Thursday, March 28, 2024

Tháng Tư nhớ Ngoại

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected]

Sơn Phạm

Nhớ tới ngoại là nhớ tới tiếng reo hân hoan của mấy anh em khi thấy hình ảnh ngoại tươi cười ngồi trên chiếc xích lô máy hay ba gác máy chạy vô trong xóm, trên đó chất đầy những bao gạo Nàng Hương cùng những thứ trái cây từ vườn nhà ngoại dưới quê như dừa, chuối, những giỏ đệm đầy ắp ổi, mận, nhãn, lê-ki-ma, mãng cầu ta, măng, me, và những xâu bánh dừa, bánh ít ngoại mua tại hai bến bắc Hàm Luông, Rạch Miễu. Sau 1975, nhà tôi vẫn có gạo ăn nhờ vào ruộng ở dưới quê chưa bị tịch thu của ngoại.

Nhớ tới ngoại là nhớ hình ảnh ngoại ngồi trên đi văng chải tóc bằng chiếc lược không cán hình bán nguyệt màu nâu tẩm dầu dừa, rồi búi lên thành một cục to phía sau đầu. Rồi lại nhớ anh em tôi mừng húm khi ngoại rút gói tiền cất trong chiếc áo túi mặc sau áo bà ba để cho đám cháu ngoại mua quà bánh, đồ chơi, hay truyện.

Nhớ tới ngoại là nhớ những đêm háo hức đến nỗi không ngủ được trước ngày về Giồng Luông, quê ngoại, chơi những tháng Hè.  Nhớ những buổi sáng trời còn tối đen như mực, đón xích lô máy từ Phú Nhuận ra Xa Cảng Miền Tây để đáp chuyến xe đò Sài Gòn-Giồng Luông về ngoại.  Nhớ con đường xa vời vợi, qua hai chuyến phà, gập ghềnh đầy ổ gà. Nhớ những cơn ói vì say xe đến lả người, vậy mà khi thấy tấm bảng đề chữ “Giồng Luông – Phú Khánh” từ quốc lộ thì bao nhiêu nỗi mệt nhọc hầu như tan biến.

Nhớ tới ngoại là nhớ tới những buổi sáng sớm cả đám cháu xách giỏ lon ton theo ngoại đi chợ làng, và trở về với những giỏ đầy cá, tôm, bánh trái.  Ăn sáng xong, bọn con trai ra sau vườn kéo tàu dừa rụng về róc lá, phơi khô, rồi bó lại thành từng bó lớn, một phần để chụm lửa, một phần để bán.  Nhớ những buổi trưa, với cây móc dài ngoằng trên vai, lang thang trong vườn nhà ngoại móc ổi, mận, lê-ki-ma, chất đầy cả mấy rổ lớn để ngoại kêu bạn hàng tới bán; hoặc theo chân anh Tự, một thiếu niên trong làng mà ngoại thuê, đi hái dừa, hái cau trong vườn. Nhớ tới những buổi xế chiều, khi nước lớn, xách nước từ mương đổ đầy những chiếc khạp sau nhà, rồi dùng cánh tay xoay tròn để cho phèn lóng xuống, để có nước giặt giũ, tắm rửa.

Nhớ tới ngoại là nhớ tới những buổi trưa hè oi ả thám hiểm Thành Ông Lớn, ngôi nhà bỏ hoang của ông Phủ Kiểng, một cự phú của miền Tây Nam bộ; lê la trên hành lang hay trên sân rợp bóng mát từ những cây me, cây phượng của ngôi trường tiểu học Giồng Luông cổ xưa; hoặc theo chân bầy ngựa, đàn bò lang thang trên bờ đê bao quanh bãi cỏ rộng mênh mông trước trường trung học xã Đại Điền, nơi chúng tôi đá banh cùng bọn trẻ trong làng; hoặc chạy lúp xúp theo chân đoàn lân có ông địa bụng bự và tiếng trống dập dồn từ Phú Khánh đến tận đình làng trong dịp cúng đình.

Nhớ tới ngoại là nhớ tới những món ăn thật lạ với dân Sài Gòn mà ngoại nấu rất ngon như canh cá ép đá, canh bông bí, hay bông bí xào.  Nhớ mỗi tối trước khi đi ngủ là đám cháu ngoại ngồi ra thực đơn của ngày hôm sau cho ngoại, có đứa còn ra thực đơn cho ngày mốt, vậy mà ngoại nhớ hết món của từng đứa.  Món mà tôi thích nhất bao giờ cũng là bánh lá rau mơ và bánh đúc. Bánh đúc qua tới Mỹ thỉnh thoảng được ăn lại, nhưng bánh lá rau mơ, sau 36 năm mới được một bà chị đãi ăn lại trong lần về Việt Nam năm ngoái. Ngoại rất vui mỗi khi chúng tôi về chơi.  Ông ngoại tôi xưa đi kháng chiến chống Pháp rồi mất tích năm 1947; lúc đó, bà ngoại chỉ mới 33 tuổi. Sau khi ông ngoại mất, ông chú, em ông ngoại, xin phép ngoại đưa má và dì Ba, em má, lên Sài Gòn để nuôi ăn học.  Thế là từ đó, ngoại chỉ sống thui thủi một mình với ruộng vườn dưới quê.  Ngoại rất hiền và thương sáu đứa cháu ngoại. Trong suốt thời gian gần ngoại, chỉ có một lần duy nhất ngoại giận và đánh đòn hai thằng em, sau một lần hai đứa suốt mấy ngày trời bỏ ăn trưa, ăn chiều, lê lết dưới trời mưa, bết sình từ đầu đến chân ngoài sân banh để coi mấy đội banh tỉnh Bến Tre thi đấu.

Nhớ tới ngoại là nhớ tới những buổi chiều yên ả có tiếng chim bìm bịp kêu thật buồn vang dài trên con rạch lững lờ sau vườn dừa nhà ngoại; là nhớ tới tiếng chuông chùa Quán Thế  ngân vang trong tịch mịch; là nhớ tới những buổi tối gió biển từ hướng Phú Khánh thổi lồng lộng qua vườn, nhưng trong nhà thì bao giờ cũng ấm cúng với mấy bà cháu quây quần quanh ngọn đèn dầu leo lét với mùi khói từ vỏ dừa khô đốt un muỗi.

Đã hơn bốn mươi năm, nhưng điều tôi nhớ nhất là hình ảnh một buổi sớm ngoại tiễn đám cháu ngoại về lại Sài Gòn sau mấy tháng hè. Gió sớm từ biển thổi vào làm cát bay mịt mù.  Ngoại đứng đó, một tay cầm bó đuốc làm từ lá dừa, một tay đưa lên vẫy vẫy. Xe đò chạy, tôi quay đầu lại, hình dáng nhỏ nhắn, cô đơn của ngoại trong chiếc áo bà ba nâu bạc màu, với chiếc khăn rằn cột sát vào đầu, lập loè trong ánh đuốc, nhỏ dần cho đến khi chỉ còn là một đốm đỏ, rồi biến mất.

(Viết nhân ngày giỗ lần thứ hai mươi của ngoại)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT