Friday, March 29, 2024

Chữa trị hiếm muộn cho phụ nữ lớn tuổi

BS. Hồ Ngọc Minh

LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com.

Mỗi người phụ nữ được trời ban cho một số trứng để dùng từ khi chào đời cho đến khi nghỉ kinh, có nghĩa là, không có trứng mới được tạo ra trong suốt cuộc đời. Nói cho đúng, khi bé gái còn ở trong bụng mẹ khoảng 20 tuần tuổi, số trứng cao nhất là từ sáu đến bảy triệu. Khi bé gái chào đời, số trứng tuột xuống còn khoảng một đến hai triệu và tiếp tục giảm cho đến tuổi dậy thì, còn 300,000 cái. Con số này tưởng là nhiều, nhưng trứng tiếp tục đà tự hủy mỗi ngày cho đến tuổi nghỉ kinh. Trong suốt thời kỳ còn kinh nguyệt, chỉ có khoảng từ 400 đến 500 cái trứng được “sử dụng” cho các chu kỳ kinh nguyệt và rụng trứng.

Song song với việc lượng trứng bị triệt tiêu dần dần, chất lượng trứng cũng giảm theo tuổi tác. Chất lượng ở đây liên hệ đến sự hư hại của nhiễm sắc thể của trứng. Những cái trứng của những phụ nữ lớn tuổi sẽ khó cấn thai hơn, và nếu có, sẽ dễ bị sẩy thai hơn, hay thai nhi bị khuyết tật do sự hư hại của cấu trúc DNA.

Khả năng cấn thai của người đàn bà giảm dần sau tuổi 27, và tuột dốc rất nhanh trong độ tuổi 35 đến 40. Sau 40 tuổi, tuy vẫn còn kinh nguyệt, nhưng khả năng sanh em bé chỉ còn khoảng 15% so với tuổi 25.

Gần đây, khá nhiều bệnh nhân tuy tuổi còn trẻ, nhưng nguồn trứng đã cạn như người trên 40. Những người này được liệt vào thành phần “khó chữa trị” như những người lớn tuổi.

Các nghiên cứu mới nhất cho biết thật ra nguồn trứng của người phụ nữ không bao giờ triệt tiêu đến số không, kể cả phụ nữ đã nghỉ kinh. Nói cho dễ hiểu, đây là những cái “trứng lép” không đủ sức lớn mà thôi.

Thế thì có cách gì để kích thích những cái trứng này lớn lên hay không? Trong khi chờ đợi sự hoàn thiện của kỹ thuật cấy ghép tế bào gốc để dùng cho việc chữa trị hiếm muộn, gần đây một số giải pháp tạm thời được sử dụng để cứu vãn tình thế.

Để hiểu được nguyên tắc chữa trị, xin sơ lược lại cơ chế phát triển trứng và rụng trứng của một chu kỳ kinh nguyệt bình thường.

Mỗi tháng, khoảng cuối chu kỳ kinh nguyệt trước, một số trứng non được lựa chọn làm “tuyển sinh” cho chu kỳ sau. Một khi có kinh, dưới sự ảnh hưởng của hormone FSH (Follicular Stimulating Hormone) tiết ra từ tuyến yên (pituitary gland) trong não, một cái trứng mạnh nhất sẽ lớn, những “tuyển sinh” còn lại sẽ bị loại bỏ.

Thật ra chung quanh những cái trứng có một số tế bào dưỡng gọi là nursing cells. Hormone FSH kích thích trứng lớn qua sự trung gian của những tế bào dưỡng này. Trứng càng mạnh số lượng tế bào dưỡng càng nhiều, càng khỏe, càng nhạy cảm với hormone FSH. Ngược lại, trứng lép, “trứng cao tuổi” sẽ có ít lượng tế bào dưỡng này.

Thuốc chữa trị hiếm muộn chẳng qua chỉ là hormone FSH được tinh chế giống hệt như hormone thật của cơ thể, dùng chính copy DNA của con người. Ngày xưa người ta nghĩ càng tăng thuốc hormone FSH sẽ làm cho có nhiều trứng hơn, nhưng lý thuyết này không còn đúng nữa. Nguyên tắc chữa trị bây giờ là làm tăng số lượng tế bào dưỡng chung quanh trứng và tăng độ nhạy của chúng với hormone FSH.

Một số thuốc hiện được sử dụng để phụ cho hormone FSH gồm có:

1. Thuốc growth hormone
Growth hormone là hormone tăng trưởng, tăng cao nhất trong tuổi dậy thì, và thường được tiết ra trong khi ngủ. Sau tuổi dậy thì, nồng độ hormone giảm lần và chỉ đủ để duy trì độ bảo trì cho sự hư hao của cơ thể. Hormone này bị lạm dụng dưới nhiều hình thức: lực sĩ cử tạ dùng để tăng trưởng bắp thịt, các vận động viên thể thao dùng để…ăn gian như trường hợp tay đua xe đạp Lance Armstrong, hay thậm chí với hy vọng trẻ mãi không già, và kéo dài tuổi thọ.

Một số nghiên cứu cho thấy, sử dụng growth hormone có thể làm sống dậy những trứng non yếu.

2. Thuốc hormone đàn ông testosterone
Phụ nữ vẫn có một ít hormone trong cơ thể, khi lớn tuổi lượng hormone giảm lần. Sử dụng một ít testosterone làm cho các tế bào dưỡng nuôi trứng trở nên nhạy cảm với thuốc chữa trị hiếm muộn.

3. Thuốc hormone đàn bà estrogen
Cũng loại thuốc dùng cho một số phụ nữ nghỉ kinh có những phản ứng phụ do tình trạng thiếu kích thích tố estrogen. Phụ nữ có trứng yếu, được cho dùng estrogen trong vòng ba tuần trước khi chính thức vào chu kỳ chữa trị bằng thụ tinh trong ống nghiệm. Nghiên cứu cho thấy số trứng thu hoạch được nhiều hơn so với người không dùng thuốc.

4. Thuốc DHEA
Loại thuốc này được bán không cần toa. Đây thật ra là một loại “tiền hormone” mà từ đó được cơ thể dùng làm nguyên liệu biến chế ra các loại hormone khác như testosterone hay estrogen. Hormone này cũng giảm theo tuổi tác.

5. Thuốc Letrazole (Femara)
Thuốc Letrazole thật ra được sử dụng để trị bệnh ung thư vú. Ở liều lượng thấp, nó lại giúp cho trứng mau lớn.

Thật ra không phải phụ nữ nào trên 35 tuổi mà chưa có con đều phải cần đến thụ tinh trong ống nghiệm, và càng không phải tất cả những loại thuốc trên đây đều có công hiệu cải lão hoàn đồng. Cho dù với thuốc men, có thể có nhiều trứng hơn trong việc chữa trị, nhưng chất lượng của trứng không thay đổi. Hệ luận của mệnh đề trên đây cho thấy, đừng nên để quá trễ khi muốn có con, vì hiện nay không có thuốc nào có thể đi ngược lại với thời gian cả.

Mời độc giả xem video nấu ăn “Cách làm bánh bông lan Nhật Bản”

MỚI CẬP NHẬT