Friday, March 29, 2024

Uống rượu bị đỏ mặt và ung thư

Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh

LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com.

1. Tại sao ghiền rượu dễ bị ung thư, nhất là ung thư gan?

Một nghiên cứu mới nhất đăng trên tờ báo Nature hôm tuần rồi cho biết, rượu gây ra những hư hại về cấu trúc của DNA, nhất là trong tế bào gốc. Không những thế, những người uống rượu bị đỏ mặt, nguy cơ bị ung thư còn cao hơn nhiều lần.

Trước hết, hãy lượt sơ về chứng uống rượu bị đỏ mặt, gọi là Asian flush.

Trên 80% người Á Châu trong có có người Việt Nam, khi uống rượu bị đỏ mặt, hay đỏ toàn bộ da trên cơ thể, có khi bị ngứa ngáy. Đây thật ra là một sự dị ứng với rượu, do cơ thể thiếu một chất xúc tác để tiêu hóa rượu được mau chóng. Do sự biến thể của một gene di truyền, đa số người Á Châu thiếu chất alcohol dehydrogenase 2 (ALDH2), khiến cho rượu không tiêu hóa được và làm tăng chất acetaldehyde, là một chất trung gian trong quy trình tiêu hóa rượu. Nói cho dễ hiểu, acetaldehyde có cấu trúc hóa học tương tự như thuốc ngâm xác chết, gọi là formaldehyde.

Người uống rượu bị khuyết tật về gene di truyền nầy hầu hết xuất phát từ gốc người Hán, và lan truyền ra khắp Châu Á, rồi cùng khắp thế giới, kể cả thổ dân da đỏ và người Nam Mỹ. Nồng độ chất acetaldehyde tăng cao gấp 40 đến 100 lần khi uống rượu, gây ra các phản ứng như đỏ da, tim đập nhanh, khó thở, nhức đầu, mắt lòa, và trí óc mù mờ lú lẫn. Như thế, khi uống rượu bị đỏ mặt, là dấu hiệu của một sự ngộ độc.

Theo cơ quan y tế thế giới WHO, uống rượu làm tăng nguy cơ bị ung thư cổ họng và thực quản, ung thư gan, ung thư ruột già và hậu môn, và ung thư vú. Đó là nguy cơ trung bình khi uống rượu, riêng những người uống rượu dễ bị đỏ mặt, nguy cơ tăng gấp 10 lần.

Cơ thể của chúng ta có khả năng tự sửa chữa những hư hại của DNA. Tuy nhiên chất acetaldehyde trực tiếp phá hoại DNA đến mức độ không thể cứu rỗi được, qua sự trực tiếp tác động lên tế bào gốc trong tiến trình sao chép DNA. Một trong những lý do khiến hệ thống đường ruột và lá gan dễ bị ung thư vì các tế bào của hệ thống tiêu hóa thường xuyên sanh sản tái tạo từ tế bào gốc, cũng như tế bào vú cũng chứa nhiều tế bào gốc.

Thêm vào đó người Việt Nam, do tỉ số bị viêm gan B và C rất cao, gan đã yếu, bị hư hại, khi uống rượu, khả năng bị ung thư gan tăng cao nhiều lần.

Người xưa thường nói, “nam vô tửu như kỳ vô phong”, và những người uống rượu bị đỏ mặt là những người quân tử, thật thà trung hậu. Theo tôi thì, thà treo cờ rũ, và tránh làm quân tử Tàu, chắc sẽ sống lâu hơn.

2.Thuốc Tylenol (acetaminophen) có thật sự an toàn để uống trong khi mang thai hay không?

Gần 70% phụ nữ mang thai ở Mỹ sử dụng thuốc Tylenol để trị đau nhức, cảm cúm, hay bị sốt. So với các thuốc trị đau nhức khác, Tylenol có lẽ an toàn hơn. Tuy nhiên một số nghiên cứu mới nhất, nêu lên những câu hỏi cần phải lưu tâm.

Nghi vấn thứ nhất, thuốc Tylenol có thể đưa đến tình trạng trẻ em bị chứng mất tập trung tư tưởng, gọi là Attention deficit hyperactivity disorder (ADHD). ADHD là một rối loạn về tâm thần, khiến bệnh nhân khó tập trung tư tưởng, khó ngồi yên một chỗ, khiến trẻ em không học hành gì được, khó khăn tiếp thu kiến thức.

Thuốc Tylenol (acetaminophen) có thật sự an toàn để uống trong khi mang thai hay không? (Hình minh họa: Scott Olson/Getty Images)

Tháng 10/2017, một nghiên cứu đăng trên tờ báo y khoa Pediatrics, cho biết trong số 100,000 phụ nữ, chỉ cần uống Tylenol trong vòng 7 ngày, nguy cơ sanh ra em bé bị ADHD sẽ tăng cao. Nếu dùng thuốc trong vòng một tháng, nguy cơ ấy tăng lên gấp đôi.

Một nghiên cứu khác trong năm 2016, từ các trường Đại Học University of Bristol và Cardiff University bên Anh Quốc, cũng đưa ra những quan sát tương tự, bất kể thời gian sử dụng thuốc trong khi mang thai.

Nghi vấn thứ hai, sử dụng thuốc Tylenol trong khi mang thai có thể gây ra hiếm muộn cho bé trai lẫn bé gái và sẽ kéo dài qua nhiều thế hệ.

Các nghiên cứu trên loài chuột từ trường Đại Học University of Edinburgh, cho thấy, khi chuột mẹ mang thai uống thuốc Tylenol thì lượng hormone testosterone trong chuột đực con giảm đi còn một nửa. Một nghiên cứu khác cách đây hai tuần, cho thấy, thuốc Tylenol  làm cho buồng trứng của chuột cái thế hệ sau bị sớm suy nhược   tương tự như tình trạng nghỉ kinh sớm trong con người gọi là premature ovarian insufficiency.

Không những thế, tình trạng yếu sinh lý này kéo dài qua nhiều thế hệ sau, cho dù không còn chịu ảnh hưởng trực tiếp của thuốc Tylenol.

Nghi vấn thứ ba, thuốc Tylenol dùng khi mang thai có thể làm cho trẻ con chậm nói, chậm phát triển về ngôn ngữ.

Một nghiên cứu trong tháng nầy, đăng trên báo y khoa European Psychiatry, từ trường Đại Học Y Khoa Icahn School of Medicine at Mount Sinai in New York City, New York, cho thấy phụ nữ dùng thuốc Tylenol trong khi mang thai, khoảng 8 đến 13 tuần thai, 10% trẻ em sẽ bị chậm biết nói, kéo dài cho đến gần 30 tháng tuổi. Và, nếu người mẹ uống thuốc Tylenol cho dù chỉ có 6 viên trong 3 tháng đầu tiên, khả năng sanh bé gái bị chậm biết nói, chậm phát triển về ngôn ngữ, tăng lên gấp 6 lần.

Như thế thì, thuốc Tylenol có an toàn trong khi mang thai hay không? Cho đến nay, cơ quan FDA vẫn còn trù trừ chưa đưa ra một khuyến cáo nào chính thức cả. Lý do vì, thuốc Tylenol so ra vẫn còn an toàn hơn các thuốc khác trong nhóm NSAIDs, dùng để trị đau, trị sốt. Không uống Tylenol thì uống gì bây giờ?

Trong khi chờ đợi, phụ nữ đang mang thai nên cẩn thận, hạn chế uống thuốc Tylenol. Có lẽ, nên trở lại xoa bóp bằng dầu gió, hay dầu khuynh diệp, nhị thiên đường để giảm đau nhức và chỉ nên uống thuốc asprin, là loại thuốc ít phản ứng phụ nhiều nhất.

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Nấu chè đậu trắng bằng đậu hộp”

MỚI CẬP NHẬT