Phụ Nữ

Nồi da xáo thịt

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: conguyetnga@gmail.com.

Thưa cô, vợ chồng tôi có 5 con, chúng tôi nghèo, hai đứa con lớn có gia đình nhưng không sao ra riêng được, mà cứ chen chúc ở chung với bố mẹ trên mảnh vườn hương hỏa của ông bà để lại.

Rồi thì phong trào đi lao động nước ngoài rộ lên, vợ chồng tôi tom góp và mượn quanh quất lo được cho đứa con trai út qua Nhật làm công nhân. Cháu út chăm chỉ cần mẫn, hàng tháng gửi về cho gia đình đều đặn tiền lương cháu kiếm được. Tội nghiệp cháu, nó nói nghe thì đang ở Nhật, mà nó có biết Nhật là cái gì, nó chỉ quanh quẩn trong nhà máy, giấy tờ bị người ta giữ vì họ sợ mình trốn, làm lụng rất cực khổ, ngày hơn 14 tiếng đồng hồ.

Nhờ tiền cháu út gửi về, chúng tôi sửa sang nhà cửa khang trang, nợ nần cũng trang trải hết. Vì cả nhà nhờ vảo cháu út mà cuộc sống đỡ khổ hơn rất nhiều. Chồng tôi hay dặn dò các con, phải biết mình sống sung sướng ngày nay là nhờ mồ hôi nước mắt của em các con, nên các con phải luôn luôn thương mà nhớ đến cái ơn hy sinh của em. Mấy đứa con vâng vâng dạ dạ.

Trong nhà, chồng tôi treo rất nhiều hình thằng út chụp ở Nhật, thư từ nó gửi thì cất một ngăn tủ riêng, và cứ hay mở ra đọc lại. Trong 10 bữa ăn thì hết 9 nói chuyện thằng út, Út thế này út thế kia… lại hay la các con còn lại sao chẳng đứa nào được như nó. Nói cho ngay, nhiều lúc tôi cũng bực mình, và thấy thương cho những đứa con nghèo đói còn lại của mình. Nếu tôi có can ngăn chồng tôi bớt nhắc đến con út thì chồng tôi mắng, nó giỏi thì nói nó giỏi cho mấy đứa kia làm gương, tôi đâu có bịa chuyện đâu. Tụi nó đang ăn cơm của ai, đang mặc đồ của ai, phải biết nhớ ơn chứ.

Nói hoài không được, chỉ thêm gây nhau, nên tôi thôi không bàn đến nữa.

Mới đây tôi nghe đứa con gái áp út kể lại rằng, mấy anh nói ba mà chết rồi, thằng út về đây là mấy anh sẽ giết nó.

Thưa cô, nồi da xáo thịt rồi, tôi chưa nói lại với chồng tôi, vì tôi sợ, tôi mà nói ra thì ổng tống cổ hết cả đám ra khỏi nhà. Thưa cô tôi thật xót lòng đau dạ.

Cô Mới

*Góp ý của độc giả

-Ollie

Cô Mới ơi, cô bớt lo đi, lo chi nhiều quá những chuyện chưa tới. Anh em với nhau bộ nói giết là giết thiệt sao? Con cái của vợ chồng cô sanh ra, cô phải hiểu tụi nó nhiều chứ. Bố mẹ không phải thuộc hạng người không tình không nghĩa, thì con của vợ chồng cô cũng không tới nổi đã không biết mang ơn trả ơn mà còn lại gây thêm thù thêm oán đâu.

Chuyện không dễ sợ như cô tưởng tượng, đừng lo quá.

Còn vấn đề chồng của cô, theo tui nghĩ thôi nha, có lẽ ổng thấy áy náy trong lòng nên mới vậy. Là phận bố mẹ không lo được cho con cái lại để cái thằng út nhất gánh vác công việc trả nợ và nuôi cả gia đình trong khi mọi người đều thảnh thơi để hưởng còn nó thì cơ cực nơi xứ lạ cho nên chuyện ổng làm cũng là chuyện bình thường thôi. Nếu ổng thấy cả nhà không ai nhắc tới thằng út thì ổng lại muốn nhắc để mọi người đừng quên công lao của nó vậy mà. Làm phận cha, không gánh vác đỡ cho công việc của con út đang làm thì bây giờ nhắc nhở những đứa khác những câu như vậy đối với ổng có lẽ nó làm cho ổng được nhẹ nhàng 1 chút. Cô nói với mấy đứa con của cô thông cảm cho ổng một chút đi.

-NB

Đọc thư chị tôi hình dung ra thực trạng của gia đình chị hiện nay. Đây cũng là điều thường thấy ở nhiều gia đình khác tại Việt Nam, những gia đình có 1-2 người đi hợp tác lao động hoặc định cư ở nước ngoài. Những người đi này được áp đặt hoặc tự nguyện nhận trách nhiệm giúp đỡ tài chánh cho toàn bộ những người còn lại trong gia đình mình. Điều này gây áp lực rất lớn cho người đi. Họ luôn cảm thấy căng thẳng phải tận lực làm việc và hy sinh cuộc sống của riêng mình. Mệt mỏi, buồn chán, một ngày trôi qua với họ chỉ là dốc sức làm việc, không nghỉ ngơi, tiêu xài, hưởng thụ cho mình. Tất cả chỉ nhằm mục đích kiếm được càng nhiều tiền càng tốt để gửi về Việt Nam đáp ứng lòng mong đợi của cha mẹ, anh chị em mình.

Còn với người ở lại thì sao? Nhiều người thấu hiểu gánh nặng và nỗi lòng của người đi, họ biết ơn và dựa vào những giúp đỡ ban đầu đó để cố gắng vươn lên tự lực cánh sinh lo cho cuộc sống chính mình, giảm bớt gánh nặng cho thân nhân mình. Đây là những gia đình có suy nghĩ và hành động tích cực.

Tuy nhiên tôi đã thấy có những gia đình đông cả hai chục người vì có trợ cấp từ nước ngoài nên họ sống thoải mái, không bận tâm làm việc kiếm tiền, không cần tiết kiệm, họ ăn chơi, bài bạc hưởng thụ, họ nghĩ nguồn trợ cấp là đương nhiên và vô hạn. Thậm chí khi tiền gửi về chậm trễ họ đi vay nóng tiêu xài trước, nợ sẽ trả sau. Đây là những gia đình có suy nghĩ và lối sống ích kỷ, không có trách nhiệm, chỉ biết dựa dẫm vào người khác.

Con út của anh chị thật là một người con hiếu thảo, cháu đã toàn tâm toàn ý lo toan cho gia đình mình. Anh chị thương con vất vả, thấy mình là cha mẹ mà không thể đứng ra lo liệu, phải nhờ cậy vào con út giúp đỡ, nên muốn nhắc nhở cả nhà phải biết ơn và thần phục người em út này. Suy nghĩ của anh chị không sai nhưng cách thể hiện không được tế nhị lắm. Chính thái độ luôn nhắc nhở và ca ngợi của người cha đối với em mình vô hình chung đã tạo nên suy nghĩ tự ti, đố kị, ganh ghét giữa anh chị em trong nhà. Họ thấy mình kém cỏi, vô giá trị trong mắt cha mình, từ đó phát sinh ra tâm trạng yếm thế, bất mãn trong gia đình.

Để giữ được hòa khí, giữ được tình thương trong gia đình, chị hãy khéo léo, mềm mỏng góp ý với anh thay vì chỉ nhớ đến những hy sinh, vất vả của con út theo cách thụ động thông qua suy nghĩ biết ơn là đủ. Hãy biến sự biết ơn thành hành động cụ thể. Nhà đã sửa chữa, nợ đã trả xong, những khó khăn trong gia đình phần nào đã được giải quyết, anh chị hãy chọn một ngày thích hợp để họp mặt cả gia đình, nói rõ cụ thể tình hình tài chánh cho mọi người cùng biết. Hãy cho con út biết là gia đình rất biết ơn về sự hy sinh của cháu, bây giờ gia đình đã tạm ổn cháu có thể yên tâm giữ lại phần nào tiền kiếm được lo cho cuộc sống của mình được tốt hơn, xây dựng tương lai lâu dài sau này.

Riêng gia đình chị, từ số tiền được gửi về, thay vì chỉ dùng để tiêu xài thoải mái, anh chị hãy suy nghĩ kiếm ra công việc nào đó mà cả nhà có thể cùng chung tay siêng năng làm việc sinh lợi. Cả nhà sẽ thấy gắn bó hơn, sẽ sống có trách nhiệm với gia đình hơn, và trên hết sẽ cảm nhận được tấm lòng của em út mình một cách cụ thể. Từ đó tình thương yêu trong gia đình sẽ được lan tỏa mạnh mẽ.

Chúc chị thành công trong việc kết nối mọi thành viên trong gia đình lại với nhau được tốt đẹp.

*Vấn đề mới:

Thưa cô, tôi là bà nội nuôi cháu. Con dâu tôi bị tai nạn mất khi cháu 15 tuổi. Con trai sau đó đưa con về ở chung với vợ chồng tôi. Con trai tôi xuống tinh thần sau cái chết của vợ, nó đắm mình trong rượu và gái, tôi thương con cháu xót xa lòng. Hằng ngày chỉ biết lấy chai rượu đổ bớt đi để bớt lượng rượu vào người con. Thằng cháu nội vì cũng đã lớn nên hiểu từ đây nó không còn mẹ. Nó ít nói và bỏ ăn, ngoài giờ đến lớp nó suốt ngày ở miết trong phòng. Gia đình tôi như địa ngục trần gian.

Người ta nói thời gian là liều thuốc mầu nhiệm, nhưng tôi có thấy đâu sự mầu nhiệm đó. Càng ngày càng tệ, con trai tôi thì hết tha cô này về đến tha cô khác về, phòng nó có cửa riêng để ra vườn, thế là nó tự do đưa người cửa trước rước người cửa sau. Nó chẳng ngó ngàng gì đến con cái, cứ để thằng bé sống như cỏ cây.

Rồi thì chuyện đến phải đến, một hôm cảnh sát gọi đến nhà báo cho biết thằng cháu mồ côi, bị bắt vì liên quan đến ma túy. Nghe tin ấy cha nó đi suốt mấy đêm không về, vợ chồng tôi thì già rồi, chẳng biết đường mô mà mò. Một tháng thì police thả cháu nội tôi về. Về nhà, nó lầm lì không nói không rằng. Ngày xưa vốn ít nói, nay nó hầu như không mở miệng, nó cứ như một người câm. Tôi buồn quá không biết sao trời lại giáng đòn nặng như vậy xuống gia đình tôi.

Chuyện này vừa xong, một hôm, thằng cháu dẫn về một cô bạn gái, nhìn cách ăn mặc tôi đoán chừng cũng là tay anh chị. Không biết hai đứa lời qua tiếng lại sao đó, khi tôi chạy ra thì cô gái nằm dưới đất, khóc bù lu bù loa, tay cầm điện thoại gọi police. Khi police đến, cô ấy chỉ chỏ, tôi hiểu mò rằng thằng cháu đã đánh cô và giựt dây chuyền của cô… Cháu tôi bị còng tay dẫn đi.

Sau đấy chúng tôi nhận được giấy thông báo, cháu tôi bị trục xuất về Việt Nam vì tội cướp của và có tiền án ma túy trước đó. Cháu tôi kể rằng, khi cảnh sát nói nếu nhận tội thì ký vào giấy trục xuất, còn không thì vô tù. Cháu tôi sợ bị tù nên ký tên vào giấy trục xuất.

Thằng con trai bỏ đi luôn cả tháng nay không về. Cháu tôi thì chờ ngày bị trục xuất.

Dạ thưa cô, tôi phải làm gì để cứu cháu tôi. Ở Việt Nam cháu còn ông bà ngoại, nhưng ông bà đều đã quá già và quá nghèo. Cháu tôi chưa có quốc tịch.

Thắm Lê

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi về: Biết tỏ cùng ai 14771 Moran Street. Westminster, CA 92683, hoặc conguyetnga@gmail.com

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút phía góc phải bên dưới của khung video.
Disqus Comments Loading...
Share

Recent Posts

  • Việt Nam

Sài Gòn sắp có đường Lê Đức Anh, giả bộ hỏi ý dân

Ba ông Lê Đức Thọ, Lê Duẩn và Lê Đức Anh bị mô tả là…

1 min ago
  • Việt Nam

Ông cao niên Việt kiều Mỹ chết ở Sài Gòn, hơn 3 tháng chưa khai tử được

Ông Việt kiều Mỹ, 74 tuổi, chết hồi trung tuần Tháng Giêng tại Sài Gòn,…

11 mins ago
  • Thế Giới

Hamas: Sẽ buông súng khi một nhà nước Palestine độc lập được dựng lên

Một giới chức cao cấp Hamas nói với thông tấn xã AP rằng nhóm Hồi…

14 mins ago
  • Sài Gòn Nhỏ

Một sự tình cờ…

Bút ký của Nam Lộc Hôm nay là ngày 25 Tháng Tư. Vào ngày này,…

17 mins ago
  • Hoa Kỳ

Từ Đông sang Tây, sinh viên Mỹ biểu tình ủng hộ Palestine trước mùa lễ ra trường

Rất nhiều trường đại học trên khắp Hoa Kỳ chứng kiến số lượng sinh viên…

24 mins ago
  • Đời Sống

Ritz tặng vàng 24k nhân dịp ra mắt bánh quy bơ mới

Thương hiệu bánh Ritz Crackers sắp giới thiệu món bánh quy bơ "Buttery-er Flavored Crackers"…

44 mins ago

This website uses cookies.