Thursday, March 28, 2024

Lưu ý dùng thuốc men khi có thai

Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh

LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com.

Bệnh nhân vẫn thường xuyên hỏi tôi, muốn có thai hay đang có thai thì nên kiêng cử những thuốc gì?

Rất nhiều phụ nữ cần phải sử dụng thuốc men khi đang có thai. Ở Mỹ, mỗi năm có khoảng 6 triệu người mang thai, và trên 50% phụ nữ có thai thừa nhận là đã uống tối thiểu một loại thuốc trong khi mang thai, chưa kể đến thuốc lá, ma túy, cũng như rượu, và số lượng người dùng ngày càng tăng. Có khoảng 2 đến 3% dị tật bẩm sinh có liên quan đến những loại thuốc được dùng trong khi mang thai.

Một số phụ nữ uống thuốc vì có vấn đề với sức khỏe, như bị tiểu đường, ốm nghén, hoặc bị cao huyết áp xảy ra khi có thai hay đã có bệnh và triệu chứng ngày càng tệ. Một số phụ nữ uống thuốc khi mới cấn thai mà không biết.

Không phải tất cả các loại thuốc đều an toàn khi có thai, kể cả thuốc chống sốt và đau nhức như Tylenol và Motrin, thậm chí cả thuốc bổ, anti-oxidants, thuốc dược thảo này nọ.

Thuốc uống khi mang thai có thể xâm nhập thai nhi bằng cách vượt qua lá nhau đi theo đường di chuyển của oxygen và chất dinh dưỡng. Thuốc men uống trong khi mang thai ảnh hưởng đến thai nhi qua nhiều cách:

1. Chúng có thể tác động trực tiếp lên thai nhi, gây ra hư hại, làm cho sự phát triển bất bình thường đưa đến dị tật bẩm sinh, kể cả tử vong cho thai nhi.

2. Chúng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của lá nhau, làm cho các mạch máu trong lá nhau bị co thắt, giảm oxygen cũng như chất dinh dưỡng truyền từ mẹ sang em bé. Hệ quả là em bé èo uột, nhỏ con hơn bình thường.

3. Chúng có thể làm cho tử cung co bóp bất thường, gây thương tích cho em bé, giảm lượng máu đến em bé, hay làm cho sẩy thai, sanh sớm.

4. Chúng có thể ảnh hưởng gián tiếp. Thí dụ, thuốc giảm áp suất máu của người mẹ quá thấp, làm giảm máu đến em bé, và do đó giảm oxygen và chất bổ đến thai nhi.

Ảnh hưởng của thuốc còn tùy thuộc vào thai kỳ tức là mức độ phát triển của thai nhi, liều lượng thuốc, và khả năng tiêu thụ thuốc của người mẹ.

1. Trong vòng 20 ngày đầu tiên khi cấn thai, thuốc chỉ có hai tác dụng, hoặc làm sẩy thai, còn nếu thai không bị sẩy thì sẽ không có tai hại gì về lâu về dài cả.

2. Từ 3 đến 8 tuần thai, thuốc hoặc không có ảnh hưởng tai hại, và nếu có, thì sẽ gây ra sẩy thai, hoặc gây ra dị tật bẩm sinh.

3. Từ thai kỳ thứ hai trở đi (sau 12 tuần) khi thai đã thành hình, thuốc ít khi gây ra tác hại tàn tật bẩm sinh.

Trong trường hợp cần phải sử dụng thuốc men để chữa bệnh, phụ nữ cần phải tham khảo với bác sĩ về lợi và hại của thuốc. Trước khi uống bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc bổ, thuốc không cần toa, thuốc dược thảo, phụ nữ đang có thai hay đang muốn có thai cần phải hỏi bác sĩ cặn kẽ. Không nên bắt đầu uống cũng như không nên ngưng uống thuốc nếu không có sự đồng ý của bác sĩ.

Một số câu hỏi nên nêu ra với bác sĩ gồm có:

1. Tôi có cần thay đổi thuốc nếu muốn có thai hay không?
2. Thuốc nầy có ảnh hưởng đến em bé hay không?
3. Những loại thuốc bổ sung (supplement) hay thuốc dược thảo nào cần phả ngưng khi có thai?
4. Những loại thuốc trị bệnh nào tôi phải uống, không thể ngưng?
5. Những loại thuốc nào có thể thay thế được để tránh nguy hiểm cho em bé?
6. Khi cho con bú, tôi có thể uống những loại thuốc nào?

Kế đến, nên đọc kỹ nhãn hiệu thuốc, và những chi tiết liên quan đến thuốc, thường thường được dược phòng cung cấp. Nếu không có, thì nên hỏi dược sĩ.

Nên cẩn thận về những gì đọc được hay những quảng cáo trên mạng, trên radio hay ti-vi. Không phải tất cả những loại thuốc nào được khen là mát, là hợp với tự nhiên đều là an toàn cả. Nên hỏi bác sĩ về những điều tai nghe mắt thấy trên mạng xã hội hay trên hệ thống truyền thông.

Nếu có vấn đề bất trắc xảy ra thì nên báo cáo với bác sĩ, hay cơ quan y tế, như FDA chẳng hạn.

Thật ra thì hầu hết thuốc men đều tương đối an toàn. Trong hệ thống phân loại cũ tuy đã bị cơ quan FDA bãi bỏ kể từ năm 2014, thì thuốc được chia ra làm 5 loại A, B, C, D, X. Trong đó, A là loại thuốc được kể là an toàn như đa số thuốc bổ nếu dùng ít, B là các loại thuốc không có đủ bằng chứng gây ra ảnh hưởng đến thai nhi, C là thuốc có thể có tác động chút ít đến thai nhi, nhưng nếu cần thì phải dùng, D là thuốc biết chắc chắn có gây ra tàn tật cho thai nhi, và X là các loại thuốc độc, thuốc trị ung thư.

Hầu hết các thuốc bổ không cần toa thuộc loại A, các thuốc trị cảm cúm, dị ứng thuộc loại B, thuốc trị bệnh, thuốc trụ sinh thuộc loại C. Một lý do cơ quan FDA đã bỏ hệ thống phân loại nầy vì hiện nay một số thuốc không cần toa thuộc loại A và B cũng có thể gây ra tác hại cho thai nhi. Tuy nhiên tựu trung, đa số các loại thuộc diện A, B, và thậm chí C đều kể là an toàn nếu dùng đúng cách.

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Cách làm bắp nếp xào tôm”

MỚI CẬP NHẬT