Friday, March 29, 2024

Nhận giấy từ chối, sau khi rớt phỏng vấn vào quốc tịch lần 2

 

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St. Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Kính gửi Cô Nguyệt Nga,

Thưa cô hiện nay tôi đang gặp một chuyện khá khó khăn, tôi mong chờ độc giả góp ý để tôi có thể biết một hướng đi sắp tới. Thưa cô, tôi chẳng biết gõ cửa nào, mà lại thấy mục này trên Người Việt có phần góp ý của độc giả, nhiều ý rất hay, nên tôi mạo muội gửi thắc mắc của mình. Tôi mong rằng quí độc giả thương tình bỏ chút thì giờ góp cho tôi lời khuyên để tôi có thể có một lối thoát cho tình trạng hiện tại của mình. Xin thành thật cám ơn.

Đầu thư tôi xin kính chúc cô và gia đình cùng quí độc giả được nhiều sức khỏe. Tôi xin kể về hoàn cảnh của mình.

Tôi vừa rớt quốc tịch lần thứ 2, và đã nhận được thư từ chối với lí do: Tiếng Anh không đạt. Người phỏng vấn tôi lần thứ 2 là một thanh niên Việt Nam, cậu ấy không hỏi trong bài, trong khi tôi học bài rất kỹ, mà cậu ấy toàn hỏi những câu mông lung ở ngoài làm tôi không hiểu gì hết. Cậu hỏi nhiều mà tôi thì quá sợ hãi vì mình chưa từng học qua điều này, nên tôi hoảng và càng hoảng hơn. Cuối cùng cậu ấy đánh rớt tôi.

Thưa cô cùng quí độc giả, tôi sinh năm 1958, qua Mỹ được 6 năm. Tôi phải làm gì khi bị từ chối vì tiếng Anh kém. Xin cô Nguyệt Nga và quí độc giả giúp tôi ý kiến, tôi rất mang ơn.

Cầu mong ơn lành đến với mọi người.

Phương

*Góp ý của độc giả

-Quốc Thi

Cô Phương thi quốc tịch: xin chia buồn với cô, nhưng rớt quốc tịch đâu phải là gì quá ghê gớm ngoài việc mất khoảng 1 ngàn đồng để đăng ký thi? Thua keo này, bày keo khác cô nhé vì rớt quốc tịch chẳng chết ai cả. Tôi nghĩ những gì cô cần làm là: Tiếp tục ôn luyện các câu hỏi thi, lên youtube xem mấy cái video clip phỏng vấn thi quốc tịch để tự tin hơn và tiếp tục đăng ký thi tiếp. Nếu lần tới mà gặp lại cậu thanh niên đó nữa thì cứ mạnh dạn xin được đổi người phỏng vấn. Chúc cô vui và may mắn lần sau!

-NB

Để đậu kỳ thi quốc tịch thí sinh phải pass cả hai phần:

1) The test of English phải nghe, hiểu, nói, đọc, viết tương đối ổn.

2) The test of U.S. history and government: phải trả lời đúng khoảng 3-4 câu hỏi (được trích từ 100 câu gợi ý họ đã cho mình biết trước.

Phần 2 thường dễ pass vì mình có thể học thuộc lòng tương đối dễ dàng.

Riêng phần 1 English mới là phần làm khó thí sinh vì yêu cầu tối thiểu cho một công dân Mỹ là phải biết tiếng Anh, nghĩa là khi nghe một câu tiếng Anh mình phải hiểu và có thể trả lời được.

Chị bị rớt kỳ thi lần 2 vì tiếng Anh không đạt, chị không trả lời được những câu hỏi ngoài bài. Theo tôi nghĩ việc người phỏng vấn chị hôm đó không hỏi chị những câu có trong 100 câu gợi ý có thể vì cậu ấy nghĩ rằng với một thí sinh hơi lớn tuổi, việc phải nắm vững những vấn đề liên quan đến lịch sử, xã hội, chính trị không thật sự cần thiết lắm, điều cần là phải làm sao thích nghi được với cuộc sống đời thường, có thể giao dịch được với mọi người. Hoặc cũng có thể cậu ấy thấy chị thi lần thứ hai có lẽ đã thuộc 100 câu rồi nên không cần phải test lại làm gì. Tuy nhiên người phỏng vấn có toàn quyền hỏi bất cứ vấn đề gì mà không có giới hạn.

Chị rớt hai kỳ thi rồi nên sẽ phải làm lại từ đầu giống như thí sinh mới, phải nộp đơn dự thi với đủ mọi thủ tục và đóng lệ phí lại. Có điều rút kinh nghiệm thất bại hai kỳ thi vừa rồi chị phải chuẩn bị kỹ hơn. Trong hồ sơ nộp xin dự thi, chị cần đặc biệt chú ý bộ N-400. Hãy đọc thật kỹ câu hỏi, suy nghĩ kỹ càng rồi mới hạ bút trả lời thật ngắn gọn, rõ ràng, chính xác. Sau đó copy lại, giữ bản copy làm tài liệu học thuộc lòng. Điều này sẽ giúp ích cho chị khi đi thi vì nhiều phần người phỏng vấn sẽ hỏi những câu có liên quan với những gì chị đã khai trong N-400, câu trả lời phải giống như đã khai. Đồng thời chị cũng phải ôn lại 100 câu cho nhuần nhuyễn.

Nếu có thể thu xếp thời gian, tốt nhất chị nên ghi tên tham dự một lớp luyện thi quốc tịch miễn phí, được tổ chức ở rất nhiều nơi (như ở Hội cộng đồng người Việt trên đường West First). Khi tham dự lớp học đó, thầy giáo và bạn học (cũng có những người lớn tuổi) sẽ giúp rất nhiều cách học, thực tập, kinh nghiệm khi đi thi.

Chị đừng mất bình tĩnh, tự ti, vội vã chạy nước rút. Hãy chuẩn bị kỹ lưỡng, nếu cần hãy hỏi ý kiến từ thầy giáo, nếu ổn rồi mới nộp đơn dự thi. Ngày đi thi với trang phục gọn gàng, lịch sự; tác phong nhanh nhẹn, tự tin, vui vẻ; mở lời chào thông thường ngay khi vừa gặp người sẽ phỏng vấn mình, chắc chắn chị sẽ gây ấn tượng tốt với người phỏng vấn và sẽ nhiều may mắn hơn.

Chúc chị nhiều sức khỏe, may mắn và thành công trong kỳ thi quốc tịch tới.

*Vấn đề mới

Thưa cô vợ chồng cháu năm nay 40 tuổi, sắp đi định cư ở Mỹ theo diện anh em, do người em trai bảo lãnh. Vợ chồng cháu không có con, nên có nuôi hai con chó, mà đối với chúng cháu, nó như con của mình. Nhất là vợ cháu đang bị bệnh nan y, không biết có phải nhờ có hai con chó, mà cô ấy hồi phục rất nhanh không.

Vấn đề ăn ở, em cháu đã lo tất cả, nhờ nhà rộng nên vợ chồng đứa em không ngại khi cho tụi cháu ở chung cho đến khi tụi cháu vững vàng để có thể ra riêng. Cháu biết là em cháu đã hy sinh nhiều để tạo điều kiện thuận lợi cho tụi cháu. Gia đình đang từng ngày từng giờ trông chờ vợ chồng cháu qua.

Mọi sự đều rất thuận tiện, chỉ có khi cháu đề cập đến hai con chó thì cháu không được sự đồng tình của vợ chồng người em cũng như mẹ cháu. Mẹ cháu nhắc lại cái thời anh em chúng cháu còn nhỏ, đã nuôi chó như thế nào, tụi cháu lúc ấy đi học cả ngày, chỉ chiều về nựng nịu một tí rồi giao hết cho mẹ, tắm rửa, cắt lông, cho ăn, dọn vệ sinh. Sau khi em cháu qua Mỹ, em cháu lại tiếp tục tha về lần lượt 5 con, và cũng như hồi ở Việt Nam, em cháu bận học, chỉ khi nào rảnh mới nựng nịu đôi chút, còn tất tần tật mẹ cháu phải lo. Em cháu lại ngủ với nó, nên mẹ cháu phải tắm hằng ngày cho chó vì sợ dơ. Đến khi con thứ nhất chạy ra đường bị xe cán chết, tinh thần em cháu gần như kiệt quệ. Mẹ cháu phải đi lùng mua con khác thế vào, giá dạo ấy $600/con trong khi mẹ cháu đi giữ trẻ cả tháng chỉ có vài trăm bạc. Rồi thì do lí do này lí do nọ, mà tiếp tục có con thứ 3, 4 rồi 5. Mẹ cháu càng ngày càng cực hơn, đến khi nó già bệnh, ghẻ lỡ, mẹ cháu phải tắm, xức thuốc, cắt lông… cực trăm bề. Từ đó mẹ cháu ghét cay ghét đắng chó, Mẹ thề nếu tất cả những con này chết đi thì sẽ không bao giờ mẹ chấp nhận thêm một con nào vào chung nhà với mẹ.

Nay hai vợ chồng cháu không có con, thương hai con chó như con của mình, là niềm vui của vợ cháu. Cháu có thưa với mẹ, tụi cháu sẽ đi share phòng, nhưng mẹ cháu nói, ở Mỹ kiếm cái nhà cho nuôi chó để mà share, còn khó hơn tìm kim đáy giếng. Cháu có đề nghị mua một cái trailer hoặc một cái kho, để ngoài vườn, vợ chồng cháu và hai con chó sẽ sống trong đó. Cháu đưa ra biết bao đề nghị, nhưng đề nghị nào cũng gặp trở ngại. Căn bản là những đề nghị của cháu không hợp với tình trạng, luật lệ… của Mỹ. Suốt cả mấy tuần nay vợ chồng cháu và gia đình người em bên Mỹ bàn tới tính lui vẫn không sao có giải pháp hợp tình cảnh của gia đình.

Thưa cô Nguyệt Nga, cháu muốn xin một lời khuyên để có thể ổn thỏa đôi bên.

PhamThai.

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi: [email protected]

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với đề tài “Ghi nhận những nỗ lực của con”(Phần 1)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT