Thursday, March 28, 2024

Những nguy cơ gây ra ung thư

Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh

LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com.

Ung thư là lý do thứ nhì gây ra tử vong, chỉ đứng sau bệnh tim mạch.

Về cơ bản, các tế bào trong cơ thể thường xuyên phân chia, sinh sản, để tái tạo. Qua mỗi lần phân chia, sao chép như thế, tuy rằng đa số cấu trúc về DNA được giữ bình thường, tuy nhiên, vẫn không tránh khỏi những lỗi nhỏ xảy ra. Nếu những lỗi đó xảy ra trong vùng lặng của chuỗi DNA thì không có tác hại trầm trọng. Cũng may những bất thường xảy ra trong vùng động của DNA cũng ít gây ra hậu quả tai hại, chỉ trừ một số trường hợp. Một khi lỗi lầm trong khi sao chép DNA khiến tế bào sinh sản bất thường, tình trạng nầy gọi là ung thư. Tệ hại ở đây, một khi ung thư phát tác, chúng phát triển rất nhanh, rất thầm lặng, lây lan ra khắp cùng cơ thể, cho đến khi quá trễ.

Theo xác suất thống kê thì, ung thư xảy ra theo khuôn mẫu xổ số, nghĩa là, hên xui may rủi, trời kêu ai nấy chịu, những biến đổi như kiểu tai nạn, sự cố xảy ra trong suốt cuộc đời. Một số ca ung thư khác phát sinh cũng nằm ngoài vòng kiểm soát hay ngăn ngừa vì chúng tùy thuộc vào yếu tố di truyền, truyền qua từ thế hệ nầy đến thế hệ sau. Nhưng, nhiều tác động của môi trường, cách ăn uống, lề lối sống cũng là những nguy cơ gây ra ung thư, mà, chúng ta có thể giảm bớt.

Sau đây là những nguy cơ mà theo nhiều nghiên cứu cho biết có liên hệ đến ung thư.

1. Đường, chất ngọt

Ăn nhiều đồ ngọt, ai cũng biết, làm tăng cân, béo phì, tăng bệnh tiểu đường, nhưng thêm vào đó, đường làm hư hại tế bào và tăng nguy cơ bị ung thư. Ngoài ra, các tế bào ung thư sống nhờ đường như cỏ mọc xanh tươi nhờ phân bón.

2. Thức ăn chế biến, đóng hộp, bao bì

Tất cả những loại thứ ăn đóng hộp, gói trong bao bì, với những hóa chất dùng để giữ cho thực phẫm không hư qua năm tháng, và chính những hóa chất đó tăng nguy cơ bị ung thư. Người ta nghi ngờ chính những lọ plastic, bao bì nylon khi tương tác với hóa chất cũng ảnh hưởng đến sự phân chia của tế bào.

3. Các loại thực phẩm biến chế như mỡ thịt sườn (bacon), thịt heo muối (ham) và thịt xúc xích (sausage)

Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO các loại thịt trên đây có thể gây ra ung thư, nhất là ung thư ruột già và hậu môn. Rất có thể vì các loại hóa chất được sử dụng để cho thực phẩm lâu hư.

(Hình minh họa: Getty Images)

4. Hút thuốc lá

Khói thuốc tăng nguy cơ ung thư không những cho người hút thuốc mà cả những người chung quanh. Trong thuốc lá, có tối thiểu 70 loại hóa chất được biết có thể gây ra ung thư.

5. Nghiện rượu

Uống nhiều rượu mạnh làm tăng nguy cơ bị ung thư cổ họng, ung thư gan, ung thư vú, và ung thư ruột già.

6. Làm việc với hóa chất

Những công nhân làm việc trong các hãng biến chế đồ nhôm, thợ sơn, công nhân bảo quản tráng nhựa đường, công nhân hãng cao su, thợ uốn tóc, công nhân làm nail, và cả những người làm ca đêm đều có nguy cơ bị ung thư tăng cao.

7. Thịt nướng

Thịt nướng hay thịt cá hun khói, ăn thì thơm ngon, nhưng nếu ăn nhiều thì nguy cơ bị ung thư cũng tăng theo. Lý do vì thịt có chứa nhiều chất heterocyclic amines, hay HCAs, và polycyclic aromatic hydrocarbons, còn gọi là PAHs. Những chất nầy khi bị nướng cháy trên lửa, bốc cháy và thấm vào thịt. Thật ra thì chưa có bằng chứng trực tiếp là các chất nầy có gây ra ung thư hay không, nhưng dựa theo quan sát thống kê thì có thể có mối liên hệ. Trong phòng thí nghiệm cho thấy các chất nầy làm thay đổi cấu trúc của DNA.

8. Cá muối khô và thực phẩm lên men, dưa muối

Theo Trung Tâm Nghiên Cứu về Ung Thư của Anh Quốc, dân cư gốc Trung Quốc sống ở Anh, có nguy cơ bị ung thư về đầu và cổ, ung thư thực quản và cuống họng, ung thư dạ dày tăng cao có thể vì liên hệ đến tiêu thụ các loại thực phẩm trên đây.

9. Ô nhiễm bụi khói (smog), than đá, khói từ xe chạy dầu diesel

Tất cả các loại ô nhiễm trên đây, kể luôn ô nhiễm bầu khí quyển đều tăng xác suất bị ung thư.

10. Các loại chai lọ bằng nhựa

Chất BPA thật ra là một hóa chất có cấu trúc tương tự như hormone phụ nữ estrogen. Chất BPA được dùng để chế biến các đồ nhựa, gọi là plastics. Khi uống nước từ những chai nhựa, chất BPA có thể tham nhập vào cơ thể. Không những thế, ô nhiễm môi trường xảy ra khi những chai lọ nầy bị phóng uế bừa bãi, cuối cùng lại chạy ngược vào nguồn nước uống, trở lại trong cơ thể con người. Người ta nghi ngờ có mối liên hệ giữa ô nhiễm môi trường vì BPA và chất lượng tinh trùng của đàn ông tuột giảm trong vòng 50 năm qua. BPA còn được biết làm tăng nguy cơ bị ung thư nhiếp hộ tuyến, prostate cancer.

11. Siêu vi virus

Một số virus như human papillomavirus (HPV), gây ra ung thư cổ tử cung. Virus gây ra viêm gan B và C tăng nguy cơ bị ung thư gan. Virus Epstein-Barr gây ra ung thư bạch huyết lymphoma. Ngoài ra vi khuẩn H. pylori gây ra loét bao tử và ung thư bao tử.

12. Chất Acrylamide

Chất nầy sanh ra khi đồ ăn đồ ăn có chất tinh bột được nướng với nhiệt độ cao, thí dụ như bánh mì nướng, cà phê, bánh ngọt… Trên lý thuyết, chất nầy tăng nguy cơ bị ung thư trong loài vật. Gần đây tiểu bang California đã buộc công ty Starbucks phải thông báo cho khách hàng về nguy cơ bị ung thư khi uống cà phê. Tuy nhiên, trên thực tế, nguy cơ nầy rất ít, uống một ly cà phê, ăn vài mẩu bánh mì nướng thì cũng chả hại gì.

Nói chung, yếu tố di truyền thí dụ như ung thư vú khi trong gia đình có gene BRCA, và những đột biến về gene DNA là lý do chính gây ra ung thư. Những đột biến gene có thể là ngẫu nhiên, nhưng cũng có thể là là do yếu tố môi trường, thực phẩm, nề nếp sống cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư. So ra, trên 95% chúng ta rất may mắn là không bị ung thư, tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta liều mạng. Nếu làm được một điều gì đó để ngăn ngừa thì nên thay đổi càng sớm càng tốt. Đừng để quá trễ, lại nuối tiếc về sau: “Phải chi…”

Mời độc giả xem chương trình “Người Việt bếp Việt” với cách làm đậu phộng xào mắm tỏi

MỚI CẬP NHẬT