Thursday, March 28, 2024

Kể chuyện đi làm ở Mỹ (kỳ 3)

Lâm Vân An

Kỳ 3: Nỗi buồn, niềm vui

 

LTS: Trang Phụ Nữ kỳ này xin giới thiệu loạt bài viết liên quan đến chuyện đi làm ở Mỹ của tác giả Lâm Vân An. Khác với phần đông người Việt đến Mỹ bắt đầu bằng những công việc lao động chân tay, tác giả loạt bài này được nhận vào làm ở vị trí cao hơn trong một công ty lớn. Tuy nhiên, dù ở bất kỳ vị trí nào, những trải nghiệm đầu tiên trên đất Mỹ cũng là những câu chuyện để tất cả chúng ta cùng suy ngẫm.

Nếu bạn hỏi tui, điều đáng sợ nhất trong đời đi làm của một người là gì? Tui sẽ không ngần ngại trả lời, đó là nỗi sợ bị mất job.

Ở hãng tui, khi ai đó làm điều gì sai quy định công ty (không phải loại sai sót trong công việc do yếu chuyên môn, vốn là điều công ty tui tin là có thể sửa chữa được) mà là lỗi tư cách, đạo đức, khi hành vi của họ vi phạm trắng trợn những thứ gọi là American values – giá trị Mỹ, thì công ty tui sẽ làm mạnh, đuổi thẳng tay (ví dụ như một anh chuyên chui vào toilet nữ xem các chị các bà làm chuyện ấy, hay một bà làm phòng “Procurement” – chuyên deal với các suppliers về giá cả – nhận quà lại quả của supplier bằng cả chuyến Cruise Holland America cho cả nhà).

Nếu ai phạm những lỗi đó mà bị đuổi, bị mất job thì theo tui cũng là công bằng, vì đời mà, mình làm thì mình chịu, cái gì cũng có nguyên nhân kết quả của nó. Điều tui muốn nói ở đây là bị laid off – sa thải khi không phải lỗi do mình làm ra, mà vì nguyên nhân hết sức khách quan ngoài mình, như là công ty sáp nhập, bị mua bởi công ty khác, bộ phận mình làm bị giải tán, hay hãng tái cơ cấu, quyết định đưa công việc ra nước ngoài để tìm nguồn nhân lực rẻ hơn do sức cạnh tranh trên thị truờng quá lớn, hãng muốn cắt giảm chi phí nhân công.

Một trong những người bạn Việt thân nhứt của tui học 4 năm ra trường ở Mỹ nhưng rồi lại tiếp tục đi học spa massage để mở trung tâm spa chỉ để… làm chủ, vì nó bị ám ảnh những ngày còn trung học, khi người cha kỹ sư cần mẫn của nó vừa vào hãng làm thì thấy lá thư đuổi việc để sẵn trên bàn vào sáng sớm. Nó nói ba nó suy sụp mấy năm mới đứng dậy được. “Giờ thà tao làm cho mình, đủ thứ áp lực nhưng buổi sáng thức dậy đi làm tao chắc ăn là hôm nay không ai đuổi mình được. Tao ngán vụ ’employment at will’ tận cổ.” Phải nói thêm ’employment at will’ nghĩa là thuê mướn theo ý thích, rất phổ biến ở Mỹ, phần lớn giữa người lao động và thuê lao động không có hợp đồng với thời hạn mướn mấy tháng mấy năm, mà bên thuê không thích thì không thuê nữa, bên bán sức lao động không thích thì có thể biến, không ai phải ràng buộc với ai cái gì, miễn là hai bên làm đúng luật (theo đúng những giấy tờ đã ký với nhau ban đầu).

Tui đã từng chứng kiến khi nước Mỹ trong khủng hoảng 2008-2009 khi bong bóng địa ốc vỡ tung, chứng khoán sụp đổ, nhiều tốp đồng nghiệp bị gọi vào phòng họp với nhân sự rồi sau đó các bạn đồng loạt biến mất. Tui không bao giờ có dịp gặp lại họ. Nghe kể họ được bảo vệ security đưa ta tận cửa, không được quay lại bàn làm việc, đồ đạc cá nhân công ty tui đóng gói cẩn thận gửi về nhà. Trong 6 tháng mà có 3-4 đợt như vậy thì bạn biết những kẻ ở lại chứng kiến toàn bộ bị căng thẳng cỡ nào, lo lắng cỡ nào, thần kinh phải thép cỡ nào.

Cũng có những đợt giải tán các phòng ban sáp nhập và mọi người được thông báo trước để bàn giao công việc ra nước ngoài, những đợt này công tác chuẩn bị tinh thần cho nhân viên cẩn thận hơn và mỗi người đều ra đi với gói bồi thường “khủng” nhưng mà 99.99% ai cũng buồn. Dù biết có tiền thất nghiệp từ chính phủ trong 6 tháng nhưng không phải ai cũng vượt qua được chuyện mất job – nhứt là những người ở ngưỡng 50 tuổi, vốn được người Mỹ cho là còn quá trẻ để về hưu nhưng quá già để bắt đầu một công việc mới, làm mọi thứ từ hai bàn tay trắng. Tui đã từng chứng kiến nước mắt, mồ hôi, những gương mặt thất thần, những ánh mắt khắc khoải bất lực của những bác già Mỹ. Hãng nào ở đâu cũng thích thuê lực lượng lao động trẻ, vì họ nhiều năng lượng, học hỏi nhanh hơn, không hay đau bệnh (bảo hiểm rẻ cho hãng) và quan trọng nhứt là lương thấp hơn hẳn những người đã làm job đó mấy chục năm trời. Nhứt là các công ty lớn còn thêm cái trò đem job ra nước ngoài thì người Mỹ không thể nào cạnh tranh về “độ rẻ” với nguồn nhân lực Phi Ân và Mỹ latin. Người Mỹ có câu “cánh cửa này đóng khắc có cánh cửa khác mở ra” câu này đúng cho những người lạc quan vui vẻ (như tui đây) còn không hề đúng cho những đồng nghiệp đáng tuổi ba mẹ tui chút nào bạn ạ. An ủi họ câu này có thể bạn còn nhận lại cái nhìn trách móc đầy cay đắng…

Còn nếu bạn nói thôi chuyện buồn kể vậy đủ rồi, đi làm hãng vui nhứt là điều gì, tui sẽ phải băn khoăn chọn lựa. Những bữa ăn ‘lunch and learn,’ hãng mời chuyên gia đủ các lãnh vực vào nói chuyện sức khỏe, đầu tư, tâm lý trẻ con, xây dựng gia đình hay là tập thể thao trong phòng gym có toilét nhà tắm với đủ các lớp có personal trainer riêng cho mình?

Những ngày cả công ty ai cũng hoá trang theo chủ đề Halloween, Easter, Christmas (dân Mỹ mà hoá trang thì y như thiệt luôn) hay những buổi ‘Team building’ ra ngoài chơi những trò brain games thử thách độ sắc bén của bộ não?

Những chuyến công tác xa, tập huấn training học hỏi gặp gỡ bao nhiêu người thành đạt giỏi giang hay những bữa chiêu đãi mà qua đó tui học không biết bao nhiêu là món ngon vật lạ? (Ngày xưa lúc chưa đến Mỹ tui nghe tên món ăn như vịt nghe sấm, tui không biết nó hình dạng ra sao, thành phần là gì, còn giờ thì khỏi nói, món nào tui cũng rành như hỏi bánh canh chả cá, bánh bèo bánh ú, bánh đúc, bánh cống là gì vậy)

Tui sẽ không biết trả lời điều mình thỏa mãn nhứt khi đi làm là gì. Có thể là mấy cái hột xoàn – mấy viên kim cương nhỏ xíu (kim cương nào chả nhỏ xíu hehe) tui được nhận dịp 10 năm, 15 năm làm với hãng, lấp lánh kiêu hãnh đính trên chiếc nhẫn platinium trong cái hộp bằng nhung nhỏ?

Nhưng mà tui chắc chắn vui gì thì vui, niềm vui khi giúp đỡ khách hàng vượt qua hoạn nạn, khi họ có vấn đề và gọi đường dây khẩn tìm đến tui, chúng tôi làm mọi thứ kể cả dời non lấp biển cho họ, và cuối cùng họ có được thứ họ muốn như ý trong tay, đúng ngày, đúng giờ, quan trọng nhứt là đúng y như lời tui hứa với họ – Đó là niềm vui lớn nhứt của tui mỗi khi rời hãng, lái xe xuyên rừng đi về nhà. Vì tui biết, hôm nay tui đã giúp được một người nào đó. Đã làm cuộc sống của ai đó dễ dàng, thoải mái, đẹp đẽ đáng sống hơn. Đã góp một phần bé nhỏ làm cho cuộc đời này nhẹ nhàng hơn.

P.s: dù ngày có vui hay buồn, ‘cẩm hường’ tui cũng cần đi gym, bởi gym đem lại cho ‘cẩm hường’ niềm vui vô tận nhứt là khi Tivi hiện lên bản tin có cùng màu sắc với quần áo giày dép của ‘cẩm hường’!

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT