Thursday, March 28, 2024

‘Con Ngọc thương bác Thảo nhiều’

Bích Ngọc

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

(Viết cho bác Thảo vào chiều Thứ Sáu cuối tuần)

Ngày còn bé, tôi thường theo bà ngoại, lúc sang thì ngồi xích lô, hà tiện thì hai bà cháu đi xe lam từ Tân Định lên Sài Gòn ghé thăm hai con gái của bà, là bác Thảo và bác Út.

Bác Thảo là con gái thứ hai của bà, trong mắt tôi, bác đẹp nhất trong ba người con gái của bà. Tôi ngắm khuôn mặt trái xoan, cánh mũi cao thanh thanh, bác đẹp thanh thoát và nói chuyện giọng thật nhẹ nhàng.

Sau năm 1975, đời sống xã hội rơi vào bi thương, cùng cực, cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Gia đình nào cũng nhào ra đường kiếm cái ăn, cái mặc. Lúc ấy mỗi lần tôi theo chân bà ngoại ghé thăm, tôi thường chạy lúp xúp theo sau chị Thu giúp bác làm công chuyện. Hai chị em tôi hè nhau phụ bác còng lưng đẩy nước chất trên chiếc xe thồ, nào có thấy cực khổ hay nghe tiếng thở mệt của bác hay giọt mồ hôi ướt đẫm khuôn mặt, ướt cả chiếc áo bà ba đã sờn. Chị Thu và tôi hay cười vang khi nước sóng sánh văng ướt mặt. Tuổi thơ ngây thơ và dễ thương là thế! Lần nào bác cũng cười vui mắng yêu hai chị em.

Bác đẹp nên đẻ đàn con đẹp như tiên đồng, ngọc nữ. Mỗi người một vẻ.

Có muôn vàn câu chuyện thời xa xưa mà tôi được diễm phúc nghe bà ngoại kể khi chinh chiến lan tràn khắp nước Việt, hết giặc Nhật, giặc Pháp rồi Việt Minh.

Bà bồng bế con chạy loạn giặc từ Bắc vào Nam, bà gồng gánh dăm ba ký gạo, vơ vội vài bộ đồ. Với tôi, hình ảnh đẹp nhất vẫn là đến đoạn bà kể để bác Thảo ngồi vào cái thúng ở một đầu đòn gánh, mẹ tôi một đầu gánh, còn bác Út khi ấy tầm 7 tuổi chạy lanh quanh bà. Mấy mẹ con vá víu nương nhau theo đoàn người xuôi vào Nam. Bác Thảo và gia đình cư ngụ tại đường Huỳnh Thúc Kháng. Đó là một phần tuổi thơ của tôi, của chị Thu, của chị Thuỷ, của những vòng quay xe đạp cái yên cao nghệu cho mấy chị em tập cho nhau đạp xe, té sứt chảy móng, ngồi bệt xuống lề đường cười nhe răng sún. Áo quần vấy bẩn mà có màn chi đâu.

Con gái thứ ba của bà là mẹ tôi may vá rất khéo khi ấy, nên mẹ thường cặm cụi lựa vải đẹp, cắt may cho bác Út, bác Thảo vài ba cái áo bà ba hay quần lụa. Nhìn ba chị em giọng Bắc ríu rít khen nhau ướm thử áo còn thơm mùi lụa, lần nào cũng vậy, tôi nghe bác Thảo nói với mẹ “Sao dì may vá khéo thế! chị lại vụng, không được như dì” rồi ba chị em cười vui.

Dòng đời trôi, thời cuộc đổi thay cả nhà lại đưa nhau rời đất mẹ bỏ cơ ngơi làm ăn, bắt đầu cuộc sống mới nơi xứ người, gia đình bác Thảo dừng chân nơi thành phố San Jose.

Đôi ba lần qua Mỹ ghé thăm bác, dấu vết thời gian đã hằn trên khuôn mặt già nua nhưng giọng nói Bắc nhỏ nhẹ của Bác thì không lẫn vào đâu được, bác Thảo của tôi vẫn hiền hòa, chân chất vẫn hết lòng lo cho chồng, con, cháu.

Ông trời đã không phụ người hiền lành. Con cháu thành đạt, con làm bác sĩ trưởng giỏi ở bệnh viện lớn hết lòng chăm sóc, chạy chữa khi bác ngã bệnh.

Bác ơi, dẫu biết đời người như bóng câu qua cửa sổ nhưng con Ngọc vẫn muốn góp chung tiếng khẩn nguyện Phật Trời cho bác được phép màu kéo dài sự sống với con cháu, để anh Hiền, Thái, Bé, Hiển, Vinh, chị Đào, Chi, Thuỷ, Nga đừng vội khóc câu “Mẹ già như chuối chín cây. Gió lay mẹ rụng con mồ côi một mình.”

Con nhớ bác Thảo và giọng nói Bắc nhẹ nhàng thân thương, bác còn nhớ con là Ngọc con dì Thân không hả bác? Tiếng máy trợ thở có vặn lại đủ nhỏ để tôi nhờ anh, chị bà con nói hộ với bác rằng, “Con Ngọc thương bác nhiều.”

Mời độc giả xem phóng sự: Dạy thi quốc tịch Mỹ ở Little Saigon

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT