Thursday, March 28, 2024

Nghe hơi, định bệnh

BS Hồ Ngọc Minh

LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com.

Trong ngôn ngữ Việt Nam hai chữ “nghe” và “ngửi,” có khi được dùng lẫn lộn tùy theo hàm ý của điều muốn nói. Trong chủ đề của bài viết này, có thể bạn đọc cần đến cả hai, khứu giác lẫn thính giác khi bàn về chuyện nghe hơi để định bệnh.

Những năm đầu thực tập lâm sàng, sinh viên y khoa được huấn luyện, câu hỏi quan trọng nhất để hỏi bệnh nhân sau một ca mổ bụng là “có ‘ra hơi’ hay không?” Dấu hiệu sớm nhất cho biết đường ruột hoạt động bình thường là ra hơi ngõ hậu. Ngày đầu sau khi mổ, bệnh nhân thường được thúc đẩy phải ra khỏi giường để đi bộ, vì đi bộ khiến cho ruột mau vận động, đồng thời tránh bị sưng phổi và nghẽn mạch máu. Cũng vì thế, khi đi bộ, chúng ta thường hay bị ra hơi, vì đó chính là dấu hiệu của hệ thống tiêu hóa hoạt động bình thường.

Hơi gas đường ruột sinh ra trong tiến trình tiêu hóa và cả hít thở không khí. Mọi người đều có xì hơi chút đỉnh, nhiều lần trong ngày. Một số trường hợp, “xì hơi” rất im lặng, không ai biết. Một đôi khi khác, hơi ra nghe rất ồn và ngửi mùi thì không thoải mái cho lắm. To hay nhỏ, có mùi hay không, đa số đều bình thường, chỉ trừ một vài trường hợp ngoại lệ.

Có nhiều lý do sinh ra hơi. Thức ăn, thuốc men, và một số yếu tố khác nhau làm ảnh hưởng đến thể lượng cũng như phẩm lượng của hơi. Tiêu biểu, hơi gas gồm có nhiều thứ gas khác nhau, như hydrogen sulfide, methanethiol, và dimethyl sulfide. Chính hàm lượng của khí sulfide (lưu huỳnh) khiến hơi bay mùi hôi. Các chất gốc lưu huỳnh (sulfur) này có trong một số rau cải và trứng. Hàm lượng của khí có mùi hôi, vì thế tùy thuộc vào thành phần thức ăn, các phản ứng hóa học xảy ra giữa vi khuẩn có trong đường ruột và thức ăn, cũng như thể tích không khí nuốt vào trong khi ăn, thí dụ như khi nhai kẹo chewing gum chẳng hạn. Nói cho vui, lưu huỳnh cũng là hóa chất có trong thuốc súng, vì thế những loại hơi xì ra bên dưới trên nguyên tắc dễ bắt lửa và phát nổ.

Một số lý do cụ thể làm hơi gas có mùi gồm có: ăn không tiêu hay dị ứng với đồ ăn, thức ăn có nhiều chất xơ, thuốc men, táo bón, nhiễm trùng đường ruột, và ung thư ruột già.

Dị ứng với thức ăn và không tiêu hóa được thức ăn là lý do thường xuyên khiến hơi có mùi hôi, chẳng hạn như không tiêu hóa được sữa (lactose intolerance), hay không tiêu hóa được ngũ cốc, nhất là bột mì có chưa chất gluten. Bệnh celiac là bệnh tự kháng (autoimmune disease), làm không tiêu được chất gluten. Người bị bệnh này thường hay bị mệt mỏi kinh niên, tuột cân, sình ruột và tiêu chảy.

Thức ăn có nhiều chất xơ như cải bắp, cải hoa broccoli, măng tây, một số đậu, và tỏi thường gây ra mùi hôi. Những loại rau cải này có nhiều chất xơ nên khó tiêu hóa và bị lên men trong đường ruột, hệ quả là khí có mùi hôi, chứa chất sulfide.

Một số thuốc men có thể gây ra mùi hôi, thường xuyên nhất là các loại thuốc trụ sinh. Trong khi tiêu diệt vi trùng, thuốc trụ sinh giết luôn những con vi khuẩn tốt sống trong đường ruột. Sự thay đổi thành phần vi khuẩn tốt cũng làm xáo trộn tiến trình tiêu hóa thức ăn, làm sình ruột, táo bón, và thải khí có mùi hôi.

Táo bón xảy ra khi phân bị ứ đọng trong ruột già, do phản ứng phụ của thuốc men, ăn thức ăn không lành mạnh, hoặc do một số bệnh đường ruột. Phân ở lâu ngày trong ruột sẽ sanh mùi hôi, và khi hơi gas đi qua sẽ có mùi không vui cho lắm.

Sự tiêu hoá thức ăn cũng tùy thuộc rất nhiều vào các vi khuẩn tốt có trong đường ruột. Một đôi khi nhiễm trùng đường ruột xảy ra khi có vi khuẩn độc làm xáo trộn cán cân của cộng đồng vi khuẩn tốt. Nhiễm trùng đường ruột gây ra chứng sình bụng, đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, nóng sốt và mệt mỏi.
Cuối cùng, ung thư ruột già cũng làm cho mùi hơi bị hôi thúi.

Không có gì khó chịu cho bằng khi ở chỗ đông người, tự dưng có ai đó ngầm bỏ bom… khủng bố. Nhưng nếu thủ phạm chính là mình thì lại càng ngượng ngùng khó chịu hơn. Để tránh tình trạng vô tình xảy ra không cố ý, nên đề phòng và ngăn ngừa trước.

Hầu hết mọi trường hợp, chỉ cần thay đổi thói quen ăn uống, bằng cách tránh một số thức ăn khó tiêu. Thức ăn cần phải thay đổi tùy theo mỗi cá nhân. Có khi cũng cần thay đổi thuốc men, nếu có phản ứng phụ, nên hỏi thăm bác sĩ trước.

Nếu vấn đề liên hệ đến thức ăn, ta cần để ý những thứ thức ăn nào gây ra hơi, hoặc ăn ít lại, hay tránh hoàn toàn. Có khi chỉ cần ăn chậm lại và nhai cho thật kỹ thức ăn, uống nhiều nước, tránh uống nước ngọt soda, cũng giảm đi khá nhiều biến chứng.

Nói chung, thi thoảng xì hơi là chuyện bình thường của đường ruột hoạt động tốt. Chỉ khi nào hơi nhiều làm sình bụng và hơi có mùi thì ta cần phải thay đổi chế độ ăn uống. Ít khi nào có chuyện quan trọng như bị nhiễm trùng hay ung thư xảy ra, nhưng cũng nên quan tâm.

Hồi còn bé, mỗi lần mưa giông sấm sét, chị vú nuôi tôi thường hay ẵm tôi đi trốn vì sợ… “trời đ.t.” Nếu thật trời có “đánh… trống” ra hơi thì ruột của ông trời khá bự và rất mạnh khoẻ. Cũng may, là trời không có vấn đề dị ứng với thức ăn hay bị nhiễm trùng đường ruột, hoặc táo bón kinh niên! (BS Hồ Ngọc Minh)

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Cách đổ bánh xèo miền Nam”

MỚI CẬP NHẬT