Thursday, April 25, 2024

Lòng tốt để không đúng chỗ!

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St. Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Thưa cô Nguyệt Nga, cách nay năm năm em có mua một căn nhà. Lúc đó người chủ cũ của căn nhà đang cho một gia đình khác thuê và có xin em là cho người đang thuê nhà được thuê tiếp. Gia đình thuê nhà là người Mễ, mới đầu em không muốn vì thấy họ ở đông và quá dơ dáy. Nhưng họ năn nỉ xin thuê tiếp vì con cái đang học gần đây. Em xiêu lòng và đồng ý.

Năm đầu tiên, họ trả tiền nhà rất đàng hoàng, nhưng sang đến năm thứ hai, thì bắt đầu trả tiền trễ, và càng về sau họ càng trả trễ, có khi đến ngày 10 vẫn không thấy tăm hơi. Em đến nhà thì luôn thấy con cái nheo nhóc, mẹ già thì bệnh, họ trình bày hoàn cảnh khó khăn và xin khất, em lại xiêu lòng.

Sau đó lại thêm chuyện, họ ở quá dơ dáy, rác đầy, chai lon thì vất bừa bãi trước nhà, xe thì đậu quá nhiều, có khi trên cỏ. Thành phố gửi giấy phạt một lần, hai lần, rồi nhiều lần… Sau này thành phố không gửi về đó nữa mà gửi thẳng về nhà em. Ban đầu em bắt họ đóng tiền phạt, nhưng họ cứ ỳ ra, thành phố lại tăng tiền phạt, cuối cùng em phải đóng cho xong.

Họ quá dơ đến độ hàng xóm phải gọi lên thành phố; thành phố lại gọi em. Rồi họ tự động làm thêm restroom trong garage để cho một gia đình khác thuê. Thành phố lại gọi. Tình thế này kéo dài đến năm năm. Lần nào em gửi giấy đuổi thì họ cũng có lý do xin hoãn, rằng là mẹ bệnh, đang nằm nhà thương. Các con chỉ còn hai tháng nữa nghỉ hè, cho các cháu học xong niên khóa họ sẽ đi… Họ có một triệu lí do, mà lí do nào nghe cũng rất đau lòng.

Mới đây em chịu hết nổi nên đã gọi cho người bán nhà, mặc dù em không có nhu cầu bán nhà, và biết là nếu bán nó đi sẽ không bao giờ mua lại được. Nhưng cái nhà làm em khổ quá! Mẹ em xót, biểu rằng, “Con buông đi, con ôm rồi bệnh xuống thì đâu cũng vào đó.”

Lúc em thông báo cho họ và gửi giấy hẳn hoi để làm bằng chứng. Họ nói cho họ một tháng để tìm nhà. Em đồng ý nhưng một tháng trôi qua không có gì xảy ra cả. Em đến thì họ không mở cửa, em nhìn vào thì không thấy dấu hiệu gì chứng tỏ họ dọn đi. Em gọi thì họ không bắt phone. Em phải nhờ một cô bạn Mễ gọi nói tiếng Mễ với họ, thì họ cho biết họ đã tìm được nhà và xin em thêm một tháng tiền nhà nữa, tức là cho họ ở free để có tiền đóng chỗ mới thuê thì họ mới đi.

Lại thêm nghe người hàng xóm kể, họ đậu xe lấn qua sân qua nhà hàng xóm, người hàng xóm đi làm về không vào sân được bèn bấm còi thì họ xách súng chạy ra. Bà hàng xóm gọi cho cảnh sát. Cảnh sát trả lời: “Chúng tôi đến ngay, chúng tôi biết nhà đó!”

Em có hỏi luật sư, luật sư nói, việc này phải ra tòa, chờ tòa án xử, có thể kéo đến ba, bốn tháng và trong khoảng thời gian đó họ sẽ được ở free. Thêm nữa, họ lại có con nhỏ nên rất phiền cho mình, luật sẽ bảo vệ người thuê nhà chứ không đứng về phía người chủ.

Em không biết nên cho họ ở free thêm tháng nữa để họ đi, hay là đưa ra tòa, để tốn tiền luật sư và mất thêm bốn tháng tiền nhà? Họ có nói, nếu em thuê luật sư thì họ cũng có luật sư.

Em sợ quá! Có khi nào họ vác súng đến nhà em không?

Như Hảo

*Góp ý của độc giả:

-NB:

Đọc thư em tôi thấy thương em quá đỗi. Sao mà em hiền lành và dễ mềm lòng với người khác đến như thế! Em quyết định rất sai lầm khi đồng ý cho người thuê nhà được tiếp tục ở lại căn nhà em mới làm chủ. Thường khi cho thuê một căn nhà, người chủ nhà phải xem xét, cân nhắc về người muốn thuê nhà mình. Họ có là người tử tế tin cậy được không, họ có công ăn việc làm ổn định, với lương bổng đủ khả năng chi trả tiền nhà đúng hạn hay không hay họ có là người trông có vẻ sống gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ không? Người chủ nhà phải kiểm tra credit score hàng năm của người đứng tên thuê nhà, thậm chí điều tra xem họ có phạm tội hình sự trước đó không. Sau cùng nếu thấy thích hợp, phải làm hợp đồng thuê nhà thật chi tiết, rõ ràng, ghi rõ quyền lợi và nghĩa vụ của chủ nhà và người thuê. Hợp đồng phải có chữ ký đôi bên và phải được công chứng hợp pháp. Em đã bất cẩn bỏ qua những điều này, kể cả việc em đã nhìn thấy họ ăn ở rất dơ dáy, bẩn thỉu.

Người chủ nhà cũ đã rất khôn ngoan, khi bán cái cho em giải quyết những khó khăn liên quan đến gia đình người thuê nhà tệ hại này.

Bây giờ sự việc lỡ rồi, em phải bình tĩnh nghĩ cách giải quyết hợp lý. Em không nên cho họ tiếp tục thuê nhà nữa, dù họ có đưa ra bất cứ lý do gì để biện minh, nài nỉ, van xin dựa vào lòng thương người dễ mềm lòng vì người khác của em. Họ không xứng đáng được hưởng lòng tốt của em, vì họ chưa từng tỏ ra có thiện chí cố gắng giải quyết những nghĩa vụ của họ khi đi thuê nhà, bằng cớ là dù em có đưa ra bất cứ giải pháp nào, họ vẫn không đáp ứng.

Còn với việc em gọi bán nhà để giải quyết dứt điểm, có lẽ đây không phải là giải pháp đúng. Có lẽ chẳng có một ai lại chấp nhận bỏ tiền đi mua một căn nhà mà người thuê nhà vẫn còn ở đó, còn căn nhà thì bị phá nát, dơ dáy. Người đi mua nhà chẳng muốn gặp thêm khó khăn trắc trở và mất thời gian để giải quyết.

Chỉ còn một giải pháp duy nhất là kiện ra tòa. Em hãy kiếm luật sư giỏi nhờ giúp đỡ (phải là luật sư chuyên giải quyết những tranh chấp dân sự). Hãy thu thập những giấy phạt trước đây, những thư em đã gửi cho họ, báo cho họ biết em ngưng không cho thuê nữa. Hãy xin chữ ký của hàng xóm, làm chứng việc họ sống bề bộn, dơ dáy, phạm luật, đến độ cảnh sát còn phải biết về gia đình này.

Luật pháp bênh vực người thuê nhà và trẻ em, nhưng phải là những người tôn trọng luật pháp. Làm sao tòa án có thể bênh vực được người thuê nhà vi phạm hợp đồng, hết lần này đến lần khác, vi phạm luật lệ thành phố, đến độ hàng xóm và cảnh sát cũng biết. Em hãy can đảm, vững tin là luật pháp luôn luôn đứng về phía người sống tử tế và tôn trọng luật pháp. Đừng khoan nhượng với bất cứ yêu cầu nào, đừng e dè, sợ hãi với những dọa dẫm của họ (hãy báo cho cảnh sát, nếu thấy không an toàn). Hãy chấp nhận tốn kém, coi đây chính là sự trả giá cho bài học đời của mình sau này.

Chúc em sức khỏe, bình tĩnh, sáng suốt, may mắn, thắng lợi.

-Thùy Ly:
Đọc thư chị vừa thấy thương vừa thấy bực, thương vì thấy chị hiền lành, hiền lành đến độ nhu nhược. Xin lỗi chị cũng có thể là chị quá bận để giải quyết vụ này cho rốt ráo. Bực vì tôi quá ngạc nhiên khi chị để sự việc này kéo dài đến năm năm. Công nhận chị “can trường” thật! Người ta làm phiền đến độ đó, mà khi nghe họ nói ngon ngọt, cũng cho qua, lạt lòng đến thế là cùng!

Tôi cũng ngạc nhiên và thắc mắc khi chị mua căn nhà, chắc chắn chị phải đến coi căn nhà nhiều lần. Khi ấy chị không thấy gia đình này sống sơ dáy sao? Hay là chị quá mừng vì vừa mua nhà, không cần sửa sang gì cả, đã có người thuê?!. Một lần nữa xin lỗi chị vì tôi gay gắt quá với chị, chẳng qua tôi bực chị đấy.

Thôi mọi chuyện đến nước này, thì mình đừng ngó lui nữa. Chị bước tới đi, nghĩa là chỉ còn một cách là ra luật sư, nhờ luật sư lo cho, và nhớ nha chị, phải tim luật sư chuyên môn. Tôi thật thương chị.

Cầu mong chị gặp nhiều may mắn.

-Tiffany:
“Em phải nhờ một cô bạn Mễ gọi nói tiếng Mễ với họ, thì họ cho biết họ đã tìm được nhà và xin em thêm một tháng tiền nhà nữa, tức là cho họ ở free, để có tiền đóng chỗ mới thuê thì họ mới đi.”

Theo em thì chị nên liều một tháng nữa, nghĩa là tin thêm một lần nữa. Khi họ nói chuyện với một người thứ ba, lại là người Mễ cùng chủng tộc, có thể họ nói thật. Thật ra, chẳng ai muốn ở một căn nhà mà cứ bị chủ gửi giấy đuổi hoài. Khi họ trốn chị, không nhắc phone chị, họ cũng mệt lắm. Thêm vào đó, họ ở một nơi mà hàng xóm láng giềng cứ gọi cảnh sát hoài thì cuộc sống của họ cũng không yên.

Nếu bây giờ chị ra luật sư, chị mất tiền cho luật sư, rồi phải ra hầu tòa, rồi cũng mất 3,4 tháng tiền nhà nữa, sau đó họ có ra đi thì họ cũng phá nát căn nhà của chị. Mà quan trọng hơn hết là suốt trong thời gian đó, chị cũng rất mệt. Chi bằng, chị chơi “game” một tháng nữa, chị cứ đến nói tình cảm với họ, biết đâu họ sẽ ra đi. Như thế mình mất có một tháng tiền nhà, mà khi đi họ cũng ít phá phách hơn.

Trong trường hợp họ vẫn ở lại thì mình đi luật sư. Cứ tận nhân lực đi chị, rồi tri thiên mạng. Mong mọi may mắn đến với chị.
*Vấn đề mới:

Thưa cô Nguyệt Nga, chuyện cũ tôi không muốn nhắc lại, nhưng vì hậu quả của nó vẫn hiện diện trong đời sống của tôi, không những vẫn hiện diện mà nó còn làm tôi xấu hổ, nhói đau nhiều lần nữa.

Ngày xưa, lúc tôi mới 15 tuổi, tôi đã dại dột trao thân cho một anh lính trẻ hành quân qua làng. Lỗi tại tôi, anh ta không hứa hẹn, cũng không ép nài, chỉ tỏ ra săn đón và say đắm vẻ bên ngoài của tôi. Anh ấy không đẹp trai, nhưng quyến rũ và có giọng nói hớp hồn của người miền Bắc. Tôi dân Nam Bộ, nào giờ có nghe tiếng Bắc Kỳ, khi nghe anh thủ thỉ, thế là tôi xiêu lòng. Hậu quả là khi anh rời làng, tôi đã mang bầu một tháng. Tôi chẳng biết anh ở đâu mà tìm. Lúc bấy giờ mẹ tôi chỉ biết khóc, khóc và khóc.

Rồi thì, ba tôi biết chuyện và đuổi tôi ra khỏi nhà. Mẹ tôi đi theo con gái, hai mẹ con xin che một mái tôn bên hông nhà của một người tốt bụng ở làng xa. Tôi sinh con ở đó, ngơ ngáo, dại khờ chẳng biết gì cả. Mọi thứ một tay mẹ tôi đỡ đần. Khi số tiền mang theo cạn kiệt, mẹ tôi xin với ba tôi cho trở về. Ba tôi nghĩ sao đó, rồi bằng lòng cho hai mẹ con về với điều kiện là đứa bé phải gọi mẹ tôi bằng “mẹ” và gọi tôi bằng “chị”, coi như mẹ tôi lượm đứa bé đâu đó mang về nhà.

Cuộc sống tạm ổn lúc về lại nhà. Chỉ là thêm một đứa bé trong nhà, còn ngoài ra sinh hoạt mọi thứ vẫn như cũ. Tôi thôi học, buôn bán phụ mẹ và chăm sóc con. Tôi không thấy khó chịu gì về việc con tôi gọi tôi bằng “chị” và gọi mẹ tôi bằng “mẹ”.

Hàng xóm láng giềng không ai nói gì cả. Thời gian qua đi, tôi lập gia đình và ra riêng, cháu vẫn ở với mẹ tôi. Tôi có nói chuyện với chồng, anh ấy chẳng phiền trách gì, anh ấy hiểu là hồi đó tôi nhỏ dại quá. Anh ấy còn nói khi nào mình khá thì đón con về.

Rồi thì cũng có lúc tôi muốn đón cháu về, nhưng thật bất ngờ, cháu từ chối, nói là muốn ở với “mẹ” (mẹ đây là ngoại) vì mẹ già rồi.

Tôi nài nỉ cháu nhiều lần, cháu tỏ ra bực mình và gằn giọng: “Em” không muốn ở với “chị”. Tôi khóc suốt trên đường về, tại sao lại như thế này!? Tôi yêu thương con như mọi bà mẹ khác, tôi cũng chăm lo cháu, cũng thức đêm, thức hôm khi cháu đau ốm, cũng dắt dìu từng bước khi cháu lớn lên. Chẳng lẽ vì cách xưng hô, mà cháu đã không thương tôi bằng bà ngoại. Rất nhiều lần tôi nài nỉ cháu đổi cách xưng hô, gọi tôi bằng mẹ, nhưng cháu thẳng thừng từ chối, nói “không quen”.

Thưa cô Nguyệt Nga, tôi tha thiết mong cháu gọi tôi bằng “mẹ”, gọi “mẹ hiếu” hay “mẹ hai” cũng được. Tôi mong cô Nguyệt Nga và quí độc giả giúp tôi có được tiếng gọi thâm tình từ miệng con mình. Xin cám ơn!

Hiếu Ng.
*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi: [email protected]

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Bánh lọt nước dừa”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT