Thursday, March 28, 2024

Không có thêm homework, làm sao con tôi giỏi được?!

Tiến Sĩ Orchid Nguyễn

LTS: Mục “Khi Mẹ Là Cô Giáo” do Tiến Sĩ Orchid Nguyễn (Orchid Lâm Quỳnh) của trường Long Beach City College phụ trách. Xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân cùng những trải nghiệm sau nhiều năm giảng dạy tại Mỹ, cũng như đang điều hành Trung tâm Orchid LQ Academy, Tiến Sĩ Orchid muốn được chia sẻ, giải đáp những băn khoăn, lo lắng của các em học sinh lẫn phụ huynh liên quan đến học đường, đặc biệt là sự chuẩn bị hành trang để các em học sinh có thể tự tin bước vào tương lai bằng con đường học vấn.

“Cô giáo không cho homework thêm hả? Vậy làm sao con tôi giỏi được!” Đây là ý kiến của rất nhiều phụ huynh. Cũng nên nhắc thêm, homework đây không phải là homework trong trường, mà là homework thêm của những chỗ đi học… thêm. Có rất nhiều phụ huynh đòi hỏi con phải làm hết homework ở trường, sau đó khi đến chỗ học “thêm,” phải có “thêm” homework ở chỗ học “thêm” nữa. Viết đến đây, chúng tôi đã bắt đầu thấy chóng mặt… thêm!

Làm homework hay vui chơi với gia đình?

Cách đây hơn một năm, một cô giáo lớp 2 ở Texas, Brandy Young, bỗng dưng nổi tiếng sau một quyết định táo bạo là không cho học trò của mình homework. Cô tuyên bố với phụ huynh kể từ nay cô sẽ không cho học trò của cô homework. Cô mong muốn thay vì các em phải vùi đầu trong sách vở để làm homework vào mỗi buổi chiều sau khi tan trường, học trò của cô sẽ ăn tối cùng với gia đình, chơi thể thao, và đi ngủ sớm.

Có khá nhiều phụ huynh ủng hộ chính sách này. Tuy nhiên, số người chống cũng chiếm một tỷ số không nhỏ. Những phụ huynh lo sợ nếu con họ không làm homework, các em sẽ không có cơ hội trở thành những học sinh giỏi như các bạn đồng trang lứa.

“10 minute Rule”

Từ nhiều thập niên qua, hệ thống giáo dục Hoa Kỳ đi theo một đường lối với cái tên rất dễ hiểu “10-minute rule.” Có nghĩa, các em chỉ nên tốn cao nhất là 10 phút mỗi ngày cho homework theo từng grade level. Ví dụ, em lớp 1, thì nên làm homework trong vòng 10 phút. Em lớp 2 thì cần 20 phút. Em học lớp 12 thì cần 120 phút để làm homework cho mỗi buổi tối. The National PTA và National Education Association đều ủng hộ “10 minute rule.”

Tuy nhiên, có một vài trường táo bạo hơn, và chọn luôn phương cách cho các em nhỏ hưởng trọn vẹn tuổi thơ. Một trường tiểu học ở Massachusetts đưa ra một chương trình thử nghiệm. Chương trình kéo dài ngày học của các em thêm 2 tiếng, bù lại các em sẽ không có homework đem về nhà. Trả lời phỏng vấn cho một đài truyền hình địa phương, bà Jackie Glassheen, hiệu trưởng trường Kelly Elementary School tuyên bố: “Chúng tôi muốn các em mệt khi về nhà lúc 4 giờ chiều. Chúng tôi muốn đầu óc của các em cũng mệt. Vì chúng tôi muốn các em thật sự tận hưởng những giây phút quý báu với gia đình. Các em có thể chơi bóng đá hay football, rồi sau đó các em đi ngủ sớm. Và chỉ chừng đó thôi!”

Năm ngoái, một trường tiểu học ở New York cũng có một đạo luật tương tự, hủy bỏ chuyện bắt các em làm homework khi về nhà, để thế vào đó là giây phút các em tận hưởng với gia đình. Chuyện này gây ra một làn sóng phẫn nộ từ phụ huynh nhưng lại được sự đồng tình của khá nhiều những nhân vật trong ngành giáo dục.

Bài vở quá nhiều gây ra phản ứng ngược

Bà Nancy Kalish, tác giả cuốn sách “The Case Against Homework: How homework is hurting out children and what we can do about it,” nhận định có những bài homework chỉ thuần túy là “busy work,” có nghĩa chỉ ngốn giờ của các em thay vì giúp thêm kiến thức cho các em. Nếu quá nhiều homework, các em sẽ nhìn việc học hành như một cực hình.

Ông Gerald LeTendre, một nhà nghiên cứu của Pen State’s Education Policy Department, khi nói về việc cho quá nhiều homework, ông cho là sẽ không đạt đến hiệu quả gì. Ông giải thích nếu như các em được cho một loạt bài giống nhau, rồi thầy cô chỉ chấm điểm mà không phân tích rõ cho từng em những bài sai, thì số lượng homework nhiều chẳng mang đến kết quả gì.

Các nhà nghiên cứu giáo dục đưa ra một nhận định chung là khi nói đến homework, chất lượng luôn quan trọng hơn số lượng. Tiến Sĩ Harris Cooper, một nhà nghiên cứu tại đại học danh tiếng Duke Univerisity, nói rằng vẫn có một giới hạn trong việc các em có tiến bộ vì làm homework. Quá nhiều homework sẽ dẫn đến viêc các em thiếu ngủ, nhiều stress hơn, và ghét việc học và cho rằng việc học như một cực hình.

“Nói ra nhiều cũng vậy thôi…”

Danny đang học lớp 6. Những bài kiểm tra của Danny thường ở mức trung bình. Mẹ của Danny rất buồn vì chuyện này. Chị cho rằng, với thì giờ chị bỏ ra để giúp con, tiền chị bỏ cho con đi học thêm, tại sao con vẫn không giỏi. Chúng tôi thưa với chị nhiều lần, mỗi em mỗi tính, mỗi cách học. Riêng với môn English, mình cần nhiều thời gian. Hơn nữa em cũng chỉ mới lớp 6. Đó là chưa kể, có những em học trò khả năng chỉ chừng đó. Trong một lớp học, sẽ có em điểm A, sẽ có em điểm B dù hai em đều có gắng bằng nhau. Một hôm, chị vào và nói chúng tôi, chị cần chúng tôi cho Danny thêm homework mỗi ngày. Có nghĩa chị cần sau giờ học ở trường, sau giờ học thêm lúc 8 giờ tối, Danny vẫn phải tiếp tục làm homework vì đó là cách để Danny khá hơn. Tôi đành phải hát câu của nhạc sĩ Vũ Thành An: “Nói ra nhiều cũng vậy thôi.”

Homework cũng như thuốc, và thầy cô là bác sĩ. Nếu uống ít, thì không hiệu nghiệm. Nhưng nếu uống quá liều, thì chết!

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Mì bò sốt cà chua”

MỚI CẬP NHẬT