc xài tiền trong gia đình. Em thì thích sắm sửa cho nhà cửa, và chỉ thích xài đồ luxury, từ phòng ngủ, phòng khách đến nhà bếp, mỗi thứ em đều muốn mua đồ sang trọng. Em lý luận mua đồ dỏm, chừng vài năm mất công thay lại, rồi thì tưởng là tiết kiệm, hóa ra lại phí phạm. Cứ thế em xài tiền hơi nhiều (nhưng mà tiền em làm ra) cho việc trang trí nhà cửa, vườn tược.

Ngược lại, ông xã em thì thích đồ ở Ikea, anh ấy lý luận, đồ ở đó vừa đẹp, sang, lại rẻ tiền. Xài chừng vài năm là dzụt, mua đồ mới, không thích sao!

Cứ hai đứa đi sắm sửa là cãi nhau, mà vì là nhà mới nên phải sắm sửa nhiều, mà càng sắm sửa, càng gây nhau. Anh ấy gọi em là “con ve”, không lo dự trữ tiền thì đến Mùa Đông sẽ đói meo. Em tức lắm, cái nick name “con ve” mà anh ấy đặt cho em. Em không “suốt Mùa Hè kêu ve ve” mà em đã đầu tắt mặt tối để kiếm ra đồng tiền, em phải thưởng công cho em, em phải đãi ngộ bản thân. Em đâu keo kiệt như ảnh, toàn là thích đồ dỏm, để ôm tiền mà chết sao.

Cứ thế hai đứa cãi nhau, cãi từ ngày này sang ngày khác. Ban đầu chỉ là con ve cái kiến, càng về sau sự so sánh càng leo thang, lời lẽ cũng leo thang theo.

Và cuối cùng chúng em đồng ý ly hôn. Vô duyên òm!

Và đây là vấn đề em muốn nói đến. Sau khi ly hôn, anh ấy lấy một cô bạn em. Vì là bạn nên thỉnh thoảng em cũng ghé nhà họ chơi (khi ly hôn, anh ra đi tay không và em giữ lại căn nhà). Lạ một điều là nhà mới của anh ấy và cô bạn toàn là đồ sang trọng, mắc tiền. Khi em hỏi thì cô ấy nói, vì thấy cô ấy thích nên anh ấy mua. Có lộn gan không?

Hồi xưa em cũng thích mà sao không mua cho em, còn mắng mỏ em là “con ve” này nọ. Nay tại sao không sắm đồ Ikea mà mua toàn đồ xịn. Thêm vào đó, con bạn em mới thật là “con ve”, nó tối ngày đi hát cho cộng đồng, chùa miễu. Nó không làm gì cả, vì chồng cũ của em quá giàu!

Nói cho ngay thì ngày xưa ổng cũng giàu nhưng sao ổng kẹo thế, mà ngày nay ổng lại vung tay? Em quá đỗi thắc mắc.
Có cái gì khác nhau ở đây? Cô bạn của em, không làm ra tiền, lại được “hầu”, còn em làm quá chừng, thì không được hầu và không cho em xài, những đồ em mua là bằng tiền của em mà, tại sao không cho, nay vác tiền chính mình làm, đi hầu người khác.
Sao kỳ vậy trời, em không phải má hồng mà sao ông trời ghen dữ vậy?

K. Hằng

Góp ý của độc giả:

*Bà Ba:

Chào cô K. Hằng,

Theo tôi nghĩ, anh chồng cũ của cô không muốn bị ra toà ly dị một lần nữa vì cùng một lý do, nên thôi thà chìu theo ý thích của bạn cô (vợ hiện tại) để không đổ vỡ một lần nữa, do rút kinh nghiệm lần trước. Ổng khôn đó.

Cô đã viết: “Em cũng đang yên ổn với mái ấm gia đình mới” thì tức làm gì cho mệt. Hãy sống vui với gia đình hiện tại, và không nghĩ gì đến quá khứ nữa. Càng ít đến nhà bạn cô và chồng cũ càng tốt, vì đến chỉ làm mất thì giờ, và bị tức, vô lý, không cần thiết.

Thành thật chia sẻ.

Chúc cô luôn an nhiên tự tại.

*NB:

Đọc câu chuyện em kể tôi đoán vợ chồng em còn trẻ, có quan niệm về hôn nhân thoải mái, phóng khoáng. Cả hai cùng có cá tính mạnh mẽ, siêng năng tài giỏi nên đều thành công với business riêng của mình. Đáng lẽ phải hạnh phúc lắm chứ, sao đến nỗi phải ly hôn? Chính em đã nói: “Chẳng có gì ghê gớm giữa hai đứa, chỉ là không đồng thuận việc xài tiền trong gia đình.”

Có lẽ vì cả hai nuông chiều cái tôi quá lớn của mình, không ai chịu nhượng bộ lắng nghe ý kiến, suy nghĩ của vợ hay chồng mình, kiêu hãnh với suy nghĩ mình làm ra tiền thì phải có toàn quyền sử dụng đồng tiền đó theo ý thích riêng, không cần phải quan tâm chiều theo ý kiến khác. Thế là cãi nhau, lời lẽ không hay ngày càng leo thang, ly hôn là điều không thể tránh khỏi. Thật đáng tiếc,
nhưng dù sao đây đã là quá khứ rồi, cũng nên quên đi để sống cho hiện tại sẽ tốt hơn.

Đầu thư em tuyên bố chắc như đinh đóng cột là em không ghen với vợ mới của chồng cũ em, vì em đang yên ổn với gia đình mới. Em chỉ thắc mắc tại sao một người không làm lụng cực khổ, không kiếm ra tiền, chỉ rong chơi lo việc thiên hạ, chính là cô vợ mới, lại may mắn được chồng cô ấy (cũng là ông chồng cũ keo kiệt của em) chiều chuộng mua sắm những món đồ mắc tiền theo đúng sở thích của cô ấy. Một điều trước đây em từng ao ước mà không thể nào có được.

Sự thật là em đang ghen tị với cô vợ mới này, em so sánh em với cô ấy, một người bạn của em. Em nghĩ tại sao mình siêng năng, tài giỏi hơn cô ấy mà lại không được chồng quan tâm chiều chuộng. Sao em không thử lý giải việc chồng em sau khi ly hôn với em đã chọn lấy ngay người bạn của vợ mình. Có thể trong thời gian còn là bạn bè anh ấy đã nhận thấy cô bạn này vui vẻ, nhẹ nhàng, có chút yếu đuối (tính cách này đôi khi lại hấp dẫn với những người đàn ông thành đạt, cá tính mạnh mẽ, luôn muốn chứng tỏ khả năng bao bọc người khác). Anh ấy đã chọn cô bạn này làm vợ, thay thế em (một cô vợ cương cường, kiêu hãnh luôn làm cho anh ấy phải nhức đầu). Đồng thời với bài học rút ra từ cuộc hôn nhân thất bại với em, anh ấy biết rằng phụ nữ thường hay thích đẹp, sang trọng, nhất là khi điều kiện tài chánh cho phép. Để vun đắp hạnh phúc gia đình, anh chiều theo ý vợ khi thấy vợ mình cũng quan tâm săn sóc gia đình (nhưng có lẽ theo một cách mềm mỏng, khéo léo khác với cách em đã làm).

Thật ra chồng cũ của em không phải là một người keo kiệt, không yêu thương người phối ngẫu của mình. Bằng cớ là khi ly hôn anh ấy chấp nhận đi ra tay trắng, để lại căn nhà cho em sinh sống, không tranh giành kiện cáo. Chỉ là vì tính cách anh ấy mạnh mẽ, quyết đoán nên không thể sống chung hòa bình với một người vợ có tính cách giống mình. Anh chọn làm lại từ đầu.

Có một điều tôi thắc mắc, thấy không ổn, đó là việc em thường lui tới nhà của chồng cũ em. Em quan tâm, quan sát, dò hỏi cả những việc riêng tư của gia đình họ. Dù lấy lý do em là bạn của cô vợ nên tới thăm bạn, hoặc như nhiều người thường hay nói: “không còn là vợ chồng vẫn có thể là bạn tốt của nhau “Thật lòng tôi không tin hoàn toàn những lời nói này. Làm sao hai người đã từng yêu nhau, từng là vợ chồng của nhau, sau khi phải chia tay mỗi người một ngã, lập gia đình riêng rồi, đến lúc gặp lại nhau có thể suy nghĩ, đối xử với nhau như hai người bạn thuần túy. Đó là chưa kể đến cảm giác, suy nghĩ của vợ mới, chồng mới của họ. Cái câu truyền miệng: “Tình cũ không rủ cũng tới” luôn ám ảnh bốn người trong cuộc. Dò xét, đánh giá đối phương, khoe khoang hạnh phúc của gia đình mình, đồng thời cũng lo âu cho sự ổn định tình trạng hôn nhân của mình. Những cảm giác cảm tính đó sẽ làm cho mọi người không được tự nhiên, thoải mái khi tiếp xúc với nhau.

Vì vậy để tránh những trường hợp khó xử, tế nhị em hãy tránh tới nhà họ thường xuyên. Nếu vì là bạn bè, thỉnh thoảng có những buổi họp mặt bạn bè thân hữu đông người tham dự, em hãy đến (cùng với chồng càng tốt).

Có câu danh ngôn: “Sự cao cả là ở chỗ không cảm thấy ghen tị khi nhìn những người khác đạt được những thành công mà bản thân mình khao khát”.

Việc bây giờ em có thể làm là hãy chú tâm vun đắp hạnh phúc cho gia đình mới của mình, tự hào là mình có khả năng quán xuyến tài chánh, ổn định đời sống gia đình (theo cách mềm mỏng, tinh tế). Đừng quan tâm thắc mắc đến gia đình chồng cũ, họ đã có đời sống riêng của họ, không liên quan gì với em.

Chúc em luôn hạnh phúc, thành công.

*ThuAn:
Có gì khó hiểu đâu em, cuộc sống với em đã cho anh ta một bài học thấm thía, và anh ấy đã thay đổi cách sống khi cưới vợ lần thứ hai. Tội nghiệp em, coi bộ em cũng còn yêu chồng lắm! Tôi thấy em hay đến nhà người ta, thật ra chẳng phải vì thăm cô bạn, mà thật ra em muốn thăm dò xem chồng cũ của mình nay ra sao. Em còn yêu anh ấy lắm, cho nên sau khi ly hôn, khi biết mất hẳn, em ôm lấy chồng mà khóc nức nở. Tội em quá! Thôi mọi chuyện đã xong, anh ấy và cả em đều có đời sống riêng. Em nên lo cho gia đình mới của mình, đừng qua lại nhà chồng cũ. Điều này rất nguy hiểm, chồng mới của em chắc không bao giờ thích điều này.

Vấn đề mới:

Thưa cô Nguyệt Nga, tôi khá thích mục này trong báo Người Việt, và thích những góp ý của độc giả. Gần đây tôi thích những góp ý của độc giả tên NB, không biết đàn ông hay đàn bà, nhưng góp ý thật hay và thật sâu sắc.

Lâu nay làm độc giả nay tôi xin được làm người hỏi. Thưa cô, tôi có thằng con trai, cháu lớn rồi, già thì đúng hơn, cũng gần 40. Cháu bị vợ bỏ đã gần 10 năm. Cháu ở vậy không quen thêm ai. Mới đây cháu gọi cho tôi, giọng rất sôi nổi, kể mối tình mới của mình. Ảnh kể say sưa và như dồn hết mọi thú vị cho câu cuối, cháu rất phấn khích khi nói: Cô ấy xin con một đứa con! Mà cô ấy trẻ lắm, chỉ bằng nửa tuổi con, nghĩa là mới 20 tuổi.

Cô Nguyệt Nga ơi! nghe xong tôi cười ngất. Ôi! Con trai dại khờ của tôi, 40 tuổi rồi mà như teen. Anh chàng cho rằng câu nói đó đã nói lên tấm lòng thành khẩn, thiết tha của cô gái.

Tôi không muốn làm con cụt hứng nhưng lại muốn con mở mắt ra. Tôi nói với con:

-Bố con già đầu rồi, thế mà cũng có một con bé bằng tuổi con cháu, nói với bố một câu y hệt như câu con đã nghe. Rồi thêm chú N. cũng có một con bé đi theo nói muốn xin một đứa con. Rồi mẹ đọc trong sách, cũng kể rằng, ông Hữu Loan, lúc ấy già lắm rồi, cũng có một cô đi theo xin một đứa con…

-Mẹ ơi! Mẹ quên rằng bố giàu, họ nói vì tiền, chú N. nổi tiếng, họ nói vì danh. Ông Hữu Loan thì khỏi nói, ai mà không muốn có con với ông ấy. Còn con đâu có gì, chỉ là một thầy giáo quèn. Nên một cô gái nói với con câu ấy là tuyệt đối có giá trị, không vì điều gì hết, chỉ đơn giản “Vì đó là anh”.

-Con ơi! Mẹ là đàn bà, mẹ hiểu đàn bà lắm!

-Nhưng mẹ già rồi, mẹ không hiểu thế hệ của con. Cô ấy yêu con không điều kiện. Cô ấy xin một đứa con, nghĩa là cô ấy yêu con dữ dội lắm!

Tôi không biết nói gì với con, con tôi đã một lần đau khổ, tôi thì chỉ có một con trai, ngốc nghếch, ngu ngơ… Tôi muốn cháu hiểu rằng đó không phải là câu nói chân thật, mà nếu có chân thật thì cũng chỉ chân thật lúc đó. Con tôi một lần bị phản bội rồi, tôi xót lòng đau dạ lắm, không muốn cháu bị lần thứ hai. Tôi cũng mong cháu có một người phụ nữ bên cạnh để vui vầy, nhưng không phải một cô mới 20 tuổi, còn bày đặt lơi lả những lời ong bướm.

Dạ thưa, tôi cứ để vậy cho đến khi con sáng mắt, hay lên kế hoạch phá mối tình này?

Phương H.

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi: [email protected]

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Cá salmon và cơm chiên giòn tuyệt cú mèo”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT