Thursday, March 28, 2024

Thư gửi người bạn ân nhân

Huỳnh Văn Công

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Nghiệp thân,

Trên chuyến bay từ Úc về lại Việt Nam để thọ tang Má, tao thật buồn, nằm nhắm mắt nhưng đâu có ngủ được, chuyện quá khứ của thời tuổi nhỏ bắt đầu quay lại, tao nhớ hết đời sống ở quê nghèo lại chiến tranh triền miên.

Tía Má tao một ngày ra đồng phơi nắng dầm sương, một ngày bồng bế con cái, mặt mày tái mét chạy giặc, thế mà vẫn chắt chiu cho con ăn học. Mặc dù các anh em tao không có cơ hội học giỏi bằng người nhưng nhờ được học hành nên có cuộc sống tương đối thoải mái, sung sướng hơn Tía Má tao rất nhiều.

Chưa đền đáp được công ơn như trời như biển của Tía Má thì ngày 30 Tháng Tư, 1975 ập đến. Đối với tao, đây là ngày tận thế.

Tía Má tao tuổi già lưng thì cong, đôi vai thì còm cỏi, lại phải mang thêm một gánh quá nặng nề vì con cháu, đứa thì bị tù đày, đứa thì quay về thất nghiệp, không nhà không cửa, không đủ cơm ăn áo mặc, các cháu thì lang thang nheo nhóc. Kỳ vọng của Tía Má tao, hy vọng của anh em tao đều trôi theo dòng nước nghiệt ngã oan khiên.

Tao nghĩ, nếu được tái sinh thêm mười kiếp nữa cũng không trả nỗi hết công ơn Tía Má. Sau khi Tía mất, dù còn Má, nhưng mỗi lần quay về, bước vào nhà, tao vẫn cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó. Nay Má cũng mất, chắc sẽ không còn niềm cảm giác thiêng liêng luyến nhớ để quay về. Mất Mẹ mất Cha có lẽ sẽ mất cả quê hương mầy ạ!

Thế nhưng, mỗi lần tao suy nghĩ về công Cha nghĩa Mẹ, tao đều thấy phảng phất bóng dáng của mầy. Ngoài tình bạn cao quý, mầy là ân nhân, là vị thánh cứu rỗi cha con tao. Không có mầy lặn lội tìm kiếm tao tận miền quê xa xôi hẻo lánh, không hề biết địa chỉ mà chỉ biết về địa danh của xã, mà xã thì mênh mông, khác nào bóng chim tăm cá, biết đâu mà tìm, vậy mà mầy tìm cho bằng được tao. Thân phận thầy giáo nghèo, còn mang tai ách tù đày, tao không về với đôi nạng gỗ nhưng về với bàn tay trắng, sinh mệnh chính trị đen hơn mõm chó, không có quyền công dân, làm kiếp người vô quốc tịch, vô tổ quốc thì làm gì có vàng mua vé để tìm đường vượt biên.

Nghiệp ơi, không có mầy, cha con tao làm sao lặn lội đến Úc? Nhờ mầy, tao có cơ hội báo hiếu. Nhờ mầy, các con tao được học hành nên người, không bị phân biệt đối xử như trong quê hương của mình chỉ vì tội của người cha để cho thua cuộc.

Sau ngày Má mất, trong sâu thẳm tận cùng của phiền não và cô đơn, tao thấm thía thêm về độ qua mau của năm tháng, về sự ngắn ngủi của đời người, về bất thường và vô thường. Mới đây tao đã mồ côi Cha Mẹ. Mới đây tao đã là cụ già trên 70.

Tao và mầy ở vào cái tuổi mà bất cứ lúc nào cũng có thể nằm xuống hết, không phải bi quan đâu, nhưng đó là thực tế. Trong tình bạn thân thiết, xin mầy cho tao 3 tấm hình: 1 tấm của mầy, 1 tấm của chị Minh, 1 tấm vợ chồng mầy chụp chung. Hãy lựa những tấm hình mà mầy và chị Minh vừa ý nhất. Trước mắt, tao sẽ rửa lớn ra để treo ở nhà tao và nhà các con tao. Khi tụi mình qua đời, hình vợ chồng mầy và vợ chồng tao sẽ để cùng chung trên một bàn thờ. Tao biết tính mầy không thích hình thức màu mè nầy, nhưng tao nghĩ, đây là nghi thức, nghi lễ về tình nghĩa cao quý của con người cần phải gìn giữ.

Ăn trái thì phải nhớ kẻ trồng cây. Uống nước thì phải nhớ nguồn. Mọi dân tộc trên khắp thế gian đều trân trọng tình cảm nầy. Treo một bức hình không ý nghĩa gì cả nếu mình vô tâm, nhưng đối với tao thì khác. Tao coi bức hình như là một kỷ vật, ngoài ra, nó còn là dụng cụ thính thị về phương diện giáo dục, để nhắc nhở hàng ngày cho con cháu về ân nghĩa. Nên nhớ, chữ hiếu cũng phát xuất từ triết lý ân nghĩa nầy, thọ ân Cha nghĩa Mẹ thì phải ghi nhớ và phải tìm cách báo đáp. Trong gia đình không sống với nhau bằng tình nghĩa sẽ biến gia đình thành địa ngục. Sự giao tiếp của con người mà không có tình nghĩa thì sẽ không bao giờ có tình bạn, tình yêu. Tình nghĩa chính là chìa khóa để mở cửa vào con đường hạnh phúc.

Tao đọc một cuốn sách nói về cuộc đời của bà Giang Thanh, vợ của lãnh tụ Trung Cộng, Mao Trạch Đông. Cuối cuốn sách kết luận, bà Giang Thanh xuất thân từ gia đình nghèo khổ, thọ ơn không biết bao nhiêu người, nhưng khi được làm vợ Mao Trạch Đông thì ơn không bao giờ nhớ mà thù thì không bao giờ quên.

Mầy và tao đều không bao giờ muốn cho con cháu mình sống giống như bà Giang Thanh. Trong tình bạn thân thiết, mầy hãy giúp tao giáo dục các con cháu về ân nghĩa, về tình nghĩa. Tao mà quên ơn mầy thì làm sao tao dạy các con tao về ân nghĩa. Tao thường nói với các con tao, ngoài ông bà nội, ông bà ngoại, nếu không có bác Trần Bá Nghiệp thì cha con chúng ta không có được như ngày hôm nay, các con hãy coi hai bác như cha mẹ vậy.

Vợ chồng mầy tương đối ổn định về mọi mặt, tao không có cơ hội nào để báo đáp. Thôi thì hãy cho tao hình để cha con tao luôn thấy vợ chồng mầy bên cạnh và để mãi mãi nhớ ơn mầy. Đây cũng là một trong những niềm hạnh phúc và an ủi lớn lao của gia đình tao.

Cám ơn mầy thật nhiều.

Huỳnh Văn Công

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT