Thursday, March 28, 2024

Hãy cứ là tình nhân (*)

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St. Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Thân gửi cô Nguyệt Nga,

Hôm nay có một chuyện làm tôi nhức đầu quá thể, nhờ cô và độc giả cho tôi ý kiến, rất cám ơn.

Tôi có một cô con gái, năm nay cháu đã 35 tuổi, Cháu có bạn trai chỉ 30 tuổi, cậu ấy có nghề nghiệp ổn định. Hai cháu quen nhau đã 5 năm, nhiều lần tôi nói: “Con lớn rồi phải nghĩ đến hôn nhân, con gái có thì, còn phải nghĩ đến chuyện sinh con đẻ cái nữa chứ.” Nghe vậy, cháu có bảo là, để cháu sẽ lo. Nhưng chuyện này cứ dậm chân tại chỗ, Ai mà thấy con cái lớn, nhất là con gái, lại không mong con có gia đình yên ổn. Thế mà, dù lòng tôi không nguôi lo lắng, lại không dám thúc hối, đề cập đến nhiều, sợ cháu phiền lòng (!).

Dù biết rằng thời đại mới không như xưa, nhưng tôi vẫn muốn giữ lề thói của gia đình. Tôi nói với cháu: “Yêu nhau thì không ai cấm, nhưng bạn trai của con không nên ở lại chơi khuya quá, 10 giờ thì nên về nhà.” Có lần tối rồi mà người bạn trai của con tôi vẫn chưa chịu về, còn đòi ở lại. Tôi không đồng ý nên mời ra khỏi nhà. Con gái tôi phản ứng: “Con lớn rồi, không phải con nít con thơ mà mẹ cứ quản lý” Tôi nói: “Con lớn rồi thì lấy chồng đi, mẹ không chấp nhận bạn trai chưa kết hôn mà ở lại nhà,” Con gái tôi đòi ra riêng.

Thưa cô Nguyệt Nga, tôi thật buồn và không hiểu con cái ở Mỹ nghĩ thế nào. Thật ra lòng tôi cũng không muốn cháu lấy cậu này, vì cậu nhỏ thua con gái tôi đến 5 tuổi. Tuy nhiên thấy con mình yêu nên cũng bỏ qua. Tôi canh cánh bên lòng tương lai của con, lo sợ con sẽ mất hạnh phúc sau này khi sống với người chồng trẻ hơn mình nhiều. Vậy mà nó đâu có hiều, còn làm mình buồn lòng.

Tôi không biết bây giờ phải làm sao cho cháu hiểu nỗi lòng của người mẹ. Tôi có biết là gia đình cậu ta cũng đồng ý, nhưng cuộc tình vẫn dậm chân tại chỗ, hay là cháu chỉ thích: “Hãy cứ là tình nhân”?

Rất cám ơn cô và chúc cô vui khóe.

Thân ái.

TM

(*) Tên bài hát của nhạc sĩ Tú Minh

*Góp ý của độc giả:

-GUEST:

Thưa cô, đọc thơ thấy cô nói vẫn còn giữ lề lối gia trưởng là không thích hợp hoàn toàn đối với bất cứ xã hội nào cho dù ở Việt Nam hay đâu. Vì tự tính chất gia trưởng là sai hoàn toàn. Vấn đề thứ hai đồng ý là sống trong một mái nhà phải có những điều luật chung, như cô nói bạn trai đến nhà không được quá 10 giờ là hoàn toàn đồng ý. Nhưng cô cũng có thể gia giảm đừng cứng ngắt quá đến độ con cái cảm thấy ngột ngạt và tính chuyện ra ngoài. Vấn đề hôn nhân thì bổn phận làm cha mẹ cũng đồng ý với cô là chỉ bảo những kinh nghiệm, những khôn ngoan cho con. Nhưng trên những việc này cô phải chấp nhận là mỗi con người có một số phận, tùy theo duyên nghiệp mà thành. Cô cứ nghĩ xem, đời cô rồi đến đời con rồi đời cháu, chắt… Những thế hệ này sẽ lại có những quan niệm sống có thể khác biệt hoàn toàn với những điều cô dạyy bảo cháu hiện nay. Nói tóm lại là cô cứ làm hết trong khả năng làm cha mẹ, nhưng xin thật khéo léo đừng nói xúc phạm lẫn nhau. Vì trước sau con cái cũng sẽ dọn ra và cuộc sống riêng để sau này mội lần thăm viếng nhau sẽ là những cuộc họp mặt gia đình dâu rể rất đầm ấm, chứ không phải là dọn đi không hẹn ngày quay về..

-NB.

Tình cảm yêu thương vô bờ bến, sự quan tâm săn sóc của cha mẹ đối với con cái luôn luôn được đánh giá rất cao không gì so sánh được.

Ca dao Việt Nam từng ca ngợi: “Biển Đông có lúc vơi đầy. Chứ lòng cha mẹ biển trời nào dâng.”

Chị hiện thân là một bà mẹ luôn tâm niệm: “Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ. Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”, và luôn ao ước: “Mong con cuộc sống bình yên. Để mẹ lắm nỗi ưu phiền lắng sâu.”

Khi sinh con ra chị đã đặt con mình sống trong một gia đình có nề nếp gia phong nghiêm túc, thích hợp với văn hóa truyền thống Việt Nam. Chị mong con cái trong nhà đánh giá cao tình yêu thương biểu hiện qua sự quan tâm hướng dẫn giáo dục con cái của cha mẹ mình. Từ đó con sẽ tự giác sống sao cho hòa hợp với nếp sống gia đình mình tốt hơn.

Thế nhưng trong xã hội hiện đại ngày nay, gia đình không còn là môi trường duy nhất giáo dục con trẻ. Khi bắt đầu đến tuổi đi học, bắt đầu tiếp xúc với xã hội bên ngoài, con cái chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nhà trường, bạn bè, các phương tiện thông tin đại chúng (phim ảnh, mạng xã hội,…) Vì vậy quan niệm sống mới, cách nhìn nhận đánh giá tốt xấu một sự việc, lối sống mới của con cái có thể thay đổi, thậm chí đôi khi đối nghịch với thế hệ đi trước. Điều này có thể gây nên những xung đột giữa cha mẹ và con cái.

Thời đại ngày nay đề cao tự do cá nhân lên trên, quan niệm về hôn nhân cũng cởi mở phóng khoáng hơn (nam nữ yêu nhau có thể sống thử nhiều năm, ngay cả có con với nhau, không nhất thiết phải ràng buộc bởi đám cưới hay giá thú,…)

Danh ngôn có câu: “Còn điều gì tốt đẹp hơn mà cha mẹ và con cái có thể trao cho nhau ngoài sự quan tâm tôn trọng và thấu hiểu.”

Chị hãy kiên nhẫn gần gũi với con gái, nhẹ nhàng tâm sự với con cho con hiểu nỗi lòng cha mẹ luôn yêu thương và mong ước con được hạnh phúc. Con đã trưởng thành nên phải biết suy nghĩ sống sao tự bảo vệ bản thân mình để mình gặt hái được hạnh phúc, đồng thời có được sự tôn trọng đánh giá cao từ người khác. Có như vậy cha mẹ mới yên tâm hạnh phúc.

Hy vọng với tình yêu thương và lòng nhẫn nại, chị sẽ khiến con gái nhận ra lòng mẹ và trở nên gần gũi với mẹ hơn.

Dù thế nào đi nữa chị cũng nên tôn trọng quyết định sống của con, để cho con tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình.

Chúc chị được bình tâm và hạnh phúc với gia đình mình.

-Nguyệt Nguyễn:

Đọc thư chị mà thương chị nói riêng và thương những bà mẹ Việt Nam nói chung. Người mẹ nào cũng mong con hạnh phúc và muốn đem những điều tốt lành đến cùng con. Nhưng chị ơi, thời đại mới rồi, mình là xưa cổ đành thua thôi. Ngày xưa cha mẹ mình cũng khuyên mình những điều của thời đại họ, mà mình có nghe đâu. Chị nhớ không, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, mình có “ngồi” đâu. Nam nữ thọ thọ bất thân, mình “thân’ như điên có bất thân như lời cha mẹ nhắn nhủ đâu. Thì ngày nay con mình nó cũng vậy. Rồi đời con nó, chính tụi nó cũng sẽ than như mình.

Chị cứ để cháu sống tự nhiên, cũng khuyên răn, nhưng không cứng rắn quá, kệ nó đi chị. Nó mà ra ngoài ở chị còn đau đớn hơn. Nó trong nhà mình còn dòm ngó tí xíu, nó mà ra ngoài coi như xong đó chị. Chúc chị an lành.

*Vấn đề mới:

Thưa cô Nguyệt Nga, cháu ở tiểu bang lạnh, nơi rất ít người Việt. Vì lí do đó mà tuổi xuân của cháu cứ trôi theo năm tháng, cô đơn vẫn hoàn cô đơn. Cách nay 4 năm, cháu đi ăn đám cưới và và gặp được một người cùng quê. Cháu và anh ấy chuyện qua lại mà thành thân.

Cháu biết được hoàn cảnh của anh, sau khi ở với nhau 5 năm, người vợ của anh ôm theo đứa con duy nhất bỏ nhà đi. Cháu hỏi lý do thì anh chỉ nói, không hợp tính. Người vợ và đứa con đó không hề xuất hiện từ ngày cháu biết anh. Dù vậy, nhà cửa vẫn tràn đầy hình ảnh của con và vợ cũ. Lúc em về ở, điều này khiến em khó chịu lắm, đó là chưa kể ảnh còn nói với bạn bè mà em nghe lén là, cái bóng của vợ ảnh lớn quá, bây giờ ảnh khó kiếm người thay thế. Nói thế mà nói được, khi đã cùng em sống như vợ chồng.

Thưa cô Nguyệt Nga, nghe vậy mà ai không tức và tủi thân, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, em thân cô thế cô, ở đây có một thân một mình, chỉ có ảnh là người em nương tựa, nên em tự hứa với lòng: Sẽ lấy tình thương xóa bỏ hận thù.

Sau 4 năm sống chúng, tụi em đã có một con trai với nhau. Ảnh thì lành, không để bụng một điều gì, ai ảnh cũng thân thiện, vui vẻ. Chỉ có một điều mà em thật ngại khi nói ra, nhưng lại là điều khiến em canh cánh bên lòng. Ảnh có một tật là thích coi phim sex, mà tụi em thì cho con ngủ chung vì nhà chỉ có một phòng. Bao nhiêu lần em nói là đừng coi nữa, con càng ngày càng lớn, rất hại cho con. Nhưng chứng nào tật đó, em nói không được, có khi còn to tiếng cự nự. Có một hôm em nóng quá, em nói nếu còn coi nữa em sẽ ẵm con đi. Ảnh nói, “ẵm đi, tôi quen cảnh này rồi, một lần rồi, thêm lần nữa cũng không sao.” Em biết ảnh cay đắng vì chuyện ra đi của người vợ trước. Em lại thấy tội và dịu xuống, ảnh cũng biết mình sai, nên mỗi khi coi thì lấy cái mền mỏng che phía con nằm để con đừng thấy. Bây giờ cháu còn nhỏ, nên cứ nghĩ bố chơi cút bắt. Nhưng chừng vài năm nữa thôi con em sẽ biết đó là cái gì.

Bây giờ thì em hiểu và thông cảm cho việc ra đi của người vợ trước. Em nghĩ, khi con em lớn tí nữa, nếu ảnh còn vậy chắc em cũng ôm con ra đi. Em thật buồn khi nghĩ đến cái ngày đó. Thật là kỳ cục, tại sao lại mê tàn mê tật như vậy? Mê không cần biết đến hại con cái. Em chẳng biết cách nào cho ảnh chừa tật này? Cô giúp em với.

Nguyệt Lê

__________

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi: [email protected]

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Thịt đùi lóc xương kho trứng”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT