Thursday, April 18, 2024

Còn thương rau đắng

 

Tiểu Vân Ph.

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

 

Có lẽ cái thời khắc làm cho người ta thấy lòng bổi hổi, thấy dạ rưng rưng, nhớ nhung cảnh cũ người xưa nhiều nhất là những buổi chiều mưa. Chạng vạng, mưa phùn lay phay, tiếng lá dừa xào xạc, tiếng nước nhỏ từng giọt trên mái tranh.

Những buổi chiều buồn hiu như vậy, anh thích một mình ngồi mông lung trong quán vắng, thả ánh mắt vô định vào những sợi mưa. Sài Gòn có nhiều quán cà phê sân vườn rập khuôn kiểu nhà quê, nhưng anh mê mải tìm hoài vẫn chưa thấy quán nào chừa một khoảng trống chừng hai thước bên hông để gọi là cái hè, và bên mái hè đó làm ơn cứ bỏ hoang giùm anh. Đừng chăm chút thủy trúc hay hoa hồng gì cả. Cũng đừng sắm vài cục đá to to, sắm nước chảy róc rách. Cứ để cho rau má, rau đắng đất tự nhiên mọc lan tràn…

Có những nỗi nhớ nghe nhỏ nhoi, nghe vô lý, nhưng lúc nào cũng nhói trong tim người ta như cái dằm nhỏ xíu. Nhìn không thấy, rút không ra, cái dằm cứ ở đó hoài. Giống như anh nhớ rau đắng, thương rau đắng. Mà phải là rau đắng đất, mọc loi choi bên khoảng hè bỏ hoang, dưới mái nhà lợp lá dừa đã ngả màu nâu mốc thếch.

Để rồi có một buổi chiều mưa, nghe trong mình ớn lạnh, Má anh giơ bàn tay gầy guộc mà mát rượi sờ lên vầng trán nóng hổi của anh, thảng thốt, “Thôi chết, muốn bị cảm rồi hả con?”

Tức cười quá, bị cảm là bị chứ, sao lại còn muốn bị, đâu có ai muốn đâu. Má chẳng thèm nghe mấy lời lầm bầm của anh, te tái ra sau nhà.

Có tiếng lục sục trong cái lu mẻ vành, cái lu Má hay rộng mấy con cá tạp, mấy chú tép con. Những con tôm, cá nào không thuộc diện “hàng tuyển” để được đem ra chợ bán đều bị Má liệt vào hạng “tạp” và “con” hết. Lựa vài con cá lóc coi trộng nhất, Má đem ra sàn nước đánh vảy, chặt đuôi.

Nằm co trên bộ ván, anh lắng nghe tiếng lửa chụm bằng vỏ dừa khô nổ lách tách, tiếng gạo rang ràn rạt, tiếng đập hành lụp bụp trên cái thớt me. Má đang rang gạo với đầu hành lá. Mùi hành phi, mùi gạo rang khen khét bay sực cả gian nhà. Anh nhắm mắt chờ nghe tiếng “xèo” quen thuộc – tiếng Má đổ gáo nước mưa vào nồi gạo rang. Khói bốc lên nhòe nhoẹt cả khung hình mà bóng Má là nhân vật duy nhất trong đó.

Rồi sẽ có tiếng lẹp xẹp bên hông nhà. Má mang đôi dép Lào đã mòn vẹt, đi rón rén trên nền đất sình trơn trợt, tay cầm cái rổ tre con con. Má đang hái rau đắng đất sau hè. Mới đầu mùa mưa, rau đắng non lắm, cái màu xanh non tê tái. Rau non, nhổ lên cả túm, vô lặt bỏ đi khúc rễ là ăn được hết cả cọng rau. Nước sôi lụp bụp, gạo nở bung xòe thành nồi cháo sền sệt rồi. Thịt cá lóc ướp nước mắm, tiêu, đường đã thấm, Má trút vô nồi cháo, đảo nhẹ tay như sợ từng miếng nạc cá lóc sẽ tan biến mất. Bây giờ sắp có tiếng rổn rảng trên sóng chén. Má đang lựa kiếm cái tô lớn nhất, cái tô bằng sành có in hình con cá chép màu xanh dưới đáy tô. Ôi, chuỗi âm thanh bình dị mà sao anh có thể thuộc nằm lòng còn hơn những lời lẽ nồng nàn của bài nhạc Trịnh đang tan loãng ra trong quán vắng.

Rồi Má nâng niu một mớ rau đắng mơn mởn bỏ vô tô, múc vài vá cháo thơm lừng, ráng vớt thật nhiều cá lóc đổ lên trên. Thêm tí hành tiêu, gừng thái chỉ rắc rắc lên mặt, chỉ có vậy thôi. Ăn tới đâu, nghe mồ hôi vã ra tới đó, người ấm sực. Làm sao anh có thể quên được mùi thơm gạo mới hòa quyện với vị béo bùi của nạc cá lóc đồng nổi bật trên cái nền đăng đắng, nhân nhẫn, giòn giòn của mấy cọng rau đắng nhỏ nhoi.

Thấy Má anh như rau đắng, cả đời lam lũ, chìm khuất, chỉ để làm cái khung, cái nền cho chồng con. Vậy mà không có cái khung, cái nền rau đắng này, đố ai làm được nên ông nên bà gì. Bởi vậy, anh mãi còn thương rau đắng lắm, rau đắng ơi…

Mời độc giả xem chương trình “Người Việt bếp Việt” với món “Salad tôm đơn giản”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT