Friday, April 19, 2024

Nền giáo dục của Hoa Kỳ được đánh giá ra sao so với thế giới?

Tiến Sĩ Orchid Nguyễn

LTS: Mục “Khi Mẹ Là Cô Giáo” do Tiến Sĩ Orchid Nguyễn (Orchid Lâm Quỳnh) của trường Long Beach City College phụ trách. Xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân cùng những trải nghiệm sau nhiều năm giảng dạy tại Mỹ, cũng như đang điều hành Trung tâm Orchid LQ Academy, Tiến Sĩ Orchid muốn được chia sẻ, giải đáp những băn khoăn, lo lắng của các em học sinh lẫn phụ huynh liên quan đến học đường, đặc biệt là sự chuẩn bị hành trang để các em học sinh có thể tự tin bước vào tương lai bằng con đường học vấn.

Nền giáo dục của Hoa Kỳ được đánh giá ra sao so với thế giới?

Khi nhắc đến vấn đề học vấn, rất nhiều phụ huynh hay đề cao cách học cũng như hệ thống giáo dục của những nước Châu Á. Rất nhiều phụ huynh cho rằng học trò Mỹ lười biếng, không giỏi bằng học trò Châu Á. Điều này cũng đúng một phần nào, vì khi nhìn vào bảng xếp hạng, những tên Châu Á luôn đứng vị trí cao.

Thật hư ra sao? Nền giáo dục của Hoa Kỳ được đánh giá ra sao so với thế giới?

Khi còn là một học sinh, chúng tôi phải đọc không biết bao nhiêu tài liệu chê bai nền giáo dục Hoa Kỳ. Đọc xong bài nào, thì chúng tôi lại phải bình luận, và phải tìm ra những giải pháp để khắc phục những “lỗi lầm” của nền giáo dục Hoa Kỳ. Khổ nỗi, càng đọc nhiều, càng thấy những việc mình làm “là vạch lá tìm sâu”.

Hôm qua, lại nghe một phụ huynh chê bai nền giáo dục Hoa Kỳ. Ông nói, học sinh Hoa Kỳ lười biếng, không bằng một góc Châu Á. Tôi cắn răng chịu đựng những lời chỉ trích. Cãi thì thấy giống như mình tự bào chữa cho mình. Vì suy cho cùng, dù là người Việt Nam, chúng tôi vẫn được đào tạo ra từ lò giáo dục Hoa Kỳ. Về nhà buồn quá, chúng tôi đi tìm bảng so sánh mới nhất của nền giáo dục trên toàn thế giới. Hôm nay, xin được chia sẻ với độc giả.

USNews đưa ra bản xếp hạng nền giáo dục của các nước trên thế giới được dựa trên 3 yếu tố:

– Có hệ thống giáo dục trường công tốt nhất.

– Có nhiều học sinh chọn vào đại học nhất.

– Cung cấp một nền giáo dục đạt hiệu quả nhất.

Bản điểm của 3 yếu tố này được tính theo một cuộc khảo sát hằng năm. Cuộc khảo sát trong năm 2017 không có yếu tố cuối cùng.

Một sinh viên châu Á trong sân trường đại học Princeton, NJ. (Hình: Getty Images)

Nước đứng hạng 5 – Pháp Quốc:

Hệ thống giáo dục của nước Pháp được dựa trên một chương trình giáo dục chung cho toàn quốc. Các em bắt buộc phải đi học từ 6 tuổi cho đến năm 16 tuổi. Rất nhiều học sinh nước Pháp tiếp tục lên đại học. Tưởng cũng nên nhắc thêm, đây là nơi đào tạo những thiên tài về triết học như Descartes, Voltaire… Mỗi năm, trước khi ra trường, học sinh phải thi một bài kiểm tra viết về đề tài triết học. Học trò thường được nghỉ ngày Thứ Tư và học nửa ngày thứ 7.

Nước đứng hạng 4 – Đức Quốc:

Sau khi học xong tiểu học, tức là lớp 4, tùy theo số điểm, học sinh ở nước Đức được hướng dẫn để chọn 1 trong 3 con đường: 1) những em sẽ vào đại học, 2) những em học lên trung học để chuẩn bị cho những nghề văn phòng, 3) những em học tổng quát để vào chương trình cho những người học nghề. Đây được xem như những em học sinh nhỏ nhất trên thế giới có hướng đi rõ ràng cho nghề nghiệp trong tương lai.

Nước đứng hạng 3 – Canada:

Tiểu học và trung học ở Canada hoàn toàn miễn phí. Mỗi tiểu bang có một hệ thống giáo dục riêng biệt. Tuy nhiên chưa có tài liệu nào chứng minh, điều này gây bất lợi cho nền giáo dục tại Canada. Học sinh của Canada đạt trên điểm trung bình trong kì thi Programme for International Student Assessment, gọi tắt là PISA. Đây là kì thi của thế giới để biết rõ thêm về nền giáo dục của mỗi nước. Kì thì bao gồm 3 môn: Toán, Khoa Học, và Đọc. Riêng tiểu bang Quebec, học trò phải học xong 2 năm tại một trường chuyên ngành, trước khi được vào đại học.

Nước đứng hạng 2- Hoa Kỳ:

Hệ thống giáo dục trường công của Hoa Kỳ được cung cấp từ thuế của tiểu bang và liên bang. Các em học sinh học từ lớp mẫu giáo đến lớp 12. Tổng cộng là 13 năm. Theo thống kê của National Center for Education Statistics, trong số những em ra trường trung học, có tới 70% học sinh vào đại học. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng là “nhà” của 8 trong 10 trường đại học được đánh giá cao nhất thế giới. Đó là Harvard, MIT, Stanford, UC Berkeley, Cal Tech, Columbia, Princeton và John Hopkins.

Nước đứng hạng nhất-United Kingdom:

Trẻ em từ 5 đến 16 tuổi bắt buộc phải đi học, và trải qua 4 giai đoạn khác nhau của chương trình học toàn quốc. Các trường trung học được phân chia rõ ràng, trường dành cho những em học nghề, và trường dành cho những em học lên bậc đại học. Cũng chính nhờ sự khác biệt này, hệ thống giáo dục của UK chặt chẽ hơn, quy mô hơn những nước khác. Ngoài ra, các em học sinh cũng đạt điểm rất cao trong cuộc khảo sát PISA. Cũng phải nhắc thêm, UK là nhà của đại học Cambrigde và Oxford, niềm mơ ước của các em học sinh trên toàn thế giới.

Vậy là nước nhà của mình cũng đứng hạng 2. Cũng ở trong thời khi chúng tôi còn là “thời sinh viên với cây đàn guitar,” trong một lần gặp người thầy advisor của mình, trước khi tôi chuẩn bị cho lần bảo vệ luận án đầu tiên, thầy nói: “Mình cứ phải chê bai nước mình, vì không lẽ khen hoài, nhưng nền giáo dục của Hoa Kỳ là tuyệt vời”, câu nói của ông làm tôi nhận ra, quyết định chọn ông làm advisor là quyết định sáng suốt nhất của chúng tôi trong suốt quãng đường học vấn.

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Thịt đùi lóc xương kho trứng”

MỚI CẬP NHẬT