Thursday, March 28, 2024

Đi-ở hay chuyện tị nạn môi trường

Lâm Nguyễn

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

 

Gọi điện nói chuyện với những người bạn thân thiết hồi trẻ. Hỏi bạn sao lâu quá không thấy về Việt Nam. Bạn nói mấy năm trước còn có những người thân ở quê nhà để bạn còn ngóng trông quay về chốn cũ. Còn bây giờ…? Còn cha mẹ ở Việt Nam là lòng còn thiết tha quay về. Không còn cha mẹ ở Việt Nam, mối dây ràng buộc cũng trở nên lỏng lẻo.

Có bạn, cha mẹ đã qua đời, có bạn đã bảo lãnh được cha mẹ định cư ở nước ngoài cùng với cả đại gia đình từ chục năm nay. Thành ra, ở ngay quê hương chẳng còn mấy ai là người thân. Và như các bạn nói, bây giờ nhiều khi cũng muốn về Việt Nam nhưng nghe chuyện thực phẩm bẩn rồi môi trường ô nhiễm thấy ngại quá. Thôi để dành tiền đi du lịch enjoy hơn.

Những người bạn thân của mình đều đi theo diện HO. Lẽ ra, gia đình các bạn cũng như gia đình mình đều có điều kiện để ra nước ngoài ngay những tháng đầu năm 1975. Song rồi ba mẹ các bạn cũng như ba mẹ mình chẳng đành xa quê, lưu lạc nơi xứ người. Cứ nghĩ có lẽ sẽ vất vả hơn nhưng cởi bỏ áo lính, chịu khó làm ăn rồi cũng qua ngày, miễn sao được ở gần cha mẹ già, được ở gần mộ phần ông bà tổ tiên để thăm viếng, hương khói cho trọn đạo làm con làm cháu. Vậy là ba của các bạn mình ở lại. Người 10 năm, người gần 15 năm “đi cải tạo.” Kết thúc thời gian “cải tạo” cũng là lúc có chương trình HO dành cho các sĩ quan chế độ cũ có 3 năm “cải tạo” trở lên. Các bạn thân của mình lần lượt ra đi, không phải kiểu phiêu du đầy lãng mạn cho một chuyến đi xa như trong một bài hát, mà là đầy nước mắt vì có gia đình phải chia đôi, người đi, kẻ ở.

Ba má mình thì quyết định ở lại và trên đường từ Sài Gòn quay lại về Đà Nẵng, ba mình đã bị bắt ngay trên xe khách Phi Long vì thẻ căn cước có ghi nghề nghiệp là quân nhân. Ba đi cải tạo, má ở nhà lo cho đàn con 7 đứa, mà đứa đầu lúc đó mới 11 tuổi, đứa út 2 tuổi. Lúc đó má đã rất hối tiếc về quyết định ở lại Việt Nam.

Đến phiên mình, mình cũng đã từ chối việc được bảo lãnh đi Mỹ cách đây 10 năm. Mình vốn ngại mọi sự thay đổi, nhất là làm lại từ đầu. Vả lại, mình nghĩ không đâu bằng ở đất nước mình. Cũng giống như cái nhà vậy. Nó thân quen đến độ bạn quờ tay là biết cái ấm nước để đâu, cái chổi quét nhà dựng ở góc nào… Mình hít thở bầu không khí này từ khi mới sinh ra, ăn món ăn Việt từ khi bắt đầu mọc răng, bây giờ quăng mình vào một môi trường xa lạ, liệu mình có thích nghi được hay không. Sống giữa những người không cùng máu da, không cùng ngôn ngữ sẽ buồn đến nhường nào. Vậy là quyết định không làm giấy tờ.

Hỏi bạn sống ở xứ người như thế nào. Bạn cười: bây giờ tất cả những người Việt sống ở Mỹ, Úc, hay một nước châu Âu nào đó đều không còn xem đất nước họ đang sống là nơi chốn tạm dung. Các bạn đã xem đất nước cưu mang các bạn từ những ngày còn ra đi theo diện thuyền nhân hoặc theo diện ODP, HO là quê hương thứ hai của họ. Con cháu các bạn mang họ Việt Nam với tên Việt hoặc tên Mỹ đã không bịn rịn với quê hương đầu tiên như cha mẹ chúng, đơn giản chỉ vì những đứa trẻ này không ấn tượng gì lắm về đất nước mà thỉnh thoảng khi còn nhỏ, ba mẹ mang chúng về thăm ông bà nội ngoại.

Qua đây chơi, các bạn đều khuyên mình ở lại bằng mọi giá, mình chỉ cười. Rồi chính các bạn lại nói: “Mình vẫn thích sống ở Việt Nam.” Mình hiểu câu nói nghe nhẹ thênh của bạn. Chẳng ai muốn đánh đổi sự giàu có để đổi lấy cha mẹ. Mình hiểu đó quả là một quyết định đầy khó khăn của gia đình các bạn trong quá khứ. Vì ngày ra đi, cha mẹ của các bạn đã khóc rất nhiều khi phải để ông bà của các bạn ở lại.

Mấy ngày nay, có nhiều bạn ở nhà vào nói chuyện với mình. Có bạn quen biết, có bạn chỉ là bạn ảo. Các bạn tâm sự với mình về những quyết định làm các bạn bạc cả tóc trong những ngày này. Vì sau những quyết định đó là rất nhiều lo lắng, dự tính cho tương lai, là việc phải bắt tay làm lại từ đầu. Có bạn đang làm hồ sơ đi theo diện EB5 sang Mỹ, có bạn đi theo diện business sang Úc. Các bạn hỏi mình nên như thế nào? Ôi trời, mình chỉ là một người bình thường làm sao dám xúi bạn nên làm gì? Mình đến Mỹ cũng chỉ như cưỡi ngựa xem hoa chứ đâu biết gì nhiều về nước Mỹ để mà chỉ dẫn cho bạn nên như thế nào.

Có bạn nói với mình: chị ơi, gia đình em về kinh tế rất ổn định. Các con em đều học trường quốc tế. Chồng em là sếp của chi nhánh này, chi nhánh nọ của các công ty nước ngoài. Nhưng em chấp nhận bỏ hết làm lại từ đầu vì em lo cho các con em quá, chúng sẽ sống như thế nào trong môi trường đầy chất độc hại như thế này. Và hầu như các bạn vào nói chuyện với mình đều cho biết lý do chung khiến các bạn chấp nhận mọi khó khăn, đánh đổi tất cả để quyết định như vậy là vì e ngại về môi trường sống, thực phẩm bẩn. Các bạn nói đời em rồi cũng qua, nhưng đời con em còn dài lắm chị ơi. Ung thư phát ngay hay tiềm ẩn trong thế hệ này để di chứng cho thế hệ sau đều đáng sợ.

Vậy là sau cuộc tị nạn giáo dục, giờ đây, nước mình lại có nhiều người ngấp nghé ý định hoặc đã quyết định tị nạn môi trường. Hai cuộc tị nạn này đều khác với những cuộc tị nạn của thập kỷ 70, 80 thế kỷ trước là không phải đánh đổi tính mạng.

Những ngày này, đọc các bài báo về chất thải cực độc đang âm ỉ trong lòng đất, lòng biển, lòng cảm thấy buồn vời vợi. Cho nên tôi hiểu và rất cảm ơn bạn bè, những người thân ở nước ngoài khuyên tôi ra đi, cảm ơn các bạn quen và không quen ở trong nước tâm sự, tin cậy hỏi tôi về chuyện đi và ở của các bạn. Và tôi hiểu rằng các bạn đang đứng ở ngã ba đường, thật khó khăn để quyết định đi theo hướng nào. (Lâm Nguyễn)

Mời độc giả xem chương trình dạy nấu ăn “Bún cá salom vừa ngon miệng vừ đẹp mắt”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT