Thursday, March 28, 2024

Kiếm người đóng vai ác

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St. Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Thưa cô gia đình tôi cho người ta share nhà, họ ở chung với chúng tôi đã 18 năm qua. Từ ngày con họ mới có mấy tháng tuổi, nay đã có… bồ! Hai gia đình chúng tôi sống hòa thuận, chưa một lần to tiếng với nhau, dù là nhà thông với nhau từ trên xuống dưới. Chúng tôi sinh hoạt trên dưới như một gia đình lớn, có ông bà cha mẹ, cô chú và con cháu.

Nay chúng tôi muốn họ dọn đi, lý do vì mọi người đều lớn, xe cộ nhiều, bạn bè, bồ bịch… nhiều thêm, nhà thường xuyên đông người, ăn uống sinh hoạt “sầm uất” hơn xưa nhiều lắm. Chỉ có thế chứ lý do muốn họ đi không hề là sự xích mính hay không bằng lòng nhau.

Vấn đề là, ai sẽ là người đứng ra “đuổi “ họ. Không ai trong nhà tôi chịu làm điều đó hết. Bàn tới tính lui, cuối cùng rất buồn cười là mọi người chịu góp tiền để “thuê” một người đuổi, số tiền lên tới cả $500, mà vẫn không ai ham tiền để đại diện lên tiếng đuổi họ. Vấn đề đặt ra là đã 5 tháng qua rồi, vẫn chưa giải quyết được. Vẫn chưa có ai xung phong, hay ham có $500 để đóng vai ác. Càng để lâu, mọi người trong gia đình tôi càng thấy khó chịu. Mới đây lần đầu tiên vợ tôi cự với con gái người share nhà, khi cháu ấy đi chơi khuya về, không dám vào cửa chính sợ bị bố mẹ rầy, nên nó đã gõ vào cửa sổ phòng vợ chồng tôi để xin vào nhà bằng đường cửa sổ phòng tôi. Sau chuyện này ý muốn đuổi họ đi càng thúc bách hơn, nhưng kiếm người đóng vai ác vẫn bất thành, và nghĩ ra lý do đuổi cũng bất thành.

Tôi kính nhờ cô và quý độc giả chỉ cho chúng tôi cách nào nhẹ nhàng một chút, để cho gia đình kia ra đi mà vẫn không làm sức mẻ tình cảm lâu nay. Kính cám ơn.

Lữ T. Chiêu

*Góp ý của độc giả

-NB

Việc cho share nhà đồng nghĩa với việc có một hợp đồng giữa chủ nhà và người thuê nhà trong việc cùng sử dụng căn nhà chung như thế nào. Vì vậy hợp đồng này có giới hạn thời gian sử dụng chứ không kéo dài vĩnh viễn. Về lâu về dài có sự thay đổi về tuổi tác, về nếp sinh hoạt, về số nhân sự sống trong nhà,… hợp đồng ký kết lúc đầu sẽ phải sửa đổi hoặc chấm dứt. Đây là điều hiển nhiên ai cũng biết.

Việc gia đình anh chị và gia đình người thuê nhà cùng chung sống vui vẻ được tới mười tám năm thực sự rất hiếm. Bây giờ khi lớp người lớn già đi cần sự yên ắng trong nhà, lớp trẻ con lớn lên có thêm bạn bè, bồ bịch cần những sinh hoạt vui nhộn ồn ào, nhu cầu sinh hoạt thay đổi tăng thêm sẽ làm cho những người cùng sống trong nhà thấy bức bối phiền lụy. Có lẽ với gia đình người thuê vẫn thấy thoải mái vì giá thuê rẻ, vì chủ nhà vui vẻ dễ chịu, vì đã quen với nếp sống trong nhà lâu rồi, họ thấy không cần phải dời đi thuê nơi khác. Nhưng với chủ nhà (là gia đình anh chị) thì khác. Luôn thấy phiền lụy bực bội vì không khí trong nhà luôn ồn ào, tiệc tùng, xe cộ ngổn ngang,… Muốn ngưng hợp tác nhưng lại ngại mang tiếng ác khi muốn “đuổi” họ, gia đình anh chị mang nỗi ấm ức bực dọc trong lòng.

Thực ra sự việc giải quyết cũng đơn giản, không là “đuổi “vì có xích mích cãi cọ đâu, chỉ là do nhu cầu sinh hoạt cho gia đình thay đổi nên rất tiếc anh chị phải ngưng cho share nhà. Người có thẩm quyền loan báo sự việc với người thuê phải chính là chủ nhà, là người đã đứng ra ký hợp đồng cho thuê, có lẽ chính là anh chị phải làm điều này. Đừng ngại ngần nói rõ ý muốn của mình, không phê phán lối sinh hoạt của họ làm mình khó chịu, giải thích lý do vì con cái đã lớn, vì cha mẹ già, anh em sẽ tới ở cùng,… nên anh chị cần thêm chỗ ở cho gia đình sử dụng. Vui vẻ, thân tình, tế nhị, thẳng thắn, người thuê nhà sẽ hiểu và thông cảm mà chấp nhận.

Tuy nhiên vì thời gian thuê quá dài anh chị không thể yêu cầu người thuê một sớm một chiều phải dọn ra, phải loan báo ngưng hợp đồng và dành từ hai đến ba tháng cho họ kiếm nhà khác để thuê. Có thể có vài rắc rối liên quan tới tiền bạc, việc khấu trừ tiền deposit vì những hư hỏng nhà cửa, anh chị hãy tìm hiểu thật kỹ để áp dụng đúng luật định.

Chúc anh chị may mắn giải quyết công việc được thuận buồm xuôi gió.

-Tư xèng

Đúng là chuyện chẳng có gì mà ầm ỉ, sao người Việt Nam mình khi nào cũng chín bỏ làm mười rồi lại than vãn, lúc nào cũng sĩ diện, lúc nào cũng: thôi mình là người cùng quê hương nên phiên phiến với nhau. Công việc gì cũng nại cớ đồng hương rồi cứ không có giấy tờ rõ ràng, qua loa, nói miệng, đến đụng chuyện mới té ngửa. Qua đây phải học Mỹ, họ cứ rõ ràng, muốn là nói, mất lòng trước mà được lòng sau, cứ ỡm ờ như người Việt rồi cuối cùng cũng đưa đến hậu quả xấu.

Chuyện của ông bà, có gì đâu mà khó, cứ nói thẳng ra, có chết thằng tây nào đâu, nói thẳng ra nó có giết mình đâu mà sợ. Chẳng qua là cũng muốn giữ thể diện, muốn mang tiếng tốt mà đẩy đưa người này người kia thôi.

Bốc thăm đi, trúng ai ráng chịu, là xong.

*Vấn đề mới

Thưa cô, cháu năm nay 45 tuổi, cháu đã có hai con và đều đã lớn, đã rời nhà để tự lập. Hiện nay nhà chỉ còn hai vợ chồng… son!

Thưa cô ngày xưa khi lấy chồng, do hai bên cha mẹ là bạn thân lâu đời của nhau, nên con cái của hai bên cũng thân thiết như anh em một nhà. Điều đó đưa đến chuyện hai vợ chồng cháu nên duyên không hoàn toàn là tình yêu đôi lứa. Thời gian đó cháu nhận lời cầu hôn một phần lớn cũng vì cháu không thể tiến tới với H. người yêu đầu đời mà lúc nào cháu cũng nghĩ không có điều gì có thể chia lìa hai đứa.

Chồng của cháu là người đàn ông chân chất, hiền lành. Anh làm trong ngành computer, anh mê máy móc, có thể ngồi qua đêm với cái máy mới. Anh thực tế, không mơ mộng, anh không bao giờ biết đến một đêm văn nghệ, nghe một bản nhạc hay bàn đến một cuốn sách, bài thơ. Anh cần cù làm ăn, lo cho vợ con. Trong khi đó cháu lại là người nghiêng về nghệ thuật, cháu thích âm nhạc, kịch nghệ, văn chương…

Vì hơi chỏi nhau nên hai đứa có khi cả tuần không nói chuyện với nhau, ngoài chuyện con cái, nhà cửa. Càng về sau chúng cháu càng ít nói chuyện với nhau hơn. Cháu sa đà vào những đêm đi nghe nhạc với bạn, ôm sách đọc mê mẫn mỗi khi có thì giờ. Nội việc đi chung xe, cháu và anh cũng bất như ý. Cháu thì cứ mấy CD nhạc bỏ vô máy, ảnh thì mở radio nghe tin tức từ đài này sang đài khác, từ Mỹ sang Việt… Cứ thế, bất cứ chuyện gì hai đứa cũng có cớ gây chiến tranh, gầm gừ nhau, có khi to tiếng và giận nhau đến cả tháng không nói chuyện. Tại đứa nào cũng có niềm vui riêng nên đâu cần thiết vui với nhau.

Gần đây trong những lần gây nhau, chồng cháu hay nhắc lại câu cháu nói trước đây là, bất cứ khi nào, dù có bao nhiêu con cái, dù giàu nghèo và tuổi tác có cao bao nhiêu, khi có cơ hội thì cháu cũng bỏ anh mà đi theo người tình cũ. Thưa cô mỗi lần ảnh nhắc câu đó cháu thấy mình bị xúc phạm khủng khiếp, nếu cái “cơ hội lấy người tình cũ” đến ngay khi đó, thì cháu giũ áo ra đi tức khắc mà không một chút ân hận, tiếc nuối. Hóa ra anh nghĩ cháu vẫn thương nhớ, chờ đợi người cũ nên mới hững hờ và chọc gan cháu. Cháu không ngờ cô ơi! Thật ra trong thời gian sống với chồng, cháu có rất nhiều cơ hội nối lại liên lạc với người cũ, nhưng cháu tránh vì sợ mình sa ngã. Thế mà cháu được đối xử như thế! Vậy thì tại sao cháu phải hy sinh mà không tung hê tất cả để sống những ngày còn lại ý nghĩa hơn? Tại sao cháu phải âm thầm chịu đựng từng giờ từng ngày? Trong khi cháu có thể sống một ngày xứng đáng một ngày? Phải không thưa cô.

Th. Tr.

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi: [email protected]

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Chè chuối khoai lang”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT