Thursday, April 18, 2024

Con sẽ kiện, nếu bố mẹ không chịu bán nhà

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Thưa cô, vợ chồng tôi có một căn nhà, khá lớn, chúng tôi đã ở đấy hơn 50 năm. Dạo đó, chúng tôi mua cũng không bao nhiêu tiền, tụi tôi đều có công ăn việc làm vững chắc, tiền lương đủ để chi xài và sửa sang nhà cửa hàng năm, mà không cần rút tiền nhà ra. Sau này, dù cả hai vợ chồng đều về hưu, nhưng cũng không thấy có nhu cầu rút tiền ra để làm việc gì. Do đấy tiền nợ căn nhà rất ít, có mấy chục ngàn.

Thấy việc sống chết của con người không ai lường trước được, hai vợ chồng mới bàn nhau, nên ra luật sư làm giấy tờ để đứa con trai duy nhất của mình cùng đứng tên trong căn nhà. Thì cũng tại mấy ông luật sư lên đài cứ hay khuyến cáo là nên làm khi còn sống, đừng để khi chết sẽ bị đóng thuế rất nhiều.

Bao nhiêu năm chúng tôi sống yên ổn, tiền nhà vẫn do chúng tôi đóng hàng tháng. Chúng tôi yên tâm là khi chết sẽ để lại căn nhà cho con. Chẳng có điều gì vẩn đục phiền toái trong những ngày cuối đời của hai vợ chồng. Cho đến mới đây con trai tôi ghé nhà nói là nó đang cần tiền và bố mẹ nên bán đi chia cho con cháu. Bố mẹ già rồi ở chi căn nhà lớn như vậy. Nên bán lấy tiền mua một căn condo nhỏ thôi, ở cạnh con, cho đỡ dọn dẹp, chăm lo vườn tược. Tiền còn lại chia cho con cháu có phải hay hơn không. Hiện nay bố mẹ ở xa lại quá già, con không chăm được nếu có chuyện gì.

Nghe thì có lý nhưng nó không nghĩ đến phần vợ chồng tôi đã gắn bó với nơi này hơn 50 năm, yêu từng gốc cây ngọn cỏ, yêu từng cái góc nhà xó bếp. Nơi này nó đã sinh ra đời, nó đỏ hỏn trên bàn tay mẹ nó ẵm bồng. Nó đã va đầu vào góc bàn ăn, tôi đã cưa cái góc cho tròn lại để con có đụng thì không đau. Cái bàn vẫn còn đây, dù nó đã bạc màu, mỗi lần nhìn cái góc tròn xấu xí, lòng tôi dấy lên niềm thương mến đứa con nhỏ xíu của mình.

Vợ chồng tôi đã nói với con hết lời, rằng là bố mẹ cũng không còn sống bao năm nữa, cho bố mẹ ở lại căn nhà, khi bố mẹ chết đi thì con hưởng trọn căn nhà. Vợ tôi khóc nài nỉ con, nhưng nó vẫn không bằng lòng và còn dọa nếu không bán nó sẽ kiện ra tòa.

Chúng tôi đau đớn quá! Vợ tôi buồn ngã bệnh từ ngày con dọa sẽ kiện ra tòa. Chúng tôi không biết nên thế nào?

Ông Bà Th.

*Góp ý của độc giả:

-Huỳnh Bảy

Tôi có ý kiến nầy, thưa ông bà Th.

Hỏi thằng nhỏ nó cần bao nhiêu, ông bà cùng với nó ra ngân hàng làm cái gọi là “Reverse Mortgage.” Đây chẳng qua là giấy “cầm” nhà để mượn tiền. Chi tiết về “the reverse mortgage” thì nhân viên ngân hàng sẽ nói rõ cho ông bà biết.

Nhưng, ông bà phải nhớ kỹ điều nầy: Người đứng tên chịu trách nhiệm trả tiền hàng tháng cho cái Reverse Mortgage phải là “nó,” và chỉ một mình nó ký trên giấy nợ thôi; Và khi ông bà lấy đủ số tiền đưa cho nó, thì phải bắt nó ký giấy lấy tên ra khỏi cái Title (nếu ông bà muốn) để tránh những hậu hoạn có thể xảy ra như hôm nay nữa.

Đó là theo sự hiểu biết của tôi. Nếu sai, hay có gì thêm, thì xin bà con bổ túc để giúp cho hai ông bà “tội nghiệp” nầy.

-Toàn Lý

Hoàn cảnh của ông bà thật tội nghiệp. Nhưng xét cho cùng thì thôi, tranh chấp là điều không nên, mà tranh chấp với con lại càng không nên, vì nó đau lòng lắm. Theo tôi thì ông bà nên bán căn nhà đi, vì theo ông bà kể thì căn nhà rất lớn, ông bà thì đã cao tuổi, việc chăm sóc cũng khó khăn. Ông bà nên mua một căn condo nhỏ để ở, pay off cho đỡ lo nghĩ, và lần này việc di chúc chắc chắn ông bà có kinh nghiệm hơn. Phần cậu con, cậu làm thì cậu chịu trách nhiệm với trời đất, trời đất sẽ không dung tha cậu. Ông bà cũng đừng trách móc con làm gì chỉ thêm bận lòng mình.

Mong ông bà an vui những ngày còn lại.

-NB

Đọc thư ông tôi hiểu được cảm giác đau lòng ông bà đang gánh chịu. Thường những bậc làm cha mẹ, nhất là cha mẹ VN, cả đời làm lụng chắt chiu, cần kiệm để có được tài sản càng lớn càng tốt làm của hồi môn cho con cháu mình sau này. Chính từ quan niệm sống này, các bậc cha mẹ khi gần đến tuổi già họ thường thu gom tài sản sở hữu tên mình chuyển giao hết cho con cái, họ không giữ chút gì cho riêng mình, họ ủy thác cuộc đời còn lại mong chờ con săn sóc đền ơn báo hiếu. Vô hình trung những người con này sẽ luôn có suy nghĩ rằng của cải của cha mẹ làm ra đương nhiên họ phải được hưởng.

Quan niệm sống này đúng trong trường hợp may mắn có một gia đình hạnh phúc. Cha mẹ không cần màng tới vật chất tiền bạc mà chỉ biết vui sống hạnh phúc bên con cháu. Các con hiếu thảo, nhờ có thêm tài chánh tốt sau khi được hưởng của hồi môn sẽ đủ điều kiện săn sóc cha mẹ và gia đình tốt hơn.

Thế nhưng…! Đời luôn có chữ “nhưng” đau lòng này. Tôi đã từng nhìn thấy những giọt nước mắt rơi lã chã trên những khuôn mặt đau đớn tuyệt vọng của những bậc cha mẹ vô phúc. Họ bị con cái bỏ rơi, thậm chí đuổi ra khỏi nhà, sau khi đã ngọt ngào òn ỷ bòn rút hết tài sản của cha mẹ.

Vì vậy theo quan niệm của chính tôi, chúng ta (những bậc làm cha mẹ) thương con cháu mười phần cũng phải ráng giữ lại một phần để lo cho chính mình. Còn quản lý tài chánh trong tay, có thể sử dụng trong bất cứ mục đích gì mình mong muốn (tặng quà cho con cháu trong những dịp đặc biệt, làm từ thiện, đi du lịch,…) sẽ là tiền đề tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần cho mình trong đời sống xã hội.

Còn một vấn đề nữa cũng nên quan tâm, đó là việc bảo toàn tài sản nếu lỡ có những chi phí liên quan đến y tế, kiện tụng,… Rất nhiều người khi sắp đến tuổi về hưu, họ thu gom tài sản lại, không đứng tên những tài sản có giá trị lớn, mua insurance, cho hồi môn,… Đây cũng là giải pháp tốt giúp mình an tâm sống trong phần đời còn lại.

Câu chuyện xảy ra trong gia đình ông bà có nhiều vấn đề tế nhị. Cậu con trai độc nhất của ông bà không biết trước đây đối xử với cha mẹ mình như thế nào? Có quan tâm yêu thương, hỏi han, chăm sóc cha mẹ mình không? Tôi mong rằng có, bởi vì như ông nói hai ông bà đã sống rất an nhiên, thoải mái trước đây. Còn bây giờ con trai ông bà rõ ràng là rất quan tâm đến tài sản của cha mẹ mình. Cậu hành động nông nổi luôn tạo sức ép làm đau lòng cha mẹ. Cậu nóng lòng muốn sở hữu tài sản này càng sớm càng tốt, cậu sợ thiệt hại hoặc có thể mất đi vì những chi trả về chi phí bịnh viện khi cha mẹ già sử dụng. Thái độ này dễ bị đánh giá là bất hiếu, cậu chỉ quan tâm đến quyền lợi của mình mà không đếm xỉa gì đến cảm xúc của cha mẹ nếu phải rời xa căn nhà đầy kỷ niệm này. Nếu cậu có tấm lòng và tế nhị hơn, gần gũi bày tỏ suy nghĩ của mình với cha mẹ, chắc gia đình sẽ tìm ra được giải pháp ổn thỏa.

“Nước mắt chảy xuôi” câu nói ăn sâu vào tim óc của những bậc làm cha mẹ, chúng ta dễ gì có thể bỏ rơi được con mình dù chúng có làm mình đau lòng đến đâu đi nữa. Để bớt đau lòng ông bà, nhất là bà nhà, hãy bình tĩnh tha thứ cho con, hãy kiên nhẫn cùng con tìm ra giải pháp thích hợp.

Trong trường hợp không thể có tiếng nói chung, ông bà nên giải quyết dứt khoát. Có những thứ chỉ còn là kỷ niệm gìn giữ trong tim chứ không thể nắm giữ mãi suốt đời. Căn nhà hãy bán đi, tiền thu lại chia cho con 1/3, phần còn lại ông bà giữ lại cho mình. Mua một căn nhà nhỏ hoặc thuê apartment hai phòng tiện nghi thích hợp (đỡ phải lo quản lý nhà cửa), giữ gìn sức khỏe đi du lịch, đi làm từ thiện, kết bạn trong hội người già,… Tiền thặng dư ông bà có thể tùy nghi sử dụng sau này.

Chúc ông bà thân tâm được an lạc, sống vui những ngày hưu trí của mình.

*Vấn đề mới

Thưa cô, tôi qua Mỹ muộn màng, mãi đến 2014 tôi mới qua theo diện hôn nhân. Người bảo lãnh tôi là một người bạn thuở trung học. Anh ấy góa vợ đã lâu, hiện đang sống với con gái đã ly hôn chồng cùng với một cháu ngoại. Gia đình chỉ có cô con gái đi làm, do đấy họ được hưởng bảo hiểm dành cho người nghèo, và lãnh được ít tiền trợ cấp của chính phủ. Lúc tôi qua, tôi cũng được hưởng Medical cùng với gia đình.

Tôi thấy gia đình ai cũng mừng khi được hưởng Medical, và họ rất quan tâm đến chuyện làm thế nào để giữ được Medical. Thí dụ trong sở, sếp muốn tăng lương cho người con gái, cô nhất định không nhận, họ đề nghị cho cô lên chức, cô điều đình với họ, cô sẵn sàng “lên chức” làm nhiều hơn và trách nhiệm nhiều hơn… nhưng không lãnh thêm lương. Cuối năm sở có cho thêm bonus, cô từ chối… Tất cả những điều trái khuấy này là để cho cô vẫn giữ mức lương thấp vừa đủ để không bị mất Medical.

Chồng tôi cũng vậy, anh làm nghề handyman, chỉ lấy tiền mặt,  không bao giờ chịu lấy check. Anh sợ mất Medical của gia đình.

Phần tôi, tôi muốn đi làm để trước là phụ giúp gia đình, không mang tiếng ăn bám, sau nữa là không bị trở ngại khi thi quốc tịch. Nhưng con và chồng chăm bẵm vào việc làm của tôi. Họ kiểm soát chặt chẽ mức lương tôi kiếm được, cộng cộng trừ trừ thế nào đó vừa khít với tiêu chuẩn không mất Medical. Tôi thấy sống như vậy khổ quá, và hèn quá! Nhiều lần tôi muốn đi làm lãnh check đàng hoàng, nhưng tôi bị lời trách móc xa gần của con gái, rằng tôi không biết thương mọi người, tôi ích kỷ chỉ biết lo cho bản thân, chuẩn bị cho việc thi vào quốc tịch không trở ngại, mà không biết rằng gia đình đang yên lành vì cái Medical.

Tôi rất nhớ ơn chồng đã bảo lãnh tôi sang Mỹ để được hưởng nhiều ưu đãi của xã hội, nhưng sống như tôi đang sống thì kỳ quá, lợi dụng quá và… ích kỷ quá! (Con gái thì nói tôi ích kỷ, tôi thì nói nó ích kỷ) Tôi thấy sống thế này là sai quấy, nhưng vẫn không biết làm sao khi chỉ cần thêm đầu lương của tôi là cả gia đình mất bảo hiểm. Tôi cũng muốn tách hai vợ chồng ra riêng, nhưng nếu “thiếu” chồng tôi thì hai mẹ con con gái có thể bị mất Medical.

Thưa cô, tôi mới qua, cũng chưa biết rõ đường đi nước bước sao cho vẹn toàn. Cô có thể giúp tôi một lời khuyên, xin cám ơn cô rất nhiều.

Hương Phan

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi về: Biết tỏ cùng ai 14771 Moran Street. Westminster, CA 92683, hoặc [email protected]

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT