Thursday, March 28, 2024

Khả năng cấn thai của phụ nữ Á Đông

BS. Hồ Ngọc Minh

LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com.

Trong 22 năm hành nghề chữa trị hiếm muộn, tôi may mắn đã giúp cho khá nhiều cặp vợ chồng đạt được ý muốn, có giấc mơ thành tựu. Tuy nhiên, cũng không ít bệnh nhân, cho dù tôi đã cố gắng cách mấy đi nữa, vẫn đành bó tay.

Tổng kết số liệu thống kê của chính tôi, trong vòng 20 năm từ năm 1996 đến năm 2015, khả năng thành công của bệnh nhân dưới 37 tuổi là 62%, và cho những người trên 38 tuổi là 30%. Trong số những người không thành công, gần một nửa tuy có cấn thai, nhưng lại sẩy thai trong vòng 2 tháng đầu tiên. Thật ra tỉ lệ thành công nầy cao hơn trung bình trên toàn quốc là 40%. Có thể vì con số bệnh nhân của tôi so ra ít hơn tổng số trên 230,000 ca cấy thai mỗi năm ở Mỹ. Nhưng cũng có thể là tôi may mắn trong suốt hơn 20 năm qua, kiểu “phước chủ may thầy,” vì rất nhiều nghiên cứu cho thấy, phụ nữ Á Đông khó cấn thai hơn phụ nữ của các chủng tộc khác, và nếu có, tỉ lệ bị sẩy thai cũng cao hơn.

Để biết khả năng cấn thai của một người đàn bà, về tiềm năng của hai buồng trứng, có 3 thử nghiệm: AMH (Antimullerian hormone), FSH (Follicular Stimulating Hormone), và siêu âm buồng trứng để đếm “trứng non” (AFC, Antral follicle count). Hormone AMH được tiết ra bởi trứng non có trong buồng trứng, mức độ cao thấp của hormone này giúp ta phỏng đoán số trứng non còn tồn trữ. Mức độ AMH phải trên 1.0 mới còn hy vọng. Hormone FSH đo vào ngày kinh thứ 3 cho biết cho biết tầm mức khó khăn để kích hoạt cho trứng lớn. Mức độ FSH càng cao thì càng khó. Thường thường nếu FSH dưới 9.0 thì trứng dễ kích thích, và nếu trên 20 thì phụ nữ sắp nghĩ kinh. Cuối cùng, vào cuối chu kỳ kinh nguyệt, một số trứng non “tuyển sinh” được chọn cho chu kỳ kế tiếp. Nếu số trứng “dự thi” nầy trên 6 có nghĩa là buồng trứng còn đủ trứng để tiếp tục “thi tuyển”cho mỗi kỳ kinh. Đã từ lâu người ta đã biết, so với một phụ nữ của những chủng tộc khác cùng tuổi, phụ nữ Á Đông thua kém về cả ba xét nghiệm, AMH, FSH, và AFC.

Một nghiên cứu mới nhất đăng trên tờ báo y khoa Fertility and Sterility, ngày 31 tháng 10 năm 2017, nhóm bác sĩ Rosenwaks cho biết, khi chữa trị bằng thụ tinh trong ống nghiệm, so với phụ nữ da trắng cùng lứa tuổi, phụ nữ Á Đông có ít trứng tốt hơn cho dù cách chữa trị giống nhau. Trong khi đó, cũng một nghiên cứu khác, hai tuần trước đó, cho thấy, khi sử dụng phương pháp Xét Nghiệm Tiền Cấy Phôi (Pre-implantation Genetic Screening, PGS), phụ nữ Á Đông có ít phôi bình thường hơn, và do đó tỉ số cấn thai ít hơn so với phụ nữ da trắng. Thêm vào đó, dựa theo nghiên cứu của nhóm bác sĩ Milki, thuộc trường Đại Học Stanford, tử cung của phụ nữ Á Đông khó giữ phôi thai hơn là phụ nữ da trắng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân Á Đông sử dụng phương pháp Xét Nghiệm Tiền Cấy Phôi PGS để chọn được phôi tốt, sau đó cho đông lạnh và chuyển vào tử cung vào một chu kỳ sau, khả năng thành công cũng tương đương với người da trắng.

Dù gì đi nữa, mọi số liệu thống kê đều đồng ý là phụ nữ Á Đông khó cấn thai hơn là phụ nữ từ những chủng tộc khác. Đây là một điều khác với sự lầm tưởng của chúng ta, điển hình là, người Việt Nam rất dễ cấn thai.

Không những thế, có rất nhiều quan niệm sai lệch xuất phát từ nền văn hoá Á Đông, đã làm chậm trễ việc chữa trị, và khiến cho khả năng thành công ít đi nhiều.

Theo định nghĩa, khi người phụ nữ dưới 35 tuổi, “thả,” nghĩa là giao hợp không ngăn ngừa thì 90% phải cấn thai sau 12 tháng, do đó phần còn lại được kể là hiếm muộn. Riêng với phụ nữ trên 36 tuổi, thời gian chờ đợi là 6 tháng. Trái ngược với định nghĩa hiếm muộn trong “dân gian” là 3 hay 5 năm, thậm chí 10 năm mới đi tìm bác sĩ. Thống kê cho thấy rất nhiều phụ nữ Á Đông, đã trên 40 tuổi mà vẫn còn chần chờ tối thiểu sau hai năm mới đi khám bác sĩ. Nên nhớ, khả năng có thai của người phụ nữ trên 40 chỉ bằng 25% so với một phụ nữ dưới 25 tuổi, tức vào khoảng 15 đến 20% là nhiều nhất.

Một khía cạnh khác của nền văn hoá Á Đông là những bậc cha mẹ, ông bà, thường hay thúc đẩy con cái, có vợ có chồng là “phải” có con, tạo áp lực không cần thiết, đồng thời lại truyền cho cặp vợ chồng trẻ những “kinh nghiệm bản thân” dựa trên kiến thức “khoa học dân gian” không đúng, đại loại như quy lỗi cho người phụ nữ nhiều hơn, “cây độc không trái, gái độc không con” v.v…

Cho dù các bậc cha mẹ có ý tốt cho đôi vợ chồng, nhưng theo một nghiên cứu mới đây từ trường Đại Học Vienna, nước Áo, cho thấy phụ nữ sống chung với mẹ hoặc mẹ chồng thường khó cấn thai hơn là sống riêng với chồng. Đây là một nghiên cứu theo dõi hơn 2.5 triệu phụ nữ từ 14 quốc gia trong đó có Mỹ, Iraq, Malawi, Thailand và Pakistan. Điều đặc biệt ở đây là, nếu ở chung với mẹ ruột lại hiếm con hơn là ở với mẹ chồng.

Kế đến phải nói đến sự bất đồng ngôn ngữ và sợ dị nghị, đàm tiếu khiến nhiều cặp vợ chồng chần chờ không đi khám bác sĩ sớm.

Cuối cùng là vấn đề tài chánh. Rất nhiều bệnh nhân nghĩ rằng chữa trji hiếm muộn sẽ rất tốn kém. Trên thực tế, chữa trị càng sớm thì phí tổn càng ít và kết quả thành công càng cao.

Tóm lại, phụ nữ Á Đông trong đó có người Việt chúng ta không dễ mắn con như ta tưởng. Con số những người bị hiếm muộn có thể lầm tưởng là thấp vì không ai muốn nói ra sự thật và rất nhiều người chần chờ không đi tìm sự gíup đỡ của bác sĩ. Những quan niệm sai lầm cần phải điều chỉnh thì mới có thể vượt qua trở ngại là, trên thực tế, phụ nữ Việt Nam khó cấn thai hơn là phụ nữ của các chủng tộc khác.

Mời độc giả xem chương trình dạy nấu ăn “Bún cá salom vừa ngon miệng vừ đẹp mắt”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT