Friday, March 29, 2024

Mẹ là sườn nhà

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected]

Linh Tạ (SaoMai)

Cuối năm nay chúng tôi sẽ tổ chức một bữa tiệc lớn để mừng Mẹ thọ được 90 tuổi. Bữa tiệc có mặt đầy đủ các con, các cháu và chắt trai đầu tiên cũng như họ hàng nội ngọai. Tự dưng tôi muốn viết về Mẹ giống như ngày xưa tôi đã viết một bài về Bố. Nhưng tiếc là bài đó được viết sau khi bố tôi đã “ra đi” mãi mãi, cho nên lần này tôi viết khi Mẹ vẫn còn khỏe mạnh để Mẹ đọc được những lời văn mộc mạc của con gái.

Ngày đi lấy chồng, Mẹ vẫn còn trong tuổi con gái dậy thì. Thời ấy theo phong tục của miền Bắc thì cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, chứ Bố và Mẹ có gặp mặt nhau bao giờ đâu. Tất cả mọi chuyện đều do các cụ trong họ sắp đặt cả. Chỉ đến ngày đó thì mẹ từ giã ông bà ngoại về nhà chồng vậy thôi. Dĩ nhiên theo lối sống xưa thì Mẹ phải làm dâu. Từ một cô gái mới lớn, mọi thứ còn quá mới mẻ nhưng mà chỉ trong một thời gian Mẹ đã biết nấu những bữa cơm ngon, làm các loại bánh, may vá và cả làm ruộng nữa kìa. Mẹ vẫn hay nói: “Mẹ chịu khó học nơi người này một thứ, người kia một cái, cứ thế là Mẹ có thể làm được mọi chuyện”. Đời sống Mẹ cứ vậy trôi qua nơi quê nhà vì lúc ấy Bố đã lên Hà Nội đi học.

Rồi theo dòng thời gian trải qua bao cuộc chạy loạn trốn lính Pháp, lính Nhật, lính cộng sản (mà lúc ấy gọi là Việt minh), cuối cùng Mẹ đã bế được chị L di tản vào miền Nam. Mẹ kể lúc đi bà nội khóc hết nước mắt nhưng Mẹ cũng đành phải dứt áo ra đi vì lúc đó Mẹ đã có tên trong danh sách nhưng người “có tội” với cách mạng mặc dù Mẹ chỉ là một người đàn bà chân yếu tay mềm, có biết cái gì gọi là “chính trị” đâu. Thật là nực cười cho các “đồng chí cách mạng” chỉ vì thù vặt mà ghép tội cho những người dân hiền lành một cách vô tội vạ.

Ở miền Nam, Mẹ ở nhà nuôi nấng và chăm lo đàn con thật vẹn toàn. Bố lúc này đã đi làm trong bịnh viện. Mẹ không đi chơi đâu, chỉ suốt ngày quanh quẩn trong nhà làm đủ các công việc “không tên” mà còn không đủ thời gian. Cực nhất là khi một người con nào bịnh là cả đám bị lây bịnh theo, nằm la liệt như cá mòi xếp lớp. Sau năm 75, gia đình bắt đầu sa sút vì bao nhiêu tiền của đã đội nón ra đi theo những chuyến vượt biển không thành của người anh lớn. Mẹ phải nấu bún riêu và gánh trên đôi vai nhỏ bé đem ra chợ bán. Thời gian ấy, nhà nhà ai ai cũng thiếu thốn cùng cực. Lúc đó mới thấy khâm phục sự nhẫn nại, dẻo dai, bền chí và chịu khó của các bà mẹ. Những người con lớn lên thời ấy cũng biết thân biết phận nên học hành đàng hoàng và phụ được gia đình cái gì thì phụ chứ chẳng dám lêu lỏng. Mẹ mặc dù cực khổ nhưng Mẹ không bao giờ phàn nàn, lúc nào cũng lo cho chồng cho con hết mình.

Bây giờ ở bên Mỹ đời sống thoải mái rất nhiều nên Mẹ mạnh khỏe và trẻ hơn so với số tuổi của Mẹ. Nhưng Bố đã ra đi sớm nên chỉ còn mình Mẹ trong căn nhà rộng lớn. Được cái là có các con gọi phone nói chuyện với Mẹ mỗi ngày và đến cuối tuần những người con gái đến thăm Mẹ nên Mẹ cũng đỡ buồn. Mẹ và giống như các bà Mẹ khác khi tuổi xế chiều thì chỉ biết vui cùng con cháu chứ các cụ đâu có biết đi đâu vì tiếng Mỹ đâu có rành.

Bây giờ điều quan trọng là Mẹ sống mạnh khỏe và vui vẻ với các con, các cháu. Mẹ đừng lo nghĩ gì nữa vì một đời Mẹ đã lo cho các con nhiều quá rồi. Nếu ví Bố như mái nhà thì Mẹ là sườn nhà. Nếu sườn không vững thì mái cũng sẽ sụp. Bởi vậy các con đều thành tài như ngày hôm nay đều nhờ vào công ơn to lớn của Mẹ góp vào.

Chúng con đều thương yêu Mẹ vô cùng. Mẹ yêu ơi! (Linh Tạ)

 

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

 

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT