Friday, March 29, 2024

Sến súa cùng ‘Duyên Phận’

Ngọc Lan

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

“Bước qua dòng sông hỏi từng con sóng

Đời người con gái không muốn yêu ai được không?…”

Tui nghe và thậm chí lải nhải hai câu này không biết bao nhiêu lần. Đôi khi khá hơn, thì lẩm bẩm thêm “Phận là con gái, chưa một lần yêu ai /Nhìn về tương lai mà thấy như sông rộng đường dài…”

Chỉ bấy nhiêu, không hơn không kém, mà cũng chẳng nhớ vì sao nó đi vô đầu, nó là ở bài nào, ai hát, nghe ở đâu… Cho đến một dạo, chắc cũng phải cả nửa năm rồi, mới biết những câu đó nằm trong bài “Duyên Phận” mà đâu đâu cũng nghe người ta nhắc đến dưới nhiều kiểu cách khác nhau.

Mà cũng là nghe vậy, và cũng chỉ biết có chừng ấy câu. Cho đến hôm rồi về Sài Gòn, trong một lần ngồi trên taxi mới nghe trọn bài hát này. Nghe một cách chăm chú, say sưa và như chợt ngộ ra nhiều điều… Xốn xang. Day dứt.

“Phận là con gái, chưa một lần yêu ai

Nhìn về tương lai mà thấy như sông rộng đường dài

Cảnh nhà neo đơn, bầy em chưa lớn trĩu đôi vai gánh nhọc nhằn

Thầy mẹ thương em nhờ tìm người se duyên

Lòng cầu mong em đậu bến cho yên một bóng thuyền…”

Trong đầu tui thấp thoáng hình ảnh của làng quê – một làng quê nghèo, mộc mạc, buồn đến hiu hắt

Trong đầu tui thấp thoáng hình ảnh của cô gái trong trẻo, ngây thơ, lam lũ, đang chèo chống một con thuyền giữa mênh mông trời nước, chẳng biết đâu là bến là bờ

Trong đầu tui thấp thoáng hình ảnh của người con gái với đôi gánh oằn vai, bu quanh là bầy em nhỏ giương đôi mắt nhìn. Cũng trong trẻo. hồn nhiên. Nhưng nỗi buồn như cũng chứa đầy hai thúng.

“Chưa yêu lần nao biết ra làm sao

Biết trong tình yêu như thế nào

Sông sâu là bao nào đo được đâu

Lòng người ta ai biết có dài lâu

Qua bao thời gian sống trong bình an

Lỡ yêu người ta gieo trái ngang

Nông sâu tùy sông làm sao mà trông

Chưa đổ bến biết nơi nào đục trong”

Tui nghĩ có lẽ tác giả Thái Thịnh phải là người miền Tây, phải gắn bó với sông nước, với con người nơi đây đến dường nào mới có thể lột tả được chất hồn hậu, chân chất đến nao lòng của họ qua những câu chữ đó. Người ta khó mà hình dung ra đây là suy nghĩ của người con gái Bắc hay Trung qua những ca từ trên. Mà cũng không bao giờ là suy nghĩ của những cô gái nơi thị thành. Phải là dân quê. Rất quê. Như cùng quê với Hồ Biểu Chánh vậy. Như cùng cách của ca dao xưa vậy. Mà chính vì chất quê đậm đà đó mà lòng người nao nao. Người ta nhìn thấy cái gì đó mong manh, may rủi trong việc tìm kiếm một tình yêu “Lòng người ta ai biết có dài lâu” – ai có thể trả lời được câu hỏi này, ngay cả người nói tiếng yêu thương?

“Nông sâu tùy sông làm sao mà trông

Chưa đổ bến biết nơi nào đục trong”

Trong đầu tui lại thấp thoáng hình ảnh của người mẹ trẻ ôm đứa con vài tháng tuổi ngồi ăn xin trong phiên chợ đêm lắt lay những hạt mưa khi rả rít, khi đổ dồn, bởi “em có bầu vài tháng, chồng em bỏ đi đâu không về…”, mà tui có dịp nhìn thấy trong chuyến công tác ở Kuala Lumpur vừa rồi…

Tui thích câu “Qua bao thời gian sống trong bình an/Lỡ yêu người ta gieo trái ngang”. Không phải thích theo kiểu tâm đắc, mà là thích vì nhìn ra một sự cảm thông đến vô cùng. Thêm vào đó, có lẽ những câu chuyện liên quan đến chữ yêu nghe được gần đây càng khiến tui như vỡ òa nhiều cảm xúc.

Không yêu, lòng mình bình an lắm. Yêu rồi, níu kéo theo bao nhiêu thứ hỉ nộ ái ố, có khi đến điên đến khùng đến không còn là mình nữa.

“Rồi người ta đến theo họ hàng đôi bên

Một ngày nên duyên một bước em nên người vợ hiền

Bỏ lại sau lưng bầy em ngơ ngác đứng trông theo mắt đượm buồn”

Tui chợt nhớ đâu đó trong bài viết của một người bạn hình ảnh người chị hai đi lấy chồng xa, lâu lâu có dịp trở về thăm nhà, ôm lấy những đứa em thơ mà tắm táp cho nó, mà hỉ mũi cho nó. Đâu đó hình ảnh đứa em nhỏ giương mắt nhìn chị về, ngọng nghịu “khoe” chị chiếc áo đứt nút không người đơm….

“Thầy mẹ vui hơn mà lệ tràn rưng rưng

Dặn dò con yêu phải sống theo gia đạo bên chồng “

Lại phải nói thêm một lần nữa rằng, tui nhìn ra cái chất thuần nông thanh khiết qua hình ảnh “Duyên Phận” của Thái Thịnh, như thấy trước mắt mình hình ảnh của Diệu trong “Lá Sầu Riêng,” Nguyệt trong “Tô Ánh Nguyệt,” và cả những hình ảnh không rõ ràng của những cô gái đi lấy chồng… Đài Loan (?). Lạ lùng vậy đó.

Nhưng, dù có tự hỏi lòng bao nhiêu lần đi nữa về tình yêu như thế nào, về lòng người có dài lâu, dù có hoang mang làm sao đo được sông sâu là bao, nông sâu làm sao… thì cuối cùng, đọng lại vẫn là câu hỏi mang tính nhân bản đến muôn đời: “Đời người con gái không muốn yêu ai được không?”

Thôi thì, biết ra sao ngày sau, âu cũng là “Duyên Phận” – tự ru lòng mình vậy.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT