Friday, April 19, 2024

Tiểu thuyết và đời thực

Ngọc Lan

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Đến một lúc, tôi bỗng cảm thấy “dị ứng” với những truyện ngắn, truyện dài kiểu “ngôn tình.” Đơn giản thôi, sự va chạm, tiếp xúc với vô số những mảnh đời, lắng nghe vô số những câu chuyện với đủ mọi cung bậc hỷ nộ ái ố, đã cho tôi biết, rằng thì là, đời sống thực có những câu chuyện hay gấp vạn lần những sáng tác bằng trí tưởng tượng của những người không đi bằng chân trên mặt đất.

“Sài Gòn đầu thập niên 80, trong cơn chạy ăn từng bữa, có người đàn ông bỏ lại người vợ cùng 5 đứa con đang tuổi loi nhoi lúc nhúc để săn tìm những cuộc tình mới. Vào một ngày nắng lên, có người phụ nữ từ quê vào, mang theo thằng con trai bằng tuổi Nó, đứa con áp út trong gia đình thiếu cha kia, nói rằng: Đó là con rơi của ba nó. Ngoài quê khổ quá, người phụ nữ muốn gửi đứa con cho mẹ Nó nuôi dùm.
Mẹ Nó từ chối. Bởi, gánh nặng trên vai bà đã oằn.
Ở tuổi lên 8, Nó giương đôi mắt nhìn thằng bé kia ra đi bằng nỗi xốn xang khó tả.
Mười năm sau.
Khi anh hai Nó đã có thể góp thêm bàn tay với mẹ Nó mua thêm bao gạo, bó rau, lạng thịt, thì cũng là lúc tự anh bôn ba về quê tìm lại thằng em cùng cha khác mẹ mang về để cùng có rau ăn rau có cháo ăn cháo
Nhưng
Thằng nhỏ đã chết hai tháng trước đó.
Vì nghèo? Vì đói? Vì bệnh? Nó không biết.
Chỉ biết rằng, từ giờ phút đó, Nó tự hứa với lòng cho dù mai sau này có ra sao, Nó cũng không bao giờ để cho bất kỳ đứa con nào của Nó thiếu cha, dù rằng Nó không bao giờ tha thứ cho ba Nó.
Và Nó giữ lời hứa đó, dù có lúc, những nghiệt ngã của cuộc đời quật vào Nó những đòn chí mạng, Nó vẫn bằng mọi cách bảo bọc cho đứa gọi nó bằng ba có được những bình an mà Nó có thể.”

“Chị và anh yêu nhau, dễ chừng cũng 5 năm có lẻ. Thời gian đủ để cả hai chuẩn bị cho một đám cưới trong niềm trông mong của hai họ.
Đùng một cái
Mẹ anh ngã bệnh. Tai biến. Liệt người.
Các anh chị anh đều đã yên bề gia thất. Chỉ còn mỗi anh.
Đám cưới được hoãn lại, không thời hạn.
Anh dành toàn bộ tâm sức còn lại chăm sóc cho mẹ, mong mẹ còn sống được ngày nào vui ngày đó.
Vậy mà, 10 năm ròng rã trôi qua cho đến ngày mẹ anh về với đất.
Chị vẫn ở vậy, chờ. Và đám cưới đã diễn ra.”

“Chồng đi vượt biên. Chị ở lại trông 2 đứa con thơ, chờ 10 năm sau cả nhà mới được đoàn tụ.
Niềm vui sum vầy chưa trọn, thì chị phát hiện ra anh đã có người phụ nữ khác.
Một mình chị lại ôm con, vừa làm mẹ vừa làm cha.
Nỗi buồn đơn lẻ chia kịp ngậm nhấm thì con trai chị lại bị tai nạn khủng khiếp: phải sống đời bán thân bất toại ở tuổi 18.
Chị tiếp tục gồng mình chèo chống chăm sóc con, giúp nó vượt qua những cơn khủng hoảng tinh thần, những cơn đau thể xác.
18 năm trôi qua như thế, một tay chị nâng đỡ, lo từng miếng ăn giấc ngủ, vệ sinh, tắm táp cho đứa con bất hạnh.
Nó trở thành niềm vui của chị, của con.
Rồi nó qua đời.
Chị hụt hẫng, đau đớn. Căn nhà đã trở nên lạnh lẽo. Dẫu biết, từ đấy chị có thể hưởng một cuộc sống nhàn nhạ hơn sau ngần ấy năm theo con bên giường bệnh.
Ngày đám giỗ đầu tiên của đứa con trai thân yêu vừa trôi qua, chị trở về trong một cảm giác ớn lạnh.

Chị bị tai biến. Liệt nửa người.
Không biết có cuộc đời nào bất hạnh hơn cuộc đời của người mẹ này không?”

Công việc của một người làm báo đã cho tôi cơ hội để lắng nghe những câu chuyện thực đến không thể thực hơn như thế, và nó hay, nó đẹp đến vô cùng những ý nghĩa nhân bản ở đời.

Đó cũng là lý do vì sao tôi bỗng cảm thấy nhạt thếch cho những câu chuyện được viết bằng tưởng tượng ngày càng đầy ra trên đủ mọi trang mạng, mà chỉ cần đọc đôi ba dòng, đã đoán được kết thúc cho những tâm tình sáo rỗng.

Mời độc giả xem chương trình dạy nấu ăn “Tôm kho tàu gạch đỏ au”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT