Friday, April 19, 2024

Lời trăng trối của bố

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St. Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Đời Xuân Thu, tướng Ngụy Thù có tì thiếp rất đẹp là nàng Tố Cơ, khi gần chết dặn con trai là Ngụy Khỏa rằng, “khi cha chết hãy chôn sống nàng Tố Cơ theo.” Đến khi cha chết, Ngụy Khỏa không làm theo lời dặn, vì cho rằng lúc dặn dò, cha mình không còn sáng suốt nữa, nên Ngụy Khỏa tha chết cho Tố Cơ.

Thưa cô Nguyệt Nga, lúc bố cháu còn mạnh khỏe, còn rất sáng suốt, ông hay dặn cả nhà, khi ông chết thì ai muốn đến để tang thì hãy cho họ để. Tụi cháu và mẹ cười ông vì cho rằng, ông chỉ nói tào lao, ai mà đến xin để tang! Nếu không phải là người ruột thịt máu mủ. Còn nếu ông có ẩn ý gì thì chắc chắn một triệu phần trăm không có. Bởi ông là một người cha nghiêm túc, thương vợ, chung tình. Ông có một cuộc sống đàng hoàng không thuốc lá, không cà phê, không rượu chè, trai gái. Ông sống với mẹ cháu 52 năm, phải nói là chưa một lần nói nặng, nếu có la lối thì chỉ phía mẹ cháu thôi, còn ông thì hiền lành, nói năng lúc nào cũng từ tốn.

Lời dặn của ông, cả nhà coi như gió thoảng qua, chẳng ai thèm nhớ lấy.

Rồi thì, bố cháu mất. Trong lúc tang gia bối rồi, có một gia đình mẹ, con trai và hai cháu nhỏ, đến xin để tang! Bà ấy cũng trạc tuổi mẹ cháu, nghĩa là trên 70. Anh con trai thì cũng đã lớn, hai đứa cháu còn nhỏ.

Cũng may là khi gia đình bà ấy đến, không có mẹ cháu ở đó. Đúng là bom nổ, trong lúc tang gia bấn loạn càng bấn loạn hơn. Khi tụi cháu hỏi thăm, thì bà ấy nói chỉ là người bạn thân lâu năm, ở tiểu bang xa, nghe tin bố mất nên đến để, trước nữa xin để tang, sau nữa để biết mặt gia đình. Bà nói mà đẫm nước mắt. Trời ơi là Trời! Dù không nói ra, nhưng lòng mấy chị em đều nghi ngờ “tình bạn lâu năm” này. Bạn mà làm gì cần để tang, bạn thôi, làm gì mà lặn lội cả con cả cháu về xin để tang? Bao nhiêu câu hỏi đặt ra, nhưng bà ta nhất mực nói chỉ là bạn lâu ngày. (Thêm một điều nữa, là người con trai có khuôn mặt y tạc khuôn người anh trai của cháu).

Ngày tang lễ gần đến, tụi cháu đã bàn với nhau là cứ cho họ để tang, vì phải thực hiện lời dặn của bố, huống chi bố cháu đã lặp đi lặp lại điều này nhiều lần trong lúc ông còn sáng suốt, thì đây không phải là chuyện đùa. Mọi sự sau đó hạ hồi phân giải.

Cháu muốn hỏi cô Nguyệt Nga là tụi cháu nên xử thế nào với gia đình kia sau ngày tang lễ và giải thích thế nào để mẹ cháu đừng đau buồn thêm vốn đã quá đau buồn với cái tang của bố cháu?

Kim Hậu

Góp ý của độc giả:

-Mann:

Người đã đi rồi, chuyện đã xong rồi, còn gì nữa mà ghen tương ganh ghét. Để người ta để cái tang cũng đâu mất gì đâu mà lo. Cho người đi được thanh thản thì cứ làm theo lời đã dặn.

-Huỳnh Bảy:

Kim Hậu, khi gia đình bà ấy đến, không có mẹ cháu ở đó. Tại sao lúc tang lễ, thì mẹ ở đâu mà mẹ không thấy?

Tôi tự hỏi tang lễ đã cữ hành chưa khi bài báo nầy lên khuôn? Nếu đã xong rồi, thì còn gì phải hỏi nữa? Là vì họ chỉ muốn đến để tang thôi cho trọn tình phu phụ, trọn nghĩa cha con, rồi đi về với đời sống của họ, chứ có phiền lụy gì mình đâu. Thế thì mình cứ để họ về đi, coi như xong, không có gì thay đổi cả. Cái quan trọng là mình đã làm đúng được những gì mà bố muốn.

-NB:

Có câu danh ngôn “Được gặp một người có duyên với mình trong thời điểm thích hợp, là hạnh phúc của cả cuộc đời. Được gặp một người có duyên với mình trong thời điểm không thích hợp, chỉ là một tiếng thở dài.”

Bố em thật diễm phúc khi có được hai người phụ nữ đặc biệt trong cuộc đời của ông. Một người có hạnh phúc được ông chọn làm vợ, cùng với ông tạo dựng nên một gia đình trong đó cha mẹ, con cái yêu thương, tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau. Người đó là mẹ của em, bà có toàn quyền hãnh diện công khai nắm tay ông đi trên đường đời, bởi vì cuộc hôn nhân của hai ông bà đã được chứng thực trước luật pháp và với tất cả mọi người.

Người thứ hai cũng có hạnh phúc yêu ông và được ông yêu lại. Nhưng buồn thay, dù yêu và có con với người phụ nữ này, ông không thể cho bà một danh phận. Ông là người đã có gia đình và không thể làm tổn thương vợ con mình. Xót xa cho thân phận chịu thiệt thòi của bà và con trai, ông muốn an ủi họ phần nào bằng cách mong muốn mọi người chấp nhận sự hiện diện của họ, bằng lòng cho họ để tang ông khi ông mất.

Người phụ nữ thứ hai này, theo tôi nghĩ, chắc bà phải có lòng tự trọng cao độ. Bà đã rất yêu và tôn trọng bố của em. Tình yêu đó phải đủ lớn để cho bà có cảm giác được hạnh phúc. Bà mạnh mẽ chấp nhận lùi vào bóng tối, sống đơn thân nuôi dưỡng con trai, dạy cho con lòng yêu thương, kính trọng cha mẹ, không một chút mặc cảm oán hận cha mình khi không được công khai nhìn nhận.

Bố của em khi còn sống đã làm tròn bổn phận làm chồng, làm cha. Mẹ của em chắc phải tin yêu chồng mình lắm. Do đó bà sẽ thấy shock khi biết điều bí mật này, nhưng em không thể che dấu mẹ được khi đồng ý cho mẹ con bà ấy chịu tang. Hãy khéo léo lựa lời nói với mẹ về hoàn cảnh xót xa của mẹ con bà ấy. Chị em em và mẹ yêu thương bố, được hạnh phúc chia sẻ ngọt bùi cùng với bố suốt một đời. Còn mẹ con bà ấy cũng rất yêu thương bố nhưng nào được công khai dưới ánh mặt trời. Họ sống an phận, làm cái bóng trong cuộc đời của bố. Họ không có hạnh phúc được làm vợ, làm con. Bây giờ người họ yêu thương mất đi, họ muốn lần cuối cùng được làm một việc cho tròn đạo nghĩa với người đã khuất, được chịu tang cho nỗi đau này. Em hãy xin mẹ nén hờn ghen, mở lòng độ lượng chấp nhận cho họ đến chịu tang. Hãy buông xả, từ tâm đối xử với mẹ con bà ấy, họ sẽ thấy được an ủi, sẽ cảm khái và mang ơn gia đình em, nhất là mẹ em, sau này. Đồng thời hương hồn bố của em cũng được ngậm cười nơi chín suối.

Hãy cố gắng thu xếp mọi việc cho ổn thỏa để có thể tổ chức việc ma chay cho bố được chu đáo. Còn những vấn đề phát sinh cần giải quyết sau đó, như có nên chấp nhận mối liên hệ với nhau không,… còn tùy theo lý trí, cảm xúc con tim mách bảo.

Chúc gia đình em nhiều sức khỏe.

Thành kính phân ưu cùng gia đình. Nguyện xin hương hồn cụ ông sớm siêu thoát lên cõi vĩnh hằng.

-Tịnh Lê:

Trước tiên tôi xin lỗi hương hồn của bố em khi viết những lời sau đây. Bố em, khi sống đã làm chuyện không đúng. Bố em đã có gia đình, còn vướng thêm một mối tình khác, vướng khá sâu đậm. Gia đình của em êm ấm bởi người đàn bà đến sau có lòng tự trọng, sống âm thầm nuôi con, và không một liên lạc nào có thể khiến mẹ em biết. Thật ra trong hoàn cảnh như vậy, người phụ nữ thường có khuynh hướng báo cho người vợ biết sự hiện diện của mình. Ở đây bà ta lặng lẽ cho đến khi bố em mất mới xuất hiện, và sự xuất hiện này nhiều phần là do bố em yêu cầu đến để tang. Bà đến với thái độ êm đềm biết thân biết phận mình. Bà cũng dạy con trai rất tốt nên anh ấy mới lặng lẽ theo mẹ về để tang.

Phần bố em, theo tôi, điều đáng trách là ông đã muốn bà về để tang, dù rằng tang chế chỉ là hình thức. Ông đã sai với một lúc hai người đàn bà, mà theo tôi, ông sai với người đàn bà thứ hai nhiều hơn. Ông đã giấu vợ đến tận cùng sao không dấu cho trót. Ông chết rồi còn muốn người thứ hai đến để tang để gây khó cho đôi bên.

Tôi là một người vợ, tôi ghét mèo mỡ gà đồng (đương nhiên!) Nhưng đọc câu chuyện này, lòng tôi thật xót xa thương cho người đàn bà kia, lặn lội dắt con cháu về để tang cho người tình, chỉ vì muốn chìu theo ước muốn, thêm người để tang tưởng nhớ mình. Một lần nữa tôi xin lỗi hương hồn ông.

Vấn đề mới:

Thưa cô Nguyệt Nga, tôi ghét cái thằng em rể của tôi không biết để đâu cho hết. Con em tôi thì đau ốm rề rề mà lại là người kiếm tiền chính của gia đình. Còn cái thằng em rể chạy taxi, khi có khi không, vậy mà nó gia trưởng chịu không nổi.

Tôi chỉ có hai chị em, từ ngày mẹ chết, hai chị em nương tựa vào nhau để sống. Thấy em đau ốm hoài nên tôi bảo nó về ở chung với mình.

Sau đấy em tôi lấy chồng, rồi có con. Tôi thương em không cho em ra riêng. Một thân một mình lo còn chưa xong, nay thêm con nhỏ và chồng nữa thì hầu sao xuể, nên trong nhà gần một tay tôi lo quén trước sau. Mình hầu em, cháu, thấy lòng mình vui biết bao, nhưng hầu chồng nó thì bực chịu không nổi, mà nói ra thì tội em.

Ai từng đời, nó cứ như thằng nhà quê, quen sống dưới ruộng, ăn uống cứ rơi vãi hạt cơm, là ta hất ngay xuồng sàn nhà, nói thì cãi: Trước sau cũng quét nhà, thì quét thêm hột cơm có tốn thêm mồ hôi nước mắt đâu. Nó trả lời vậy đó! Canh thì bao giờ cũng chan đầy chén để đổ ra bàn. Nói thì bảo: Ăn xong trước sau cũng lau bàn mà.

Nói cái gì nó cũng có câu trả lời, em tôi tức cành hông, còn tôi thì im lặng hoài cũng phát cuồng.

Mới hôm qua, con em tôi đi làm về thật tối, hóa ra từ sở còn ghé đón con. Hỏi sao không để bố nó đón thì em tôi trả lời: Bố nó tắm rồi không muốn ra đường nữa, nên tiện đường em ghé đón con.

Nghe mà có điên lên không?

Hôm nay em tôi đi làm về mặt mày hớn ha hớn hở, nói, đã có cách cho chồng phụ việc rồi. Hỏi tới thì em tôi trả lời, trong sở nó bắt phải đi thử lao, vì em tôi làm ở khâu nấu ăn. Em tôi thử rồi, kết quả không có gì cả. Nhưng nhân vụ này, em tôi sẽ báo với chồng là em tôi bị lao, phải chữa trị, bác sĩ dặn phải làm việc ít lại… Và như thế chồng em sẽ phụ giúp công việc nhà, không bày bừa bắt em dọn nữa…

Không biết sau khi bệnh lao… khỏi, thì em tôi lại bịa ra bịnh gì nữa đây?

Tóm lại, tôi thấy ở chung với thằng em rể tôi không cần tập thiền.

Nhiên

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT