Thursday, March 28, 2024

Nên thẳng thắn góp ý hay là không

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St. Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Trong cuộc sống, tôi suy nghĩ, đắn đo, cân nhắc nhiều về chuyện “góp ý”. Góp ý với bạn bè, người thân trong nhà, đồng nghiệp… Tôi rất muốn giúp họ tốt hơn, muốn nói với họ những gì người chung quanh phiền hà, khó chịu vì họ.

Tôi thí dụ:

-Tôi có người bạn, cùng share nhà với mình. Cô ấy rất dễ thương, đó là nói về phần tính tình. Nhưng có một điểm mà những người sống chung trong nhà đều phiền hà cô, là hình như cô rất ít tắm, đứng gần cô có khi không chịu được, nhất là những ngày Mùa Đông. Tôi thấy, nhiều khi cô xuống bếp, hay ra phòng khách chung, là những người khác bỏ đi chỗ khác, có hôm họ đứng sau lưng cô bịt mũi rồi khoát khoát tay tỏ dấu hôi quá! Chao ơi! Tôi muốn nói với cô ấy điều mọi người nhận xét, nhưng không biết mở miệng làm sao.

Tôi lại im!

-Tôi làm công tại một tiệm Nail, cô chủ tiệm nail của tôi, luôn luôn mặc áo hở ngực. Khi cô ngồi cashier thì không sao, nhưng những hôm đông khách cô phải ra làm thợ thì ôi thôi, mỗi lần cô cúi xuống làm móng cho khách, gần như đưa hết ngực ra ngoài, mà khổ nỗi là ngực đường ngực mà người đường người. Nhiều hôm tôi thấy những người khách nháy nhó nhau rồi cười, khiến tôi nóng mặt, xấu hổ. Nhưng biết làm sao, đây là vấn đề tế nhị, cô ấy thấy đẹp, chồng con cô không thấy chướng, thì mình bép xép có khi lại bị đuổi.

Tôi lại im!

-Nhiều hôm đi chợ, thấy một bạn đồng hương, lựa trái cây rau quả, cứ xới từ dưới lên trên, rồi trái nào không ưng ý thì vứt vào trong không thương tiếc. Nếu là những thùng xoài, thì lựa những trái to của những thùng khác đổi những trái nhỏ trong thùng mình. Để cuối cùng thùng mình là ngon nhất. Có lần tôi cũng góp ý: “Chị ơi chị lựa vậy thì những thùng khác ai mua” Cô nàng liếc tôi một cái có đuôi: “Ôi chủ chợ nó tính hết rồi! Nó giàu trời thần đất lỡ, lo chi cho ốm người.”

Tôi lại im!

-Có một cô thợ cắt tóc, chỗ ngày xưa tôi hay đến cắt tóc. Cô nói, ôi thôi là nói, nói liên tu bất tận. Đã nói nhiều còn nói nhanh và giọng cao, nên cứ như kim châm vào tai mình. Rất nhiều lần trong lúc ngồi chờ cắt tóc, tôi nghe mấy bà chung quanh nói: Đừng để cho cái cô đó cắt tóc, nói nhiều quá, chịu không nổi. Tôi là khách quen, cũng mấy lần định bỏ cô để đi người khác, nhưng nghe nói cô ta là single mom nên muốn cô cắt để cô kiếm tiền tip. Tôi thật tha thiết muốn nói với cô chuyện nói nhiều mất khách, để giúp cô có nhiều khách hơn. Nhưng rồi:

Tôi lại im.

Đôi khi tôi thấy mình như hòn bi, tròn vo, lăn chỗ nào cũng đặng. Thấy điều sai trái thì nhắm mắt lơ đi, để yên thân. Cũng may mà tôi không làm sếp, nếu tôi mà làm sếp thì công ty đó sẽ ra thế nào. Nếu một xã hội mà toàn những người như tôi thì xã hội đó ra sao? Một chị bạn gọi tôi là Nguyễn Thị Hèn. Tôi vui vẻ nhận. Và không hy vọng có ngày tên mình thêm một chữ nữa: Nguyễn Thị Hết Hèn.

NT Hèn

Góp ý của độc giả:

-NB

Xã hội con người rất phức tạp, có những sự khác biệt về văn hóa, tập quán, trình độ nhận thức, suy nghĩ, quan niệm sống,… Có những điều người này thấy không phải, chướng tai gai mắt, nhưng người khác lại thấy bình thường.

Trong chúng ta liệu có ai thích bị phê bình, góp ý, nhất là khi trước mặt mọi người? Chắc là không, vì khi đó ta có thể cảm thấy bị tổn thương, đau khổ, bị giảm giá trị cá nhân mình. Nếu nghĩ như vậy, thì hay nhất là hãy tránh nhận xét, góp ý người khác, làm lơ, dĩ hòa vi quý cho xong. Đây là điều không tưởng, vì đời sống xã hội không bao giờ đứng yên, dừng lại, có rất nhiều tình huống cần đến sự góp ý phê bình để xã hội tiến lên.

Vấn đề là phê bình góp ý như thế nào cho người nghe không cảm thấy bị tổn thương, bị công kích, để rồi, một cách phản xạ, họ xù lông chống đối lại lời góp ý. Họ không nhận ra những lỗi sai của mình để sửa chữa.

Để phần nào thành công trong việc bày tỏ thiện chí của mình khi góp ý, chúng ta hãy chọn thời gian, không gian thích hợp khi khen chê một người. Khen những ưu điểm trước mặt mọi người nhưng phê phán thì riêng với cá nhân người đó. Góp ý khen chê một cách chân thành và đúng sự thật, không tâng bốc để xoa dịu lời phê bình.

Hãy tập trung vào vấn đề chính, không công kích con người, giúp họ hiểu được hành động của họ ảnh hưởng đến người khác như thế nào.

Đưa ra gợi ý, góp ý chủ quan của mình chứ không giáo huấn lên mặt dạy đời sẽ làm người nghe khó chịu, cảm thấy mình bị đối xử như một đứa trẻ. Ta hãy có thái độ thân thiện, chân thành, lời nói góp ý dùng những từ ngữ tích cực, thí dụ như hãy nói: “… có thể làm…” thay vì nói “…phải làm…”

Với sự chân thành, khiêm tốn, lịch sự, đúng thời điểm thích hợp, chúng ta có thể tự tin khi góp ý cho người. Tuy nhiên chúng ta cũng phải chấp nhận sự khác biệt, nếu có, vì xã hội thì muôn màu,muôn vẻ.

Chúc chị luôn vui với cuộc đời và sớm được đổi tên thành Nguyễn Thị Hết Hèn.

-Hiên:

Hôm qua, hai mẹ con tôi đi Costco, lúc trả tiền xong, tôi đứng cạnh xe hàng trong khi con gái chạy đi lấy nước ngọt, vì chúng tôi có mua hai cái hotdog. Khi cháu trở lại nó kể, có hai ông bà đến lấy nước và khi lấy ống hút, ổng đứng rất lâu, thì ra ông lấy quá nhiều, cả một bó khoảng 50 ống, trong khi hai cái ly trên tay hai vợ chồng, mỗi ly đã cắm hai ống hút. Tôi hỏi con gái, ổng người gì. Con gái trả lời: Đương nhiên là Việt Nam. Tôi nói, rồi con có đến nói với ông ta đừng làm vậy nữa không? Dạ không, vì con sợ, họ hai người lớn, mà con chỉ là đứa nhỏ, con không dám.

Tôi dặn con, lần sau con đến nói với mẹ, mẹ sẽ nói họ đừng làm vậy nữa. Và, con, con cũng phải nói, nói một cách lễ phép thì không có gì phải sợ. Họ làm sai thì họ sợ mình chứ mình không sợ họ.

Câu chuyện xảy ra làm tôi nhớ đến lá thư của chị tuần rồi. Đúng là mình hay làm ngơ cho yên chuyện. Mình không dám góp ý sợ mích lòng. Cũng may là hai ông bà kia không đi với con cháu. Nếu con cháu họ chứng kiến cảnh đó thì vô tình ông bà đã dạy cho cháu tính tham lam, gian xảo.

Giáo dục gia đình rất quan trọng, vậy mà cha mẹ cứ làm bậy, rồi sau này lại than con hư.

-Thân H:

Theo tôi thì nên góp ý, nhất là cảnh trái tai gai mắt xảy ra ở chỗ công cộng. Nếu họ là người Việt Nam, càng nên góp ý hơn, vì chung quanh chúng ta còn biết bao con mắt của người bản xứ.

Ăn thua là cách mình góp ý, nếu giữa đám đông, mình nên đến nói nhỏ vừa đủ nghe giữa họ và mình. Không nên nói to lên cho nhiều người nghe, như thế có thể làm họ quê và đôi khi họ phản kháng lại, chỉ vì quê chứ không phải không nhận thấy mình đã sai.

Vấn đề mới:

Thưa cô Nguyệt Nga, em chắc chắn một triệu phần trăm là em không hề ghen với người vợ mới của chồng… cũ của em. Bởi tại em cũng đang yên ổn với mái ấm gia đình mới.

Em không ghen mà tức quá! Chúng em ly hôn được 4 năm, hôm tòa xử hai đứa thôi nhau, hai đứa em ôm nhau và em khóc nức nở trên vai chồng. Chẳng có chuyện gì ghê gớm giữa hai đứa. Hai đứa em đều có bussiness riêng, và cả hai đứa đều thành công với bussiness của mình. Vấn đề là hai đứa em không đồng thuận việc xài tiền trong gia đình. Em thì thích sắm sửa cho nhà cửa, và chỉ thích xài đồ ‘luxury,’ từ phòng ngủ, phòng khách đến nhà bếp, mỗi thứ em đều muốn mua đồ sang trọng. Em lý luận mua đồ dỏm, chừng vài năm mất công thay lại, rồi thì tưởng là tiết kiệm, hóa ra lại phí phạm. Cứ thế em xài tiền hơi nhiều (nhưng mà tiền em làm ra) cho việc trang trí nhà cửa, vườn tược.

Ngược lại, ông xã em thì thích đồ ở Ikea, anh ấy lý luận, đồ ở đó vừa đẹp, sang, lại rẻ tiền. Xài chừng vài năm là bỏ, mua đồ mới, không thích sao!

Cứ hai đứa đi sắm sửa là cãi nhau, mà vì là nhà mới nên phải sắm sửa nhiều, mà càng sắm sửa, càng gây nhau. Anh ấy gọi em là “con ve”, không lo dự trữ tiền thì đến Mùa Đông sẽ đói meo. Em tức lắm, cái nick name “con ve” mà anh ấy đặt cho em. Em không “suốt Mùa Hè kêu ve ve” mà em đã đầu tắt mặt tối để kiếm ra đồng tiền, em phải thưởng công cho em, em phải đãi ngộ bản thân. Em đâu keo kiệt như ảnh, toàn là thích đồ dỏm, để ôm tiền mà chết sao.

Cứ thế hai đứa cãi nhau, cãi từ ngày này sang ngày khác. Ban đầu chỉ là con ve cái kiến, càng về sau sự so sánh càng leo thang, lời lẽ cũng leo thang theo.

Và cuối cùng chúng em đồng ý ly hôn. Vô duyên òm!

Và đây là vấn đề em muốn nói đến. Sau khi ly hôn, anh ấy lấy một cô bạn em. Vì là bạn nên thỉnh thoảng em cũng ghé nhà họ chơi (khi ly hôn, anh ra đi tay không và em giữ lại căn nhà). Lạ một điều là nhà mới của anh ấy và cô bạn toàn là đồ sang trọng, mắc tiền. Khi em hỏi thì cô ấy nói, vì thấy cô ấy thích nên anh ấy mua. Có lộn gan không?

Hồi xưa em cũng thích mà sao không mua cho em, còn mắng mỏ em là “con ve” này nọ. Nay tại sao không sắm đồ Ikea mà mua toàn đồ xịn. Thêm vào đó, con bạn em mới thật là “con ve”, nó tối ngày đi hát cho cộng đồng, chùa miễu. Nó không làm gì cả, vì chồng cũ của em quá giàu!

Nói cho ngay thì ngày xưa ổng cũng giàu nhưng sao ổng kẹo thế, mà ngày nay ổng lại vung tay? Em quá đỗi thắc mắc.

Có cái gì khác nhau ở đây? Cô bạn của em, không làm ra tiền, lại được “hầu”, còn em làm quá chừng, thì không được hầu và không cho em xài, những đồ em mua là bằng tiền của em mà, tại sao không cho, nay vác tiền chính mình làm, đi hầu người khác.

Sao kỳ vậy trời, em không phải má hồng mà sao ông trời ghen dữ vậy?

K. Hằng

—-

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi: [email protected]

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Rau câu flan cheese”

MỚI CẬP NHẬT